Năm 1957, Bác về thăm quê lần thứ nhất. Tối 13.6.1957, Phó Chủ tịch Liên khu IV Hoàng Văn Diệm, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Trường Khoát, Chủ tịch UBND tỉnh NA Nguyễn Sỹ Quế ra tận khe Nước Lạnh đón Bác.
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh chỉ đạo lễ đón chỉ ngắn gọn, để Bác nghỉ sau gần một ngày trên lộ trình 300 cây số QL IA đang vừa là đường, vừa là... ruộng.
Sáng hôm sau, Bác dậy tập thể dục và bách bộ khắp khu vực cơ quan. Bác hỏi:
- Làm được mấy nhà rồi chú?
Bí thư Tỉnh uỷ và ông Phượng đều lúng túng, hai ông nhẩm đếm. Thấy vậy Bác cười:
- Ơ hay, bây giờ các chú mới đếm?
Ông Khoát gãi đầu:
- Dạ thưa Bác, vì nhiều việc quá cháu chưa kịp nắm!
Bác nhẹ nhàng:
- Dù bận trăm công ngàn việc, chú phải biết từ việc lớn đến việc nhỏ trong cơ quan!
Chiều 14.6, ông Phượng đang lo sửa soạn hội trường để 19h tối Bác gặp đoàn chuyên gia Liên Xô giúp ta xây dựng Nhà máy điện Vinh, khoảng 17h công việc gần xong, Bác bách bộ vào hội trường:
- Các chú chuẩn bị để Bác tiếp chuyên gia Liên Xô tối nay?
- Dạ!
Nhìn chiếc ghế gụ đặt trang trọng giữa hội trường, Bác hỏi:
- Các chú đặt chiếc ghế gụ này làm gì?
Chưa biết trả lời thế nào, Bác đã hỏi tiếp:
- Có bao nhiêu khách?
- Thưa Bác: 40 chuyên gia, 20 cán bộ của T.Ư và tỉnh!
- Có đủ 60 chiếc ghế gụ không?
- Thưa Bác, chỉ có 4 chiếc trong phòng Bác tiếp khách, chúng cháu mang đến 1 chiếc, toàn cơ quan đang ngồi ghế băng!
- Chú hãy cất chiếc ghế gụ đi, để Bác ngồi chung với mọi người!
Cất chiếc ghế gụ thì dễ, nhưng không biết bố trí Bác ngồi chỗ nào tiếp khách tối nay? Lo lắng song cũng phải khiêng chiếc ghế gụ trả về chỗ cũ. Bác nhìn lên 2 chiếc quạt trần trong hội trường:
- Bữa nay trời nóng, dù cuộc gặp diễn ra ban đêm liệu 2 chiếc quạt có đủ mát cho sáu chục người không? Chú điện sang thương nghiệp, nhờ mua 60 chiếc quạt giấy. Không đủ quạt giấy thì quạt lá cọ, quạt mo cau cũng được, miễn là mỗi người một chiếc để tự quạt lấy!
Suốt buổi tiếp, Bác trực tiếp nói tiếng Nga với bốn chục chuyên gia Liên Xô. Sau lời mở đầu của Bác, cả hội trường râm ran tiếng Việt - tiếng Nga. Các chuyên gia Liên Xô đồng loạt viết dòng chữ "Chủ tịch Hồ Chí Minh" bằng tiếng mẹ đẻ lên nan quạt. Kết thúc cuộc vui, các bạn xin Bác cho được cất giữ món quà đặc biệt ấy. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, 40 "chiếc quạt Hồ Chí Minh" do người dân quê Bác làm trở thành kỷ vật cùng các chuyên gia trở về Liên Xô! Năm 1961, Nghệ An đón Bác về thăm quê lần 2 rất long trọng. Tỉnh uỷ, UBND tỉnh có 2 chiếc xe cũ, phải mượn thêm chiếc xe mới của Quân khu IV trải ga trắng trong xe, kết hoa lộng lẫy quanh xe ra sân bay đón Bác. Đúng 12h30 ngày 8.12, máy bay của Bác hạ cánh xuống sân bay Vinh. Chính uỷ QK IV Chu Huy Mân, Bí thư Tỉnh uỷ Võ Thúc Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Ân mời Bác lên chiếc xe kết hoa.
Nhìn khắp lượt, Bác nhanh nhẹn tiến đến chiếc Uoát của bộ phận bảo vệ và ngồi lên ghế phía trước, Bác bảo tháo cất tấm bạt để Bác vẫy đồng bào đang đứng hai bên đường chào đón.
