27.05.2019 07:00

Hệ thống QTDND tỉnh Phú Thọ đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương

42.170 thành viên được thụ hưởng dịch vụ tín dụng từ 39 QTDND với dư nợ 3.648 tỷ đồng. Như tổng kết Nghị quyết TW5 của tỉnh đánh giá, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thành Nam nhấn mạnh, đây là một điểm sáng trong phát triển mô hình hợp tác xã có tác động sâu rộng trực tiếp đến sinh kế của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Phú Thọ…

 

Hệ thống QTDND tỉnh Phú Thọ đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương 

Thành công của mô hình này đến từ sự quyết liệt của NHNN chi nhánh tỉnh Phú Thọ trong quản lý điều hành, cùng với đó là sự phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ công tác tái cơ cấu lại hệ thống QTDND gắn với xử lý nợ xấu. Chính vì vậy, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 06/CT-TTg và NHNN có chỉ đạo về việc thực hiện, NHNN Phú Thọ đã đi tiên phong trong việc tham mưu cùng tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai trên địa bàn.

Sát sao trong quản lý và hỗ trợ 

Chia sẻ kinh nghiệm cùng các QTDND trên địa bàn, Chủ tịch HĐQT QTDND xã Cát Trù Nguyễn Khắc Thể nhớ lại thời điểm khó khăn của Quỹ vào năm 2014 (sau 21 năm thành lập và hoạt động). Nguyên nhân là do Giám đốc vi phạm những nguyên tắc trong điều hành, mất dân chủ, vi phạm chế độ tín dụng, đạo đức nghề nghiệp, lối sống… dẫn tới nhóm vay khách hàng với số lượng lớn (chiếm 1/3 tổng dư nợ) tiềm ẩn rủi ro cao, chi tiêu vượt Nghị quyết đại hội thành viên. Trước tình hình đó, NHNN tỉnh Phú Thọ đã làm việc với chính quyền địa phương chỉ đạo Ban giám đốc giao toàn bộ công việc điều hành cho Phó giám đốc, chuyển giám đốc xuống làm trưởng ban xử lý nợ xấu và khắc phục các sai phạm sau thanh tra.

NHNN chi nhánh tỉnh cũng đã phối hợp với UBND tổ chức hội nghị xử lý nợ xấu cho QTDND. Sau hội nghị đã cử một thanh tra viên trực tiếp chỉ đạo công tác xử lý nợ. Hàng tuần HĐQT báo cáo với thanh tra giám sát tỉnh và Ban chỉ đạo thu hồi nợ xấu xã Cát Trù. Lãnh đạo NHNN cũng trực tiếp làm việc với huyện ủy, UBND huyện Cẩm Khê, Tòa án, công an huyện về phối kết hợp tạo điều kiện giúp QTDND thu hồi nợ xấu theo Nghị quyết 42. Đặc biệt, lãnh đạo Thanh tra chi nhánh đã xây dụng và ban hành cẩm nang về xử lý nợ xấu và tận tình hướng dẫn để quỹ áp dụng chuẩn theo quy định pháp luật và Nghị quyết 42.

Cùng với sự hỗ trợ thanh khoản của Ngân hàng Hợp tác, hoạt động QTDND xã Cát Trù từ tình trạng báo động khẩn cấp tương ứng với cấp độ kiểm soát đặc biệt, nay đã dần đi vào ổn đinh, mọi chỉ tiêu tăng trưởng tốt, đặc biệt, đã lấy lại được niềm tin của nhân dân. Hiện Quỹ đã có 1.033 thành viên với nguồn vốn 94 tỷ đồng, vốn điều lệ 5,5 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay 90 tỷ đồng. Công tác tín dụng được đổi mới, chất lượng tín dụng được tốt hơn; kiểm soát không để nợ xấu, nợ có dấu hiệu rủi ro phát sinh thêm, đồng thời đã thu hồi gần 4 tỷ nợ gốc và lãi tồn đọng, 3 món vay khác trị giá gốc cộng lãi đọng 2,250 tỷ đồng đã giao cho tổ chức bán đấu giá, các món nợ khác đang xử lý tài sản thu hồi nợ vào tháng 6, tháng 7.

