Hệ thống QTD cơ sở ở Nghệ An sau 7 năm củng cố, chấn chỉnh theo chỉ thị 57 của Bộ chính trị
Cách đây hơn 7 năm về trước, tỉnh Nghệ An có 41 Quỹ tín dụng Nhân dân (QTDND) cơ sở, trong đó có 2 quỹ hoạt động yếu kém, vi phạm quy chế, không đúng định hướng, bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rút giấy phép hoạt động; còn lại 39 Quỹ nhưng hoạt động chưa mạnh, chưa đồng đều, quy mô nhỏ. Đến cuối năm 2000, tổng nguồn vốn hoạt động của 39 Quỹ mới đạt 56,2 tỷ đồng, (bình quân 1,44 tỷ đồng/Quỹ), trong đó vốn điều lệ chỉ đạt 4,62 tỷ đồng (bình quân 120 triệu đồng/quỹ); nguồn vốn huy động trong dân cư thấp mới đạt 45,4 tỷ đồng (bình quân 1,16 tỷ đồng/Quỹ) và chỉ 21 Quỹ có số dư huy động trên 1 tỷ đồng; dư nợ cho vay thành viên 50,9 tỷ đồng, (bình quân 1,3 tỷ đồng/Quỹ, nhưng chỉ 27 Quỹ có dư nợ trên 1 tỷ đồng), nợ quá hạn chiếm 2,77% trên tổng dư nợ; kết quả kinh doanh tuy có lãi nhưng chưa cao, cuối năm 2000 cả 39 Quỹ chỉ có lãi 1,4 tỷ đồng (bình quân 35,8 triệu đồng/Quỹ), thu nhập của cán bộ làm việc tại Quỹ thấp, nguồn vốn hoạt động của các QTDND không đủ đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh, dịch vụ của bà con nông dân, niềm tin của thành viên đối với QTD chưa cao, nhiều Quỹ nằm trong tình trạng khó khăn về chi trả, khả năng thanh khoản thấp. Nói chung, các QTDND ở Nghệ An cũng không nằm ngoài tình trạng chung của hệ thống QTDND trong cả nước.
Trước thực trạng hoạt động của Hệ thống QTDND, Bộ Chính trị có Chỉ thị 57/CT-TW ngày 10/10/ 2000; Thủ Tướng Chính phủ ban hành quyết định 135/QĐ-TTg ngày 28/11/2000 về “Củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống QTDND”. Cấp uỷ, Chính quyền địa phương các cấp, NHNN tỉnh tập trung nhiều giải pháp chỉ đạo quyết liệt, đặc biệt sự giúp đỡ, hỗ trợ tích cực của QTDND Trung ương - Chi nhánh Nghệ An, đến nay hoạt động của các QTDND trên địa bàn tỉnh đã có sự tăng trưởng vượt bậc đáng kể trên tất cả các mặt: Về số lượng QTDND và Thành viên tham gia: Đến cuối tháng 10/ 2007 toàn tỉnh có 42 QTDND, với 44.613 thành viên tham gia, tăng 19.439 thành viên (+77,2%) so năm 2000.
Về quy mô và chất lượng hoạt động: Đến 30/10/ 2007 tổng nguồn vốn hoạt động đạt 441,2 tỷ đồng tăng 385 tỷ đồng (+ 7,8 lần) so năm 2000, bình quân 10,5 tỷ đồng/Quỹ, trong đó: Vốn tự có đạt 34,6 tỷ đồng, vốn huy động tại chỗ đạt 316,4 tỷ đồng tăng 271 tỷ đồng (+ 7 lần) chiếm 71,7 % tổng nguồn vốn hoạt động; Tổng dư nợ cho vay thành viên đạt 388,4 tỷ đồng, tăng 337,5 tỷ đồng (+ 7,6 lần) so năm 2000, bình quân 9,3 tỷ đồng/Quỹ; nợ xấu chỉ chiếm dưới 1,1 % tổng dư nợ.
Về hiệu quả hoạt động: Từ năm 2001 đến nay tất cả các Quỹ hoạt động đều có lãi với mức lãi năm sau cao hơn năm trước, năm 2006 lãi 5.447 triệu đồng bình quân 129,7 tr đ/ Quỹ, (Riêng 10 tháng đầu năm 2007 đã có lãi 6.412 triệu đồng); tất cả các Quỹ đều có trụ sở làm việc độc lập, kiên cố, phần lớn có kho nghiệp vụ đúng tiêu chuẩn quy định, trong đó 15 Quỹ có trụ sở làm việc 2 tầng, 2 Quỹ đã có xe ô tô riêng, các phương tiện làm việc khác như: máy vi tính, bàn ghế, tủ, quầy khá khang trang, thu nhập của cán bộ làm việc tại Quỹ ổn định và ngày một tăng cao. Hàng năm mỗi Quỹ đã cho hàng ngàn lượt bà con là thành viên vay vốn để sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và xuất khẩu lao động. Xét về lĩnh vực xã hội, các Quỹ hoạt động hiệu quả góp phần tăng thêm nguồn thu cho ngân sách (năm 2006 các Quỹ đã nộp ngân sách trên 1 tỷ đồng), tạo được công ăn việc làm, nhiều xã đã giàu lên nhanh chóng nhờ hoạt động của QTD, nhiều hộ đã tích luỹ được hàng trăm triệu đồng, đầu tư mua sắm thêm máy móc thiết bị, hình thành nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp, góp phần giảm thiểu tệ nạn xã hội, đặc biệt giảm hẳn tình trạng cho vay nặng lãi trong nông thôn ở những nơi có QTDND.
Từ thực tế hoạt động trên đây, tuy chưa lớn nhưng đủ điều kiện để khẳng định QTDND là mô hình kinh tế tập thể hoạt động đúng hướng, có hiệu quả, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân trong việc gửi tiền, vay vốn làm ăn, xoá đói giảm nghèo vươn lên làm giàu, góp phần hạn chế và đẩy lùi tình trạng cho vay nặng lãi trong nông thôn và là giải pháp quan trọng giúp tỉnh nhà đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn. Chính vì vậy, việc xây dựng và phát triển mạnh về số lượng ở những địa phương chưa có QTDND, đảm bảo an toàn về chất lượng cho các Quỹ đang hoạt động là yêu cầu cần thiết, đúng hướng cho sự ổn định và phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội địa phương.
Xây dựng phát triển QTDND ngày càng vững mạnh, an toàn và hiệu quả, đòi hỏi cấp uỷ, chính quyền các cấp phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, sự phối hợp, giúp đỡ của các ngành. Đặc biệt, các QTDND cần tăng cường, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, mở rộng quy mô hoạt động, linh hoạt trong lĩnh vực cho vay và đi vay, tăng cường năng lực huy động mọi nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư, tập trung đầu tư đến tận hộ gia đình, tổ hợp tác theo định hướng chiến lược phát triển kinh tế của địa phương, khi đó QTDND sẽ là điểm sáng kinh tế tập thể, vững vàng tiến vào hội nhập./.
Đặng Công Linh Giám Đốc QTD TW - chi nhánh tỉnh Nghệ An