28.12.2020 14:23

Hội nghị triển khai nhiệm vụ Ngân hàng năm 2021

Ngày 26/12, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị Triển khai nhiệm vụ Ngân hàng năm 2021. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các ban, bộ, ngành; lãnh đạo NHNN dự hội nghị

Dự hội nghị có Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng; Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Huỳnh Tấn Việt; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo địa phương, lãnh đạo các Đoàn Đại biểu Quốc hội.

Về phía ngành Ngân hàng có Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng; Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn; lãnh đạo các đơn vị, vụ, cục, NHNN các chi nhánh, các NHTM...

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã thay mặt Ban cán sự Đảng, Ban lãnh đạo NHNN bày tỏ niềm vinh dự, vui mừng và trân trọng cảm ơn đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các ban, bộ, ngành và địa phương đã tới dự hội nghị.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2020, bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, căng thẳng thương mại giữa các nước gia tăng. Năm 2020 là năm đại dịch Covid-19 bùng phát, lan rộng và tác động nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Chưa bao giờ Chính phủ, các cơ quản quản lý và NHTW các nước lại thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ, chưa từng có tiền lệ, với quy mô lớn, hàng nghìn tỷ USD để vực dậy nền kinh tế. Theo đánh giá của Quỹ tiền tệ quốc tế, thế giới đang chứng kiến cuộc khủng hoảng kinh tế hoàn toàn khác với các cuộc khủng hoảng trước đây.

Ở trong nước, cùng với tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ xảy ra liên tiếp chưa từng có, gây thiệt hại về người và tài sản, khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân càng gặp nhiều khó khăn. Trước bối cảnh đó, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời có những chính sách đồng bộ, quyết liệt và sáng tạo để vừa phòng, chống dịch, hạn chế đến mức thấp nhất tác động của dịch bệnh, đồng thời kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và phục hồi, duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý. Năm 2020 là năm Mỹ quan tâm tới việc xử lý thâm hụt thương mại với Việt Nam, gần đây Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa Việt Nam cùng Thụy sỹ vào danh sách nền kinh tế thao túng tiền tệ.

 

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội nghị 

Đối với ngành Ngân hàng, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, năm 2020, toàn ngành Ngân hàng đã tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ.

Thứ nhất, xác định tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân chịu tác động của đại dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm của ngành, NHNN đã vào cuộc rất sớm khi đại dịch mới xảy ra. Trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của đại dịch và thiên tai tới hoạt động sản xuất kinh doanh, NHNN đã tập trung tháo gỡ khó khăn về vốn tín dụng, về lãi suất, về phí thanh toán. Đây là những giải pháp thiết thực, đúng thời điểm khi hoạt động sản xuất kinh doanh ngưng trệ, nguồn thu sụt giảm, khó khăn trong vấn đề trả nợ...

Bên cạnh đó, NHNN đã tích cực huy động nguồn lực tài chính quốc tế để hỗ trợ nguồn vốn, hỗ trợ kỹ thuật ứng phó khẩn cấp đại dịch Covid-19, viện trợ không hoàn lại để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ…

Thứ hai, cải thiện môi trường kinh doanh cũng là một nhiệm vụ NHNN hết sức quan tâm, thể hiện qua việc điều hành CSTT góp phần kiểm soát lạm phát ở mức bình quân dưới 4%, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Các công cụ CSTT được phối hợp đồng bộ, hiệu quả, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, tiếp tục mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ quốc gia và củng cố mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam.

Đi đôi với điều hành CSTT để ổn định kinh tế vĩ mô, NHNN tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân. Năm 2020 là năm thứ 5 liên tiếp NHNN đứng đầu trong bảng xếp hạng chỉ số Par Index, từ đó giúp cải thiện môi trường kinh doanh.

 

Thứ ba, hướng tới một hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn và lành mạnh, năm 2020, NHNN tiếp tục chỉ đạo hệ thống các TCTD thực hiện Đề án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu, tăng cường giám sát hoạt động của các TCTD, thường xuyên cảnh báo rủi ro, ngăn chặn khả năng phát sinh vi phạm, từ đó tập trung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm; chỉ đạo các TCTD tăng cường tiềm lực tài chính, thực hiện các tỷ lệ đảm bảo an toàn vốn theo Basel II; thu thập, xử lý và chuyển giao thông tin giao dịch đáng ngờ, góp phần phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh tiền tệ quốc gia và sự an toàn của hệ thống.

Thứ tư, NHNN tiếp tục xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; nghiên cứu, đề xuất triển khai các giải pháp thí điểm các mô hình, công nghệ mới trong lĩnh vực thanh toán, cũng như tăng cường triển khai các giải pháp an ninh, an toàn và bảo mật hệ thống công nghệ thông tin, giảm thiểu rủi ro đối với hoạt động ngân hàng.

Thứ năm, năm 2020 cũng là năm hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng rất hiệu quả, là năm NHNN cùng Bộ Tài chính tổ chức thành công hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTW ASEAN với nhiều nội dung quan trọng, là năm đánh dấu Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Ngân hàng thanh toán quốc tế nhờ năng lực quản trị điều hành của NHNN được nâng cao cùng với thành tựu về kinh tế - xã hội của đất nước ta đạt được trong những năm qua.

