Theo thống kê của NHNN, tỷ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán tiếp tục giảm từ 14,02% năm 2010 xuống còn 11,45% vào tháng 8/2017. Tuy nhiên, theo nhận định của TS. Võ Trí Thành, đối với Việt Nam phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) được coi là cuộc cách mạng, không thể thành công ngay trong một sớm một chiều.
Theo ông, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có là cơ hội để chúng ta đẩy nhanh lộ trình giảm tỷ lệ giao dịch tiền mặt?
Phải khẳng định rằng, Việt Nam đang có nền tảng cơ bản để thực hiện mục tiêu này. Về phía cầu, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có số lượng người sử dụng Internet phát triển nhanh và sôi động trong khu vực, chiếm 54% dân số và đứng thứ 5 khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cơ cấu dân số trẻ 60,5% dân số ở độ tuổi dưới 35 có khả năng dễ dàng thích ứng với các giải pháp công nghệ mới, thu nhập người dân ngày càng được cải thiện… Về phía cung, các ngân hàng đã cải cách xây dựng nên nhiều sản phẩm dịch vụ trên nền tảng công nghệ ngày càng hiện đại, tiện lợi đáp ứng nhu cầu đa dạng thanh toán nhất là qua kênh Internet và Mobile Banking.
Sự phát triển nhanh các dịch vụ TTKDTM của hệ thống ngân hàng góp phần thay đổi tích cực hành vi khách hàng khi đẩy mạnh mua sắm hàng hoá qua mạng, thanh toán di động thay vì trả tiền mặt… Chính vì thế, thời gian qua tại Việt Nam, thương mại điện tử đã đạt 5 tỷ USD vào năm 2016. Dự báo, con số này có thể đạt 10 tỷ USD trong 5 năm tới. Hiện có khoảng 44% khách hàng của ngân hàng dùng các dịch vụ ngân hàng số và 62% lượng người mua sắm đã tham gia mua bán trên mạng. Tuy nhiên, việc thay đổi hình thức thanh toán từ tiền mặt sang phi tiền mặt tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức.
Ông nói rõ hơn những lực cản cũng như giải pháp để tháo gỡ?
Lực cản lớn nhất đó chính là thói quen dùng tiền mặt của người dân vẫn còn nặng nề. Thách thức nữa là từ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, rủi ro phát sinh từ giao dịch trực tuyến cũng khiến người tiêu dùng thận trọng khi sử dụng các dịch vụ TTKDTM.
Để thay đổi thói quen của người tiêu dùng, tôi nghĩ rằng đó thực sự là cuộc cách mạng. Nhưng với nền tảng đang có thì cũng không phải quá khó để thực hiện. Vấn đề đầu tiên đóng vai trò quan trọng chính là tạo dựng lòng tin đối với các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng. Đối với người dân Việt Nam chỉ cần một người sử dụng dịch vụ có thể kéo theo nhiều người thân, bạn bè cùng tham gia nếu dịch vụ đó mang lại hiệu quả thiết thực đối với họ. Vì vậy, việc tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân đối với các dịch vụ NH điện tử, đặc biệt là giải tỏa tâm lý lo ngại của người dân đối với an toàn của thanh toán điện tử rất cần thiết.
Song song với đó NH cần nâng cấp hạ tầng công nghệ để nâng cao độ tin cậy cho khách hàng; tăng niềm tin về dịch vụ TTKDTM. Nhưng tôi cũng lưu ý, dù ngân hàng có tuyên truyền nhiều nhưng những trải nghiệm mà họ mang đến cho người tiêu dùng không như kỳ vọng thì khó tạo sức hút đối với họ. Hay nói cách khác là ngân hàng phải đảm bảo chất lượng dịch vụ để mang đến những dịch vụ tiện ích nhất với chi phí tốt nhất cho khách hàng.
Ngoài ra, khi xảy ra vấn đề rủi ro phát sinh đối với người tiêu dùng phải giải quyết kịp thời và có giải trình rõ ràng, tường minh để thể hiện trách nhiệm với người tiêu dùng, làm cho họ cảm thấy quyền lợi của mình được bảo vệ một cách chính đáng.
Theo ông liệu có cần thêm những can thiệp chính sách để giảm tỷ lệ tiền mặt trong thanh toán?
Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên chính sách hỗ trợ thực sự cho phát triển thanh toán thẻ cũng như hành lang pháp lý chưa rõ ràng, cụ thể. Ví như, chưa đưa ra chính sách giảm thuế cho các đơn vị chấp nhận thẻ, giảm thuế VAT cho người thanh toán thẻ, hay như mở rộng các hình thức thanh toán số hoá có cho làm hay không. Nếu cho làm thì làm như thế nào và định hướng nó là củ cà rốt hay cây gậy.
Với sự ủng hộ, hỗ trợ chính sách của Chính phủ trong thời gian qua, theo tôi định hướng củ cà rốt là hợp lý khuyến khích phát triển các dịch vụ TTKDTM ngày càng hiện đại. Tuy các sản phẩm thanh toán ngày càng hiện đại thì mức độ rủi ro tinh vi hơn nhưng chúng ta cũng đừng quá sợ hãi. Vì về tổng thể, người tiêu dùng đều có lựa chọn thông thái. Tất nhiên, trong thị trường tài chính thì tính bầy đàn hay những cú sốc cũng có thể làm mất đi sự thông thái đó. Nhưng với hành lang pháp lý đồng bộ hơn, sự vào cuộc của nhiều bên liên quan sẽ hạn chế tối đa được những bất cập nảy sinh.
Xin cảm ơn ông!
13.11.2024
30.10.2024