Thời
gian tới, NHNN sẽ chỉ đạo NHHT và Hiệp hội các QTDND rà soát lại những vấn đề
yếu kém, vướng mắc của hệ thống để xử lý dứt điểm. Đây là vấn đề mang tính
quyết định đến sự phát triển và lành mạnh hóa hệ thống. “1.145 QTDND đang
hoạt động sẽ có những bước chuyển đổi để thích ứng với các quy định mới.
Nhưng đối với các QTDND mới thành lập trong thời gian tới sẽ phải hoạt động
theo đúng những quy định mới và nó sẽ là đối chứng cho tư duy mới của chúng
ta. Chúng ta sẽ phải phát triển nhanh và an toàn hơn để cạnh tranh”, Phó
thống đốc Đặng Thanh Bình kết luận.
Sẽ có thêm 2 sợi dây liên kết
Tại đại hội lần này, các QTDND thành viên nhất trí cao với việc phải cho
ra đời Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND (Quỹ bảo toàn) theo Thông tư
03/2014/TT-NHNN và tới đây là Thông tư quy định về QTDND. Đây chính là hai sợi
dây kết nối và siết chặt liên kết hệ thống cũng như đưa định hướng tái cấu
trúc hệ thống QTDND về đúng quỹ đạo.
Theo dự thảo thông tư quy định về QTDND, việc cho vay các pháp nhân, các
thành viên là tổ chức, cá nhân không phải là thành viên không vượt quá số dư
tiền gửi tại thời điểm quyết định cho vay và không vượt quá thời gian còn lại
của số tiền gửi. Các QTDND không được vay vốn lẫn nhau để tăng cường vai trò
đầu mối điều hòa vốn cho hệ thống của NHHT.
QTDND có trách nhiệm góp vốn xác lập tư cách thành viên và vốn góp thường
niên tại NHHT, gửi vốn nhàn rỗi theo quy chế điều hòa vốn do NHHT ban hành,
có trách nhiệm cung cấp báo cáo cho NHHT để phục vụ mục tiêu điều hòa vốn,
giám sát hệ thống và chấp hành sự kiểm tra giám sát nội bộ của NHHT đối với
các hoạt động nghiệp vụ, thực hiện các quy định về an toàn tín
dụng.
NHHT sẽ hướng dẫn thống nhất trong hệ thống QTDND về việc thiết kế in ấn
thẻ thành viên, thông qua phương án tổ chức hoạt động của nhóm; xây dựng mô
hình tổ thẩm định độc lập để thực hiện thống nhất trong hệ thống các QTDND.
Đối với những khoản vay lớn, NHHT sẽ cho vay hợp vốn đối với thành viên theo
quy định của NHNN…
Tính liên kết của các thành viên sẽ tiến đến một bước cao hơn trong Quy
chế quản lý và sử dụng Quỹ bảo toàn. Theo dự thảo, Quỹ sẽ được hình thành từ
3 nguồn, đó là phí đóng góp từ NHHT và QTDND, chênh lệch thu từ lãi và chi
phí trong hoạt động của Quỹ bảo toàn, lợi nhuận để lại từ nguồn vốn hỗ trợ
của Nhà nước tại NHHT và các nguồn thu khác. Mức phí dự kiến trích nộp hàng
năm là 0,08% dư nợ cho vay bình quân của năm liền kề trước, kết thúc vào ngày
31/12 của NHHT, QTDND. Các QTDND tại thời điểm trích nộp phí đang phải áp
dụng kiểm soát đặc biệt, hoặc năm liền kề trước của thời điểm nộp phí bị áp
dụng kiểm soát đặc biệt sẽ không phải nộp phí.
Một đại diện QTDND lý giải, phí nộp bảo hiểm tiền gửi là để “chết thì
chôn”, còn với Quỹ bảo toàn giống như thuốc chữa bệnh, thuốc bổ, hỗ trợ trực
tiếp cho thành viên khắc phục khó khăn tài chính để phát triển.
Tổng giám đốc NHHT, ông Đỗ Mạnh Hùng cho biết: “Quỹ bảo toàn là Quỹ của
các thành viên cùng nhau đóng góp để tương trợ lẫn nhau. Với mức cho vay tối
đa không vượt quá 1,5 lần vốn tự có, QTDND thành viên không chỉ được vay vốn
bù đắp các khó khăn tài chính khi phát sinh rủi ro bất khả kháng, mà còn được
cho vay khi kinh doanh thua lỗ nhưng có khả năng phục hồi, có nhu cầu đầu tư
trụ sở làm việc, công nghệ thông tin, đào tạo cán bộ… để nâng cao năng lực
điều hành nhưng vượt quá khả năng tài chính của Quỹ. Khi tổng nguồn vốn hoạt
động của Quỹ bảo toàn đạt 1,5 lần tổng tài sản có của hệ thống TCTD là hợp tác
xã, Quỹ sẽ tạm thời ngừng thu phí tham gia của các thành viên”.
Hơn thế, “khi nguồn vốn của Quỹ đủ lớn để tự xử lý những rủi ro trong hệ
thống, NHHT sẽ nghiên cứu, đề nghị Chính phủ và NHNN xem xét giảm hoặc miễn
đóng phí bảo hiểm tiền gửi cho QTDND và NHHT”, Tổng giám đốc NHHT Đỗ Mạnh Hùng
cho biết.