Tình huống bất ngờ diễn ra quá nhanh, nên khi chiếc xe mui trần chở Bác bon bon hướng vào Vinh, bấy giờ mọi người ra đón cuống cuồng lên xe, thôi thì ai gặp xe nào lên xe nấy để kịp xe của Bác. Chiếc xe kết hoa rớt lại sau.
Cụ Lê Nhu (nguyên Chủ tịch UBKC tỉnh Nghệ An) cùng mấy người chậm chân đành ngồi lên chiếc xe sang trọng. Chẳng là da dẻ cụ Lê Nhu hồng hào, râu tóc cũng bạc phơ, hàng ngàn người dân chưa gặp Bác bao giờ cứ kháo rằng, xe đi trước chở nhân vật đóng Bác Hồ, người ngồi trong xe kết hoa sang trọng mới là Bác Hồ thật (!).
Khi xe chở Bác đã gần tới trụ sở Tỉnh uỷ giữa tiếng hoan hô của đồng bào nội thành Vinh, bấy giờ chiếc xe kết hoa chở cụ Lê Nhu vẫn giữa dòng người trên suốt đường Quán Bàu, với tiếng hô dậy đất: Hồ Chủ tịch muôn năm! Cụ Lê Nhu phải mở cửa xe hét to: Không phải mô. Tui là Lê Nhu, xe chở Bác Hồ về trước rồi!
Xuống xe, Bác không vào nhà khách được trang hoàng lộng lẫy, ở đó các đồng chí Tỉnh uỷ và QK IV đang chờ đón Bác. Bác bảo Bí thư Tỉnh uỷ Võ Thúc Đồng dẫn vào nhà ăn tập thể cơ quan. Người tự tay nâng chiếc lồng bàn, trong đó bày cơm trắng và mấy món ăn thịnh soạn:
- Cơ quan cho anh em ăn tốt đấy chứ ?
- Thưa, hôm nay Bác về thăm quê, cơ quan quyết định cho anh em cải thiện, ngày thường không có đâu ạ!
Năm 1960, Bác đề xuất chủ trương ăn độn, kêu gọi thắt lưng buộc bụng chi viện lương thực cho chiến trường miền Nam. Trưa ấy, nhà khách Tỉnh uỷ chuẩn bị tiệc đón Bác gồm mấy chục suất ăn thịnh soạn. Gần đến giờ khai tiệc, đồng chí Nguyễn Khai - Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức - mới nói với bộ phận văn phòng:
- Anh Đồng, anh Quế được ngồi với Bác, các cậu mang cơm nước lên!
Chọn 4 đôi đũa, mấy chiếc bát chiếc đĩa in rồng bay phượng múa đẹp nhất, cơm trắng, thức ăn ngon, trong đó có 2 món tương Nam Đàn, cà Nghi Lộc được mang lên phòng Bác. Mọi thứ bày soạn tươm tất trên bàn, Bác lấy chai rượu mang theo rót ra 4 chén:
-Trước khi dùng cơm, Bác mời các chú một chén rượu khai vị của Bác!
Uống xong chén rượu, các đồng chí Nguyễn Khai, Võ Thúc Đồng, Nguyễn Sỹ Quế chuẩn bị cầm bát xới cơm do VP Tỉnh uỷ bố trí, Bác ngăn lại và lấy ra gói cơm độn ngô cắt sẵn 4 miếng:
- Trước khi ăn cơm chung, Bác mời các chú ăn một lát cơm với cá rô kho của Bác mang từ Hà Nội vào. Bác chỉ có chừng này thôi, những thứ trên bàn là của chú Đồng, chú Quế!
Bác cùng 3 người ăn hết gói cơm độn ngô, sau đó mới dùng đến cơm do VP chuẩn bị. Bác khen cà Nghi Lộc ngon, tương Nam Đàn tốt. Bữa đó, VP chuẩn bị nhiều các món ăn. Bác bảo:
- Cơm trắng, thức ăn ngon của chú Đồng, chú Quế, anh em đã chuẩn bị thì trách nhiệm chúng ta phải ăn hết, không được để thừa cái gì!
Cuối cùng chỉ còn lại ông Đồng, ông Quế chủ nhà phải "bám trụ chiến đấu" bằng hết món cà Nghi Lộc và tương Nam Đàn. Đồng chí Nguyễn Khai chỉ biết bấm bụng cười!
Lát sau, đồng chí Võ Thúc Đồng xuống gặp ông Phượng:
- Bữa ni các cậu làm hại mình, không biết lấy nước mô mà uống!