Ông Lê Duy Thành - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định: Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) là giải pháp thích hợp nhất, tốt nhất ở giai đoạn hiện nay, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội của tỉnh.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành phát biểu chủ trì hội nghị
Chủ động chấn chỉnh, đảm bảo an toàn, hiệu quả
Thời gian này, nhiều tỉnh, thành phố đã và đang quyết liệt triển khai Chỉ thị số 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND. Tại Vĩnh Phúc, ngay sau Chỉ thị của Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-CT tăng cường chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND trên địa bàn.
Đặc biệt, cuối tuần qua, Hội nghị chuyên đề triển khai 2 Chỉ thị trên với sự chủ trì của Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Duy Thành một lần nữa khẳng định sự chỉ đạo và vào cuộc quyết liệt của UBND tỉnh, NHNN Chi nhánh Vĩnh Phúc trong việc củng cố hệ thống QTDND – một trong những trụ cột quan trọng cung ứng vốn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Tính đến 30/6/2019, tổng nguồn vốn của 31 QTDND trên địa bàn tỉnh là 2.916 tỷ đồng, tăng 594 tỷ đồng so với đầu năm, bình quân 1 quỹ có nguồn vốn hoạt động 94 tỷ đồng. Tuy nhiên, quy mô nguồn vốn không đồng đều giữa các quỹ; quỹ có nguồn vốn cao nhất là QTDND thị trấn Thanh Lãng 204 tỷ đồng.
Một thống kê khác của NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, trong giai đoạn 2016-2019, dư nợ tăng trưởng bình quân của hệ thống QTDND trên địa bàn là 21,6%/năm, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng và chỉ đạo của NHNN chi nhánh là từ 15-20%. Đến thời điểm 30/6/2019, tổng dư nợ cho vay của 31 QTDND là 2.251 tỷ đồng, bình quân dư nợ đạt 72,6 tỷ đồng/quỹ, chiếm 77,2% tổng nguồn vốn hoạt động. Tỷ lệ nợ xấu của các quỹ luôn ở mức thấp dưới 1%/tổng dư nợ.
“Ở thời điểm tái lập tỉnh năm 1997, Vĩnh Phúc có 39 QTDND, sau nhiều lần tái cơ cấu đến nay toàn tỉnh có 31 quỹ đang hoạt động tại 34 xã, phường, thị trấn trong tỉnh”, ông Nguyễn Văn Tâm – Tỉnh ủy viên, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc thông tin tại hội nghị. Ông Tâm cũng cho biết, với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng trên địa bàn, NHNN chi nhánh luôn thực hiện quyết liệt các giải pháp để đảm bảo hệ thống QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả.
Với quan điểm chỉ đạo trên, ngay sau khi NHNN Việt Nam ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả, NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai kịp thời tới hệ thống QTDND thông qua việc tổ chức các hội nghị chuyên đề về hoạt động của QTDND, trong đó đề cao chất lượng tín dụng cho vay thành viên an toàn, hiệu quả, tập trung xử lý nợ xấu, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng hợp lý theo đúng chỉ đạo của NHNN Việt Nam.
Công tác thanh tra, giám sát đối với hệ thống QTDND cũng được NHNN chi nhánh thực hiện quyết liệt với kế hoạch thanh tra chi tiết. Bên cạnh việc triển khai đối với các QTDND đến thời hạn thanh tra, NHNN chi nhánh còn tập trung thanh tra, kiểm tra những quỹ có dấu hiệu tăng trưởng nóng, quỹ có nợ quá hạn cao, có biến động lớn về doanh số hoạt động. Nhờ làm tốt công tác giám sát từ xa và thanh tra tại chỗ, NHNN chi nhánh đã giúp các QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả, chấp hành đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Ngành.
Tuy nhiên, khi nghe những ý kiến đầy tâm huyết chia sẻ tại hội nghị của lãnh đạo các cấp, cũng như các QTDND mới thấy để đạt được thành quả “an toàn, hiệu quả” của hệ thống QTDND trong nhiều năm qua không hề đơn giản, đòi hỏi sự nỗ lực của từng tập thể lãnh đạo quỹ, sự phối hợp, giúp đỡ của Đảng ủy, chính quyền địa phương mà QTDND thị trấn Yên Lạc là một minh chứng...
Hoạt động ở một địa phương có truyền thống về kinh doanh, dịch vụ và thương mại mà chủ yếu là nghề mộc – một thị trường vốn khá hấp dẫn đối với QTDND, nhưng theo ông Lê Văn Quý - Giám đốc QTDND thị trấn Yên Lạc cũng có thời điểm quỹ làm mất lòng tin của khách hàng do sai phạm của một số cán bộ, dẫn tới nợ xấu, nợ quá hạn cao.