Thứ sáu, các mảng công việc khác như hoàn thiện thể chế, quản lý ngoại hối, dự báo thống kê, phát hành kho quỹ… tiếp tục được tăng cường, hỗ trợ cho việc hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ hiệu quả.

"Tôi đề nghị các đồng chí đại biểu trong ngành Ngân hàng tập trung lắng nghe báo cáo tổng kết để phát biểu, đóng góp ý kiến cho Hội nghị. Các ý kiến phát biểu cần tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm của ngành, đánh giá mặt được, mặt hạn chế, nguyên nhân và kiến nghị để đề xuất các giải pháp trong năm 2021", Thống đốc nhấn mạnh.

 

Báo cáo tại hội nghị Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, bám sát chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường trong và ngoài nước, trong năm 2020, NHNN đã điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và ngoại hối, hỗ trợ phục hồi kinh tế trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Ngay khi xảy ra dịch bệnh, NHNN đã chủ động ban hành các văn bản và tổ chức làm việc trực tiếp với các TCTD để yêu cầu rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đối với khách hàng, xây dựng các chương trình, kịch bản hành động của ngân hàng để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

Trên cơ sở đó, NHNN đã ban hành một loạt các văn bản tạo cơ sở pháp lý cho các TCTD hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Trong đó, nhiều văn bản chỉ đạo mang tính đột phá như cho phép các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho khách hàng; yêu cầu các TCTD đẩy mạnh hiệu quả các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng; tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất ở mức tối đa; điều chỉnh giảm 50% phí dịch vụ thanh toán trong nước qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của NHNN từ ngày 01/4/2020 đến hết ngày 31/12/2020...

Chủ động thành lập các Đoàn công tác địa phương do Lãnh đạo NHNN làm trưởng đoàn phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tổ chức 15 Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp để nắm bắt tình hình tác động của dịch Covid-19, lắng nghe ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận chính sách của NHNN.

 

Ông Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng HTX Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội trình bày tham luận về tình hình hoạt động của Ngân hàng HTX Việt Nam & hệ thống QTDND tại hội nghị. Trong đó, có nêu những thành tựu mà Ngân hàng HTX, hệ thống QTDND đã đạt được trong thời gian qua góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương, đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn. Đồng thời, bài tham luận cũng đề cập đến những khó khăn, vướng mắc của hệ thống QTDND và Ngân hàng HTX Việt Nam để từ đó đề xuất những kiến nghị với Chính phủ và NHNN nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống QTDND và Ngân hàng HTX Việt Nam....    

Nhờ triển khai quyết liệt các giải pháp chỉ đạo, điều hành, đến nay điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng đã đạt được những kết quả tích cưc. Đến ngày 18/12/2020, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 12,83% so với cuối năm 2019 và tăng 14,62% so với cùng kỳ 2019. Thanh khoản của hệ thống TCTD thông suốt.

Về điều hành lãi suất, tính chung từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN đã 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với tổng mức giảm tới 1,5-2,0%/năm lãi suất điều hành (là một trong các ngân hàng trung ương có mức cắt giảm lãi suất điều hành lớn nhất trong khu vực); giảm 0,6-1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời chỉ đạo các TCTD tiết kiệm chi phí, giảm mạnh lãi suất cho vay, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên. Nhờ đó, tính đến tháng 11/2020, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 1%/năm so với cuối năm 2019; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm.

NHNN điều hành, công bố tỷ giá trung tâm linh hoạt hàng ngày phù hợp diễn biến thị trường, cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu CSTT. Tỷ giá USD/VND diễn biến phù hợp với điều kiện thị trường và biến động của USD trên thị trường thế giới.

Năm 2020, tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) cũng đạt tốc độ ấn tượng với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt yêu cầu. Đến cuối tháng 10/2020, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt hơn 918,8 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 9,6 triệu tỷ đồng (tăng 123,9% về số lượng và 125,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019); số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt gần 374 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 22,2 triệu tỷ đồng (tăng 8,3% về số lượng và 25,5% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019).

Công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tiếp tục đạt kết quả tích cực. NHNN tiếp tục đứng đầu các Bộ, ngành về chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2019 và là năm thứ 5 liên tiếp đứng đầu trong các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam ở vị trí 25/190 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 7 bậc so với Doing Business 2019 và đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN, thứ 2 trong khu vực Châu Á (chỉ sau Brunei), hoàn thành mục tiêu tăng ít nhất một bậc mà Chính phủ yêu cầu.

Chính những kết quả này đã giúp nâng mức triển vọng xếp hạng các TCTD Việt Nam trong các năm gần đây và trong năm 2020, có 14 NHTM của Việt Nam nằm trong danh sách Top 500 ngân hàng lớn và mạnh nhất Châu Á-Thái Bình Dương và Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) xếp hạng thứ 29/500, tăng 19 bậc so với xếp hạng năm 2017. Đây là những kết quả rất đáng mừng, tạo nền tảng vững chắc cho hệ thống ngân hàng Việt Nam phát triển an toàn, bền vững trong tương lai.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo một số ngân hàng thương mại đã báo cáo một số kết quả hoạt động ngân hàng năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021. 

Theo Thời Báo Ngân hàng

Các tin liên quan