Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) là mô hình kinh tế hợp tác, được thành lập theo Luật Hợp tác xã (HTX) và hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng. Bên cạnh thực hiện mục tiêu tăng cường hỗ trợ nguồn vốn sản xuất cho các thành viên trong quỹ, các QTDND tăng cường liên kết, hỗ trợ cùng phát triển, góp phần ổn định hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh, thúc đẩy phát triển KT - XH ở các địa phương.
QTDND xã Đồng Văn (Yên Lạc) đảm bảo nguồn vốn huy động cho thành viên vay phát triển sản xuất kinh doanh
Đến nay, hệ thống QTDND cơ sở trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, quy mô tổ chức hoạt động, có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển KT - XH của tỉnh. Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 31 QTDND hiện đang hoạt động ổn định và tăng trưởng đều qua các năm.
Tổng nguồn vốn hoạt động hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh năm 2017 đạt trên 2.190 tỷ đồng (tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm 2016), tổng dư nợ cho vay thành viên đạt hơn 1.532 tỷ đồng (tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2016), gần 100 nghìn lượt khách hàng thành viên được vay vốn, lãi suất từ 0,5 - 0,7%/dự án/năm, trong đó có 90% nguồn vốn vay đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Những năm qua, hệ thống QTDND cơ sở phát huy tốt vai trò quan trọng trong công tác huy động nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu về vốn vay đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo an toàn hoạt động kinh doanh, nâng cao uy tín của QTDND. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, các QTDND phải đối mặt với mạng lưới, quy mô hoạt động ngày càng lớn mạnh của hệ thống các Ngân hàng thương mại.
Song, với sự chủ động trong quản lý và điều tiết hoạt động kinh doanh, các QTDND cơ sở xác định việc đẩy mạnh liên kết, hỗ trợ lẫn nhau sẽ đa dạng hóa được các kênh huy động, điều hòa nguồn vốn, tăng cường nguồn lực tài chính, từng bước vượt qua khó khăn, hỗ trợ chi trả tiền gửi vào thời điểm cuối năm hoặc giải quyết được tình trạng thiếu hụt nguồn vốn tạm thời; cho vay mở rộng, phục vụ nhân dân sản xuất kinh doanh, dịch vụ, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 40% QTDND tự cân đối được nguồn vốn và thường xuyên có tiền gửi vào quỹ điều hòa nội bộ của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam chi nhánh Vĩnh Phúc. Đồng thời, các QTDND cơ sở cũng tăng cường liên kết, phối hợp chặt chẽ thông qua các buổi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nhằm hướng tới mục tiêu ổn định kinh doanh hiệu quả và phát triển bền vững.
Là một trong những QTDND cơ sở được đánh giá hoạt động hiệu quả, những năm gần đây, QTDND xã Bình Dương (Vĩnh Tường) thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động để từng bước thu hút đông đảo thành viên gia nhập quỹ. Thành lập từ năm 1991, sau hơn 20 năm phát triển, từ một QTDND quy mô nhỏ (100 thành viên) với số vốn điều lệ chỉ đạt hơn 100 triệu đồng, đến nay QTDND xã Bình Dương thu hút hơn 800 thành viên tham gia quỹ với tổng nguồn vốn hoạt động trên 70 tỷ đồng, vốn điều lệ đạt trên 1,3 tỷ đồng.
Ưu tiên cho vay đối với lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, Ban Giám đốc QTDND xã Bình Dương đã giải quyết kịp thời, nhanh chóng thủ tục cho hàng trăm hộ thành viên vaytừ 200 - 300 triệu đồng/món vay, tổng dư nợ trên 49 tỷ đồng. Nguồn vốn cho vay của quỹ được các thành viên tập trung chủ yếu đầu tư phát triển kinh tế gia đình, kinh tế trang trại, phát triển các ngành nghề nông thôn...
Để phát huy hiệu quả nguồn vốn cho vay, tránh tình trạng nợ xấu tăng qua các năm, QTDND xã Bình Dương đặc biệt quan tâm đến công tác rà soát, thẩm định nhu cầu vay của thành viên, đảm bảo các điều kiện an toàn khi thành viên có nhu cầu vay vốn, sử dụng đúng mục đích. Nhờ đó, tỷ lệ nợ xấu hàng năm của QTDND xã Bình Dương được kiểm soát ở mức 0,21%.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng cạnh tranh của nhiều tổ chức tín dụng khác trên địa bàn huyện, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của quỹ, hàng năm, bên cạnh việc đảm bảo cân đối đủ nguồn vốn cho vay, từ nguồn thu thông qua hoạt động kinh doanh, QTDND xã Bình Dương còn có thêm nguồn vốn gửi vào nguồn quỹ điều hòa của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam chi nhánh Vĩnh Phúc để điều tiết cho vay các QTDND cơ sở trong có nhu cầu.
Luôn giữ vị trí tốp đầu các QTDND cơ sở trên địa bàn huyện Yên Lạc về hoạt động cho vay sản xuất kinh doanh, hiện nay, QTDND xã Tề Lỗ có tổng số trên 1.200 thành viên với số dư nợ đạt gần 117 tỷ đồng (tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2016), hoạt động tín dụng của quỹ luôn đạt hiệu quả cao. Với mức cho vay trung bình từ 500 triệu đồng/món vay, trong những năm qua Quỹ tín dụng xã Tề Lỗ đã hỗ trợ nhiều thành viên trên địa bàn xã có nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế, trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả, an toàn.
Theo bà Vũ Thị Phúc, Chủ tịch Hội đồng quản trị QTDND xã Tề Lỗ chia sẻ, nhờ hoạt động kinh doanh hiệu quả, những năm qua, tỷ lệ nợ xấu tại QTDND xã Tề Lỗ luôn được kiểm soát ở mức thấp, các hộ thành viên vay vốn đều sử dụng đúng mục đích và trả gốc, lãi đúng hạn. Ngoài doanh thu từ huy động cho vay sản xuất kinh doanh, với mục tiêu đẩy mạnh liên kết, tương trợ, giúp đỡ các QTDND cơ sở trong toàn hệ thống phát triển quy mô và chất lượng, những năm gần đây, QTDND xã Tề Lỗ luôn chấp hành đúng các quy định, tôn chỉ hoạt động của QTDND cơ sở, đồng thời thường xuyên đổi mới hoạt động, điều chỉnh cân đối nguồn tiền dôi dư gửi vào nguồn quỹ điều hòa, góp phần tăng cường nguồn vốn huy động của của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam chi nhánh Vĩnh Phúc.
Trước những khó khăn và sự biến động khó lường của nền kinh tế thị trường trong giai đoạn hiện nay, hoạt động tiền tệ tín dụng ngân hàng ít nhiều có những ảnh hưởng và chi phối nhất định đến các QTDND. Vì vậy, nguồn vốn điều hòa nội bộ trong hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh thực sự là nguồn hỗ trợ kịp thời, giúp các QTDND còn khó khăn có điều kiện ổn định kinh doanh, điều tiết nguồn vốn, đảm bảo đáp ứng mọi nhu cầu vay vốn của các hộ sản xuất kinh doanh.
Với chủ trương không vì lợi nhuận đơn thuần, từng bước đổi mới hoạt động, đa dạng hóa các kênh dẫn vốn, cho vay các thành viên; hệ thống QTDND cơ sở trên địa bàn tỉnh ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển KT - XH tại các địa phương. Đồng thời, cho thấy hiệu quả trong việc liên kết, hỗ trợ về nguồn vốn huy động để cùng phát triển bền vững.
Theo Vĩnh Phúc Online13.11.2024
30.10.2024