“Thời điểm đó, NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định xử lý một số cán bộ liên quan và đặt quỹ trong tình trạng giám sát đặc biệt”, ông Quý nhớ lại. Cùng với đó, trước tình hình cấp bách của QTDND thị trấn Yên Lạc, với sự giúp đỡ tích cực của Đảng ủy, chính quyền thị trấn và sự quyết tâm của cán bộ làm việc tại quỹ đã giúp quỹ vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Điều này cũng đúng với mong muốn của Giám đốc NHNN Chi nhánh Nguyễn Văn Tâm khi ông luôn nói “các chủ tịch, giám đốc quỹ phải tranh thủ sự ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương”. Đến nay về cơ bản quỹ Yên Lạc đã xử lý được các khoản nợ xấu và trở lại hoạt động ổn định.
Cũng từ trải nghiệm của quỹ Yên Lạc, ông Quý kiến nghị, UBND tỉnh cần có chính sách thuế đối với các QTDND đang gặp khó khăn phải thực hiện củng cố, chấn chỉnh hoạt động như miễn giảm thuế và tạm hoãn thu thuế trong thời gian khắc phục khó khăn, để giảm bớt gánh nặng về tài chính đối với những quỹ đang phải củng cố, chấn chỉnh.
Khách hàng giao dịch tại QTDND xã Tề Lỗ - huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc
Tiếp tục khẳng định vai trò đối với phát triển KT-XH
Để đánh giá hệ thống các TCTD trên địa bàn nói chung và QTDND nói riêng, ông Lê Duy Thành – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, nhìn lại quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) sau hơn 20 năm tái lập tỉnh để thấy vai trò của hệ thống QTDND là rất quan trọng.
Vĩnh Phúc từ một tỉnh nghèo chỉ đứng thứ 57/61 tỉnh, thành về các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó thu ngân sách chưa đầy 100 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người 2 triệu đồng/người/năm, nhưng sau hơn 20 năm phát triển, thu ngân sách đã đạt 33 nghìn tỷ đồng đứng thứ 6 toàn quốc; cơ cấu kinh tế hiện nay của Vĩnh Phúc cũng chuyển dịch mạnh mẽ, gồm công nghiệp chiếm 60%, dịch vụ trên 30%, nông nghiệp còn khoảng 8-9%. Thu nhập bình quân đầu người từ chỗ 2 triệu đồng, thấp nhất toàn quốc thì nay đạt 90 triệu đồng.
Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh cũng rất trăn trở, mặc dù tỉnh phát triển như vậy, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp và dịch vụ nhưng người dân Vĩnh Phúc có đến 70% sống ở khu vực nông thôn. “Và người dân nông thôn vẫn trăn trở với cuộc sống mưu sinh hàng ngày và để thay đổi cuộc sống thì họ cần hỗ trợ gì?”, Phó Chủ tịch tỉnh đặt câu hỏi và cho rằng, cái mà người dân nông thôn cần và xem như điều kiện tiên quyết nhất hiện vẫn là nguồn vốn. Ông cũng khẳng định: QTDND là giải pháp thích hợp nhất, tốt nhất ở giai đoạn hiện nay, nhằm góp phần giải quyết các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội. Điều này cũng đúng với tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đặt ra với 3 mục tiêu chủ yếu: Phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo an sinh xã hội; giải quyết cơ bản các vấn đề môi trường, đặc biệt là môi trường nông thôn.
Ông Lê Duy Thành cho rằng, hệ thống QTDND trên địa bàn đang bám sát mục tiêu này và khẳng định được vai trò vị thế của mình, để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. “Ví dụ như trong xây dựng nông thôn mới chúng ta hoàn thành mục tiêu về cơ sở hạ tầng, đường sá, nhà văn hóa nhưng các chỉ tiêu về cải thiện đời sống thì còn khiêm tốn, vì vậy rất cần vai trò của QTDND”, ông Thành chia sẻ thêm và lưu ý, lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã, phường, thị trấn cần xem đây là giải pháp và nếu phát huy được vai trò của QTDND thì có thể làm tốt 60-70% nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Xác định vai trò của QTDND rất quan trọng, thời gian tới, Phó Chủ tịch tỉnh đề nghị, NHNN chi nhánh tiếp tục nâng cao vai trò quản lý Nhà nước đối với hệ thống QTDND trên địa bàn, thường xuyên tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh, NHNN Việt Nam về cơ chế chính sách, những khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động của QTDND trên địa bàn; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát hoạt động, kịp thời phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng xử lý các quỹ yếu kém, cán bộ quỹ vi phạm pháp luật và các vấn đề nảy sinh trong quá trình củng cố, chấn chỉnh để giúp QTDND khắc phục khó khăn, hoạt động phát triển, an toàn, bền vững.
Đối với các QTDND trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục thực hiện tốt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”, Đề án "Củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN Việt Nam phê duyệt.
“Các QTDND cần nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, đặc biệt là ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ cán bộ quản trị, điều hành, phát huy vai trò kiểm soát, kiểm toán nội bộ, đảm bảo quỹ hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động và nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên, góp phần hạn chế, ngăn chặn tình trạng tín dụng đen”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành lưu ý.
13.11.2024
30.10.2024