Với nền tảng hiện có, với truyền thống đoàn kết, gắn bó và những bài học kinh nghiệm quý báu trong suốt chặng đường đã qua, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và phát triển hệ thống ngân hàng Việt Nam vững mạnh, ngang tầm khu vực và thế giới, xứng đáng với niềm tin, trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Huyền thoại con đường tiền tệ
Ngày 6/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, tiền thân NHNN Việt Nam ngày nay, đã mở đầu một thời kỳ lịch sử cho sự phát triển của nền tiền tệ độc lập.
Nhìn lại 69 năm qua, ngành Ngân hàng Việt Nam rất phấn khởi và tự hào về những thành tích, đóng góp của Ngành đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, giành độc lập và thống nhất Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ quốc gia đầy cam go và khốc liệt cũng như trong những năm tháng hòa bình, ngành Ngân hàng đã từng bước khắc phục những khó khăn trong thời chiến, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chiến lược quan trọng của Ngành trong việc xây dựng hệ thống tiền tệ - ngân hàng ngày một vững mạnh. Qua đó đóng góp nguồn tài lực cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc; huy động và phân bổ có hiệu quả nguồn vốn trong và ngoài nước; từng bước ổn định giá trị đồng tiền, cải thiện đời sống của nhân dân.
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Nhiều thế hệ cán bộ ngân hàng đã nêu cao phẩm chất cách mạng - cần, kiệm, liêm, chính; nỗ lực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của Ngành. Trong suốt quá trình phấn đấu gian khổ đó, đã có hàng vạn tấm gương sáng ngời chủ nghĩa cách mạng trong phong trào thi đua yêu nước của ngành Ngân hàng, có hàng trăm cán bộ ngân hàng đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên nhiều mặt trận... Biểu dương những thành tích của ngành Ngân hàng trong suốt những năm qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, song hành cùng đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ và trên biển, ngành Ngân hàng đã viết nên “Huyền thoại con đường tiền tệ” anh hùng, sáng tạo, quả cảm. Từ khi đất nước được thống nhất, ngành Ngân hàng luôn đóng vai trò là hệ thống huyết mạch cung cấp tín dụng cho nền kinh tế.
Với 69 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Ngân hàng đã nỗ lực triển khai đồng bộ, toàn diện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao, khẳng định được vị thế, vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Chính sách tiền tệ, tín dụng, tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt, nhất quán với mục tiêu kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Hệ thống các TCTD tiếp tục được củng cố, phát triển và đang được cơ cấu lại theo đúng mục tiêu và lộ trình đề ra...
Đặc biệt, trong gần chục năm trở lại đây, NHNN Việt Nam đã có những bước đổi mới căn bản trong xây dựng cơ chế chính sách, chỉ đạo điều hành, thực thi chính sách tiền tệ. Qua đó, hoạt động ngân hàng tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ, tạo lập nền tảng cho định hướng phát triển của hệ thống ngân hàng ổn định, lành mạnh, có sức cạnh tranh, là kênh dẫn vốn hiệu quả trong quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế đất nước. Những kết quả đạt được của ngành Ngân hàng trong thời gian qua đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước, được Đảng, Chính phủ và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Ghi nhận những thành tựu và đóng góp to lớn của ngành Ngân hàng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước đã trao tặng ngành Ngân hàng Huân chương Sao vàng năm 2006; vinh dự 3 lần nhận Huân chương Hồ Chí Minh vì có công lao to lớn, có nhiều thành tích xuất sắc, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc vào các năm 1996, 2011 và 2016...
