Hiện đại hóa hoạt động ngân hàng là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm đã được NHNN đặt ra trong kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2012-2015.
Sau gần 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với 90% dân số làm nghề nông, đến nay đã xây dựng được cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đáp ứng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kinh tế Việt Nam từng bước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Cùng với tiến trình đổi mới của nền kinh tế đất nước, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có sự phát triển toàn diện, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ và bắt kịp trình độ các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Một trong giải pháp tạo nên những thành tựu nổi bật đó là tiến hành cải cách thông qua việc từng bước hiện đại hóa các lĩnh vực hoạt động ngân hang.
Công tác hiện đại hóa đã hỗ trợ tích cực cho điều hành chính sách tiền tệ và giám sát, ổn định hệ thống tài chính, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, đẩy nhanh tốc độ thanh toán, tăng vòng quay tiền tệ, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả đồng vốn xã hội; công tác hiện đại hóa còn giúp hệ thống các TCTD tăng cường năng lực điều hành, mở rộng dịch vụ và cạnh tranh thông qua việc hiện đại hóa công tác quản trị nội bộ, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại và mở rộng phạm vi, đối tượng khách hang.
Quyết liệt trong tổ chức triển khai
Bước vào thời kỳ đổi mới, Ban lãnh đạo NHNN đã xác định rõ hiện đại hóa hoạt động ngân hàng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược cải cách, đổi mới hoạt động ngân hàng, là công cụ chủ lực để đi tắt đón đầu, theo kịp trình độ, quy mô các ngân hàng lớn trong khu vực và trên thế giới. Từ đó đã thống nhất chỉ đạo và tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ trong toàn Ngành.
Hiện đại hóa hoạt động ngân hàng là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm đã được NHNN đặt ra trong kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2012-2015 và kế hoạch cụ thể trong các năm.
Mục tiêu cụ thể trong lĩnh vực hiện đại hóa hoạt động ngân hàng được đặt ra đó là ứng dụng nhanh, hiệu quả CNTT vào toàn bộ các hoạt động, nghiệp vụ ngân hàng, làm thay đổi cơ bản phương thức quản lý, điều hành và cung cấp dịch vụ của ngành Ngân hang.
Triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới, NHNN tiếp tục chỉ đạo quyết liệt và ưu tiên dành nhiều nguồn lực về tài chính, nhân lực cho hoạt động đổi mới, ứng dụng CNTT nhằm hiện đại hoá tất cả các lĩnh vực hoạt động và phục vụ công tác CCHC.
Trong đó, đã xác định rõ CNTT vừa là nội dung cải cách trong công tác chỉ đạo điều hành vừa là công cụ hỗ trợ tích cực cho công tác CCHC, nhằm hình thành phương thức quản lý khoa học, là một nội dung rất quan trọng có tính then chốt quyết định sự thành công của CCHC.
Hiện đại hóa hệ thống thanh toán quốc gia
Thực hiện tiến trình cải cách ngân hàng, ngay từ cuối thập niên 80 NHNN đã tiến hành xây dựng hệ thống thanh toán liên ngân hàng hiện đại trên cơ sở học tập kinh nghiệm các nước phát triển trên thế giới và thực tiễn hoạt động ngân hàng tại Việt Nam.
Đến năm 2003, với kết quả triển khai bước đầu của dự án Hiện đại hoá ngân hàng và hệ thống thanh toán, NHNN đã thiết lập được hạ tầng thanh toán quốc gia hiện đại, mà hạt nhân là hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, tạo điều kiện cho các ngân hàng điều hành tập trung các nguồn vốn, cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử trực tuyến thuận tiện, an toàn, hiệu quả.
Dự án hiện đại hóa ngân hàng và hệ thống thanh toán tiếp tục được triển khai giai đoạn 2 và hoàn thành năm 2009 đã nâng cao tốc độ cũng như uy tín của các giao dịch thanh toán liên ngân hàng tại Việt Nam.
Có thể nói, hệ thống thanh toán quốc gia do NHNN vận hành, cùng các hệ thống thanh toán nội bộ của các TCTD từ khi đổi mới đến nay đã mang lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế, hình thành nên một mạng lưới thanh toán “xương sống” phủ khắp toàn quốc, đáp ứng yêu cầu thanh toán nhanh, an toàn và tin cậy của nền kinh tế, gia tăng vòng quay của đồng tiền, nhờ đó góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn và đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, dịch vụ.
Đồng thời, nâng cao chất lượng, tính kịp thời các thông tin phục vụ cho quản lý, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN; và tạo điều kiện để mở rộng các dịch vụ ngân hàng hiện đại, tăng cơ hội giao thương và tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp.
