25.04.2007 00:00

Hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân: Phải nâng cao sức cạnh tranh để tồn tại

Gia nhập WTO, không chỉ các ngân hàng thương mại phải đương đầu với cạnh tranh từ các tổ chức tài chính nước ngoài mà hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) cũng phải đối đầu với cuộc cạnh tranh này. Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc phỏng vấn  Phó thống đốc trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Trần Minh Tuấn về những thách thức của hệ thống QTDND.

Pv: Theo cam kết WTO, kể từ ngày 1/4/2007
, các ngân hàng Hoa Kỳ và các ngân hàng nước ngoài khác sẽ được hưởng quy chế đối xử quốc gia... Xin Phó thống đốc (PTĐ) cho biết áp lực cạnh tranh mà QTDND sẽ phải chịu như thế nào?

PTĐ Trần Minh Tuấn: Theo các cam kết sau khi Việt Nam gia nhập WTO thì từ ngày 1/4/2007 Việt Nam sẽ mở cửa cho phép các ngân hàng nước ngoài được thành lập chi nhánh 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Đây là một sức ép, thách thức lớn không chỉ với hệ thống QTDND mà còn với cả các tổ chức tín dụng khác có tiềm lực tài chính mạnh hơn hệ thống QTDND. Điểm mạnh của các ngân hàng nước ngoài trước hết là ở tiềm lực tài chính, công nghệ hiện đại, kết hợp với năng lực quản trị điều hành có kinh nghiệm, các sản phẩm, dịch vụ tiện ích đa dạng, phong phú. Tại thời điểm này, các ngân hàng thương mại Nhà nước được xem như những người "khổng lồ" trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam thì tiềm lực tài chính cũng hết sức khiêm tốn so với nhiều ngân hàng nước ngoài. Nói như vậy để thấy cạnh tranh trong thời gian tới sẽ diễn ra hết sức gay gắt. Đối với hệ thống QTDND - một loại hình tín dụng hợp tác hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng và dịch vụ ngân hàng sẽ không nằm ngoài phạm vi của sự cạnh tranh, thậm chí là  rất lớn. Dù hơn 10 năm xây dựng và phát triển nhưng đến nay tiềm lực tài chính của hệ thống (bao gồm gần 1.000 QTDND cơ sở và QTDTW) còn rất nhỏ bé; Trình độ công nghệ hạn chế, chất lượng đội ngũ cán bộ còn nhiều bất cập, chưa được chuyên môn hoá cao (nhất là QTDND cơ sở) đã có tác động rất lớn đến năng lực quản trị, điều hành. Những khó khăn này không phải một sớm một chiều có thể xử lý được. Do vậy toàn hệ thống phải cố gắng vươn lên nhiều hơn nữa.
 
 Phó Thống đốc thường trực NHNN Trần Minh Tuấn kiểm tra hoạt động của QTDND

Pv: Đội ngũ nhân lực mỏng, trình độ hạn chế, công nghệ lạc hậu lại chưa được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tiên tiến... là những khó khăn đối với hệ thống Quỹ tín dụng hiện nay. Vậy xin PTĐ cho biết, biện pháp nào để khắc phục những khó khăn này?

PTĐ Trần Minh Tuấn: Đối với bất kỳ tổ chức kinh doanh nào thì các yếu tố: tiềm lực tài chính - công nghệ - con người đều đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển. Không thể phát triển các sản phẩm dịch vụ, mở rộng mạng lưới và nâng cao năng lực quản trị điều hành lại thiếu các yếu tố trên. Đây là sự tác động lôgic như những cặp phạm trù cơ bản nhất của lý thuyết phát triển. Thực tiễn chung của hệ thống QTDND và QTDTW hiện nay đúng như đã nêu trong câu hỏi trên. Khó khăn này bản thân chúng tôi, QTDTW, các QTDND Cơ sở đã nhìn thấy và xác định đây thật sự là những trở ngại lớn cho sự phát triển chung kể cả khi chúng ta chưa gia nhập WTO.

