21.07.2009 09:16

Giám đốc quốc gia WB Victoria Kwakwa nhận định về kinh tế Việt Nam:Chương trình HTLS đã hoàn thành mục tiêu chính và rủi ro...

 
Bà Victoria Kwakwa - - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam
Nhờ các giải pháp điều hành linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, 6 tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam đã đạt được kết quả khá khả quan và Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới có tăng trưởng dương. Tuy nhiên, những tháng cuối năm, Việt Nam cần phải xử lý tốt 3 rủi ro lớn: nguy cơ tái lạm phát, thâm hụt cán cân thanh toán và thâm hụt ngân sách. Đó là nhận định của bà Victoria Kwakwa - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam khi trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng.

PV: Với tăng trưởng GDP 3,9% trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam là một trong ít các quốc gia trên thế giới tăng trưởng dương. Bà đánh giá như thế nào về việc này?
Bà Victoria Kwakwa: Trước tiên, tôi muốn chia sẻ rằng, tôi rất vui vì được trao đổi với Thời báo Ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam. Đúng như bạn nói, thời gian vừa qua, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới đạt được tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang lâm vào khủng hoảng nặng nề. Đặc biệt, tăng trưởng của Việt Nam quý sau cao hơn quý trước (3,1% trong quý I/2009 và 4,5% trong quý II/2009) cho thấy, Việt Nam đã đứng vững rất tốt trong thời điểm này. Sở dĩ như vậy, một phần là nhờ Việt Nam đã có một khoảng thời gian tăng trưởng rất tốt trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra. Đây là một tiền đề rất tốt cho Việt Nam trong công cuộc ngăn chặn suy giảm kinh tế. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, Chính phủ Việt Nam đã có những phản ứng hết sức mau lẹ, kịp thời và nhiều giải pháp đưa ra rất phù hợp. Mặc dù con số có vẻ hơi thấp nhưng rõ ràng đã thể hiện sự nỗ lực của toàn đất nước Việt Nam trong việc tránh khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.

PV: Bà có thể phân tích rõ hơn những nguyên nhân khiến Việt Nam, nhất là hệ thống tài chính - ngân hàng vẫn vững vàng trong khủng hoảng?

Bà Victoria Kwakwa: Như trên tôi đã nói, có hai nhóm nguyên nhân. Nhóm một: Việt Nam có một tiền đề tốt hơn, chắc chắn hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực khi khủng hoảng xảy ra. Nhóm hai: phản ứng của Chính phủ rất mau lẹ và phù hợp với điều kiện tình hình Việt Nam. Tôi xin giải thích rõ thêm:

Trong nhóm 1, điều đầu tiên là do Việt Nam có một giai đoạn tăng trưởng rất tốt trước đây khiến cầu của nền kinh tế phát triển khá cao và nó vẫn được duy trì khi khủng hoảng toàn cầu nổ ra. Trong khi với nhiều nước khác tại thời điểm đó cầu bắt đầu suy giảm mạnh. Thứ hai, ngành tài chính - ngân hàng Việt Nam không tham gia vào những dàn xếp tài chính cực kỳ rủi ro hay những sản phẩm độc hại như tín dụng nhà đất dưới chuẩn... nên không chịu sự tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng một cách trực tiếp. Thứ ba, sự tích luỹ trong dân khá tốt và tiềm năng lớn của thị trường nội địa nên đây cũng là yếu tố tích cực giúp cho Việt Nam tránh được khủng hoảng.

Trong nhóm hai, tôi muốn nói đến sự phản ứng rất mau lẹ, kịp thời, của Chính phủ Việt Nam. Đó là việc thay đổi chính sách một cách phù hợp, uyển chuyển từ chống lạm phát sang ngăn chặn suy giảm kinh tế, kích thích nhu cầu tăng trưởng. Đặc biệt, tôi đánh giá cao chính sách hỗ trợ lãi suất giai đoạn đầu của Chính phủ Việt Nam và nỗ lực của ngành Ngân hàng trong việc thực thi chính sách này.

