Hoàn thiện mô hình tổ chức tín dụng là hợp tác xã ở Việt Nam – Bài học từ mô hình ngân hàng hợp tác...
Nguồn gốc ra đời của ngân hàng HTX bao gồm 2 loại hình. Loại ngân hàng HTX thứ nhất do những người nông dân và đông đảo người nghèo thuộc tầng lớp thị dân ở thành thị và các vùng ven đô thị cùng nhau góp vốn thành lập để hợp tác nhằm tương trợ, giúp đỡ nhau có vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh (do họ không có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay từ các NHTM) vượt qua tình trạng đói nghèo. Loại ngân hàng HTX thứ hai ra đời trên cơ sở hợp nhất, sáp nhập một số hợp tác xã tín dụng (HTXTD) hoặc QTDND cơ sở với nhau hoặc do chính các TCTD là HTX này cùng góp vốn thành lập để nâng cao năng lực tài chính, trình độ công nghệ, mở rộng khả năng cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, điều hòa vốn, hỗ trợ khả năng thanh khoản cho các HTXTD hoặc các QTDND thành viên; qua đó nâng cao khả năng bảo đảm an toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh để hỗ trợ cho hoạt động của các thành viên ngân hàng HTX (bao gồm cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các loại hình tổ chức kinh tế HTX khác) ngày một hiệu quả hơn và bền vững hơn. Từ những tổ chức đầu tiên được hình thành ở từng khu vực, từng vùng nhỏ hẹp, các tổ chức này dần dần phát triển thành các ngân hàng HTX cung cấp đầy đủ các loại sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đồng thời nhanh chóng trở thành phong trào lan rộng ở các nước Đức, Anh, Pháp, Italia, Hà Lan, Canada, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc... Cho đến nay, các ngân hàng HTX hầu như đã hiện diện ở tất cả các nước trên thế giới. Qua lịch sử hình thành và phát triển mô hình ngân hàng HTX, có thể nói nguồn gốc hình thành và phát triển ngân hàng HTX cũng có chung nguồn gốc hình thành mô hình HTXTD và QTDND, nhưng đây là loại hình TCTD hợp tác có quy mô lớn hơn và trình độ phát triển ở cấp độ cao hơn.
Trong quá trình phát triển, hệ thống ngân hàng HTX ở CHLB Đức là một trong những mô hình phát triển thành công nhất; đồng thời đây cũng là một trong những mô hình được chúng ta nghiên cứu kết hợp với mô hình QTD Desjardins Canada để áp dụng vào điều kiện thực tiễn hoàn thiện và phát triển mô hình hệ thống TCTD là HTX ở Việt Nam.
Cộng hòa Liên bang Đức là “cái nôi” của phong trào HTXTD (nay được gọi là Ngân hàng HTX). Vào năm 1849, Friedrich Raiffeisen và Hermann Schulz - Delitzch đã sáng lập ra những HTX nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đầu tiên ở CHLB Đức; tiếp đó năm 1854, các HTXTD đầu tiên đã được thành lập nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống cho những người lao động nhỏ và các HTX nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nói trên. Cùng trong giai đoạn này, các ngân hàng HTX cơ sở đầu tiên đã được thành lập ở các vùng đô thị. Do đáp ứng đúng nhu cầu, nguyện vọng và được sự ủng hộ của những người nông dân, thợ thủ công, tiểu thương và những người lao động sản xuất nhỏ, loạihình HTXTD và ngân hàng HTX đã mau chóng lan rộng khắp nước Đức. Tới năm 1864, Hiệp hội HTXTD và Ngân hàng HTX vùng Heddesdorf (vùng khởi phát các HTXTD