20.12.2013 09:01

Kéo dòng vốn ngoại vào nông nghiệp

Ở các nước phát triển, bên cạnh xu hướng hình thành những tập đoàn kinh tế lớn thì việc phát triển các hình thức kinh tế hợp tác là nhu cầu không thể thiếu. Đối với các nước đang phát triển, nhất là những nước nghèo có nền sản xuất nông nghiệp, trình độ dân trí chưa cao thì vấn đề này là một tất yếu khách quan. 

Thực tiễn những kết quả đạt được của các Qũy tín dụng nhân dân (QTDND) trong nhiều năm qua khẳng định vai trò của hệ thống tín dụng hợp tác đối với địa bàn nông nghiệp, nông thôn: chính các QTDND là một yếu tố kinh tế quan trọng, góp phần nâng cao đời sống, cải thiện thu nhập và tạo điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình ở các vùng nông thôn, khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống, đem lại ổn định trật tự chính trị - xã hội.

Ở những nơi có QTDND, người dân sẽ thuận lợi hơn trong việc mở mang dịch vụ, ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo công ăn việc làm, xoá đói giảm nghèo…



Thực tiễn cho thấy, mô hình QTDND đã phát huy được tinh thần nội lực của người dân để tự giải quyết các khó khăn, vướng mắc của chính bản thân họ, đồng thời thực hiện có hiệu quả các chương trình tiết kiệm, huy động tiềm năng trong dân để phục vụ cho đầu tư tại chỗ, tận dụng được nguồn vốn nhàn rỗi trong cộng đồng dân cư. Nguyên tắc “3 tại chỗ” (huy động tại chỗ; cho vay tại chỗ; kiểm tra, giám sát, quản lý tại chỗ), “4 đi cùng:” (cùng mục tiêu, cùng tham gia quản lý, cùng chia sẻ trách nhiệm, cùng hưởng lợi) được các QTDND áp dụng linh hoạt và phát huy lợi thế.

Tuy nhiên, những năm vừa qua, do tác động của suy thoái kinh tế thế giới, kinh tế trong nước cũng chịu không ít ảnh hưởng, đồng thời cũng đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động của QTDND. Hệ thống QTDND tiềm lực tài chính còn nhỏ, hoạt động nhỏ hẹp trong phạm vi xã, phường, thị phần còn hạn chế, do đó việc huy động vốn gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình đó, bên cạnh nguốn vốn huy động trong nước, Ngân hàng Hợp tác đã tích cực chủ động trong việc tìm kiếm các cơ hội hợp tác quốc tế, kiên trì và sáng tạo trong quá trình xây dựng và đàm phán dự án để ký kết được những dự án có tính khả thi cao và thuận lợi cho quá trình triển khai sau này.

Ngân hàng Hợp tác đã tranh thủ được sự ủng hộ mạnh mẽ của các tổ chức tài chính quốc tế và nhận được sự trợ giúp to lớn về hỗ trợ kỹ thuật, phát triển thể chế, đầu tư tín dụng để có nguồn vốn cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn với lãi suất thấp, thời hạn dài nhằm giảm chi phí cho người dân.

Để triển khai thành công các Dự án, Ngân hàng Hợp tác đã chú trọng đào tạo cán bộ làm dự án về chuyên môn nghiệp vụ và các kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, tin học… phân công bố trí sắp xếp cán bộ hợp lý, đảm bảo tính liên tục, tính kế thừa nhằm đảm bảo quá trình triển khai các dự án được suôn sẻ.

Quỹ tín dụng Trung ương trước đây, nay là Ngân hàng Hợp tác đã ký kết được nhiều Dự án tín dụng quốc tế như: Dự án Tín dụng nông thôn ADB 1457, Dự án Tài chính doanh nghiệp nông thôn ADB 1802, Dự án phát triển cây chè và cây ăn quả ADB 1781, Dự án Tài chính nhà ở ADB 1990, Dư án phát triển biogas ADB 2513, Dự án phát triển nông nghiệp carbon thấp ADB 2968 , Dự án Tài chính nông thôn II của WB, Dự án hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ của JICA, Dư án hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân ở nông thôn của AFD, Chương trình tài chính vi mô Tây Ban Nha của AECID…

Các dự án tín dụng này được Qũy tín dụng Trung ương trước đây, nay là Ngân hàng Hợp tác hoặc cho vay trực tiếp khách hàng hoặc cho vay bán buôn cho các QTDND theo các đối tượng và quy định đã thống nhất với các đối tác. Ngoài ra, các đối tác cũng thường yêu cầu Qũy tín dụng Trung ương/Ngân hàng Hợp tác triển khai một loạt cam kết.