Để có thể khắc phục phần nào những bất cập trên toàn hệ thống đang tập trung giải quyết một số vấn đề như: Tập trung khắc phục những yếu kém theo tinh thần củng cố, chấn chỉnh trong Chỉ thị 57/CT-TƯ của Bộ Chính trị và Quyết định 135/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Tăng cường năng lực tài chính mà trước hết là nâng cao năng lực vốn tự có trong đó tập trung bổ sung cho QTDTW để làm cơ sở phát triển mở rộng dịch vụ, củng cố cơ sở vật chất, công nghệ; Chú trọng đào tạo cán bộ theo hướng chuẩn hoá đội ngũ cán bộ theo quy chuẩn của NHNN (Chủ yếu cho QTDND cơ sở); Tập trung để từng bước cải tiến, áp dụng công nghệ trong quản lý, điều hành kinh doanh, trước hết là ở QTDTW để tạo điều kiện giúp đỡ tốt hơn cho QTDND cơ sở; Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức, củng cố, nâng cao vai trò của Hiệp hội QTDND Việt Nam để tiến tới xác lập các thể chế đảm bảo an toàn cho hoạt động của hệ thống như: Thành lập Quỹ an toàn hệ thống; Quỹ dự phòng khả năng chi trả, hệ thống kiểm toán nội bộ...; Tiếp tục phát triển các QTDND ở những vùng có đủ điều kiện đồng thời mở rộng địa bàn hoạt động cho các QTDND đang hoạt động an toàn hiệu quả để tăng cường mạng lưới, tiếp cận thành viên; Thực hiện tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các cấp trong hệ thống.

Pv: Thưa PTĐ đâu sẽ là điểm mạnh của QTDND?

PTĐ Trần Minh Tuấn: Không có một chủ thể hoặc hệ thống nào là không có điểm mạnh, điểm yếu. Mặc dù còn nhiều khó khăn và hạn chế về nhiều mặt như vừa nêu ở trên nhưng hệ thống QTDND cũng có những mặt mạnh nhất định và chúng tôi xác định đây là một lợi thế cần phải phát huy.

Trước hết do xuất phát từ đặc điểm mô hình hệ thống QTDND là loại hình tổ chức tín dụng hợp tác, hoạt động vì mục tiêu tương trợ cộng đồng, nhằm hạn chế nạn cho vay nặng lãi, góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn. Vì vậy, mô hình này được Đảng, Chính phủ, nhiều bộ, ngành đánh giá là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về khuyến khích phát triển thành phần kinh tế tập thể, phục vụ có hiệu quả cho sự nghiệp công nghiệp hoá trong nông nghiệp, nông thôn. Thứ hai,  hệ thống QTDND có mạng lưới rộng đến tận xã, phường, tận dụng được địa bàn hoạt động tương đối rộng, gần khách hàng, thành viên tại các vùng nông thôn và được nhân dân, cấp uỷ, chính quyền địa phương ủng hộ; Thứ ba, thủ tục giao dịch của hệ thống QTDND thuận tiện, đơn giản, phục vụ nhanh, tạo được thiện cảm cho người dân, thu hút ngày càng nhiều thành viên. Thứ tư, cán bộ của QTDND gần dân, bám sát cơ sở, nắm bắt được tình hình thực tế của từng thành viên, khách hàng. Do đó, thuận tiện cho công tác thẩm định, quản lý, thu hồi vốn vay, nâng cao chất lượng tín dụng. Thứ năm, các món vay phục vụ thành viên thường là nhỏ, lẻ phù hợp với sản xuất của người dân nên mức độ rủi ro được phân tán, hạn chế. Thứ sáu, có mối liên kết hệ thống chặt chẽ từ Trung ương đến cơ sở. Tuy QTDTW và QTDND cơ sở là hai pháp nhân độc lập nhưng với vai trò là đầu mối, hệ thống QTDTW đã làm tốt việc điều hoà vốn, tương trợ khả năng thanh toán, chi trả, mở rộng tín dụng cho các QTDND cơ sở. Cũng cần nói thêm là hiện nay Hiệp hội QTDND Việt Nam tuy mới đi vào hoạt động hơn 1 năm nhưng đã từng bước thực hiện tốt vai trò của tổ chức liên kết hệ thống: tăng cường đào tạo; thiết lập các kênh thông tin đa chiều; đại diện cho hệ thống QTDND đối thoại với các cơ quan, ban, ngành; bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hệ thống QTDND.

Pv: Xin PTĐ cho biết, Nhà nước cần hỗ trợ QTDND như thế nào để Quỹ có thể cạnh tranh được với các tổ chức tín dụng nước ngoài?

