13.12.2017 15:20

Hơn 20 ví điện tử đã được cấp phép tại Việt Nam gồm những tên tuổi nào?

Các loại ví điện tử xuất hiện ngày càng nhiều giúp người dân có thêm lựa chọn hơn khi thực hiện các giao dịch và thanh toán trực tuyến.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, giá trị giao dịch qua ví điện tử năm 2016 đạt 53.109 tỷ đồng, tăng tới 64% so với năm 2015. Dẫu vậy tỷ trọng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán vẫn còn rất lớn khi thói quen dùng tiền mặt của người dân không dễ gì thay đổi trong.

Nhưng hướng tới mục tiêu xã hội không tiền mặt, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án phát triển việc thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Điều này có nghĩa là thời gian tới, thương mại điện tử hay thanh toán trực tuyến sẽ là mảnh đất màu mỡ để phát triển.

Ví điện tử nhiều tiềm năng phát triển

Trong thanh toán điện tử thì ví điện tử cũng là một công cụ thanh toán hữu hiệu. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho hơn 20 ví điện tử được cung ứng các dịch vụ trung gian thanh toán tại Việt Nam. Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, sự ra đời cũng như có mặt của các ví điện tử còn chưa xứng tiềm năng. Có nhiều nguyên nhân của hiện trạng này.

Đầu tiên phải kể đến là thói quen dùng tiền mặt vẫn chưa thay đổi. Tiếp theo là vấn đề bảo mật cũng khiến nhiều người chưa tin tưởng sử dụng ví điện tử. Ngoài ra, tuy Việt Nam có nhiều ví điện tử nhưng lại không gắn với hệ sinh thái nào, chưa có được mạng lưới điểm chấp thuận thanh toán rộng khắp để đáp ứng các nhu cầu khách hàng.

Trong khi các ví điện tử Việt vẫn đang loay hoay với các khó khăn đó thì sắp tới những cái tên như Alipay, Wechat Pay sẽ từng bước thâm nhập vào Việt Nam và sở hữu nhiều ưu thế hơn khi có hệ sinh thái rộng khắp, điểm chấp nhận thanh toán ở nhiều quốc gia, … Điều đó dự báo cho thị trường thanh toán điện tử sẽ có sự cạnh tranh gay gắt trong thời gian tới và đó vừa là cơ hội vừa là thách thức rất lớn cho các ví điện tử Việt.

10 loại ví điện tử đang ngày càng phổ biến

Đến nay trên thị trường có hơn 20 ví điện tử, tuy nhiên trong số đó chỉ có vài cái tên được dùng nhiều và phổ biến trên thị trường.

Momo

Momo là một ứng dụng thanh toán thông minh thuộc công ty CP Dịch vụ Di động trực tuyến – M_Service. Cho đến nay, ứng dụng ví Momo được coi là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực thanh toán di động tại Việt Nam khi có tới hơn 5 triệu người dùng, đối tác với 12 Ngân hàng và thẻ quốc tế. Trong năm 2016, Momo nhận được một khoản đầu tư khủng 28 triệu đô từ Standard Chartered và Goldman Sachs để phát triển sản phẩm.

Bankplus

Bankplus là dịch vụ ngân hàng di động không còn xa lạ với nhiều người. Ra mắt lần đầu tiên vào năm 2009 với hình thức một ứng dụng được tích hợp vào SIM điện thoại, dịch vụ BankPlus do Viettel phối hợp với MBBank triển khai cho phép người dùng có ngay một tài khoản Bankplus để thực hiện các giao dịch như tra cứu số dư ,lịch sử giao dịch, nộp/rút tiền, chuyển tiền , ví điện tử, thanh toán hóa đơn, nạp tiền cho thuê bao di động trả trước của Viettel, và thanh toán các loại hóa đơn khác…

Ví Việt

Thẻ phi vật lý Ví Việt (gọi tắt là Ví Việt) do Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) phát hành giúp người dùng có thể giao dịch và thanh toán qua internet, smartphone; đã được NHNN cho phép triển khai kinh doanh dịch vụ từ tháng 8/2016. Với ưu thế được phát hành bởi LienVietPostBank, Ví Việt sở hữu mạng lưới quầy giao dịch lớn, phủ rộng và gây dựng được lòng tin của khách hàng.

Lãnh đạo LienVietPostBank kỳ vọng đến cuối năm 2017 sẽ có khoảng 2,5 triệu khách hàng mở tài khoản Ví Việt và hơn 10.000 điểm chấp nhận thanh toán.

VTC pay

Ra đời từ năm 2010, VTC pay cũng là một trong những ví điện tử phổ biến hiện nay, là sản phẩm của Công ty VTC Công nghệ và Nội dung số VTC Intecom. VTC pay hiện đang tập trung khai thác các mảng dịch vụ chính như thanh toán hóa đơn, nạp thẻ điện thoại, nạp thẻ game, đặt vé máy bay trực tuyến,… Ngoài ra, VTC pay còn cung cấp dịch vụ thẻ Mastercard ảo hỗ trợ thanh toán giao dịch quốc tế.

