Ngày 2/2/2007, Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã chính thức phát động cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Hiệp hội QTDND Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.
Thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
Thưa các đồng chí lão thành cách mạng và Mẹ Việt Nam Anh hùng,
Thưa các vị khách quý,
Thưa đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước,
Hôm nay, cùng với đồng bào và chiến sĩ cả nước, chúng ta long trọng kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và phát động cuộc vận động lớn "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
Cùng ôn lại lịch sử vẻ vang
77 năm qua, kể từ ngày thành lập cho đến nay, Đảng ta, Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, trong tư cách người lãnh đạo cách mạng và là người con trung hiếu của Tổ quốc và nhân dân đã không ngừng phấn đấu hy sinh, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn luôn đi đầu trong cuộc chiến đấu của dân tộc vì độc lập tự do và xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc, thực sự là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc.
Vừa mới ra đời, tuy lực lượng còn rất nhỏ bé, Đảng ta đã đi sâu vào các tầng lớp nhân dân, tuyên truyền, vận động, tổ chức và lãnh đạo quần chúng liên tiếp dấy lên ba phong trào cách mạng rộng khắp cả nước, từ cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931 đến cuộc vận động dân chủ 1936 - 1939 rồi sau đó là cao trào cứu nước 1941 - 1945 thể hiện sức mạnh vĩ đại, lực lượng cách mạng to lớn của giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và toàn thể dân tộc Việt Nam.
Mười lăm tuổi, với khoảng 5.000 đảng viên, Đảng đã lãnh đạo nhân dân tiến hành đồng loạt cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám, đập tan ách thống trị của chủ nghĩa thực dân kéo dài hơn 80 năm ở nước ta, giành chính quyền toàn quốc, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra kỷ nguyên độc lập tự do xán lạn của dân tộc. Với thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ : "Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một đảng mới 15 tuổi, đã lãnh đạo thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc".
Tiếp sau đó, liền trong 30 năm, từ 1945 đến 1975, trước mưu toan của chủ nghĩa thực dân cũ, rồi chủ nghĩa thực dân mới gây ra chiến tranh xâm lược hòng áp đặt trở lại ách thống trị của chúng, Đảng ta lại một lần nữa động viên toàn dân tộc đứng lên tiến hành hai cuộc kháng chiến cứu nước long trời lở đất, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, thắng lợi của cuộc kháng chiến thứ nhất, đánh dấu bằng chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ, giải phóng nửa nước và đưa miền Bắc tiến lên trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đúng là : "Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là thắng lợi của các lực lượng hoà bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới". Thắng lợi của cuộc kháng chiến lần thứ hai, kết thúc bằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Như đồng chí Bí thư thứ nhất của Đảng ta đã nói tại Đại hội lần thứ IV của Đảng : "Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc".
Lịch sử vẻ vang của Đảng ta, của dân tộc ta lại được viết tiếp bằng những trang xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ hơn ba thập kỷ nay. Chúng ta vừa khai phá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với thời đại mới, vừa tiến hành việc xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ phù hợp với những đặc điểm của Việt Nam và theo cách thức của Việt Nam. Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, xuất phát từ những sáng kiến và nguyện vọng của nhân dân, là một cuộc trường chinh mới đầy sáng tạo, thể hiện bản lĩnh và trí tuệ của Đảng ta, của dân tộc ta cũng như sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân, theo tinh thần lấy dân làm gốc, vì lợi ích của nhân dân và cùng với nhân dân phấn đấu. Tổng kết 20 năm đổi mới, Đại hội X của Đảng đã rút ra kết luận : "hơn hai mươi năm qua, công cuộc đổi mới ở nước ta đã đạt những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, có sự thay đổi cơ bản và toàn diện...". Đại hội đã đưa ra bức tranh toàn cảnh về những thay đổi đó và khẳng định : "Sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên rất nhiều, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp".
Năm 2006 vừa qua đánh dấu một sự kiện chính trị trọng đại trên đất nước ta : Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng thành công tốt đẹp với việc đưa ra quyết sách chiến lược : đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển trước năm 2010 và tiếp đó, tiến lên cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Năm 2006 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội X, cũng là năm đầu tiên giành thắng lợi toàn diện ngay từ năm đầu một kế hoạch 5 năm mới. Trong năm qua, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, nổi bật nhất là chính trị - xã hội ổn định, kinh tế tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt mức kế hoạch. Về đối ngoại, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới; tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC14; được các nước châu Á thống nhất đề cử làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009 v.v...
Ôn lại chặng đường 77 năm lịch sử vẻ vang của Đảng ta và của cách mạng nước ta, chúng ta có quyền tự hào về những thắng lợi vĩ đại mà dân tộc ta đã giành được trong sự nghiệp độc lập dân tộc, kháng chiến cứu nước cũng như trong xây dựng hoà bình.
Chúng ta có quyền tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh luôn giữ vững bản chất cách mạng và khoa học, trung thành với giai cấp và dân tộc, vững vàng trước mọi thách thức, sáng suốt trong vai trò lãnh đạo của mình.
