Hành trình 18 năm...
Giám đốc QTDND Vân Diên Trần Ðình Thọ nhớ lại: Ðầu năm 1996, cả tỉnh Nghệ An có 39 QTDND cơ sở, nỗi ám ảnh về sự đổ vỡ của hệ thống HTX tín dụng những năm 90 của thế kỷ 20 trên cả nước trước đó còn rất "nóng". Việc xin cấp phép hoạt động tín dụng đối với mô hình HTX đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, với bầu nhiệt huyết của lãnh đạo địa phương, cùng với đề án tổ chức Quỹ hoạt động và kinh doanh khả thi,... đã thuyết phục được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động. Mô hình của HTX tín dụng Vân Diên có Bí thư Ðảng ủy xã kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch UBND xã giữ chức giám đốc, thủ quỹ Trần Ðình Thọ là thương binh, từng có bề dày kinh nghiệm hoạt động trong ngành tài chính quân đội, hai cán bộ còn lại của Quỹ lúc đó cũng là bộ đội phục viên, có chuyên môn nghiệp vụ về kế toán,... Do vậy, nên ngay từ khi Quỹ mới đi vào hoạt động đã tương đối "xuôi chèo mát mái".
Ðề án thành lập QTDND Vân Diên ngày ấy chỉ có 82 thành viên, vốn điều lệ vỏn vẹn 42 triệu đồng. Năm đầu tiên, với tâm huyết của những thành viên sáng lập, Quỹ đã giải quyết được nhu cầu về vốn cho các thành viên trong đầu tư mô hình kinh tế gia đình. Kết thúc năm tài chính, QTDND Vân Diên đã bảo toàn được đồng vốn, phát huy được ưu thế của mô hình này trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Sau khi Quỹ đứng vững, đủ năng lực quản lý và kinh nghiệm điều hành, năm 2000, Bí thư Ðảng ủy và Chủ tịch xã rút khỏi vai trò kiêm nhiệm, giao lại vị trí Giám đốc cho ông Trần Ðình Thọ; ông Ðinh Hà Bắc, nguyên Giám đốc Quỹ giữ chức Chủ tịch HÐQT. Sau bảy năm hoạt động, QTDND Vân Diên là đơn vị đứng đầu trong số 39 Quỹ tín dụng được thành lập cùng thời, vinh dự nhận cúp "Bông lúa Vàng" dành cho "Người quản lý điều hành tiêu biểu". Những năm về sau, với những thành quả phát triển không ngừng, QTDND Vân Diên luôn nhận được sự khích lệ và khen thưởng của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương.
"Bà đỡ" cho cả doanh nhân
Trong số hơn 3.000 thành viên góp vốn và được vay vốn của Quỹ, có hàng trăm gia đình vay ở mức thấp (khoảng 5 - 10 triệu đồng/lượt), chủ yếu giải quyết nhu cầu vốn cho kinh tế hộ gia đình như mua giống cây, con phát triển sản xuất. Hàng chục hộ tiểu thương kinh doanh ở chợ thị trấn Nam Ðàn là công dân xã Vân Diên, đồng thời cũng là thành viên của Quỹ, cùng hàng chục gia đình có con em đi xuất khẩu lao động, cũng đều dựa vào nguồn vốn của "ngân hàng" này. Ðiều làm chúng tôi ngạc nhiên thú vị là trong số thành viên vay vốn của Quỹ, có không ít doanh nhân có uy tín cao trên thương trường, vẫn vay Quỹ với số vốn lớn để đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Quỹ không chỉ là chỗ dựa của các hộ gia đình sản xuất nhỏ, tiểu thương, mà còn là "bà đỡ" của cả những doanh nghiệp lớn.
Ông Ðậu Ngọc Cường, 55 tuổi, quê xã Diễn Ngọc (huyện Diễn Châu), có nghề sản xuất nước mắm nổi tiếng Nghệ An, hiện trú tại xóm Quy Chính 2, xã Vân Diên. Ông Cường là thành viên QTDND Vân Diên từ năm 2001, khi còn tại ngũ thuộc Lữ đoàn 414 (Quân khu 4), nay ông Cường đã về hưu và nhờ đồng vốn của Quỹ, đã phát triển sản xuất, kinh doanh nước mắm theo nghề gia truyền. Khi được hỏi về vai trò của QTDND Vân Diên đối với phát triển kinh tế hộ gia đình, ông Cường giãi bày: "Tôi tham gia Quỹ vì nhu cầu vay vốn, từ khi gia nhập đến nay, không năm nào gia đình tôi không có nhu cầu vay. Năm 2013, gia đình tôi mạnh dạn vay 500 triệu đồng mua nguyên liệu chế biến nước mắm, đến nay đã hoàn trả được 300 triệu đồng. Dự kiến đợt thu hoạch nước mắm tới, gia đình sẽ trả xong số nợ còn lại. Gia đình tôi rất biết ơn QTDND Vân Diên vì những lúc khó khăn nhất, lãnh đạo Quỹ vẫn tin tưởng và tạo điều kiện để gia đình phát triển kinh tế". Từ mô hình sản xuất, kinh doanh nước mắm tại nhà, ông Cường đã "chuyển giao công nghệ" cho ba đơn vị thuộc QK4 tự sản xuất nước mắm tại chỗ, giá thành vừa rẻ, lại bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, mỗi tháng ba đơn vị tiêu thụ hơn 1.000 lít nước mắm. Mỗi vụ, ông Cường cung ứng cho các đơn vị khoảng 25 tấn cá cơm nguyên liệu và chịu trách nhiệm khâu kỹ thuật sản xuất. Từ đồng vốn của Quỹ, bằng nghề gia truyền, hiện tại gia đình ông Cường đã làm được căn nhà khang trang, mua xe ô-tô 7 chỗ. Gia đình ông Nguyễn Duy Chín, một doanh nhân mới nổi từ năm 2010 nhờ mô hình chăn nuôi bò dự án. Năm 2012, ông Chín vay của QTDND Vân Diên 600 triệu đồng để nuôi bò, cung cấp cho dự án của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An, kết thúc năm 2013, gia đình đã hoàn trả được 500 triệu đồng. Gần nhà ông Chín là gia đình ông Nguyễn Văn Hòa, 60 tuổi, thành viên của Quỹ từ ngày đầu thành lập. Năm 2006, ông cho con đi xuất khẩu lao động, Quỹ không chỉ hỗ trợ cho vay vốn mà còn giúp ông thẩm định năng lực, uy tín của công ty tuyển dụng. Nhờ vậy, hai cậu con trai ông Hòa đi lao động ở nước ngoài đã gửi tiền về giúp gia đình hoàn trả nợ vay, mua đất, làm nhà. Ông Hòa là một trong gần 500 trường hợp ổn định kinh tế gia đình nhờ xuất khẩu lao động từ nguồn vốn vay của QTDND Vân Diên.
Chúng tôi tình cờ gặp đoàn cán bộ của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Tuyên Quang về tham quan, học hỏi mô hình của Quỹ. Sau khi tìm hiểu về quy mô, cách thức quản lý điều hành, nguồn vốn, số vốn huy động, dư nợ cho vay hằng năm,... Phó Giám đốc chi nhánh Nguyễn Thị Toán nhận xét: Chỉ với 31 cán bộ, nhân viên, nhưng QTDND Vân Diên đã hoạt động hiệu quả hơn một số chi nhánh ngân hàng cấp huyện ở tỉnh Tuyên Quang. Mô hình QTDND Vân Diên rất cần được phổ biến, nhân rộng. Ðây cũng là nhân tố góp phần quan trọng đối với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, giải quyết kịp thời nhu cầu vốn của nhân dân trong xã.