22.07.2013 07:58

Hệ thống QTDND Thành phố Hồ Chí Minh - góp phần giảm cho vay nặng lãi


Thực hiện Chỉ thị số 57-CT/TW ngày 10-10-2000 của Bộ Chính trị về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân, qua 10 năm thực hiện, Chỉ thị 57-CT/TW đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc phát triển kinh tế hợp tác, đồng thời chứng minh hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân đã góp phần tích cực từng bước xóa đói giảm nghèo và hạn chế nạn cho vay nặng lãi trên những địa bàn có Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động.


Trong giai đoạn thí điểm thành lập Quỹ tín dụng nhân dân từ năm 1995-1997, NHNN chi nhánh TPHCM đã cấp phép cho 9 Quỹ tín dụng nhân dân, đến nay, NHNN chi nhánh TPHCM đã cấp phép thành lập thêm 10 Quỹ tín dụng nhân dân, nâng tổng số Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn TP lên 19 Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên 98 xã-phường, thị trấn thuộc 12 quận-huyện tại TPHCM.


Dựa trên nền tảng mô hình tổ chức kinh tế tập thể và quản lý hoạt động theo quy định tại Luật Các Tổ chức tín dụng, hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đã dần tạo được sự tín nhiệm của người dân, thành viên nơi có Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động. Đến nay, các Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đã thu hút được 43.590 thành viên, bao gồm cá nhân, hộ gia đình và một số tổ chức kinh tế; giải quyết cho hơn 200.000 lượt thành viên và hộ gia đình vay vốn, tổng doanh số cho vay khoảng 450.000 tỷ đồng. Trong đó có 50% các món vay không đủ tiêu chuẩn cho vay theo điều kiện của các ngân hàng thương mại hoặc không thuộc đối tượng hỗ trợ bởi các nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước như quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ giải quyết việc làm…


Với sự phối hợp của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn nên tỷ lệ nợ có khả năng mất vốn của Quỹ tín dụng nhân dân hiện chỉ chiếm 0,5% trên tổng dư nợ (5 tỷ đồng) và trường hợp có rủi ro sẽ được xử lý bằng quỹ dự phòng. Thực tế tại các xã, phường nơi có Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động, tình trạng cho vay nặng lãi giảm đáng kể.


Mặc dù hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân tại TPHCM chỉ chiếm 0,05% trên tổng nguồn vốn hoạt động của các Tổ chức tín dụng trên địa bàn nhưng hoạt động ổn định, 17/19 Quỹ tín dụng nhân dân có lãi và chia cổ tức cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm 12 tháng (năm 2012, các Quỹ tín dụng nhân dân chia cổ tức bình quân từ 14% - 20% cho các thành viên góp vốn). Hiệu quả kinh tế của các Quỹ tín dụng nhân dân nói chung cao hơn so với các mô hình hợp tác xã khác, như HTX vận tải, HTX rau sạch, HTX nông nghiệp tại địa bàn TPHCM.


Trải qua 18 năm hình thành và phát triển, Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn TPHCM góp phần không nhỏ vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo, hạn chế cho vay nặng lãi ở nông thôn, là kênh tài chính thiết thực của nông dân. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân cũng gặp một số khó khăn nhất định trong quá trình hoạt động. Cụ thể, hầu hết các Quỹ tín dụng nhân dân hiện nay có quy mô nhỏ so với các loại hình Tổ chức tín dụng khác, hoạt động chủ yếu ở khu vực ngoại thành, nông thôn, khách hàng chủ yếu là người lao động nghèo, buôn bán nhỏ nên mức độ cạnh tranh với các ngân hàng thương mại còn gặp nhiều khó khăn. Thực tế cho thấy, vẫn còn nhiều người dân chưa hiểu hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân, chỉ nghĩ đơn giản là tham gia thành viên để được vay tiền nên vẫn còn hạn chế trong việc đóng góp để xây dựng Quỹ tín dụng nhân dân phát triển, góp phần quản lý và giám sát hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân. Bên cạnh đó, một số cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội tại địa phương chưa hiểu rõ về mô hình Quỹ tín dụng nhân dân cũng như chưa nhận thức được vai trò của Quỹ tín dụng nhân dân trong việc phát triển kinh tế địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo và hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi nên còn chậm trong việc hỗ trợ Quỹ tín dụng nhân dân phát triển.


Nguyễn Hoàng Minh

Các tin liên quan