Chúng ta tự hào về dân tộc ta, nhân dân ta anh hùng và sáng tạo, hết lòng, hết sức đi theo con đường cách mạng, thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ Đảng Cộng sản Việt Nam và trìu mến gọi Đảng là "Đảng ta".
Trong ngày kỷ niệm trọng thể này, chúng ta bày tỏ tình cảm hữu nghị, lòng biết ơn tới các Đảng Cộng sản và công nhân, giai cấp công nhân, nhân dân lao động, các dân tộc yêu chuộng hoà bình và tiến bộ trên thế giới đã và đang dành cho Đảng ta và nhân dân ta sự ủng hộ, giúp đỡ vô cùng quý báu.
Cán bộ đảng viên: đức là gốc
Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Trong khi khẳng định những thành tựu to lớn đã đạt được, chúng ta cũng thẳng thắn thừa nhận rằng trong công tác lãnh đạo của mình, Đảng ta còn nhiều yếu kém và khuyết điểm. Công tác xây dựng Đảng chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Để làm tốt nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân ta xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, tiếp tục phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển như Đại hội X của Đảng đã chỉ rõ, Đảng ta cần "tiếp tục tự đổi mới, tự chỉnh đốn Đảng, tăng cường bản chất giai cấp công nhân và tính tiên phong, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức cách mạng trong sáng, có tầm trí tuệ cao, có phương thức lãnh đạo khoa học, luôn gắn bó với nhân dân".
Đổi mới, chỉnh đốn Đảng, trọng tâm về tư tưởng là giáo dục lập trường giai cấp công nhân, bản chất cách mạng và niềm tin cộng sản, lòng yêu nước, thương dân là điều Bác Hồ đặc biệt quan tâm trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.
Người luôn chăm lo giáo dục, rèn luyện đảng viên về phẩm chất, đạo đức và đặt lên hàng đầu vấn đề "tư cách người cách mạng". Người luôn làm gương và yêu cầu mỗi người, nhất là cán bộ, đảng viên, phải có đạo đức cách mạng, phải kết hợp chặt chẽ phẩm chất và năng lực, hồng và chuyên, đức và tài, trong đó đức là gốc.
Người nói: "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân".
Người đòi hỏi "xây" phải đi đôi với "chống", nâng cao đạo đức cách mạng phải đi đôi với quét sạch chủ nghĩa cá nhân.
Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Bác đã căn dặn cán bộ phải chống những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Bước vào kháng chiến, Người viết "Sửa đổi lối làm việc", trong đó đã nhiều lần nhấn mạnh tới sự cấp thiết phải chống chủ nghĩa cá nhân. Ngày 03-02-1969, nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng, Bác viết bài đăng báo Nhân dân nhan đề "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân". Trong Di chúc để lại cho muôn đời con cháu, Bác căn dặn : "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".
Chủ nghĩa cá nhân là mẹ đẻ của các tư tưởng không đúng
Thực tiễn xây dựng Đảng trong 77 năm qua cho thấy rõ: trong điều kiện Đảng cầm quyền, sự tha hoá về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, nhất là ở những người đứng đầu cơ quan, đơn vị, sẽ làm vô hiệu hoá toàn bộ công tác xây dựng Đảng, làm cho tổ chức đảng tê liệt, không còn sức sống. Đạo đức là cái gốc của người cách mạng; nếu không có đạo đức, không toàn tâm, toàn ý vì Đảng, vì dân thì dù có tài giỏi mấy cũng chẳng có ích gì, có khi còn có hại cho cách mạng.
Trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo các thế hệ chiến sĩ cách mạng, Bác Hồ là người đi tiên phong, gieo hạt mở đường. Từ các lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu, các lớp bồi dưỡng ở biên giới Việt - Trung về "con đường giải phóng"... đến các lớp huấn luyện cán bộ, các lớp chỉnh huấn trong kháng chiến, các lớp bồi dưỡng đảng viên mới sau hoà bình v.v... không lúc nào Người không đặt lên hàng đầu công việc giáo dục, đào tạo cán bộ. "Đường kách mệnh", "Sửa đổi lối làm việc" và các bài nói chuyện của Bác ở các lớp huấn luyện, lớp chỉnh huấn... trước đây, cho đến nay vẫn là những lời dạy đầy tâm huyết, tiếp tục ngân vang, gợi mở trong tư duy và tâm hồn mỗi người chúng ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chăm lo xây dựng con người, coi đó là vấn đề số một của cách mạng. Bác thường nói : tất cả là do con người, có cán bộ tốt, việc gì cũng xong. "Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa". Bác phê phán một số cán bộ ta hình như mải làm công tác hành chính, sự vụ hơn là để nhiều tâm sức xây dựng con người, xây dựng Đảng và các tổ chức cách mạng, cho nên không chịu theo dõi việc làm hàng ngày của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Ai làm tốt, không chịu nêu gương, ai làm xấu không kịp thời giúp đỡ sửa chữa...". Bác gọi "đó là những cán bộ không biết làm việc".
