Con số 76% hộ dân trong xã là thành viên của QTDND (1.763 thành viên) cho thấy vai trò hỗ trợ quan trọng của quỹ đối với sự phát triển kinh tế địa phương trong những năm qua cũng như trong tương lai.
Chỉ còn vài tháng nữa là Chủ tịch QTDND xã Mê Linh (Hà Nội), ông Nguyễn Kim Trường tròn 40 năm làm tín dụng HTX. Trải qua cả chặng đường từ HTX tín dụng Mê Linh, kinh qua nhiều vị trí từ thủ quỹ, cán bộ tín dụng, kế toán, rồi làm lãnh đạo QTDND xã Mê Linh cả chục năm qua, điều mà ông tâm đắc nhất không phải là những con số phát triển của quỹ, mà là sự gắn bó chân tình giữa thành viên với QTDND đã được vun đắp trong những năm qua. Để rồi khi thấu hiểu từng thành viên, cùng sự nhạy bén với thị trường và với những hỗ trợ từ NHNN cũng như Ngân hàng HTX, quỹ đã hỗ trợ người dân vay vốn chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, biến xã Mê Linh thành “vựa hoa” lớn của cả khu vực phía Bắc và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Ông Trường kể, cái thuận của việc thành lập QTDND xã Mê Linh vào năm 1993 chính là việc HTX tín dụng Mê Linh cho đến ngày kết thúc hoạt động vẫn vững vàng, chi trả đến đồng tiền cuối cùng của người gửi tiết kiệm. Ngày 2/11/1993, đại hội QTDND Mê Linh đã được tổ chức, thu hút được 128 thành viên với số vốn góp ban đầu 24,81 triệu đồng. Đến 21/1/1994, QTDND Mê Linh đã chính thức đi vào hoạt động.
Anh Nguyễn Huy Hội (bên trái) đang chăm sóc vườn hoa ly chuẩn bị bán trong dịp Tết
Thuở ban đầu sơ khai ấy, đến cái bàn, cái ghế cũng chẳng có, phải đi mượn, lại thêm các thành viên sáng lập đều chưa am hiểu về mô hình hoạt động QTDND kiểu mới cũng như rất thiếu về nghiệp vụ, kỹ năng. “Thời đó, nếu không có sự giúp đỡ của NHNN thì không thể có QTDND như hiện nay. NHNN đã làm tốt vai trò bà đỡ đối với mô hình hoạt động QTDND”, ông Trường tâm sự. Ngày đó, cán bộ NHNN đã “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn tận tình đối với đội ngũ cán bộ nhân viên của quỹ; rồi sau đó tổ chức đào tạo nghiệp vụ qua các khóa ngắn ngày đối với Chủ tịch HĐQT, Giám đốc, Kế toán trưởng, cán bộ tín dụng, nhân viên nghiệp vụ khác. Đồng thời, chỉ đạo dần từng bước hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động. Nền tảng hoạt động của quỹ ngày càng thêm vững chắc với sự quản lý - giám sát, thanh tra kiểm tra của NHNN Thành phố Hà Nội.
Đặc biệt, ra đời trong thời điểm người dân Mê Linh chuyển đổi từ trồng rau sang trồng hoa, tích lũy dân cư thấp, huy động trong dân khó khăn, QTDND Trung ương (nay là Ngân hàng HTX) đã cung ứng vốn kịp thời cho quỹ hỗ trợ bà con chuyển đổi 250 ha từ rau màu sang trồng hồng đá Đà Lạt thành công, góp phần cải thiện ổn định đời sống và phát triển kinh tế hộ gia đình. Nghề trồng hoa hồng và thương hiệu hoa hồng Mê Linh dần được định vị trên thị trường rõ ràng hơn từ sau năm 1998 với việc quỹ tiếp tục đầu tư giúp bà con chuyển đổi giống hoa hồng Đà Lạt sang hoa hồng Pháp.
Tiếp đà thành công, từ năm 2000 đến nay, lại là một làn sóng chuyển đổi cây trồng mới với các giống hoa cao cấp như cúc, ly, tuylip, hoa hồng bosai. Đặc biệt, sau năm 2010, thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, QTDND Mê Linh đã hỗ trợ bà con chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang đầu tư trang trại… hay chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang làm cơ khí, vận tải, nhôm kính, giúp bà con ổn định đời sống và tiếp tục phát triển kinh tế, góp phần đưa xã Mê Linh về đích nông thôn mới năm 2015.
Con số 76% hộ dân trong xã là thành viên của QTDND (1.763 thành viên) cho thấy vai trò hỗ trợ quan trọng của quỹ đối với sự phát triển kinh tế địa phương trong những năm qua cũng như trong tương lai.
Gia đình anh Nguyễn Huy Hội, thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, 500 triệu vốn vay từ QTDND Mê Linh đã giúp anh đầu tư 5 sào hoa ly chuẩn bị đón vụ Tết này. Đây là năm thứ 4 anh vay vốn trồng hoa giá trị cao thay vì trước đây chỉ đơn thuần trồng hồng và cúc. Anh kể, 5 sào trồng ly mỗi năm 3 vụ, vụ được, vụ hòa, nhưng một vụ thu nhập cũng được 200-300 triệu đồng. Trong khi đó, trồng cúc và hồng, thu nhập ổn định, song 2 mẫu ruộng anh trồng, mỗi năm cũng chỉ cho thu nhập từ 50-60 triệu đồng.
Con trai ông Nguyễn Văn Xuyên đang trao đổi cùng cán bộ quỹ
Với ông Nguyễn Văn Xuyên, nguồn vốn QTDND Mê Linh là điểm tựa vững chắc để ông cùng con trai chuyển đổi sang kinh doanh phân bón nông nghiệp từ năm 2015. Từ quy mô buôn bán nhỏ lẻ vài trăm triệu đồng, trong đó, phân nửa là vốn vay QTDND Mê Linh, đến nay, vốn đầu tư của anh đã lên đến 3,5 tỷ đồng với doanh thu 8-10 tỷ đồng/năm. Hiện gia đình có rất nhiều lựa chọn để vay vốn với các TCTD khác, nhưng ông vẫn tin tưởng và vay vốn QTDND Mê Linh, bởi sự hỗ trợ và thấu hiểu của cán bộ quỹ giúp ông vay vốn nhanh chóng và thuận tiện. Hiện ông đang vay 680 triệu đồng để mua phân bón đầu tư cho 12 nhà vườn và tới đây sẽ tiếp tục vay vốn QTDND để mở rộng đầu tư cho 10 nhà vườn khác.
Trên một địa bàn đang đô thị hóa mạnh mẽ với sự hiện diện của ngày càng nhiều các TCTD, QTDND Mê Linh không vì thế mà mất đi những lợi thế riêng có. Đó chính là sự tín nhiệm mà quỹ đã gieo vào lòng thành viên 27 năm qua. Cùng với đó, còn là sự gắn bó mật thiết giữa các thành viên và quỹ.
Thành viên hiểu được vai trò và ý nghĩa của quỹ với chính cuộc sống của họ nên ngay cả khi khó khăn, họ cũng sẵn sàng chia sẻ cùng quỹ. Trong trận mưa lịch sử vào cuối năm 2008, khi đó, khoảng 3/15 tỷ đồng đầu tư cho bà con trồng ly và loa kèn trong vùng mất trắng. Lúc đó, HĐQT tổ chức họp đánh giá thực chất thiệt hại, từ đó lên kế hoạch bơm thêm vốn cho bà con khắc phục hậu quả, tái sản xuất để có nguồn trả nợ ngân hàng, đến Tết có quà động viên bà con thành viên. Vì thế bà con hoàn toàn yên tâm sản xuất và dần hoàn trả vốn vay cho quỹ, tiếp tục mở rộng sản xuất. “Ở đây, mỗi chính sách, quyết định chúng tôi đưa ra đều đảm bảo thấu tình, đạt lý. Nếu cứ nguyên tắc mà đẩy khó cho bà con nông dân thì quỹ không tồn tại được và cũng không thực hiện đúng mục tiêu tôn chỉ là hỗ trợ thành viên”, ông Trường chia sẻ.
Không chỉ có cơ hội tiếp cận tín dụng, mức lợi tức những năm cao điểm lên đến 18%/năm cũng góp phần gắn kết thành viên với quỹ. Quan hệ giữa quỹ với thành viên ngày càng thâm tình bởi sự chia ngọt sẻ bùi trong cuộc sống. 50 triệu đồng bình quân mỗi năm cho các hoạt động an sinh xã hội tại địa bàn cho thấy trách nhiệm và nghĩa tình của quỹ dành cho thành viên và cộng đồng.
Những thành quả của quỹ được định tính bằng chính thu nhập và chất lượng sống của thành viên cũng đã được chính quyền địa phương ghi nhận, qua đó cũng ngày càng quan tâm và hỗ trợ cho hoạt động của quỹ tốt hơn. Thực hiện Nghị quyết 42, UBND xã đã thành lập Ban quản lý công nợ của QTDND. Cán bộ có uy tín của quỹ nhiều năm qua tham gia cấp ủy chính quyền địa phương cũng đã góp phần gia tăng niềm tin của thành viên với QTDND. Từ một địa phương có hoạt động cho vay nặng lãi phát triển, đến nay nguồn vốn QTDND đã giúp địa phương, giữ ngành nghề truyền thống, chống cho vay nặng lãi và nay hầu như không còn.
Tính đến thời điểm cuối năm 2019, dư nợ của quỹ đạt 62,769 tỷ đồng. Kinh tế địa phương ngày càng phát triển với nhiều thành viên trở thành tỷ phú nên gần 10 năm qua, QTDND Mê Linh không còn vay vốn điều hòa từ Ngân hàng HTX. Song Ngân hàng HTX Chi nhánh Hai Bà Trưng vẫn là một chỗ dựa vững chắc cho quỹ hoạt động, đảm bảo cân đối nguồn vốn dư thừa một cách hợp lý. Hiện QTDND Mê Linh đang gửi tại Ngân hàng HTX 100 tỷ đồng. Đặc biệt, với một địa bàn sản xuất và kinh doanh hoa có tính chất mùa vụ, điều hòa của Ngân hàng HTX Chi nhánh Hai Bà Trưng giúp quỹ vừa sử dụng vốn hiệu quả, vừa đáp ứng yêu cầu thanh khoản cao của người dân. Ông Trường cho biết, tới đây quỹ sẽ nghiên cứu và khai thác dịch vụ chuyển tiền của Ngân hàng HTX để hỗ trợ thành viên mở rộng giao thương. Đồng thời tiếp tục củng cố, phát triển quỹ theo những tiêu chí đảm bảo an toàn mà NHNN đã đặt ra tại Thông tư 04 cũng như Thông tư 21.
Theo Thời báo Ngân hàng
13.11.2024
30.10.2024