PTĐ Trần Minh Tuấn: Thị phần nông nghiệp, nông thôn sẽ không nằm ngoài khả năng bị ngân hàng nước ngoài chi phối. Tuy nhiên, họ hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận cho nên khi thâm nhập vào khu vực nông thôn họ cũng còn nhiều vấn đề và thời gian để tiếp cận ở mức độ sâu rộng. Trong khi mô hình hệ thống QTDND phát triển chủ yếu là để phục vụ cộng đồng, thực hiện chủ trương xoá đói giảm nghèo, đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi, từng bước nâng cao đời sống, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, do vậy được đông đảo người dân đồng thuận. Thực tiễn hoạt động của hệ thống QTDND hơn 10 năm qua đã minh chứng, khẳng định vai trò của hệ thống đối với thành viên, với cộng đồng và xã hội. Để có thể phát triển ổn định trong cạnh tranh hội nhập, hệ thống QTDND rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về nhiều mặt: Nhanh chóng hoàn thiện cơ chế chính sách tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động của hệ thống QTDND như quy định về trích lập Quỹ an toàn hệ thống...; Tăng cường năng lực tài chính cho hệ thống QTDND, đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng giúp hệ thống QTDND đứng vững trong cạnh tranh. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước cụ thể ở đây là tăng vốn điều lệ cho QTDTW để thực hiện tốt nhiệm vụ điều hoà vốn, tương trợ cho gần 1.000 QTDND. Mặt khác, có chính sách giảm thuế cho hệ thống QTDND để đưa vào Quỹ bổ sung vốn điều lệ, tích luỹ phục vụ cho phát triển. Hiện nay, tuy là tổ chức tín dụng hợp tác hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhưng hệ thống QTDND đang nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 28% như các tổ chức tín dụng khác, đã và đang gây khó khăn cho hệ thống; Có chính sách hỗ trợ về đào tạo, nâng cao trình độ nguồn nhân lực cho hệ thống với phương châm Nhà nước và QTDND cơ sở cùng làm; Hoàn thiện một số chính sách đối với người lao động làm việc ở QTDND cơ sở tạo nền tảng để thu hút đội ngũ cán bộ trẻ, có trình độ, được đào tạo chính quy vào làm việc tại QTDND; Tăng cường chỉ đạo các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm, ủng hộ, giám sát hoạt động hệ thống QTDND; Tích cực tuyên truyền hơn nữa về mô hình hệ thống QTDND hiện nay... Mặt khác, nghiên cứu, giúp đỡ để hệ thống QTDND được tham gia một số dự án hỗ trợ tín dụng, dịch vụ ngân hàng, kỹ thuật, quản trị... từ các tổ chức tài chính quốc tế.

PV: Vậy mô hình QTDND sẽ phải thay đổi như thế nào để có thể đáp ứng được nhu cầu cạnh tranh mà vẫn đảm bảo an toàn, hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích?

PTĐ Trần Minh Tuấn: Mô hình hệ thống QTDND 2 cấp bao gồm: QTDTW và QTDND cơ sở như hiện nay là phù hợp, thuận tiện cho hoạt động, nâng cao liên kết hệ thống. Đặc biệt, sự ra đời của Hiệp hội QTDND Việt Nam - tổ chức xã hội nghề nghiệp đại diện cho hệ thống QTDND là bước đánh dấu sự hoàn thiện mô hình tổ chức hệ thống. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu cạnh tranh mà vẫn đảm bảo an toàn, hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích hệ thống QTDND cần tiếp tục hoàn thiện, củng cố mô hình hệ thống theo hướng: Tăng tính tự chủ cho các QTDND cơ sở, tiếp tục phát triển các QTDND mới tại những vùng hội đủ điều kiện; đồng thời có chính sách mở rộng địa bàn hoạt động cho các quỹ có đủ điều kiện, tiềm lực (liên xã, liên phường); Thiết lập các cơ chế, thiết chế hỗ trợ hoạt động hệ thống như: Quỹ an toàn, Quỹ dự phòng hỗ trợ khả năng chi trả...; Chuyên nghiệp hoá đội ngũ cán bộ để tăng hiệu quả công việc; Xây dựng QTDTW thành Ngân hàng Hợp tác tương trợ không chỉ cho hệ thống QTDND thành viên mà còn hỗ trợ các loại hình kinh tế hợp tác khác; Tiếp tục củng cố và hoàn thiện mô hình tổ chức của Hiệp hội QTDND Việt Nam trở thành một tổ chức liên kết đủ mạnh của hệ thống để trợ giúp các QTDND phát triển vững mạnh, hiệu quả và an toàn.

PV: Xin cảm ơn PTĐ.
Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan