18.08.2010 08:42

Hội nghị phổ biến Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật các tổ chức tín dụng

Ngày 17/8/2010, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật các tổ chức tín dụng dưới sự chủ trì của Đ/c. Đặng Thanh Bình - Phó Thống đốc NHNN. Tham dự Hội nghị có Thủ trưởng các đơn vị, Vụ, Cục thuộc NHNN; đại diện lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng; Giám đốc NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố và Tổng Giám đốc, Giám đốc tổ chức tín dụng (TCTD) có Trụ sở chính từ Thanh Hóa trở ra.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình khẳng định: Thời gian qua, hệ thống pháp luật ngành Ngân hàng đã từng bước được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý quan trọng và động lực mạnh mẽ để thực hiện thành công những nhiệm vụ được giao, góp phần vào công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, năm 2010, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Luật các TCTD, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011. Hai Luật NHNN Việt Nam và Luật các TCTD mới đã kế thừa và phát huy những ưu điểm, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của những quy định hiện hành về tổ chức, hoạt động của NHNN cũng như việc thành lập, tổ chức, hoạt động, kiểm soát hoạt động của các TCTD.
Tại Hội nghị, Đ/c. Vũ Thế Vậc – Vụ trưởng Vụ Pháp chế NHNN đã trình bày những nội dung cơ bản của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16/6/2010. Việc sửa đổi Luật NHNN thực hiện trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo cơ bản là: (i) Luật NHNN phải thể chế hóa được quan điểm, chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước, thể hiện được tính đặc thù của hệ thống ngân hàng Việt Nam, phù hợp với thể chế chính trị của Việt Nam, từng bước thực hiện được mục tiêu, định hướng về phát triển NHNN theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X; (ii) Việc sửa đổi Luật NHNN kế thừa và phát huy những ưu điểm, những quy định vẫn còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn; khắc phục được những hạn chế, bất cập của những quy định hiện hành, bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật Việt Nam và sự hài hòa giữa các quy định của pháp luật liên quan nhưng vẫn tôn trọng đặc thù của NHNN; (iii)Việc sửa đổi Luật NHNN tạo cơ sở pháp lý để nâng cao một bước trách nhiệm, thẩm quyền và tính chủ động của NHNN trong việc sử dụng các công cụ nhằm thực hiện chính sách tiền tệ cũng như giám sát an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng; (iv) Việc sửa đổi Luật NHNN dựa trên yêu cầu tăng cường tính hệ thống, tính thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam, bảo đảm sự thống nhất giữa các đạo luật mới được ban hành với những nội dung sửa đổi, bổ sung, phù hợp với các luật có liên quan, nhằm tạo sự thống nhất chung trong hệ thống pháp luật; (v) Việc sửa đổi Luật NHNN phải phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết và thông lệ, chuẩn mực quốc tế về ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập quốc tế của nền kinh tế nước ta.
Luật NHNN xác định NHNN Việt Nam là cơ quan ngang Bộ của Chính phủ, là NHTW của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. NHNN thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, xây dựng và thực thi chính sách tiền tệ quốc gia, thực hiện chức năng của NHTW về phát hành tiền, ngân hàng của các TCTD. Mục tiêu hoạt động của NHNN là ổn định giá trị đồng tiền, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các TCTD; bảo đảm an toàn, hiệu quả các hệ thống thanh toán; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng XHCN.

Luật NHNN cũng cụ thể hóa vai trò, vị trí của các cơ quan nhà nước trong việc quyết định và thực thi chính sách tiền tệ quốc gia trên cơ sở phù hợp Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ, trong đó quy định cụ thể thẩm quyền và tính tự chủ của NHNN trong việc thực thi chính sách tiền tệ và quyết định sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ.
Luật NHNN khẳng định sự khác biệt về bản chất giữa thanh tra, giám sát ngân hàng với thanh tra hành chính thông thường; mở rộng phạm vi giám sát đối với toàn bộ hoạt động của TCTD, các hoạt động của  công ty con, công ty liên kết của TCTD; thẩm quyền của NHNN trong việc can thiệp, xử lý sớm các TCTD nhằm ngăn chặn kịp thời khả năng đổ vỡ…