Việc tiếp cận và ký kết hiệp định vay với các tổ chức quốc tế của Ngân hàng Hợp tác đã mang về cho hệ thống một nguồn vốn đáng kể với lãi suất thấp, góp phần nâng cao tình hình tài chính cho các QTDND và thành viên cũng như các hộ nông dân. Qua đó, không chỉ đơn thuần hỗ trợ người sản xuất đầu tiên mà tạo nên một nguồn lực hỗ trợ tổng thể lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Năm 1997 đến nay, Ngân hàng Hợp tác đã tiến hành rút gần 3.000 tỷ đồng từ các dự án quốc tế để giải ngân cho các QTDND hoặc trực tiếp cho khách hàng tại các Chi nhánh. Trong năm 2013 dự kiến, Ngân hàng Hợp tác sẽ giải ngân từ các nguồn Dự án AFD, ADB, WB… thêm khoảng 1.000 tỷ đồng. Dư nợ hiện tại là 2500 tỷ đồng.

Không chỉ khơi nguồn cho dòng chảy tín dụng từ nước ngoài và khu vực nông nghiệp nông thôn trong nước, Ngân hàng Hợp tác đã tìm tòi và tranh thủ dự án trong nước và quốc tế, thực hiện nhiều dự án đào tạo và nâng cao năng lực hỗ trợ kỹ thuật thể chế cho hệ thống.

Ngân hàng Hợp tác đã tổ chức các khóa đào tạo ngắn ngày cho cán bộ các QTDND dưới hình thức tập trung hoặc trực tiếp tại chính QTDND. Phối hợp cùng Hiệp hội QTDND Việt Nam, các cơ sở đào tạo tổ chức đào tạo, bồi dưỡng các nghiệp vụ liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Trong khuôn khổ các dự án với ADB, CODESPA, AFD… Ngân hàng Hợp tác đã tổ chức được hơn 50 lớp đào tạo về Triển khai dự án, Thẩm định tín dụng, Phân tích tài chính, Quản trị rủi ro, Marketing, Kỹ năng quản lý, Pháp luật trong Ngân hàng: với hơn 4.000 lượt cán bộ lãnh đạo và cán bộ của các QTDND…

Ngân hàng Hợp tác cũng tích cực làm việc với tổ chức quốc tế (GIZ – CHLB Đức; WB, ADB…) để hỗ trợ kỹ thuật cho hệ thống QTDND về vấn đề điều hòa vốn, sổ tay tư vấn và chăm sóc thành viên, phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng; Tư vấn về hoạt động kiểm toán; Hỗ trợ hoàn thiện mô hình hoạt động của tổ chức đầu mối Hiệp hội QTDND Việt Nam; Hỗ trợ xây dựng, thiết lập cơ chế hoạt động Quỹ đảm bảo an toàn hệ thống. Dự án DID “Liên kết nông thôn – Thành thị góp phần chống đói nghèo” phát triển sản phẩm chuyển tiền và thẻ ATM; Dự án hỗ trợ kỹ thuật do Quỹ FIRST tài trợ nhằm xây dựng và phát triển Hiệp hội QTDND Việt Nam làm tốt vai trò đại diện, tư vấn và hỗ trợ cho các QTDND hội viên. Dự án dành khoản hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại có tổng giá trị trên 1 triệu USD để hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho QTDND.

Đây là một thành công lớn của Ngân hàng Hợp tác nói riêng và hệ thống QTDND nói chung, thể hiện uy tín, vai trò và tầm ảnh hưởng ngày một lớn của hệ thống đối với quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Những thành công của hệ thống QTDND trong những năm qua là một bằng chứng sinh động về tính đúng đắn của việc phát triển loại hình tín dụng hợp tác ở Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay khó khăn chung của cả Ngân hàng Hợp tác và các QTDND là năng lực tài chính còn nhỏ, công nghệ kỹ thuật còn hạn chế, một số thiết chế an toàn chưa được hoàn chỉnh nên đã tác động đến quá trình phát triển.

Trong những năm tiếp theo, Ngân hàng Hợp tác sẽ tiếp tục triển khai tích cực các dự án đã ký kết, đồng thời tiếp tục tìm kiếm cơ hội hợp tác với các tổ chức tài chính, kỹ thuật quốc tế để nâng cao năng lực thể chế, phát triển sản phẩm dịch vụ, hoàn thiện mô hình tổ chức và khơi tăng nguồn vốn tín dụng trung dài hạn khác về cho Ngân hàng Hợp tác nói riêng và hệ thống QTDND nói chung. 

Trịnh Thảo Tâm

Các tin liên quan