26.02.2018 07:00

Để QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả

Trong những năm qua, hệ thống QTDND đã có bước phát triển vượt bậc và khẳng định là một kênh vốn quan trọng phát triển kinh tế nông nghiệp – nông thôn. Tuy nhiên, vẫn còn một số quỹ hoạt động không theo đúng tôn chỉ mục đích, gây mất an toàn cho hệ thống. Bởi vậy, việc chấn chỉnh hoạt động của các quỹ này là rất quan trọng và cần thiết.

Đến cuối năm 2017, cả nước có 1.179 QTDND với hơn 1,7 triệu thành viên; tổng nguồn vốn hơn 100.400 tỷ đồng (trong đó vốn tự có 6.454 tỷ đồng; vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ trên 4.274 tỷ đồng; huy động từ thành viên và tổ chức, cá nhân trên 87.000 tỷ đồng); tổng dư nợ cho vay thành viên trên 77.756 tỷ đồng.

Số liệu trên cho thấy hệ thống QTDND đã và đang có những đóng góp đáng kể vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hầu hết các QTDND hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và quy định của pháp luật, an toàn và hiệu quả.

Tuy nhiên, hoạt động của các QTDND vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại đã được đánh giá tại Hội nghị Tổng kết thực hiện Chỉ thị 57/CT-TW của Bộ Chính trị năm 2013, nhưng cho đến nay việc khắc phục vẫn rất chậm, thậm chí một số Quỹ những hạn chế, tồn tại còn trầm trọng hơn dẫn đến rủi ro lớn, mất an toàn và không hiệu quả, có trường hợp làm ảnh hưởng đến an ninh và trật tự an toàn xã hội.

 Có thể kể ra đây một số hạn chế, tồn tại nổi bật. Đó là một số quỹ có biểu hiện phát triển chệch hướng xa rời tôn chỉ mục đích của loại hình TCTD là HTX và mục tiêu hoạt động hỗ trợ thành viên của một bộ phận QTDND. Điều đáng quan tâm là có một số QTDND có tốc độ tăng trưởng nóng và có nguy cơ vượt ngoài tầm quản lý, kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh đó, việc chấp hành các quy định của pháp luật, nhất là các quy định về đảm bảo an toàn trong hoạt động của một bộ phận QTDND chưa nghiêm túc dẫn đến nguy cơ rủi ro mất an toàn trong hoạt động. Những tồn tại yếu kém nói trên cùng với công tác quản lý, điều hành, kiểm soát nội bộ yếu, xảy ra tình trạng rủi ro đạo đức, vi phạm pháp luật gây tổn thất về tài chính và an toàn trong hoạt động của một số QTDND, gây mất uy tín, người dân lo ngại rút tiền, làm mất khả năng chi trả, khả năng thanh toán và còn gây ảnh hưởng đến hoạt động của các QTDND trên địa bàn ở một số địa phương có nhiều QTDND.

Ngoài ra, một bộ phận QTDND cơ sở xa rời tính liên kết hệ thống. Phương thức hoạt động cho vay của các QTDND chưa gắn kết chặt chẽ, trực tiếp giữa nhu cầu vay vốn thực sự của thành viên với các quy định cho vay phù hợp với thực tế hoạt động quy mô nhỏ và hỗ trợ thành viên của QTDND. Nhiều quỹ chỉ coi trọng cơ chế bảo đảm tiền vay thông qua tài sản thế chấp của khách hàng vay vốn tương tự như các NHTM mà chưa chú trọng đến sự giám sát của QTDND cũng như của các thành viên khác đối với việc sử dụng hiệu quả vốn vay của thành viên vay vốn.

Hiện tại Luật các TCTD và Ngân hàng Nhà nước đã có những quy định điều chỉnh đối với hệ thống TCTD hợp tác, đặc biệt là các QTDND nhằm đảm bảo cho các QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả như Thông tư số 04/2015/TT-NHNN ngày 31/3/2015 của Ngân hàng Nhà nước quy định về QTDND và một số Văn bản quy phạm pháp luật khác.

Tuy nhiên, để các QTDND thực sự hoạt động an toàn, hiệu quả, đúng mục tiêu, tôn chỉ cần có quy định mang tính pháp lý về việc phải có một bộ phận độc lập giám định các khoản cho vay thành viên của QTDND để lãnh đạo QTDND quyết định cho vay với mức cho vay một khách hàng (khoản vay) từ 50 triệu đồng trở lên.

Bên cạnh đó, nên quy định giới hạn quy mô của một QTDND, thực tế theo dõi hoạt động của QTDND cho thấy nên quy định quy mô tổng tài sản của mỗi QTDND không quá 200 tỷ đồng để phù hợp với năng lực, trình độ quản lý của QTDND; Mức gửi tiền của mỗi khách hàng không quá 2 lần mức bảo hiểm chi trả để giảm thiểu rủi ro cho QTDND khi xảy ra tình trạng khó khăn về chi trả.

Theo Ngân hàng Hợp tác

Các tin liên quan