Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn. Về phía các Bộ, ngành có sự góp mặt của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng,… Ngoài ra, Diễn đàn còn có có sự tham dự của đại diện các Hiệp hội Doanh nghiệp của nhiều quốc gia và hơn 500 đại diện doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Nâng cao năng suất, thúc đẩy đầu tư khu vực tư nhân nhằm cải thiện tình hình tài chính và môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân bứt phá, là nội dung trọng tâm của "Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2017”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Diễn dàn
VBF 2017 đặt lên bàn đối thoại 3 nội dung chính gồm: Nâng cao năng suất và các nhân tố thúc đẩy phát triển các ngành nông nghiệp; Thúc đẩy đầu tư khu vực tư nhân nhằm cải thiện tình hình tài chính; Và môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân bứt phá. Trong phiên thứ 1, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận điều kiện lao động trong các ngành công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, hợp tác chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước, tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với FDI tại Việt Nam. Trong phiên thứ 2, với chủ đề được nhiều người quan tâm: mô hình hợp tác công tư/quỹ tư nhân, tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp tư nhân trong nước, phát triển ngành ngân hàng. Tại phiên 3, diễn đàn tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân bứt phá. Tại đây, các đại biểu tập trung vào cải cách thủ tục hành chính, thuế, quản trị minh bạch và liêm chính.
Quang cảnh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2017
Đặc biệt, mọi thảo luận tại VBF 2017 của giới kinh doanh sẽ hướng tới các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 - chủ đề được chọn của VBF 2017. Các đại biểu tham dự Diễn đàn đã ghi nhận những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ và các cấp, các ngành. Những nỗ lực này đã tạo thêm niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đại diện cho Nhóm Công tác Ngân hàng (BWG), bà Natasa Ansell – Trưởng Nhóm Công tác Ngân hàng (BWG) - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) nhấn mạnh: Chúng tôi rất ấn tượng với những nỗ lực quyết liệt của Chính phủ, Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cùng các bộ ngành liên quan trong việc ban hành Nghị quyết Xử lý nợ xấu để giải quyết vấn đề cốt lõi của ngành ngân hàng, giải phóng nguồn lực cho việc phát triển khu vực tư nhân. Chủ tịch AmCham cũng đánh giá cao sự chủ động của NHNN Việt Nam trong công tác rà soát những thay đổi cần thiết để kiến nghị Chính phủ xem xét các luật, quy định mới.
Bà Natasa Ansell – Trưởng Nhóm Công tác Ngân hàng (BWG) - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) phát biểu tại Diễn đàn
Cũng trong bài phát biểu của mình, bà Natasa Ansell đã đưa ra một số kiến nghị quan trọng gửi đến các bộ ngành chức năng như: (i) Ban hành các quy định cần thiết cho việc áp dụng các giải pháp quản lý tiền mặt tối ưu cho các tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam; (ii) Ban hành giải thích và hướng dẫn thống nhất với quy định về quản lý ngoại hối của NHNN nhằm hỗ trợ các ngân hàng trong việc đơn giản hóa chứng từ; (iii) Ban hành văn bản chính thức về mở tài khoản ngân hàng của các chủ thể không phải là pháp nhân theo Bộ luật Dân sự Việt Nam.
Trả lời kiến nghị của Nhóm Công tác Ngân hàng (BWG), Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: Về phát triển các sản phẩm quản lý dòng tiền, điều chuyển vốn của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam, NHNN và BWG đã tổ chức các buổi họp, tọa đàm trao đổi về bản chất, nội dung, hình thức thực hiện, kinh nghiệm quốc tế về sản phẩm quản lý thanh khoản, hoạt động điều chuyển vốn trong nội bộ các tập đoàn đa quốc gia. BWG có thể tiếp tục rà soát các quy định liên quan của pháp luật Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế để đề xuất giải pháp cụ thể với các bộ ngành liên quan nhằm thực hiện hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động này.
Về đơn giản hóa các chứng từ ngoại hối, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh: Pháp lệnh Ngoại hối và Nghị định 70/2014/NĐ-CP đã quy định nguyên tắc kiểm tra chứng từ giao dịch ngoại hối theo hướng (i) giao cho các TCTD có trách nhiệm xem xét, kiểm tra, lưu giữ các giấy tờ và các chứng từ phù hợp với giao dịch thực tế để đảm bảo việc cung ứng các dịch vụ ngoại hối được thực hiện đúng mục đích và phù hợp với các quy định của pháp luật; (ii) các tổ chức, cá nhân khi thực hiện giao dịch ngoại hối có trách nhiệm xuất trình các chứng từ theo quy định của các TCTD và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các loại giấy tờ, chứng từ đã xuất trình.
Theo Phó Thống đốc, các quy định trên nhằm tạo quyền chủ động cho các TCTD khi cung ứng dịch vụ ngoại hối cho khách hàng, đảm bảo việc kiểm soát chứng từ phù hợp với các giao dịch phát sinh trên thực tế. Tuy nhiên, theo báo cáo của BWG, hiện nay BWG đang gặp một số khó khăn, vướng mắc do cách hiểu chưa thống nhất giữa BWG và các cơ quan thi hành pháp luật về quy định kiểm soát chứng từ. Ngân hàng Nhà nước ghi nhận ý kiến này và đề nghị BWG trong thời gian tới tích cực phối hợp với NHNN và các cơ quan liên quan để thống nhất cách hiểu về vấn đề này đảm bảo phù hợp với các quy định về quản lý ngoại hối và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các TCTD.
Liên quan đến tư cách chủ thể trong giao dịch dân sự nói chung và giao kết hợp đồng mở, sử dụng tài khoản thanh toán nói riêng của các tổ chức không có tư cách pháp nhân (chi nhánh, văn phòng đại diện, quỹ đầu tư,…), NHNN nắm bắt được các vấn đề phát sinh và đã có hướng dẫn các ngân hàng thực hiện theo lộ trình. Bên cạnh đó, thời gian qua, NHNN cũng đã tích cực phối hợp với các Bộ ngành liên quan để có biện pháp xử lý thống nhất về các vấn đề liên quan đến tư cách chủ thể trong giao dịch dân sự.
Thay mặt Ban lãnh đạo NHNN, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cảm ơn sự hợp tác chặt chẽ của Nhóm Công tác Ngân hàng (BWG) trong thời gian qua. NHNN cam kết tiếp tục hợp tác với BWG trong thời gian tới để tiếp tục giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, môi trường cạnh tranh bình đẳng, góp phần xây dựng Chính phủ kiến tạo phục vụ cho nền kinh tế nói chung và cho ngành ngân hàng nói riêng.
13.11.2024
30.10.2024