Huyết mạch của nền kinh tế
Dù thời bình hay thời chiến, ngành Ngân hàng luôn đi tiên phong trên tuyến đầu để hỗ trợ DN, khách hàng vượt qua những giai đoạn khó khăn đồng thời khẳng định vị thế, vai trò huyết mạch trong nền kinh tế và đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Những tháng đầu năm 2020, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã chứng kiến sự bùng phát khủng khiếp của dịch bệnh Covid-19, ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt hoạt động của nền kinh tế - xã hội từ con người, DN, hệ thống NHTM. Trong bối cảnh đó, ngân hàng là một trong những ngành đi đầu trong việc tham mưu ban hành cũng như sớm triển khai các giải pháp chính sách hành động để tháo gỡ khó khăn, giải quyết những vấn đề phát sinh trên thực tế trong hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng vay vốn, như cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất, phí hỗ trợ DN, cá nhân bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Mặc dù mặt bằng lãi suất hiện nay đang khá tốt, nhưng để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thể hiện trách nhiệm với nền kinh tế, Thống đốc kêu gọi các TCTD tiết kiệm tối đa chi phí để có thêm điều kiện hỗ trợ giảm lãi suất cho nền kinh tế, chia sẻ khó khăn với khách hàng vay vốn; chủ động cân đối nguồn vốn xem xét cho vay mới những dự án khả thi tập trung chỉ đạo đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ để tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn.
Thực hiện chỉ đạo của NHNN, các ngân hàng đã triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi với lãi suất giảm từ 1-2,5%/năm để giúp DN có nguồn vốn rẻ duy trì sản xuất kinh doanh… Những biện pháp hỗ trợ kịp thời từ phía các ngân hàng đã giúp DN, người dân khắc phục khó khăn, giảm thiểu tác động của dịch bệnh tới sản xuất kinh doanh cũng như tiếp tục hỗ trợ quá trình phục hồi nền kinh tế trong thời gian tới. Chưa dừng lại ở đó, toàn ngành Ngân hàng đã ủng hộ hàng trăm tỷ đồng phòng chống dịch Covid-19 với mong muốn chung tay cùng Đảng, Nhà nước có thêm nguồn lực để tăng cường các biện pháp phòng, chữa bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân.
“Ngành Ngân hàng là một trong những bộ, ngành triển khai tích cực nhất các chính sách hỗ trợ người dân, DN, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra trong khi bản thân họ đang chịu những tác động không hề nhỏ lợi nhuận sụt giảm mạnh, nguy cơ nợ xấu gia tăng... Mặc dù vậy, hệ thống ngân hàng vẫn rất trách nhiệm chia sẻ bằng các chính sách hành động”, một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính nhìn nhận.
Nhìn về tương lai, trong bối cảnh đất nước đã hội nhập sâu rộng, tình hình thế giới biến động phức tạp, khó lường và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng nhấn mạnh, nhiệm vụ đối với ngành Ngân hàng trong thời gian tới rất nặng nề, cơ hội và thách thức luôn đan xen, đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Ngành cần phát huy hơn nữa bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần chủ động, sáng tạo, tính liên kết hệ thống để tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức.
Năm 2020 là năm cuối cùng của nhiệm kỳ để thực hiện những nội dung đã đặt ra trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02… Trên cơ sở chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, NHNN tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần kiểm soát lạm phát dưới 4%. Tăng trưởng tín dụng hiệu quả, an toàn; tập trung tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, đáp ứng nhu cầu vốn hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Một nhiệm vụ nữa ngành Ngân hàng tập trung triển khai là tiếp tục thực hiện quyết liệt và hiệu quả việc cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đặc biệt là các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao; xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động của các TCTD. Khẩn trương triển khai các giải pháp tăng vốn điều lệ cho các NHTM Nhà nước.
Song song với đó, ngành Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công, bảo đảm an toàn, hiệu quả, an ninh, bảo mật. Đổi mới và hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm phát triển dịch vụ ngân hàng số, thanh toán số...
Thống đốc tin tưởng rằng, với nền tảng hiện có, với truyền thống đoàn kết, gắn bó và những bài học kinh nghiệm quý báu trong suốt chặng đường đã qua, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và phát triển hệ thống ngân hàng Việt Nam vững mạnh, ngang tầm khu vực và thế giới, xứng đáng với niềm tin, trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Theo Thời báo Ngân hàng13.11.2024
30.10.2024