đầu tiên) đã được thành lập nhằm bảo vệ quyền lợi và hỗ trợ sự phát triển của các HTXTD và các ngân hàng HTX cơ sở. Tiếp đó, năm 1872, các ngân hàng HTX khu vực bắt đầu được thành lập nhằm mục tiêu điều hoà vốn và thực hiện các giao dịch thanh toán cho các HTXTD và ngân hàng HTX cơ sở cũng như các loại hình kinh tế HTX khác trong từng khu vực và năm 1895, Ngân hàng HTX TW Đức đã được thành lập ở Berlin nhằm mục tiêu hỗ trợ như trên cho các ngân hàng HTX cơ sở và ngân hàng HTX khu vực (tuy nhiên, trong thời gian đầu, Ngân hàng HTX TW chỉ mới hoạt động ở phạm vi một bang và dần dần mới phát triển quy mô hoạt động ở cấp liên bang). Tới năm 1907, ở Đức đã có tới 19.000 HTXTD và ngân hàng HTX cơ sở, 64 ngân hàng HTX khu vực và 1 Ngân hàng HTX TW. Tuy nhiên, bắt đầu từ giai đoạn này trở đi, phong trào phát triển theo chiều sâu và nâng cao chất lượng hoạt động, song song với quá trình sáp nhập các HTXTD với nhau để trở thành các ngân hàng HTX với quy mô hoạt động lớn hơn; đến năm 1970, ở CHLB Đức cũ có 7.400 ngân hàng HTX cơ sở, 16 ngân hàng HTX khu vực và 1 Ngân hàng HTX TW.
Sau sự kiện thống nhất nước Đức năm 1990, các bang mới ở miền Đông (Cộng hoà dân chủ Đức trước đây) đã thực hiện chuyển đổi các chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp của Nhà nước CHDC Đức, kết hợp với bộ phận thực hiện nghiệp vụ tín dụng của các HTX tiêu thụ ở nông thôn sang mô hình ngân hàng HTX như ở phía Tây. Cho đến năm 2002, toàn CHLB Đức có khoảng 1.800 ngân hàng HTX cơ sở, 1 Ngân hàng HTX khu vực và 1 Ngân hàng HTX TW.
Song song với quá trình hình thành và phát triển, để đáp ứng yêu cầu phục vụ các loại hình dịch vụ và sản phẩm tài chính ngân hàng trong nền kinh tế thị trường, các ngân hàng HTX cơ sở, ngân hàng HTX khu vực và Ngân hàng HTX TW Đức đã góp vốn cùng nhau thành lập các doanh nghiệp tài chính đặc biệt, bao gồm các ngân hàng thế chấp bất động sản, quỹ tiết kiệm xây dựng, ngân hàng chiết khấu, công ty bảo hiểm, đầu tư chứng khoán, động sản và bất động sản, cho thuê tài chính... Hiện nay, hệ thống ngân hàng HTX Đức có gần 20 doanh nghiệp tài chính đặc biệt loại này, đủ khả năng đáp ứng toàn bộ nhu cầu về các sản phẩm và dịch vụ tài chính - ngân hàng cho các khách hàng của từng ngân hàng HTX cũng như cho toàn hệ thống ngân hàng HTX.
Như vậy, hệ thống ngân hàng HTX ở CHLB Đức hiện nay bao gồm các bộ phận cơ bản sau đây:
1. Ngân hàng HTX cấp cơ sở
Hiện nay, trên toàn nước Đức có khoảng trên 1.100 ngân hàng HTX cơ sở (thời điểm cao nhất có tới khoảng 22.000 ngân hàng HTX cơ sở nhưng trong quá trình phát triển, nhiều ngân hàng HTX cơ sở đã tự nguyện sáp nhập, hợp nhất lại với nhau thành một ngân hàng HTX cơ sở có quy mô và phạm vi hoạt động kinh doanh lớn hơn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh) trực tiếp hoạt động kinh doanh và phục vụ khách hàng (trong đó chủ yếu là các thành viên là cá nhân và pháp nhân, bao gồm cả các loại hình HTX khác và các doanh nghiệp nhỏ và vừa). Ngân hàng HTX cơ sở có mục tiêu hoạt động nhằm hỗ trợ thành viên nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của chính bản thân thành viên; vì vậy, đây là nền tảng của toàn bộ hệ thống ngân hàng HTX Đức.
