21.11.2013 00:00

Điều hành CSTT 2014 – 2015: Những khuyến nghị chính sách

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là năm 2013 kết thúc, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế vĩ mô đã có chuyển biến tích cực. Tăng trưởng kinh tế cả năm nhiều khả năng đạt được mức từ 5,2-5,4%. Lạm phát tiếp tục được kiềm chế ở mức khoảng 6,5%, thấp hơn mức 6,81% của năm 2012.

Đạt được kết quả tích cực trên có sự đóng góp không nhỏ của công tác điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) và hoạt động của hệ thống các NHTM. Song, theo các chuyên gia, bức tranh kinh tế năm 2014 – 2015 dù được dự báo sẽ được cải thiện nhưng các vấn đề nội tại của nền kinh tế, hệ thống ngân hàng như: khơi thông dòng vốn tín dụng, xử lý nợ xấu, còn gặp nhiều thách thức…

Chính vì vậy, một “Hội nghị Diên hồng” mang tên “Những khuyến nghị chính sách kinh tế và điều hành CSTT 2014-2015” vừa tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của các diễn giả trong nước và quốc tế. Thời báo Ngân hàng xin trích đăng một số khuyến nghị của các diễn giả.

Tổng giám đốc HSBC Việt Nam Sumit Dutta
Cho vay dựa vào dòng tiền sẽ hạn chế rủi ro

Riêng đối với điều hành CSTT, NHNN trong hai năm qua đã thực hiện rất tốt các nhiệm vụ của mình. Tôi còn nhớ tại hội thảo tháng 9/2011, lúc đó lạm phát ở mức 23%, lãnh đạo NHNN tuyên bố sẽ đưa lạm phát về một con số.

Cá nhân tôi, khi đó, cũng nghĩ rằng đây là một khó khăn, thách thức lớn với nhà điều hành và cho rằng đưa về mức hơn 10% đã là tốt rồi. Nhưng hiện nay, lạm phát đã được đưa về dưới 7%, rõ ràng đóng góp trong điều hành CSTT là rất lớn. Chưa kể lãi suất giảm mạnh, giá trị VND từ chỗ không ổn định, luôn đối mặt nguy cơ giảm giá 5 – 8% so với USD, thì nay đã trở thành đồng nội tệ ổn định thứ 3 trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Có thể nói, tôi hoàn toàn tin tưởng vào điều hành CSTT của NHNN trước đây và cả sau này.

Song tôi cũng muốn lưu ý một số vấn đề. Tình trạng nợ xấu của Việt Nam không phải vấn đề quá nghiêm trọng. Bởi trong thời kỳ khủng hoảng tài chính khu vực châu Á xảy ra năm 1997 – 1998, ở Indonesia tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng nước này lên tới hơn 30%. Nhưng Indonesia đã vượt qua một cách mạnh mẽ và trở thành một trong những thị trường được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Và tôi nghĩ rằng, không có lý do gì Indonesia đạt được mà Việt Nam lại không đạt được.

Vấn đề quan trọng là chúng ta có những bứt phá mạnh mẽ để cải thiện tình trạng nợ xấu đó hay không. Mà để bứt phá được, có một vài vấn đề cần xem xét như: làm thế nào để mô hình VAMC hoạt động hiệu quả, rồi khâu quản lý nội bộ trong các NHTM.

Bên cạnh đó, song song với việc xử lý nợ xấu, NHNN cũng cần phải lưu ý đến cơ cấu vốn của ngân hàng. Và, kiến nghị cuối cùng là bản thân các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng phải nâng cao nhận thức cũng như các chính sách về quản lý rủi ro. Hiện tại rất nhiều ngân hàng Việt Nam cho vay không dựa trên dòng tiền kinh doanh của khách hàng mà mới chỉ dựa trên tài sản đảm bảo.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI) TS. Lê Xuân Nghĩa
Xử lý rốt ráo nợ xấu, tăng lòng tin dân chúng

Lãi suất giảm mạnh, tỷ giá ổn định, VND được đánh giá là một trong những đồng nội tệ có giá trị ổn định nhất trong khu vực châu Á. Đây là bằng chứng cho thấy, điều hành CSTT của NHNN có hiệu quả khá tốt. Và NHNN nên tiếp tục duy trì sự ổn định này trong thời gian tới.

Theo tôi, nếu ngân hàng giải quyết tốt nợ xấu, tốc độ tăng trưởng tín dụng thời gian tới có thể đạt tới 14 – 15%. Nhưng lòng tin đang ở mức rất thấp, không chỉ với người dân mà ngay cả với nhà điều hành. Tình trạng nợ xấu của các tập đoàn liên quan đến ngân hàng cũng còn rất lớn... Do vậy, phải rốt ráo xử lý dứt điểm tạo lòng tin, minh bạch thị trường.

Riêng đối với chuyện mua - bán nợ xấu của Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), nhiều người nghi ngờ đây chỉ là động tác chuyển nợ từ khu vực này sang khu vực khác chứ không xử lý. Song tôi lưu ý rằng về cơ bản, khi xử lý nợ xấu, dù có bán cho ai, thì cũng là một hình thức chuyển khoản nợ đó từ chỗ này sang chỗ khác. Mà mục tiêu quan trọng chúng ta cần sớm đạt được là khơi thông quan hệ giữa DN và ngân hàng.

Vì vậy, điều tôi muốn nói rằng, ngay cả trong trường hợp xấu nhất là VAMC không bán được nợ xấu thì chuyện làm sạch bảng cân đối tài sản ngân hàng và “đóng gói” được nợ quá hạn của DN lại, cũng đã có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế trong lúc này.

Tôi được biết NHNN đang chuẩn bị quy mô cho việc cải cách lớn về quản trị, đặc biệt quản trị rủi ro theo chuẩn mực quốc tế. Nhưng hiện tại năng lực quản lý của NHTM vẫn yếu, đặc biệt quản trị rủi ro. Đó là chưa kể quan hệ sở hữu cũng đang làm tê liệt năng lực quản trị rủi ro của một số ngân hàng liên quan. Do đó, nếu không giải quyết quan hệ sở hữu thì khó có thể cải thiện các vấn đề chuẩn mực quốc tế trong quản trị rủi ro.

Dù NHNN nỗ lực cải cách khu vực thanh tra, giám sát nhưng phía trước còn nhiều vấn đề do tiêu chí giám sát còn hạn chế. Điều này đòi hỏi cố gắng hơn nữa đảm bảo sự minh bạch, thận trọng từ giám sát nội bộ đến giám sát của Ngân hàng Trung ương.

Giám đốc VERP TS. Nguyễn Đức Thành
Không nên tiếp tục đặt gánh nặng lên vai NHNN

Quan sát trong nhiệm kỳ Thống đốc mới, tôi cho rằng, việc điều hành CSTT đã đạt hiệu quả. Trong đó, nổi lên chính sách quản lý thị trường vàng và ổn định tỷ giá. Tôi đánh giá cao hiệu ứng của chính sách quan trọng nhất đối với vàng trong vòng 20 năm qua, đó là việc tách hoàn toàn vàng ra khỏi hệ thống TCTD. Dù còn nhiều tranh cãi, nhưng tôi tin rằng thêm một thời gian nữa, mọi người sẽ thấy hết ý nghĩa của chính sách này. Nhưng các giải pháp này, sang năm 2014 và có thể xa hơn nữa, có thể sẽ vấp phải một số khó khăn.

Cụ thể, khi đưa ra khỏi ngân hàng, vàng được coi là tài sản. Vì vậy, để “ứng xử” với vàng thì nên thiết lập một thị trường mua bán đối với tài sản này. Mà hiện nay, NHNN vẫn chưa có kế hoạch cụ thể nào về cách thức cung ứng, thị trường mua bán hay áp thuế…

Đối với chính sách tỷ giá, cần có lộ trình thay đổi theo từng bước nhỏ, tránh gây sốc cho thị trường. Và để tránh đầu cơ, NHNN nên tính toán mức độ giảm giá VND so với USD nhỏ hơn chênh lệch lãi suất huy động VND trong nước so với lãi suất tiền gửi USD trên thị trường thế giới. Tôi cho rằng, thời gian tới chính sách điều hành tỷ giá nên nương theo thị trường.

Tại sao lại nương theo, không phải vì chúng ta ở thế bị động trong điều hành mà do dự trữ ngoại hối đang dồi dào cộng với tương lai thặng dư cán cân thanh toán tổng thể vẫn có, tức là lực mua vào vẫn có thể diễn ra. Nên NHNN có thể nương theo thị trường để điều tiết “giá” của VND.

Theo tôi, NHNN sẽ gặp vấn đề lãi suất chịu sức ép tăng trong tương lai. Nhưng, áp lực đó không xuất phát từ khu vực tiền tệ mà là hệ quả của chính sách tài khóa. Bởi hiện nay, vấn đề thâm hụt ngân sách lớn do thuế không thu được trong khi chi thường xuyên tăng nhanh. Để bù đắp thâm hụt phải phát hành trái phiếu nhiều và điều này sẽ tăng sức ép lên lãi suất, làm cho điều hành chính sách lãi suất của NHNN gặp khó khăn.

Có thể nói, hiện nay trong nhóm chính sách: tiền tệ, tài khóa, quản lý ngành thì CSTT đang bị chịu gánh nặng cân đối rất lớn. Trong khi đó, các chính sách khác chưa hỗ trợ nhiều, thậm chí, có lúc còn tăng thêm sức ép như chính sách tài khóa. Đó là chưa kể, CSTT thường phải “nhận” nhiệm vụ quan trọng Chính phủ giao phó. Do vậy, để hỗ trợ CSTT cần có giải pháp căn cơ để cân đối ngân sách như tiết kiệm chi tiêu, tiết chế chi Chính phủ. Mặt khác, cũng nên cân nhắc khi đặt việc thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô, nhiệm vụ phát triển của nền kinh tế lên vai NHNN.

Nói tóm lại, tôi tán đồng với quan điểm định hướng điều hành CSTT chỉ nên tập trung một vài mục tiêu quan trọng như ổn định giá trị đồng tiền, cân bằng sức mua, kiểm soát lạm phát… sau đó ưu tiên xa hơn là chính sách tỷ giá, tín dụng.


Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối NHNN Nguyễn Quang Huy
Tiếp tục điều hành tỷ giá ổn định nhưng không cố định

Có thể nói, điều hành tỷ giá rất phức tạp, đòi hỏi cân nhắc các yếu tố liên quan trước khi có những điều chỉnh chính sách. Vì tỷ giá vừa là công cụ, nhưng cũng vừa là mục tiêu chính sách.

Khi là công cụ, tỷ giá gánh trên vai nhiều yêu cầu mục tiêu, từ việc tăng dự trữ đến mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, khả năng cạnh tranh và điều rất quan trọng là điều hành làm sao để hệ thống các TCTD hoạt động an toàn. Cũng có thời điểm tỷ giá lại là mục tiêu, buộc phải ổn định để hỗ trợ CSTT, ổn định kinh tế vĩ mô.

Vấn đề của người điều hành là xác định được khi thị trường có áp lực xuất phát từ đâu để có giải pháp ứng xử với thị trường một cách chính xác nhất. Nếu xuất phát từ những yếu tố mất cân đối cung – cầu chắc chắn phải điều chỉnh tỷ giá cho phù hợp. Nếu là đầu cơ, tâm lý kỳ vọng thì sẽ sử dụng biện pháp khác. Thông điệp của NHNN trong những năm tiếp theo là tiếp tục điều hành tỷ giá ổn định nhưng không cố định, phù hợp với các ưu tiên của Chính phủ.

Một điều quan trọng là hơn 1 năm vừa qua NHNN đã mua lại mức dự trữ ngoại tệ khá lớn. Qua đó, giúp NHNN có thể can thiệp thị trường khi cần thiết và những đối tượng muốn đầu cơ về tỷ giá thì phải dè chừng. Vì khi đầu cơ, cơ quan quản lý đủ lực để xử lý thì đương nhiên giới đầu cơ sẽ phải chịu lỗ lớn.

Đối với thị trường vàng, nếu coi vàng với tư cách là công cụ đầu tư thì độ “lấp lánh” đã nhạt đi nhiều, nhất là khi mà triển vọng kinh tế trong nước và quốc tế được phục hồi, sẽ có các kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn. Chính vì vậy, NHNN đang chuẩn bị tất cả phương án cần thiết, kể cả phương án mua vào vàng miếng để tăng dự trữ ngoại hối. Thời điểm mua vào có thể còn cần hội tụ nhiều yếu tố nhưng chúng tôi cũng sẵn sàng chuẩn bị mọi tình huống.


Thanh Huyền (Thời báo Ngân hàng)

Các tin liên quan