Bác chỉ rõ : "Đạo đức cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc". Bác nói: tư tưởng không đúng thì có nhiều, nhưng có một tư tưởng mẹ: đó là chủ nghĩa cá nhân. "Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích của tập thể. "Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy". Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư, nết xấu như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô v.v... Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, của chủ nghĩa xã hội". "Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hoá, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị, quyền hành. Họ tự cao, tự đại, coi thường tập thể, coi khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ. Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân".
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên bằng lời nói mà còn bằng chính tấm gương sống của bản thân mình. Người suốt đời tự rèn luyện và lúc nào cũng nghiêm cẩn khép mình vào đạo đức. Tấm gương đạo đức của Bác Hồ là tuyệt vời trong sáng và toàn vẹn.
Thực hiện nhất quán giữa nói và làm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng với Đảng ta đào tạo nên bao thế hệ chiến sĩ cách mạng có phẩm chất tốt, lấy lời dạy của Bác làm phương châm hành động : Trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; sẵn sàng hiến dâng đời mình cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng !
Trong những năm đổi mới vừa qua, trong công tác lãnh đạo của mình, Đảng ta luôn luôn coi phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Trong xây dựng Đảng, chúng ta cũng đã quan tâm rất nhiều đến nhiệm vụ xây dựng Đảng về chính trị và tư tưởng, coi trọng việc giáo dục về phẩm chất và đạo đức. Đại hội X của Đảng ta đánh giá rằng "công tác xây dựng Đảng trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực". "Đa số cán bộ, đảng viên phát huy vai trò tiên phong, năng động, sáng tạo, giữ gìn phẩm chất đạo đức". Tuy nhiên Đại hội cũng chỉ rõ : "Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng chưa đạt yêu cầu. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ, công chức diễn ra nghiêm trọng...". Đại hội đòi hỏi chúng ta : "trong những năm tới phải dành nhiều công sức, tạo được chuyển biến rõ rệt về xây dựng Đảng". Chúng ta cần thấy rõ rằng, trong tình hình hiện nay, những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân vẫn giữ nguyên giá trị và tính thời sự.
Động lực trước cục diện mới
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam đẹp nhất, tiêu biểu cho phẩm chất đạo đức và khí phách của dân tộc ta, Đảng ta. Giáo dục đạo đức, xây dựng lối sống tốt đẹp theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh vừa là yêu cầu cấp bách hiện nay, vừa là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài. Đẩy mạnh việc giáo dục, xây dựng đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thời kỳ mới thông qua tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nhằm khơi dậy và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp, đấu tranh khắc phục sự suy thoái về đạo đức, lối sống; chặn đứng, đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội; hình thành và phát triển các giá trị đạo đức của chủ nghĩa xã hội; xây dựng con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa có nhân cách cao đẹp, bản lĩnh chính trị vững vàng, lối sống văn minh, xây dựng các quan hệ xã hội lành mạnh, tiến bộ.
Hội nghị Trung ương 12 khoá IX đã quyết định triển khai chỉ đạo điểm cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đúc rút kinh nghiệm để Bộ Chính trị ra chỉ thị tiến hành cuộc vận động lớn sau Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng.
Ngày 07-11-2006, Bộ Chính trị khoá X đã ban hành Chỉ thị số 06 về tổ chức cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Yêu cầu chung của cuộc vận động là: làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thấm nhuần nội dung và nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, giá trị to lớn của tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong đời sống tinh thần của xã hội ta. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương và mỗi người về yêu cầu, nhiệm vụ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội X và các nghị quyết của Trung ương. Hình thành phong trào tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thực sự sâu rộng trong toàn xã hội, đặc biệt trong cán bộ, đảng viên, công chức, thanh niên, học sinh... góp phần đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội.
Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn trong Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội, được tiến hành trong thời gian dài, có nội dung phong phú, cụ thể và thiết thực. Đây là một trong những biện pháp cơ bản để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khoá X; là một trong những động lực chính trị quan trọng góp phần tăng cường sức mạnh của Đảng, của dân tộc trước cục diện phát triển mới của đất nước.
Thắng lợi của cuộc vận động tuỳ thuộc trước hết vào nhận thức, tinh thần trách nhiệm, quyết tâm hành động và sự chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên của các cấp uỷ đảng; sự phấn đấu tự giác của từng cán bộ, đảng viên và sự ủng hộ của toàn dân.
Tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức
Đất nước ta đã bước sang năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng. Những năm tới, đất nước ta có cơ hội lớn để tiến lên, tuy khó khăn, thách thức còn nhiều. Đòi hỏi bức bách của toàn dân tộc lúc này là phải tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ, phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn.
Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên gương mẫu, đi đầu thực hiện tốt cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", lôi cuốn đồng bào và chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài cùng tham gia; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, đẩy mạnh phong trào thi đua lập nên những thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo nền tảng để đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Với niềm tự hào và niềm tin sâu sắc vào Đảng quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phát huy mạnh mẽ truyền thống vẻ vang của dân tộc, của Đảng, vững bước tiến lên trong thời kỳ đổi mới, đoàn kết, hội nhập và phát triển bền vững.
Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam