Có một việc mà hầu như ai cũng biết, cũng thấy, đó là thời gian gần đây trên nhiều tuyến đường của thành phố, nhất là ở ngã ba, ngã tư xuất hiện rất nhiều tờ rơi được phát hoặc được dán lên bờ tường, cột điện, cột đèn đường giới thiệu, mời gọi vay tiền với thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng kiểu như: “Vay tiêu dùng dễ dàng”; “Vay không cần thế chấp, không cần bảo lãnh công ty”; “Vay nhanh trong ngày, không chứng minh thu nhập”…
Không cần nói ra, nhưng mọi người đều biết đó là lời mời gọi của các cá nhân, tổ chức chuyên cho vay nặng lãi (còn gọi là tín dụng đen). Lời quảng cáo nghe hay là vậy, nhưng khi lỡ vay rồi mới thấm thía cái giá phải trả là rất cao, ngoài sức tưởng tượng. Vì lẽ, những người cho vay nặng lãi thường hay áp dụng chiêu thức buộc các gia đình muốn vay tiền phải ký giấy chuyển quyền sử dụng đất cho họ. Sau đó, các tổ chức này đem giấy chứng nhận quyền sở hữu đất đó cầm cố tại ngân hàng. Đến khi tổ chức tín dụng đen vỡ nợ hoặc bỏ trốn, ngân hàng tiến hành thu hồi tài sản cầm cố thì chủ nhân đích thực của mảnh đất đó cũng như ngân hàng mới biết rõ tình trạng tài sản của mình. Một hình thức khác, khá phổ biến là cho vay linh hoạt. Nếu cho vay tháng với lãi suất từ 3 đến 5%/tháng (khoảng 36 đến 54%/năm), vay ngày với lãi suất từ 0,3 đến 0,5 có khi là 1%/tháng, tương đương từ 180 đến 360%/năm. Lãi suất đáo hạn của tín dụng đen là năm nghìn đồng/triệu/ngày, có khi lên tới 10 nghìn đồng/triệu/ngày, tính ra cũng xấp xỉ cả mấy trăm phần trăm một năm. Với mức lãi suất cao ngất ngưởng đó, gần như ai dính vào đều không thể trả nổi và phải gán hết nhà cửa, tài sản may ra mới trả nổi. Thậm chí có người trắng tay mà vẫn chưa trả hết nợ vay. Thế nên, đã có những người phải tìm đến cái chết để thoát nợ. Đơn cử như hồi giữa tháng 5 vừa rồi, giám đốc một công ty bán máy tính đóng trên địa bàn thành phố đã tự vẫn để lại lá thư tuyệt mệnh. Trong đó nói rõ nguyên nhân tìm đến cái chết là do trót vay tín dụng đen dẫn đến phá sản mà vẫn không trả được hết nợ. Thoạt đầu chỉ vay 300 triệu đồng để kinh doanh theo cách trả góp 12 triệu đồng/ngày, sau đó, do không trả nổi nên xin giảm dần xuống theo mức 50 - 40 - 35 triệu đồng/10 ngày. Mặc dù đã trả lãi suất cao gấp nhiều lần so với số tiền gốc vay nhưng trả mãi vẫn chưa hết nợ, “lãi mẹ đẻ lãi con” và con số cuối cùng lên đến hàng tỷ đồng. Điều đáng nói là với mức lãi cao như vậy, nguy hiểm là thế nhưng vẫn có không ít người dân dính vào tín dụng đen. Bên cạnh sự ngây thơ, cả tin vào những lời đường mật của những kẻ chuyên cho vay nặng lãi thì còn có một số nguyên nhân chủ yếu khác khiến người dân phải đến cậy nhờ vào tín dụng đen. Đó là những người lâm vào cảnh “bí” về kinh tế khi có công việc cấp thiết phải cần vốn trong thời gian ngắn, hoặc cần tiền phục vụ cho mục đích không được rõ ràng, thậm chí là cờ bạc, lô đề... cho nên bị “ép” vay nặng lãi. Những người thích "đánh quả", làm giàu nhanh chóng. Nhưng nhiều hơn cả là những người làm nghề tự do, không có tài sản thế chấp, không có mục đích vay vốn chính đáng cho nên không thể tiếp cận được với ngân hàng, đành chấp nhận tìm đến vay tín dụng đen vì thủ tục vay rất đơn giản, chỉ cần một tờ giấy thỏa thuận viết tay là xong. Và hậu quả là trả nợ cả đời không xong. Thêm một việc cần cảnh báo là hoạt động của các tổ chức tín dụng đen thường đi liền với các băng nhóm bảo kê, đâm thuê, chém mướn, đòi nợ thuê. Tín dụng đen càng phát triển thì các băng nhóm cũng phát triển theo. Thế nên, hạn chế và tiến tới xóa bỏ tín dụng đen không chỉ làm lành mạnh hóa thị trường tín dụng, giúp nhiều người dân thoát khỏi cạm bẫy vay nặng lãi mà còn góp phần ổn định, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Vấn đề đặt ra là phải làm gì và làm như thế nào để hạn chế hoạt động của các tổ chức tín dụng đen và tiến tới xóa bỏ triệt để những cái “vòi bạch tuộc” của nó. Trước hết phải thấy một điều rằng, tín dụng đen hoạt động được là nhờ có người vay. Nếu không còn người vay thì tín dụng đen tự khắc bị tiêu tan. Để làm được điều đó cần có sự góp sức của ngành ngân hàng. Cụ thể là phải đơn giản hóa thủ tục cho vay, củng cố và phát triển hoạt động của các tổ chức tín dụng phù hợp như Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô… để hỗ trợ kịp thời nhu cầu vay vốn của tầng lớp dân cư thu nhập thấp, người nghèo không có tài sản giá trị để thế chấp. Các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở như Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Công đoàn, Đoàn thanh niên… cần sâu sát các hội viên, đoàn viên, kịp thời phát hiện và có biện pháp hỗ trợ những người, những hộ hoàn cảnh khó khăn, để có sự trợ giúp kịp thời, tránh cho họ không rơi vào vòng xoáy của tín dụng đen. Trên thực tế, theo Bộ luật Hình sự, tất cả các hành vi cho vay nặng lãi dù lớn hay nhỏ đều chỉ bị phạt cao nhất là 3 năm tù giam, cho nên tính răn đe không đủ mạnh. Do vậy, giải pháp chủ yếu vẫn là nâng cao công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao hiểu biết của người dân, từ đó kiên quyết không tham gia, tiếp xúc với các đối tác cho vay vốn khi chưa nắm đủ thông tin. Về lâu dài, các cơ quan chức năng cần phải hoàn thiện các quy định về giao dịch dân sự, thế chấp cầm cố tài sản, quy định chặt chẽ về hoạt động cầm đồ (thực chất là hoạt động cho vay nặng lãi). Các cơ quan chức năng cũng cần siết chặt các hoạt động cho vay, huy động vốn tự phát. Phải làm đồng bộ như thế thì mới có thể hạn chế được hoạt động của các tổ chức tín dụng đen.
13.11.2024
30.10.2024