14.06.2019 11:02

Hải Dương đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống QTDND

Ngày 13/6/2019, tại TP. Hải Dường, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Hải Dương đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 06/CT-TTG của Thủ Tướng Chính phủ và chỉ thị 10/CT-UBND của UBND tỉnh Hải Dương về tăng cường giải pháp nhằm bảo đảm an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND).

 

Quang cảnh Hội nghị

Báo cáo kết quả thanh tra, giám sát, cơ cấu lại hệ thống QTDND năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019 của NHNN Hải Dương trình bày tại hội nghị nêu rõ: Thực hiện vai trò quản lý và mục tiêu, định hướng tại Kế hoạch thanh tra hàng năm của NHNN Việt Nam, NHNN Hải Dương đã chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra của chi nhánh, trong đó chi nhánh tập trung đẩy mạnh tần suất thanh tra đối với 71 QTDND trên địa bàn; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất các QTDND tiềm ẩn rủi ro hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Hàng năm, thực hiện từ 25-30 cuộc thanh tra đối với QTDND (chưa bao gồm các cuộc kiểm tra thực hiện kiến nghị và kiểm tra công tác an toàn kho quỹ).

Cùng với công tác thanh tra, việc giám sát hoạt động của các QTDND cũng được NHNN Hải Dương quan tâm, chú trọng. Thông qua công tác thu thập, phân tích, đánh giá số liệu báo cáo thống kê, kết hợp nắm tình hình, Chi nhánh đã đưa ra nhiều kiến nghị và ban hành văn bản cảnh báo rủi ro, chấn chỉnh kịp thời; hàng năm tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết đánh giá hoạt động hệ thống QTDND trên địa bàn và chấn chỉnh hoạt động qua công tác thanh tra, giám sát.

Trong năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019, Chi nhánh đã thực hiện thanh tra 25 QTDND, đưa ra 404 kiến nghị, xử phạt vi phạm hành chính 2 QTDND với tổng số tiền phạt 58 triệu đồng; kiểm tra chuyên đề và đột xuất công tác an toàn kho quỹ tại 19 QTDND; ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh, cảnh báo như: chấn chỉnh hoạt động QTDND trong công tác quản lý ấn chỉ quan trọng, thu vốn góp thường niên; cảnh báo đối với hoạt động cho vay của QTDND; tăng cường công tác an toàn kho quỹ, giao dịch tiền mặt đảm bảo an toàn tài sản; chấn chỉnh hoạt động QTDND và tình trạng thu chi tiền mặt ngoài trụ sở; chấn chỉnh hoạt động QTDND qua kết quả kiểm toán độc lập; đảm bảo an toàn hoạt động của các QTDND. Đến nay, cơ bản các QTDND trên địa bàn đang tích cực thực hiện phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt.

Chi nhánh đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy chính quyền địa phương trong công tác quản lý, giám sát hoạt động của hệ thống QTDND tại địa bàn như định kỳ hàng quý hoặc khi cần thiết thông tin về tình hình hoạt động của QTDND theo địa bàn từng huyện để nắm bắt, phối hợp chỉ đạo; phối hợp trong thực hiện xử lý địa bàn hoạt động không liền kề của 5 QTDND, đảm bảo ổn định hoạt động, không gây xáo trộn hoặc tâm lý không tốt trong nhân dân đối với hoạt động của QTDND; trao đổi, thống nhất về phương án nhân sự đối với QTDND.

Chi nhánh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, đặc biệt là cơ quan công an trong việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật thông qua cung cấp thông tin, hồ sơ tài liệu; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh trong việc tham gia ý kiến đề xuất đối với dự án đầu tư xây dựng trụ sở giao dịch của các QTDND trên địa bàn; phối hợp với các cơ quan nội chính trong việc hỗ trợ quy trình, thủ tục giúp đẩy nhanh tiến độ các vụ việc thông qua tố tụng dân sự, đẩy nhanh tiến độ thu hồi, xử lý nợ xấu cho các QTDND trên địa bàn.

Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động tín dụng trên địa bàn tỉnh, việc phối hợp giữa Chi nhánh và các cơ quan, ban, ngành được thực hiện chặt chẽ, phát huy hiệu quả trong xử lý công việc.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, ông Vương Đức Sáng, cho biết qua theo dõi quá trình hoạt động của hệ thống QTDND, lãnh đạo Chính quyền đã đánh giá cao vai trò, sự đóng góp quỹ với sự phát triển kinh tế tỉnh nhà và nhất là hoạt động tín dụng của hệ thống QTDND ở các vùng nông thôn đã góp phần đẩy lùi tín dụng đen.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, ông Vương Đức Sáng, phát biểu tại Hội nghị 

Tuy nhiên, ông Sáng cũng khuyến cáo, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được thì tại một số địa bản có hiện tượng QTDND xa rời mục tiêu tôn chỉ, chạy theo lợi nhuận, xảy ra sai phạm, làm thất thoát tài sản... Theo ông Sáng, để hệ thống QTDND trên địa bàn hoạt động hiệu quả, an toàn cần sự vào cuộc của các cấp các ngành cùng xử lý rủi ro, ngăn chặn nguy cơ đổ vỡ, vì vậy trong thời gian tới tỉnh yêu cầu thực hiện một số nhiệm vụ trong tâm.

Cấp ủy chính quyền địa phương chủ động thực hiện đầy đủ nghiêm túc các nội dung tại Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính Phủ, Chỉ thị 10 của UBND tỉnh và thực hiện nghiêm túc đề án củng cố và phát triển QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; cương quyết, kịp thời xử lý các QTDND yếu kém, xử lý dứt điểm những tồn tại trong hoạt động và những quỹ yếu kém với thời hạn cuối là năm 2020.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Vương Đức Sáng chỉ đạo các sở, ban, ngành cùng hệ thống công an, toà án tạo mọi điều kiên thuận lợi, tháo gỡ mọi vướng mắc về thủ tục giúp hệ thống QTDND hoạt động ngày càng an toàn, hiệu quả hơn. Đồng thời, đề nghị Giám đốc NHNN Hải Dương tổng hợp hoàn chính ý kiến của các đại biểu, nhất là ý kiến trực tiếp từ các QTDND, lãnh đạo hứa sẽ trực tiếp xem xét cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc với mục đích các QTDND hoạt động ngày càng an toàn và phát triển đúng tôn chí mục đích.

 

 Giám đốc NHNN Hải Dương, bà Nguyễn Thị Hải Vân, phát biểu tại Hội nghị

Tiếp thu ý kiến đóng góp, Giám đốc NHNN Hải Dương, bà Nguyễn Thị Hải Vân, cho biết sẽ chỉ đạo các phòng, ban nghiệp vụ và thanh tra giám sát tổng hợp các ý kiến, kiến nghị từ Hội nghị này và từ những thực tế hoạt động tại các QTDND đế kịp thời tổng hợp gửi lên UBND xin ý kiến chỉ đạo,  nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giúp cho hoạt động của hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển an toán hiệu quả hơn, đóng góp cho sự phát triển chung cho kinh tế địa phương và góp phần đẩy lùi tín dụng đen, nhất là những vùng nông thôn.
Theo Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan