06.09.2014 11:12

Hệ thống QTDND Hưng Yên: Tín dụng hỗ trợ đối tượng “yếu thế”

“Đối với nhu cầu hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn và nông dân thì hiện các ngân hàng chưa tới được một cách đầy đủ nhất, nên nhu cầu phát triển Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) ở Hưng Yên rất cao”, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Hưng Yên Vũ Viết Thu chia sẻ.

Phát triển phù hợp quản lý

Đứng thứ 4 về độ phủ rộng QTDND trên địa bàn, hiện Hưng Yên có 65 quỹ với quy mô tài sản trung bình khoảng 30 tỷ đồng/quỹ. Từ khi triển khai chấn chỉnh hoạt động QTDND theo Chỉ thị 57/CT-TW đến nay, hệ thống QTDND cơ sở đã tăng thêm 18 quỹ. Những quỹ lớn có quy mô hơn 100 tỷ đồng, quỹ nhỏ nhất cũng gần 10 tỷ đồng tạo nên một bức tranh khá quy mô về hệ thống QTDND trên địa bàn.


  
      QTDND cần được mở rộng, đi đôi với quản lý hiệu quả


Tính đến cuối tháng 7 vừa qua, tổng vốn chủ sở hữu của các quỹ khoảng 178 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ là gần 82,5 tỷ đồng; tổng nguồn vốn huy động đạt gần 2,6 nghìn tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt khoảng 1,78 nghìn tỷ đồng (tỷ lệ nợ xấu bình quân chỉ là 0,78%). Hiện hệ thống QTDND trên địa bàn có gần 62,7 nghìn thành viên, riêng từ đầu năm đến nay kết nạp thêm gần 1.400 thành viên mới...

“Quy mô của các QTDND tăng rất nhanh trong những năm gần đây”, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Hưng Yên cho biết. Nếu như những năm 2000, một QTDND mất khoảng 10 năm phát triển liên tục mới đạt đến quy mô tài sản 7-8 tỷ đồng thì nay chỉ 3 năm phát triển là có thể đạt hơn 10 tỷ đồng.

Thành quả này một phần là do niềm tin của người dân khi đã hiểu biết cặn kẽ, yên tâm hơn với mô hình hoạt động của QTDND. Mặt khác, dù thu nhập người dân từ hoạt động sản xuất không tăng nhiều nhưng do kinh tế địa phương phát triển theo hướng chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp với nhiều dự án, nhà máy, khu công nghiệp mọc lên, nên người dân có tích luỹ từ những khoản đền bù ruộng đất.

Tất nhiên, số lượng QTDND nhiều lên thì áp lực quản lý đối với NHNN Chi nhánh tỉnh Hưng Yên cũng lớn lên. Nhưng trước nhu cầu cấp thiết của người dân miền quê thuần nông, chính UBND tỉnh Hưng Yên cũng kêu gọi NHNN tạo điều kiện mở rộng hoạt động của hệ thống QTDND. Vì vậy, các cán bộ trong hệ thống đã nỗ lực để góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Phó giám đốc Thu chia sẻ thêm, dù có mở rộng quy mô các QTDND song vẫn phải trên tinh thần chỉ đạo của Thống đốc NHNN: Mở rộng phải kèm với quản lý được. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, cho vay nông dân rất ít rủi ro. Những rủi ro của các QTDND vừa qua chủ yếu xuất phát từ chính những người quản lý QTDND lợi dụng chức vụ làm trái quy định.

Từ cầm tay chỉ việc đến đào tạo chuẩn

“Chúng tôi có cái thuận lợi là thành lập từ những ngày đầu nên được NHNN cầm tay chỉ việc, chính vì thế mà mới làm được”, Chủ tịch QTDND xã Hiệp Cường, ông Quách Văn Vui tâm sự. Nhớ lại những ngày đầu thực hiện Chỉ thị 57, niềm tin và sự ủng hộ của người dân đối với QTDND bắt đầu tăng lên. Điều đó cũng bắt nguồn từ việc NHNN Chi nhánh tỉnh kêu gọi, vận động lãnh đạo trong Đảng uỷ, UBND tham gia vào hoạt động quản trị Quỹ. Rồi đến ngày áp dụng quy định công chức không tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh, chính lãnh đạo NHNN lại một lần nữa vận động các lãnh đạo đã tham gia HĐQT gắn bó với quỹ.

