21.10.2009 08:34

Đề nghị dừng gói hỗ trợ lãi suất vay vốn ngắn hạn

Với lý do gói hỗ trợ lãi suất 4% đã hoàn thành vai trò "giải cứu” doanh nghiệp gặp khó khăn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền, sáng nay, đề nghị Chính phủ dừng chính sách này theo đúng thời hạn đã được công bố (31/12).

Theo Chủ nhiệm Hiền, quá trình thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất 4% đã có nhiều mặt hạn chế. Thực tế chỉ có khoảng 20% tổng số doanh nghiệp được vay vốn. Điều này đã gây ra bất bình đẳng trong quan hệ kinh tế giữa các doanh nghiệp, làm giảm ý nghĩa của chủ trương kích cầu.

Mặt khác, lãi suất VND sau khi được giảm trừ 4% và lãi suất cho vay ngoại tệ tương đương nhau. Điều này dẫn đến nhu cầu vay VND tăng, làm mất cân đối cung cầu trên thị trường tiền tệ, gây sức ép tăng lãi suất VND và tăng tổng phương tiện thanh toán, gây mất cân đối trên thị trường ngoại hối, tạo sức ép tăng tỷ giá, ảnh hưởng đến cán cân thanh toán. Ngân hàng Nhà nước đã phải can thiệp thị trường nhằm ổn định tỷ giá làm dự trữ ngoại tệ giảm.

Một lý do quan trọng khác, theo Ủy ban Kinh tế, là rất khó kiểm soát hiệu quả thực chất của các khoản tín dụng. Có ý kiến cho rằng có hiện tượng dùng vốn vay để đảo nợ, đầu tư vào chứng khoán hoặc đầu tư vào bất động sản. Lãi suất tiền gửi cao hơn lãi suất cho vay nên có doanh nghiệp vay vốn hỗ trợ lãi suất thấp tại ngân hàng này và gửi sang ngân hàng khác để hưởng chênh lệch.

"Hiện nay, nền kinh tế cơ bản đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất trong khi những vấn đề phát sinh đang gây rất nhiều khó khăn cho chính sách tiền tệ. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần tiếp tục thực hiện các chính sách kích thích kinh tế, nhưng tập trung cho các mục tiêu trung và dài hạn, cho mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế..., nên dừng chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn ngắn hạn", ông Hiền đề nghị.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế bày tỏ lo ngại vấn đề bội chi ngân sách. Theo ông Hiền, mức bội chi ngân sách năm 2009 là 6,9% GDP còn chưa tính đến các khoản chi từ nguồn trái phiếu Chính phủ và một số khoản chi khác. Nợ Chính phủ đang tăng cao, năm 2008 khoảng 36,5% GDP, năm 2009 ước lên đến 40% GDP, năm 2010 dự kiến 44% GDP. Nếu không có giải pháp giảm dần bội chi ngân sách thì trong vài năm tới, nợ Chính phủ sẽ tiến dần đến mức giới hạn an toàn được cảnh báo.

Từ lý do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị mức bội chi ngân sách năm 2010 không quá 6% GDP, thấp hơn mức đề nghị của Chính phủ là 6,5% GDP với 12,5 nghìn tỷ đồng, và cần có kế hoạch cụ thể để giảm bội chi ngân sách nhà nước dưới 5% GDP trong các năm sau.

Ủy ban Kinh tế cũng rất lo ngại trước tình trạng đầu tư trực tiếp nước ngoài có xu hướng tập trung vào bất động sản. Năm 2007, tỷ trọng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực này chỉ chiếm 25%, đến năm 2008 tăng lên 36,8%, 6 tháng đầu năm này chiếm trên 60% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Với cơ cấu vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài như vậy sẽ không tạo ra nhiều việc làm và ít có khả năng tạo ra sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế, không đẩy mạnh được xuất khẩu.

Đánh giá về chính sách giảm nghèo, Ủy ban Kinh tế cho rằng mặc dù tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 11% năm 2009, tuy nhiên, kết quả chưa thật bền vững. Mức chuẩn nghèo chưa thay đổi theo nghị quyết của Quốc hội, trong khi mặt bằng giá chung đã lên rất cao cho nên tỷ lệ hộ nghèo còn 11% là chưa phản ánh đúng thực chất.
Theo VnEpress

Các tin liên quan