Đa dạng hóa dịch vụ tiên tiến
Dựa trên nền tảng công nghệ ngân hàng và hệ thống thanh toán, các sản phẩm, dịch vụ tiện ích ngân hàng ngày càng được chuẩn hóa và phát triển đa dạng, tiệm cận với các sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiên tiến trên thế giới, không chỉ giúp các ngân hàng Việt Nam cạnh tranh hiệu quả với các ngân hàng nước ngoài, từng bước mở rộng hoạt động ra thị trường quốc tế, mà còn hình thành nên các xu thế tích cực về phát triển dịch vụ, minh bạch hóa các giao dịch kinh tế.
Hoạt động thanh toán bằng thẻ được thúc đẩy mạnh mẽ thông qua nhiều giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của NHNN, sự đầu tư, đẩy mạnh phát triển mạng lưới máy ATM, POS và phát hành thẻ thanh toán của các TCTD.
Các dịch vụ ngân hàng điện tử mới ra đời như mobile banking, internet banking, SMS banking, ví điện tử… giúp khách hàng có thể thực hiện mọi giao dịch với ngân hàng thông qua điện thoại di động, mạng internet vào mọi lúc, mọi nơi, giảm việc khách hàng phải trực tiếp đến trụ sở ngân hàng để giao dịch, phụ thuộc vào giờ giao dịch ngân hàng như trước đây.
Các dịch vụ cũng ngày càng đa dạng hơn như: Xem số dư, vấn tin tài khoản, chuyển khoản, gửi tiền tiết kiệm, thanh toán hóa đơn, nạp tiền trả trước, chuyển tiền liên ngân hàng, đăng ký vay, thu hộ ngân sách nhà nước, chi trả lương, chi trả trợ cấp xã hội…
Toả lan lợi ích
Các sản phẩm ngân hàng điện tử, giao dịch ngân hàng trực tuyến được mở rộng theo xu hướng khách quan, đem lại lợi ích rất lớn cho khách hàng, ngân hàng và cả nền kinh tế.
Bên cạnh kênh giao dịch truyền thống tại các điểm trụ sở ngân hàng, với năng lực công nghệ ngày một nâng cao, các TCTD đã đổi mới các quy trình nghiệp vụ, nâng cao được chất lượng hoạt động, không ngừng phát triển và mở rộng nhiều sản phẩm, dịch vụ và tiện ích ngân hàng hiện đại.
Đối với nền kinh tế, hiện đại hóa ngân hàng làm tăng tốc độ chu chuyển vốn của cả nền kinh tế nhờ giảm đáng kể được thời gian thanh toán. Tạo cho vòng quay vốn của khách hàng, của nền kinh tế nhanh hơn, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, thúc đẩy sản xuất và lưu thông hàng hoá - tiền tệ phát triển, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Các dịch vụ ngân hàng ngày càng phong phú còn góp phần cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan và thực hiện cơ chế một cửa quốc gia theo các cam kết giữa Việt Nam với ASEAN.
Việc mở rộng khả năng cung ứng dịch vụ thanh toán cũng như đa dạng hoá dịch vụ thanh toán, tạo cho khách hàng nhiều sự lựa chọn, thu hút khách hàng quan hệ giao dịch thanh toán qua ngân hang.
Quá trình phát triển này sẽ mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho khách hàng, cho nền kinh tế nhờ tiết kiệm được các chi phí liên quan đến sử dụng thanh toán bằng tiền mặt như chi phí kiểm đếm, bảo quản, vận chuyển tiền, chi phí giao dịch... và nguồn nhân lực để thực hiện các công việc đó.
Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, đây cũng là yếu tố quan trọng để góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và làm minh bạch hóa tình hình tài chính của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Tiếp bước trên chặng đường mới, hiện đại hóa ngân hàng tiếp tục được NHNN xác định là một trong những nội dung, giải pháp thuộc chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2015-2020, nhằm đưa hệ thống ngân hàng Việt Nam phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, phát huy tối đa vai trò huyết mạch của nền kinh tế, đóng góp đắc lực vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Mục tiêu cụ thể đã được vạch ra. Đó là tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong hệ thống ngân hàng, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế. Đồng thời, chú trọng việc ứng dụng các phương thức, phương tiện thanh toán, dịch vụ và tiện ích ngân hàng hiện đại, dễ sử dụng và phù hợp với các điều kiện ở Việt Nam.
Để đạt các mục tiêu đó bằng nhiều chính sách, cơ chế và giải pháp sẽ được NHNN đặt ra phù hợp trong từng giai đoạn trên nền tảng một ý chí, quyết tâm chính trị của toàn ngành, một sự tập trung đầu tư nguồn lực con người và tài chính một cách thỏa đáng và hiệu quả.
TS. Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN
(Theo TBNH)
13.11.2024
30.10.2024