2. Ngân hàng HTX cấp khu vực
Hiện nay, hệ thống ngân hàng HTX Đức cũng đang trong quá trình cải tổ cơ cấu từ mô hình 3 cấp sang mô hình 2 cấp; vì vậy, chỉ còn 1 Ngân hàng HTX khu vực chịu trách nhiệm chăm sóc phục vụ khoảng 20% tổng số ngân hàng HTX cơ sở trên phạm vi toàn quốc.
3. Ngân hàng HTX cấp quốc gia
Toàn hệ thống hiện nay có 1 Ngân hàng HTX TW Đức (trước đây, được gọi là DG Bank, nay được cơ cấu sáp nhập với 2 ngân hàng HTX khu vực trở thành DZ Bank) với 22 chi nhánh trong nước và 20 chi nhánh, văn phòng đại diện trên toàn thế giới, chịu trách nhiệm chăm sóc phục vụ khoảng 80% tổng số các ngân hàng HTX cơ sở. Với tư cách là ngân hàng đầu mối của hệ thống, Ngân hàng HTX TW Đức còn thực hiện chức năng điều hoà vốn cho toàn bộ hệ thống Ngân hàng HTX Đức thông qua thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế.
Quan hệ liên kết hệ thống giữa 3 loại hình ngân hàng HTX này được dựa trên nguyên tắc HTX là “tương trợ cộng đồng, tự quản lý và tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động”. Về thực chất, ngân hàng HTX khu vực là Liên hiệp HTX cấp khu vực của các ngân hàng HTX cơ sở trên địa bàn phụ trách, còn DZ Bank là Liên hiệp HTX cấp quốc gia của các ngân hàng HTX cơ sở và ngân hàng HTX khu vực. Các ngân hàng HTX khu vực và Ngân hàng HTX TW Đức hoạt động trên nguyên tắc không cạnh tranh với các ngân hàng HTX cơ sở mà hỗ trợ phục vụ cho các ngân hàng HTX nâng cao hiệu quả hoạt động; đồng thời tổ chức mạng lưới thanh toán nội bộ và điều hoà vốn, đảm bảo khả năng chi trả cho các ngân hàng HTX thành viên. Các tổ chức này chỉ thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh mà bản thân từng ngân hàng HTX cơ sở không thực hiện được hoặc thực hiện với hiệu quả thấp.
4. Các doanh nghiệp HTX cung cấp dịch vụ tài chính đặc biệt
Bao gồm các ngân hàng thế chấp bất động sản, quỹ tiết kiệm xây dựng, ngân hàng chiết khấu, công ty chứng khoán, công ty kinh doanh động sản và bất động sản, công ty cho thuê tài chính, công ty mua bán nợ, công ty bảo hiểm... với số lượng khoảng 20 doanh nghiệp, là các định chế tài chính HTX do các thành viên là ngân hàng HTX cơ sở, ngân hàng HTX khu vực và Ngân hàng HTX TW Đức cùng góp vốn thành lập để thực hiện các dịch vụ tài chính bổ sung, khép kín hoạt động nghiệp vụ ngân hàng cho toàn hệ thống ngân hàng HTX. Các doanh nghiệp này có khả năng đáp ứng toàn bộ nhu cầu về các sản phẩm dịch vụ tài chính - ngân hàng cho khách hàng của các ngân hàng HTX và của chính các ngân hàng HTX trong hệ thống. Ngoài ra, nhiều trong số các công ty này có quy mô lớn và công nghệ hiện đại đứng hàng đầu trong hệ thống các định chế tài chính ở Đức nên có đủ khả năng cạnh tranh với các loại hình NHTM khác.