Cũng chính mô hình khi chuyển đổi QTDND theo Chỉ thị 57 với các cán bộ quản lý kiêm nhiệm, hoạt động của họ còn mới so với hoạt động ngân hàng, nên ngoài chức năng quản lý theo quy định còn cần NHNN hỗ trợ để nắm bắt các hoạt động nghiệp vụ, ví như giúp họ nhận thức được một cách đầy đủ các văn bản vì việc đọc hiểu văn bản là một hạn chế với nhiều cán bộ quỹ.

Chính vì vậy, để có thể giám sát hoạt động của các QTDND cũng như hỗ trợ họ trong hoạt động, Chi nhánh cử cán bộ thanh tra giám sát chuyên trách khu vực. Các cán bộ này định kỳ xuống kiểm tra, nắm bắt tình hình, khó khăn vướng mắc để hỗ trợ các quỹ làm tốt nhiệm vụ. Đây cũng là đầu mối khi quỹ có khó khăn thì thông tin để có sự hỗ trợ, giúp đỡ ngay.

Kèm theo đó, NHNN Chi nhánh tỉnh Hưng Yên xây dựng kế hoạch đào tạo từ cơ bản đến chuyên sâu. Phó giám đốc NHNN cho biết, sau thời kỳ chuyển đổi với việc đào tạo những kỹ năng nghiệp vụ ngân hàng cơ bản, NHNN đã phối kết hợp với Học viện Ngân hàng và các phân viện tổ chức nâng cao chất lượng nghiệp vụ và khả năng quản lý cho lãnh đạo các QTDND cơ sở. Quá trình thanh tra, kiểm soát thường xuyên của Thanh tra giám sát tỉnh không chỉ hỗ trợ các QTDND về mặt quản lý đảm bảo an toàn hệ thống, mà chính từ đây những tồn tại, yếu kém của các QTDND được gom lại.

Rồi xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, NHNN lại tổ chức đào tạo bổ sung và củng cố những lỗ hổng trong nghiệp vụ và quản lý cho các QTDND. Đây cũng là nền tảng để hoạt động Quỹ không gặp phải những trở ngại trong chuyển đổi, củng cố niềm tin nhân dân tiếp tục phát triển.

Cũng bởi, với một tỉnh kinh tế mới bước đầu chuyển đổi, nhu cầu tiếp cận tín dụng của người dân Hưng Yên luôn là nỗi trăn trở của lãnh đạo tỉnh cũng như ngành Ngân hàng địa phương. Tuy nhiên, các NHTM không thể mở rộng đến từng làng xã. Chính việc phát triển hệ thống QTDND là rất cần thiết. “Các xã không có QTDND rất ghen tỵ với xã có QTDND”, ông Vui tâm sự.

Bởi  quan hệ tín dụng với QTDND, người dân có thể được vay tín chấp với thủ tục đơn giản. Chưa kể đối với những người dân các hộ kinh doanh sản xuất có nhu cầu vay đột xuất, sự nhanh chóng và thuận tiện trong việc thẩm định hồ sơ vay, khiến họ không bị lỡ dở kinh doanh hay giải quyết những việc cần kíp trong gia đình.

Chính vì thế, một trong những mong muốn của ông Vui hiện nay là được mở rộng địa bàn sang xã lân cận khi thị phần tín dụng của QTDND sắp tới hạn. 2000 hộ dân thì đã có tới 2/3 số gia đình trong xã là thành viên của Quỹ, số còn lại dù không là thành viên thì cũng hầu hết trở thành khách hàng gửi tiền của Quỹ.

Phó giám đốc Vũ Viết Thu cho biết, từ nay đến năm 2020, NHNN Chi nhánh tỉnh Hưng Yên đã đặt ra mục tiêu cùng Tỉnh uỷ và UBND tiếp tục tạo điều kiện phát triển thêm một số QTDND ở những nơi có điều kiện để phục vụ nhân dân phát triển sản xuất. Đồng thời, khuyến khích các QTDND có đủ năng lực, chất lượng hoạt động tốt mở rộng quy mô và phạm vi hoạt động sang xã liền kề nhằm thừa kế và phát huy sử dụng nguồn nhân lực, kinh nghiệm quản lý và cơ sở vật chất hiện có, cũng như hỗ trợ các QTDND này phát triển.

Tuy nhiên, tinh thần xuyên suốt của NHNN chi nhánh tỉnh cũng đã thể hiện khá rõ khi chỉ chấp nhận mở mới QTDND ở những địa bàn xa cách và có ít TCTD đóng trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo và đào tạo lại ít nhất là đối với các chức danh chủ chốt của QTDND để nâng cao trình độ quản lý, điều hành của lãnh đạo các QTDND, từ đó giúp các quỹ hoạt động an toàn, đúng hướng, đúng hành lang pháp luật và hiệu quả.

Minh Ngọc

Các tin liên quan