Moca

Moca là một tên tuổi mới trên thị trường thanh toán điện tử, được chính thức đưa vào hoạt động vào tháng 2/2016 nhưng đã sớm được đánh giá cao. Theo đánh giá của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Moca là công ty Fintech mang đến ứng dụng thanh toán mới, với phương thức thanh toán hiện đại thay thế cho cách chi trả tiền mặt truyền thống vốn nhiều rủi ro và bất cập tài chính di động tại Việt Nam. Hiện Moca có 8 đối tác ngân hàng, với khoảng 4.000 điểm chấp nhận thanh toán, chủ yếu trong lĩnh vực tiêu dùng, giao thông vận tải, giáo dục, nhà hàng, thời trang.

WePay

WePay thuộc Công ty Cổ phần VC Corp, có các tính năng như những mô hình thanh toán phổ biến trên thế giới như Paypal, 2checkout,… có cải tiến, bổ sung về chức năng, giao diện để phù hợp với văn hóa và thói quen sử dụng ở thị trường Việt Nam. Tiền thân là sohapay, WePay được kỳ vọng mang lại sức thúc đẩy mạnh mẽ cho việc phát triển các giải pháp thanh toán điện tử hiện đại không dùng tiền mặt tại việt Nam, đưa nền Thương mại điện tử trong nước vươn lên tầm quốc tế.

Bên cạnh yếu tố tiên quyết về bảo mật, an toàn, WePay còn cung cấp cho khách hàng dịch vụ tiện lợi và thân thiện, đáp ứng đầy đủ các tính năng của những mô hình thanh toán phổ biến như Paypal, 2checkout,… có cải tiến, bổ sung về chức năng, giao diện để phù hợp với văn hóa và thói quen sử dụng ở thị trường Việt Nam.

Với nhiều ưu điểm vượt trội, tính đến nay, đã có hơn 1.000 doanh nghiệp tại Việt Nam lựa chọn công cụ thanh toán điện tử của WePay. Đã có trên 20 triệu giao dịch thanh toán điện tử được thực hiện thành công nhờ WePay, với tổng giá trị lên tới hơn 2.200 tỷ đồng. Cổng thanh toán này cũng đang có tốc độ tăng trưởng cao đáng kinh ngạc, hơn 120%/năm.

Zalo Pay

ZaloPay là ứng dụng thanh toán di động với tác tiện ích như chuyển tiền, trả tiền, rút tiền, nạp tiền điện thoại, thanh toán hóa đơn trực tuyến. Ứng dụng này thuộc sở hữu của Công ty TNHH Zion thuộc Tập đoàn VNG. Được tích hợp với cộng đồng 70 triệu người dùng ứng dụng Zalo, Zalo pay phát triển nhanh chóng và có ưu thế khá lớn trong việc tham gia vào thị trường.

Payoo

Payoo là ví điện tử quốc tế, có thể hỗ trợ thanh toán nội địa và cả quốc tế, sản phẩm của Tập đoàn Dịch vụ Trực tuyến VietUnion. Một trong những ưu điểm của loại ví điện tử này là bên cạnh việc thanh toán bằng internet banking, quầy giao dịch ngân hàng, người sử dụng còn có thể thanh toán hóa đơn trên chính trang web của Payoo, giúp cho việc thanh toán trở nên thuận tiện và tiết kiệm được thời gian. Tính đến cuối năm 2016, Payoo đã liên kết đến hơn 6.000 điểm thanh toán trên toàn quốc thông qua hầu hết các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, điện máy, điện thoại, viễn thông.

Ngân lượng

Đây là dịch vụ thanh toán trực tuyến cho thương mại điện tử tại Việt Nam, nằm trong nhóm đi sớm nhất cả về thị trường, người dùng và giao dịch, thuộc công ty Cổ phần Ngân lượng. Ngân lượng đang là một trong những loại ví điện tử được đánh giá cao về các sản phẩm, dịch vụ, độ phủ thị trường, lưu lượng thanh toán.

VnMart

Ví điện tử VnMart ra đời năm 2008 là sản phẩm của Công ty cổ phần giải pháp thanh toán Việt Nam (Vnpay). Vnmart có hai loại ví, ví dành cho cá nhân và doanh nghiệp. Ví điện tử Vnmart cá nhân được sử dụng để mua hàng hóa, dịch vụ và thanh toán các dịch vụ trực tuyến trên các website, còn ví điện tử Vnmart doanh nghiệp được sử dụng để quản lý việc bán hàng hóa, dịch vụ cho các khách hành thực hiện thanh toán trực tuyến bằng ví điện tử Vnmart.

Và những cái tên khác

Ngoài 10 Ví điện tử phổ biến kể trên còn rất nhiều loại ví điện tử khác hiện có trên thị trường như 1Pay, Bảo Kim, Vimo, Mobivi, eDong, Ví FPT, eMonkey, Pay365, TopPay…

Và trên thị trường, ngoài các ví điện tử được phát hành hướng tới toàn bộ người dùng trên thị trường như Momo, Ví Việt, Moca, VTC Pay, WePay, Payoo, ….thì còn có nhiều ví điện tử phục vụ chính cho nội bộ và lượng khách hàng hiện đang sử dụng sản phẩm của họ, đặc biệt là các ví điện tử tập trung lĩnh vực game như Toppay, Airpay, Apotta,… 

Theo Nhịp sống kinh tế

Các tin liên quan