Nói về QTDND xã Thụy Vân, Giám đốc NHNN Chi nhánh Phú Thọ Phạm Trường Giang cảm kích: “Cám ơn UBND xã Thụy Vân đã cùng NHNN 'trục vớt' QTDND Thụy Vân qua 2 cơn khốn khó”. Chủ tịch UBND xã Thụy Vân Tạ Đức Hồng cho biết, thành lập từ năm 1994, Quỹ đã trải qua 2 lần xử lý đặc biệt do cán bộ quỹ buông lỏng quản lý, vi phạm chế độ dẫn đến nợ xấu cao. Một lần vào năm 2000 và lần 2 vào năm 2016 cũng bởi sai phạm trong hoạt động cho vay, vi phạm đạo đức nghề nghiệp với tỷ lệ nợ quá hạn lên tới 30% tổng dư nợ. Ngày ấy NHNN Chi nhánh tỉnh Phú Thọ đã làm việc với chính quyền địa phương chỉ đạo thay toàn bộ HĐQT nhiệm kỳ 2017–2021 để chấn chỉnh, củng cố hoạt động và xử lý nợ xấu.

“Lúc đầu NHNN đề xuất thay cả 3 lãnh đạo quỹ: Chủ tịch HĐQT, Giám đốc, Phó giám đốc. Chúng tôi cũng thấy lăn tăn, song thực tế cho thấy, đây là quyết định đúng đắn và táo bạo. Cũng với một quy trình và phương thức, NHNN đã phối hợp cùng các cấp, các ngành xử lý tương tự như QTDND Cát Trù, đến nay, QTDND Thụy Vân đã xử lý và thu hồi được 12,075 tỷ đồng nợ quá hạn, nợ xấu, giảm tỷ lệ nợ xấu xuống 16%. Tổng số thành viên tham gia là 1.095 với dư nợ 93 tỷ đồng, quỹ đã trích lập dự phòng rủi ro 6,6 tỷ đồng. Đáng nói là nguồn vốn huy động lên tới 137 tỷ đồng và hiện quỹ đang gửi Ngân hàng Hợp tác 55 tỷ đồng, cho thấy niềm tin của người dân với quỹ đã trở lại. Với kết quả xử lý nợ xấu như hiện tại, QTDND xã Thụy Vân đang từng bước trở lại hoạt động và phát triển ổn định.

Khơi mọi nguồn lực hỗ trợ hệ thống

Nhìn rộng ra toàn địa bàn, lãnh đạo Thanh tra, giám sát NHNN Chi nhánh tỉnh Phú Thọ, cho biết thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội, Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của NHNN Việt Nam, UBND tỉnh, NHNN Chi nhánh tỉnh Phú Thọ đã triển khai, hướng dẫn các QTDND trên địa bàn xây dựng và thực hiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2017-2020.

Tính từ 15/8/2017 (thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực), hệ thống QTDND đã xử lý được 30,9 tỷ đồng nợ xấu (nợ xấu nội bảng) xác định theo Nghị quyết 42; trong đó có các hình thức như sau: khách hàng tự trả nợ 29,125 tỷ đồng, chiếm phần đa số (94%), phản ảnh ý thức trả nợ của khách hàng khi QTDND có quyền thu giữ tài sản đảm bảo theo Nghị quyết 42; sử dụng dự phòng rủi ro 1,517 tỷ đồng, phát mại tài sản 330 triệu đồng...

Nền tảng tăng chất lượng hoạt động cho các QTDND thêm vững chắc với công tác quản trị của các QTDND đã có nhiều tiến bộ, từ hoàn thiện công tác quản trị, từ mô hình hoạt động cho đến nguồn nhân lực; xây dựng phương án tiền lương theo vị trí việc làm… Công tác quản trị đã đảm bảo an toàn hệ thống, giảm thiểu rủi ro, kiểm soát nợ xấu phát sinh.

Hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ đã góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý các rủi ro; hàng tháng đã kiến nghị, cảnh báo cho QTDND và báo cáo về NHNN chi nhánh những diễn biến trong hoạt động của đơn vị. Vì thế chất lượng tín dụng của các quỹ hiện tại tương đối tốt, tỷ lệ nợ xấu trong tầm kiểm soát. Nợ xấu hạch toán 38,1 tỷ đồng, chiếm 1,04% tổng dư nợ cho vay.

Sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các cấp, các ngành, chính quyền địa phương trong cả việc quản lý, xử lý nợ, cũng như tạo điều kiện cho hoạt động của các QTDND về cơ sở vật chất, nâng cao nguồn nhân lực cũng đã được lãnh đạo các huyện, Liên minh Hợp tác xã tỉnh và Công an tỉnh chia sẻ. Tổng kết của NHNN chi nhánh cũng như ý kiến của Phó giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ đúc kết, QTDND phát triển có tác động sâu rộng đến kinh tế - xã hội, song khi xảy ra rủi ro cũng có tác động khôn lường. Mà một nguyên nhân quan trọng dẫn đến rủi ro của hệ thống các QTDND nói chung và địa bàn Phú Thọ nói riêng chính là yếu tố con người, đặc biệt là rủi ro đạo đức.

Chính vì vậy, bên cạnh việc tiếp thu các ý kiến tham gia của các cấp, các ngành và  QTDND tham mưu đề xuất cho tỉnh trong công tác quản lý QTDND trong thời gian tới nâng cao sự hỗ trợ cho hệ thống QTDND, Giám đốc NHNN chi nhánh Phú Thọ Phạm Trường Giang đề nghị chủ tịch UBND các huyện tăng cường quản lý về con người, chỉ đạo rà soát lại hệ thống quỹ tín dụng từ nay đến cuối năm, sắp xếp lại mô hình tổ chức QTDND. NHNN tỉnh cũng sẽ tập trung rà soát, đánh giá phân loại QTDND gắn với quy mô, vì vậy điều này sẽ tác động đến quy mô và chất lượng nguồn nhân lực của quỹ.

Giám đốc Giang nhấn mạnh đến việc cần nâng cao vai trò của Chủ tịch HĐQT và ban kiểm soát. “Dứt khoát không có tư duy nhiệm kỳ mà hàng năm căn cứ vào tiêu chuẩn được Đại hội thành viên đề ra, nếu lãnh đạo quỹ không đảm đương được, không khắc phục được thì xử lý, cho ra khỏi quỹ”. NHNN sẽ có hướng dẫn về tiền lương với việc hưởng lương theo năng lực, trong đó tiền lương của Ban lãnh đạo quỹ do đại hội thành viên quyết định. NHNN cũng sẽ phối hợp với xã có hướng dẫn về tuyển dụng nhân sự. Chính quyền địa phương phối hợp cùng NHNN phát huy các chốt an toàn hoạt động QTDND đó là HĐQT và ban kiểm soát, gắn vai trò trách nhiệm vào ban kiểm soát, ăn lương đại hội thì phải làm theo đúng đại hội.

Chỉ ra thành công thời gian qua của hệ thống QTDND sau khi thực hiện Chỉ thị 57/CT-TW là lấy được uy tín, Phó chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng NHNN, ông Trần Đăng Phi cũng nhấn mạnh: “Khi các rủi ro xảy ra đối với hệ thống QTDND thì tổn thất lớn nhất chính là uy tín”. Từ đó, ông đề nghị lãnh đạo các cấp chính quyền đặc biệt là xã, phường quan tâm hơn nữa đến vấn đề nhân sự, cán bộ, tăng cường kiểm soát rủi ro đạo đức.

Ông Phi đề nghị chính quyền cơ sở và NHNN tổ chức hội nghị QTDND địa bàn, khu vực để cùng nhau trao đổi những vướng mắc về quy định pháp luật, giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh, đây là vấn đề quan trọng. Bên cạnh đó cần thiết lập buổi giao ban định kỳ để nắm bắt thông tin giữa NHNN và các cấp địa phương. “Hệ thống QTDND phát triển ổn định, an toàn, hiệu quả là mong muốn của chúng tôi”, ông nhấn mạnh một lần nữa về quan điểm xây dựng và thực thi chính sách của NHNN. 

Theo Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan