19.12.2007 13:48

Giúp nông dân hội nhập

Thúc đẩy nông nghiệp phát triển là bước quan trọng nhất nhằm xoá đói, giảm nghèo cho người dân tại khu vực nông thôn. Đó là một khuyến nghị quan trọng được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra trong Báo cáo Phát triển thế giới vừa được công bố.

Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hoá, với một quốc gia nông nghiệp đang phấn đấu trở thành nước công nghiệp hoá vào năm 2020 như Việt Nam, việc thúc đẩy theo cách nào để tăng sức cạnh tranh của nền nông nghiệp, gia tăng năng suất lao động và hiệu quả cho người dân đang là vấn đề bức thiết được đặt ra.

Báo cáo Phát triển thế giới chỉ ra rằng, trong thế kỷ 21, nông nghiệp vẫn là công cụ cơ bản cho phát triển bền vững và giảm nghèo. Có đến 3/4 số người nghèo tại các nước đang phát triển vẫn đang sống tại khu vực nông thôn, trong đó 2,1 tỷ người sống dưới mức 2 USD/ngày, 800 triệu người sống dưới mức 1 USD/ngày và hầu hết số người này đều lấy nông nghiệp làm sinh kế. Bởi vậy, cách tốt nhất để xoá đói, giảm nghèo trên diện rộng là thúc đẩy nông nghiệp phát triển cùng với nhiều giải pháp khác trong chiến lược phát triển tổng thể của mỗi quốc gia.

Theo ông Martin Rama, Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, các quốc gia có thể sử dụng ngành nông nghiệp như một công cụ hữu hiệu cho phát triển, bằng cách tăng cường sự tiếp cận của người dân đối với tài sản, nguồn lực: đất, nước, vốn và con người. Bên cạnh đó, những chính sách hữu hiệu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nông hộ canh tác bền vững và tăng năng suất cũng rất cần thiết, như tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sản phẩm và thị trường đầu vào, giảm chi phí và rủi ro giao dịch với các thị trường thực phẩm, tăng cường sự tham gia của người dân vào các thị trường nông phẩm giá trị cao... Đồng thời, các chính sách phát triển không chỉ dừng ở trồng trọt, mà cần hướng tới nền kinh tế nông thôn năng động và các kỹ năng của người dân khi tham gia vào nền kinh tế này.

Ông Nguyễn Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, với nước ta, hơn 10 triệu nông dân sản xuất trong một nền nông nghiệp manh mún, nhỏ l::100:: đang cần các chính sách để chuyển sang canh tác với quy mô lớn và tăng cường sức cạnh tranh. Làm sao để 70% người nông dân “không bị bỏ rơi” trong quá trình công nghiệp hoá là câu hỏi cần được các nhà hoạch định chính sách trả lời.

Thực tế cho thấy, việc hỗ trợ cung cấp hàng hoá công ích tại nước ta còn rất hạn chế. Theo báo cáo của Worldbank, hiện nay, nước ta mới chỉ đầu tư 0,13% GDP từ nông nghiệp cho nghiên cứu phục vụ phát triển, trong khi ở các nước có nền kinh tế phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, mức trung bình là 4%. Đây là một trong các lý do khiến lâu nay, các ứng dụng công nghệ mới ít khi chạm vào ngành nông nghiệp. Người nông dân không có điều kiện tiếp cận với khoa học công nghệ khiến cho nền nông nghiệp càng trở nên manh mún, thiếu sức cạnh tranh.

Các chuyên gia cho rằng, gia tăng hiệu quả của nền nông nghiệp là điều cần hướng tới để đạt đượcmục tiêu giảm nghèo và giảm sự chênh lệch thu nhập giữa nông thôn và thành thị. Từ đây, các quốc gia đưa ra những chính sách phù hợp, nhưng tránh không mắc vào bẫy của sự bảo hộ và trợ cấp nông nghiệp. Ba hướng tiếp cận phát triển nông nghiệp đã được đưa ra bao gồm: vượt ra khỏi khuôn khổ cuộc Cách mạng xanh, xây dựng và tạo điều kiện cho các thị trường lao động nông thôn và giúp đỡ các khu vực lạc hậu. Việc xây dựng các chính sách phát triển nông nghiệp nước ta cũng cần tham khảo các khuyến nghị, để đưa ra các quyết sách phù hợp, giúp hơn 10 triệu nông dân “không bị bỏ rơi” như cách nói của ông Nguyễn Kim Sơn.

 

Theo Báo Đầu Tư

Các tin liên quan