Sau khi ban hành Thông tư số 23/2018/TT-NHNN quy định về tổ chức lại, thu hồi giấy phép và thanh lý tài sản của Quỹ tín dụng Nhân dân (QTDND), mới đây, NHNN tiếp tục ban hành Chỉ thị số 06/CT-NHNN chấn chỉnh, tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động trong hệ thống QTDND.
Việc tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên hoạt động của QTDND là rất cần thiết, vừa phát huy hiệu quả của tổ chức này nhưng đồng thời kiểm soát rủi ro có thể phát sinh.
Thực tế, dù có vẻ xa lạ với nhiều người dân ở đô thị lớn, nơi mạng lưới ngân hàng khá dày, song QTDND đang là nơi cung cấp tín dụng cho hàng triệu người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, do những điều khoản cho vay ngân hàng vốn chặt chẽ. Theo số liệu từ NHNN đến cuối năm 2017, hệ thống có hơn 1.100 QTDND, hoạt động ở 57 tỉnh, thành với khoảng 1,8 triệu thành viên. Tổng tài sản hơn 100.000 tỷ đồng, trong đó, tổng nguồn vốn huy động khoảng 88.000 tỷ đồng và cho vay khoảng 76.000 tỷ đồng, cung cấp tín dụng cho khoảng 8 - 9 triệu người. Số QTDND có nợ xấu dưới 1% chiếm trên 75%, số Quỹ có lãi trong hoạt động kinh doanh chiếm 96%.
Lãi suất cho vay tại các QTD tuy cao hơn ngân hàng nhưng vẫn thấp hơn nhiều nếu so với các "hụi", dịch vụ cầm đồ hay tín dụng đen. Do đó, mô hình QTDND được NHNN cho là cách thức tốt để hạn chế tín dụng đen ở nông thôn.
Tuy nhiên, một số QTDND lại đang làm điều ngược lại với "sứ mệnh" này khi hoạt động trái quy định, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự và tình hình kinh tế - xã hội. Như vụ việc giám đốc quỹ ở Thái Bình, Hoằng Hóa – Thanh Hóa, Biên Hòa - Đồng Nai bỏ trốn sau khi mượn uy tín quỹ huy động và cho vay trái quy định, dùng tiền cho mục đích cá nhân. Trên cả nước cũng xảy ra không ít sự việc tương tự, đòi hỏi tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, giám sát với hệ thống QTDND.
NHNN cũng đang đặt hệ thống QTDND trong việc tái cơ cấu. Nội dung này được cụ thể hóa trong Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 đã được Chính phủ thông qua. Theo đề án này, NHNN sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra, rà soát, phân loại và nhận diện các QTDND quá yếu kém để đưa ra giải pháp xử lý phù hợp. Trước mắt, chưa thực hiện việc cấp phép thành lập mới tại những địa phương đang thực hiện sắp xếp cơ cấu lại các QTDND.
Mô hình QTDND vẫn phát huy tốt nếu hoạt động đúng quy định. Bởi vậy, thay vì cho phá sản, Chỉ thị số 06/CT-NHNN của NHNN tập trung xử lý các QTDND yếu kém không có khả năng cơ cấu lại bằng các hình thức sáp nhập, hợp nhất, mua lại hoặc bằng một số biện pháp khác. Đồng thời hoàn thiện cơ chế xử lý, trong đó có cơ chế hỗ trợ NHTM khi tự nguyện tham gia xử lý QTDND yếu kém. Việc xử lý này trên nguyên tắc thận trọng vừa bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, vừa giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.
Theo Báo Kinh tế đô thị