Bên cạnh đó, Luật NHNN cũng quy định rõ trách nhiệm giải trình, báo cáo của NHNN trước Quốc hội, Chính phủ và công chúng. Đây là nội dung mới, quan trọng trong hoạt động của NHTW nhằm minh bạch hóa, công khai hóa các quyết định trong điều hành của mình không những với cơ quan cấp trên mà còn với công chúng, thị trường. Ngoài ra, Luật NHNN có những quy định mới về thẩm quyền quản lý nhà nước đối với bảo hiểm tiền gửi, góp vốn thành lập doanh nghiệp, mở tài khoản của Kho bạc Nhà nước…
Cũng tại Hội nghị, Đ/c Dương Quốc Anh – Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trình bày Luật các TCTD số 47/2010/QH12 ngày 16/6/2010. Luật các TCTD năm 2010 khắc phục được những bất cập của Luật các TCTD năm 1997 như vấn đề về quyền tự chủ kinh doanh và tự chịu trách nhiệm của các TCTD; đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính trong lĩnh vực ngân hàng cũng như nhu cầu đa dạng hóa, tính năng động, linh hoạt trong hoạt động kinh doanh của các TCTD… Luật TCTD năm 2010 cũng đáp ứng được yêu cầu của quá trình hội nhập và xây dựng hệ thống các TCTD hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo sự đồng bộ giữa các quy định của Luật các TCTD và các luật khác như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán, Luật Cạnh tranh, Luật Hợp tác xã, Luật Phá sản…
Luật các TCTD 2010 được xây dựng theo hướng điều chỉnh cả tổ chức, quản lý và hoạt động của các loại hình TCTD, trong đó các quy định chung áp dụng cho tất cả các TCTD và các quy định cụ thể áp dụng cho từng loại hình TCTD. Các quy định về quản trị, điều hành, kiểm soát được phân loại theo hình thức pháp lý của TCTD (công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, hợp tác xã); trong khi các quy định về hoạt động của Luật được phân loại theo loại hình hoạt động của TCTD (ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân). Kết cấu Luật TCTD mới giảm bớt được các quy định trùng lặp, đồng thời đảm bảo tính chặt chẽ, logic.

So với Luật các TCTD năm 1997, Luật các TCTD mới quy định cụ thể hơn phạm vi điều chỉnh và bỏ phần quy định về “các tổ chức khác có hoạt động ngân hàng”. Cụ thể, Luật các TCTD mở rộng phạm vi điều chỉnh về thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể của các TCTD. Luật các TCTD thay đổi tiêu chí xác định một tổ chức là TCTD bằng việc thay đổi nội hàm của khái niệm “hoạt động ngân hàng”, bao gồm một trong ba hoạt động: Nhận tiền gửi, cấp tín dụng, cung ứng dịch vụ thanh toán thay cho việc phải đồng thời thực hiện cả ba hoạt động trên.

Nguyên tắc áp dụng Luật các TCTD cũng được xác định theo hướng quy định cụ thể các đặc thù trong việc thành lập, tổ chức, quản lý và hoạt động TCTD; khi có các quy định khác nhau giữa Luật các TCTD và luật khác thì Luật các TCTD sẽ được ưu tiên áp dụng; tùy theo hình thức pháp lý của TCTD, các nội dung không được quy định trong Luật sẽ được thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã.

Bên cạnh đó, so với Luật các TCTD 1997, Luật các TCTD 2010 dành khá nhiều dung lượng cho các quy định liên quan đến quản trị, điều hành của TCTD (60 điều so với 6 điều trong Luật các TCTD 1997). Các quy định này chủ yếu là các quy định được luật hóa từ các quy định của Nghị định 59/2009/NĐ-CP, Quyết định 24/2007/QĐ-NHNN và các văn bản quy phạm pháp luật khác do NHNN ban hành, bám sát 25 nguyên tắc cơ bản về giám sát ngân hàng hiệu quả của Ủy ban Basel nhằm đảm bảo hoạt động của TCTD được an  toàn, hiệu quả. Những thay đổi đó góp phần giảm bớt thủ tục hành chính, nâng cao yêu cầu đối với người quản lý, điều hành của TCTD, khẳng định xu hướng đại chúng hóa các ngân hàng thương mại cổ phần…

Ngoài ra, Luật các TCTD năm 2010 cũng có những thay đổi, bổ sung liên quan đến hoạt động kinh doanh, các quy định về bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng của TCTD, các tỷ lệ đảm bảo an toàn… Việc kiểm soát đặc biệt đối với các TCTD có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán, bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD cũng được quy định đầy đủ, chi tiết hơn và tăng thẩm quyền cho NHNN áp dụng các biện pháp cần thiết khi TCTD được đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD có thời gian để điều chỉnh tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật mới, Luật các TCTD năm 2010 đưa ra các quy định về việc chuyển tiếp đối với các tổ chức đang hoạt động theo hai nhóm: các quy định của Luật mà TCTD phải tuân thủ ngay và Các quy định của Luật sẽ được thực hiện chuyển tiếp trong thời hạn 2 năm hoặc được thực hiện chuyển tiếp theo hướng dẫn của NHNN (đối với các quy định phức tạp cần có lộ trình để tuân thủ).

Theo kế hoạch, trong những ngày tới, NHNN tiếp tục triển khai hai Luật NHNN và Luật các TCTD tại Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh.


Theo NHNN

Các tin liên quan