Có thể nói, với thế mạnh của các doanh nghiệp HTX độc lập, tự chủ nhưng lại được liên kết chặt chẽ với nhau dựa trên nguyên tắc HTX, hệ thống ngân hàng HTX Đức hoàn toàn có đủ điều kiện cạnh tranh bình đẳng với các loại hình ngân hàng khác cả ở trong nước và ngoài nước. Trong số 82 triệu người dân Đức thì có tới 14 triệu người là thành viên và 30 triệu người là khách hàng của hệ thống ngân hàng HTX và hiện nay, hệ thống ngân hàng HTX Đức chiếm tới 20% thị phần của toàn bộ hệ thống Ngân hàng Đức.
Đối chiếu với mô hình hệ thống ngân hàng HTX ở CHLB Đức, chúng ta thấy rằng về mặt tổ chức, hệ thống TCTD là HTX ở Việt Nam đã được chuyển đổi từ mô hình QTDND (bao gồm QTDND Cơ sở và QTDND Trung ương) thành mô hình bao gồm Ngân hàng HTX và các QTDND; trong đó, Ngân hàng HTX là ngân hàng của tất cả các QTDND do các QTDND và một số pháp nhân góp vốn thành lập theo quy định của Luật các TCTD năm 2010 nhằm mục tiêu chủ yếu là liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính, điều hòa vốn trong hệ thống các QTDND. Như vậy, về mặt mô hình tổ chức, hệ thống TCTD là HTX đã được hoàn thiện một bước nhưng hiện nay, chúng ta vẫn còn thiếu các doanh nghiệp tài chính đặc biệt để cung cấp đầy đủ các sản phẩm dịch vụ tài chính - ngân hàng cho các khách hàng của từng QTDND cũng như của Ngân hàng HTX. Mặt khác, về hoạt động nghiệp vụ, hiện nay, các QTDND cũngvẫn chủ yếu thực hiện hoạt động trong lĩnh vực truyền thống là huy động để cho vay đối với các thành viên trên địa bàn; hoạt động thanh toán chuyển tiền cũng mới có khoảng 15% số lượng QTDND đang được thực hiện tham gia hệ thống thanh toán chuyển tiền điện tử của Ngân hàng HTX, còn các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng khác thì hầu như chưa được triển khai thực hiện.
Từ thực tế nói trên, việc thực hiện cơ cấu lại tổ chức vàhoạt động của QTDND và Ngân hàng HTX theo tinh thần Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” ban hành kèm theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của hệ thống TCTD là HTX; Đồng thời Ngân hàng HTX phải khẩn trương thành lập các doanh nghiệp HTX cung cấp dịch vụ tài chính đặc biệt để đáp ứng nhu cầu về sản phẩm dịch vụ tài chính - ngân hàng chuyên biệt (chứng khoán, công ty tài chính, cho thuê tài chính, bảo hiểm, thế chấp bất động sản...) cho khách hàng và thành viên của các QTDND và của bản thân Ngân hàng HTX; qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo và hạn chế cho vay nặng lãi ở khu vực nông nghiệp - nông thôn, đồng thời nâng cao năng lực hội nhập của loại hình tổ chức tín dụng là HTX đối với toàn hệ thống các TCTD Việt Nam. Tuy nhiên, trong khi chưa thành lập được các doanh nghiệp này thì việc Ngân hàng HTX tăng cường phát triển ngày càng mạnh mẽ các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại để chuyển tải đến các QTDND thành viên cũng như thực hiện tốt các chức năng nhiệm vụ của Ngân hàng HTX đối với các QTDND thành viên theo quy định tại các Điều 44 và Điều 45 của Thông tư số 31/2012/TT-NHNN ngày 26/11/2012 của NHNN Việt Nam quy định về Ngân hàng HTX có ý nghĩa quyết định đối với việc cơ cấu lại mô hình tổ chức và hoạt động của bản thân Ngân hàng HTX cũng như đối với toàn bộ hệ thống TCTD là HTX ở Việt Nam trong giai đoạn những năm tiếp theo.
TS. Trần Quang Khánh Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Hợp tác Chủ tịch Hiệp hội QTDND Việt Nam