Hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân cần cảnh giác với loại tội phạm lập hồ sơ giả vay vốn Ngân hàng bằng hình thức...
Hình thức cho vay tiền phục vụ mục đích tiêu dùng đối với cán bộ công nhân viên chức thuộc các Đơn vị hành chính sự nghiệp (cho vay tín chấp) nhất là đối với ngành giáo dục, việc thu hồi nợ từ tiền lương và các khoản thu nhập khác của cán bộ nhân viên được các Ngân hàng thương mại, Hệ thống Quỹ tín dụng Trung ương và Hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở thực hiện cho vay theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là rất thiết thực đối với đội ngũ cán bộ công nhân viên có mức thu nhập trung bình và thấp, có tác động tích cực đối với nền kinh tế trong việc thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng. Việc cho vay loại hình này có thủ tục đơn giản hơn so với các loại hình cho vay khác, cán bộ tín dụng chỉ cần xác minh mức lương tháng của cán bộ, có xác nhận của thủ trưởng đơn vị nơi cán bộ công tác và một số thủ tục thẩm định cần thiết khác là có thể xác lập được quan hệ tín dụng với các tổ chức tín dụng. Lợi dụng những đơn giản hóa về thủ tục hành chính này đã có đối tượng (ở vị trí lãnh đạo nhất định) chủ ý lừa đảo, lợi dụng phương thức này để nhờ cán bộ dưới quyền làm thủ tục vay ké, vay hộ, lập hồ sơ giả, hợp thức hóa thủ tục vay vốn để vay nhiều Ngân hàng khác nhau; Dưới đây là một ví dụ điển hình về hình thức lừa đảo của Huỳnh Thị Vân Khanh - nguyên hiệu phó Trường tiểu học Tây Bắc Lân huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh và một số đồng phạm của thị với 89 lần lập hồ sơ giả và vay vốn của 7 Ngân hàng (theo nguồn của Tuổi trẻ online) để cán bộ, nhân viên công tác trong hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (nhất là cán bộ tín dụng) tham khảo và ngăn ngừa sớm những hành vi tương tự có thể xảy ra tại đơn vị:
Theo bản án hình sự của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên án đối với bị can Huỳnh Thị Vân Khanh (ảnh bên) nguyên hiệu phó Trường tiểu học Tây Bắc Lân huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh bị phạt 21 năm tù giam cho ba tội: lừa đảo, làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Hành vi lừa đảo của Huỳnh Thị Vân Khanh nhen nhóm từ năm 2002 khi biết được chính sách của các ngân hàng cho giáo viên, cán bộ công nhân viên của Trường Tây Bắc Lân vay tiền trả góp bằng hình thức tín chấp. Vân Khanh đã liên hệ với bạn bè, người quen để nhờ những người này đứng tên vay tiền ngân hàng với cam kết Khanh sẽ có trách nhiệm trả nợ, người đứng tên vay sẽ nhận được một khoản “bồi dưỡng” từ Khanh.
Trong hồ sơ xin vay vốn của những đối tượng này, Khanh đã làm giả các tài liệu như bảng lương, quyết định nâng lương, bản sao hộ khẩu, biến họ thành giáo viên, cán bộ của Trường Tây Bắc Lân. Khanh còn ký giả chữ ký của cô Huỳnh Thị Anh Đào - hiệu trưởng Trường Tây Bắc Lân, sau đó lấy con dấu thật của trường đóng vào hồ sơ xin vay vốn. Khanh cũng tự mình đi đến các ngân hàng để làm hồ sơ xin vay. Khi ngân hàng duyệt cho vay, những người này đã đến ngân hàng rút tiền và đưa cho Khanh. Cũng có một số trường hợp Khanh lấy tên thật của giáo viên, nhân viên trong trường để lập hồ sơ xin vay vốn (những giáo viên này không hề biết) sau đó làm giả thẻ giáo viên cho người khác đến ngân hàng nhận tiền.
Theo kết quả điều tra, tổng cộng Khanh đã 89 lần lập hồ sơ giả để vay tín chấp của bảy ngân hàng, cùng đồng bọn chiếm đoạt hơn 1 tỉ đồng, trong đó Khanh lấy 850 triệu đồng.
“Trợ thủ” đắc lực của Khanh trong mấy chục vụ lừa đảo ngân hàng trên là Nguyễn Thị Minh Thủy - nguyên nhân viên Công ty bảo hiểm Prudential. Thủy biết rất rõ việc làm giả giấy tờ của Khanh nhưng vẫn ra sức giúp Khanh đứng tên tới 35 vụ để chiếm đoạt tiền của ngân hàng, đồng thời giới thiệu nhiều người đứng tên giùm cho Khanh (trong số đó có cả chồng Thủy).
Ngoài ra, Khanh còn lợi dụng chức vụ hiệu phó của mình để nhờ một số giáo viên, nhân viên của Trường Tây Bắc Lân đứng tên vay tiền ngân hàng cho Khanh mượn dù họ không hề có nhu cầu vay vốn. Khi nhờ vay, Khanh cũng cam kết sẽ thanh toán nợ cho ngân hàng nhưng đến cuối năm 2003, sau khi ôm hết số tiền của bạn bè, người quen mượn giùm (25 người) mà không thể trả nổi nợ ngân hàng, bà hiệu phó liền biến mất, chiếm đoạt trên 276 triệu đồng. Khi Khanh bỏ trốn, những người mà Khanh nhờ đứng tên vay giùm tiền của ngân hàng đã phải tự bỏ tiền túi để trả nợ, lãi cho các ngân hàng, gây hoang mang cho rất nhiều người dân, giáo viên tại huyện Hóc Môn.