PV: Bà vừa nói đến gói hỗ trợ lãi suất đang được triển khai, bà có khuyến nghị gì?
Bà Victoria Kwakwa: Trong giai đoạn đầu, chính sách này thực sự phát huy được tác dụng rất tốt. Chương trình hỗ trợ lãi suất 4%/năm đã giúp cho các doanh nghiệp có được nguồn vốn với giá rẻ nên giảm được giá thành sản phẩm; duy trì, ổn định sản xuất; kích thích được nhu cầu trong nước… Chương trình này cũng giúp cho hệ thống ngân hàng một mặt vẫn huy động được nguồn vốn trong dân cư, mặt khác vẫn khuyến khích các ngân hàng cho vay, song an toàn hơn do doanh nghiệp hoạt động ổn định. Hay nói cách khác, nó đã tạo ra sự lưu thông tín dụng và sức sống cho nền kinh tế. Như tình hình thực tế đã diễn ra, rõ ràng chương trình này đã hoàn thành được các mục tiêu chính. Vậy, câu hỏi đặt ra bây giờ là, liệu Chính phủ có cần chương trình này nữa hay không khi mà mục tiêu cơ bản đặt ra đã đạt được.

Theo ý kiến của tôi, chương trình này đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Nếu vẫn tiếp tục triển khai sẽ tạo ra một loạt những rủi ro. Thứ nhất, tín dụng tăng nhanh sẽ tạo sức ép lên lạm phát. Thứ hai, có thể rơi vào việc sử dụng thiếu hiệu quả đồng vốn của ngân hàng giống như thời kỳ cho vay theo chính sách chỉ định. Do vậy, theo tôi, Chính phủ Việt Nam phải cân nhắc, suy xét và có những quyết định hết sức chuẩn xác với việc có tiếp tục chương trình cho vay này hay không.

PV: Bà đánh giá như thế nào về vai trò của NHNN Việt Nam trong thời gian qua?

Bà Victoria Kwakwa: Theo tôi, vừa qua NHNN Việt Nam đã làm khá tốt việc giữ an toàn, ổn định hệ thống cũng như hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, thời gian tới nền kinh tế thế giới vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, bất ổn. Để hỗ trợ tốt nền kinh tế thì hệ thống ngân hàng phải hoạt động ổn định, an toàn. Vì vậy, theo tôi, NHNN cần tăng cường chính sách giám sát hệ thống ngân hàng, làm sao để ngành tài chính Việt Nam có thể hoạt động một cách an toàn, lành mạnh. Muốn vậy, cần tăng cường hơn nữa vai trò của NHNN như là một người điều phối, giám sát hoạt động tài chính cũng như ngân hàng trong nước. Đặc biệt, NHNN phải xây dựng một quy chế giám sát dựa trên rủi ro của hệ thống ngân hàng, hoạt động ngân hàng, các chính sách tài chính để từ đó có những giải pháp xử lý điều hành phù hợp.

PV: Theo bà, rủi ro về vĩ mô của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm có còn nghiêm trọng như năm ngoái hay nửa đầu năm nay?

Bà Victoria Kwakwa: Theo tôi, những tháng cuối năm, nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với 3 rủi ro chính:

Rủi ro thứ nhất, đó là lạm phát. Khi mà nhu cầu bắt đầu tăng lên thì lạm phát sẽ gia tăng. Đặc biệt, hiện giá cả nhiều loại nguyên nhiên liệu đầu vào như dầu thô trên thị trường thế giới đang có xu hướng tăng, sẽ tạo sức ép lớn tới lạm phát.

Rủi ro thứ hai, tăng trưởng kinh tế sẽ dẫn đến nhu cầu nhập khẩu hàng hoá phục vụ cho tăng trưởng gia tăng. Điều này sẽ làm tăng thâm hụt thương mại và gia tăng áp lực tới cán cân thanh toán chung của Việt Nam.

Rủi ro thứ ba, đó là thâm hụt ngân sách. Khi Chính phủ đưa ra gói kích thích kinh tế lần thứ hai với quy mô lớn sẽ đẩy thâm hụt ngân sách vốn dĩ đã ở mức cao sẽ còn ở mức cao hơn.

6 tháng đầu năm Việt Nam tập trung vào tăng trưởng và đạt được những thành quả nhất định. Theo tôi, 6 tháng cuối năm nên tập trung vào quản lý sự tăng trưởng này để tránh 3 rủi ro nêu trên. Bởi, những rủi ro đó có thể diễn ra. Khi đó nó không chỉ ảnh hưởng, tác động bất lợi đến kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2009 mà còn có thể kéo dài sang những năm sau. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam cũng đã nhận biết được vấn đề này và nghiên cứu rất kỹ. Điều này đã được thể hiện qua kế hoạch quản lý kinh tế của Chính phủ Việt Nam.
Theo Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan