Ngày 19/7/2019 tại thành phố Vĩnh Yên, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện một số giải pháp nhằm bảo đảm an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND và Chỉ thị số 10/CT-CT của Chủ tịch UBND tỉnh triển khai Chỉ thị của Thủ tướng trên địa bàn tỉnh.
Ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Tâm, Tỉnh ủy viên, Giám đốc NHNN Chi nhánh Vĩnh Phúc cho biết, thời điểm tái lập tỉnh năm 1997 trên địa bàn Vĩnh Phúc đã có 39 QTDND. Sau nhiều lần tái cơ cấu, đến nay còn 31 QTDND đang hoạt động tại 34 xã, phường, thị trấn.
Hằng năm, căn cứ kế hoạch thanh tra của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN Chi nhánh Vĩnh Phúc đã xây dựng kế hoạch thanh tra chi tiết đối với hệ thống QTDND trên địa bàn. Ngoài các QTDND đến thời hạn thanh tra, chi nhánh còn tập trung thanh tra, kiểm tra những quỹ có dấu hiệu tăng trưởng nóng, quỹ có nợ quá hạn cao, có biến động lớn về doanh số hoạt động…
Thanh tra, giám sát của chi nhánh đã thực hiện việc phân công cụ thể cán bộ thanh tra thực hiện giám sát vi mô tới từng QTDND trên địa bàn tỉnh, phân loại thành từng nhóm QTDND theo các mức hoạt động tốt, khá, trung bình và hoạt động yếu để thực hiện các biện pháp chỉ đạo, giúp đỡ và chấn chỉnh kịp thời. Từ 2016 - 2019, NHNN tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện thanh, kiểm tra 35 cuộc đối với hoạt động của các QTDND trên địa bàn; trong đó thanh tra trực tiếp 30 cuộc, thực hiện kiểm tra đột xuất 5 cuộc, đưa ra 195 kiến nghị.
"Kết quả trong quá trình thanh, kiểm tra đã kịp thời phát hiện những sai sót, vi phạm, yêu cầu các QTDND chỉnh sửa kịp thời", đại diện lãnh đạo Thanh tra, giám sát của Chi nhánh chia sẻ tại hội nghị.
Nhờ làm tốt công tác giám sát từ xa và thanh tra tại chỗ, NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc đã giúp các QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả, chấp hành đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Ngành.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Duy Thành, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá: Nhờ làm tốt công tác thanh tra tại chỗ và giám sát từ xa của lực lượng thanh tra NHNN Chi nhánh tỉnh đã giúp cho các QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả, chấp hành đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Theo ông Lê Duy Thành, QTDND đã thực sự là giải pháp thích hợp nhất trong giai đoạn hiện nay đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần hỗ trợ cho việc hoàn thành 3 mục tiêu chính theo Nghị quyết của tỉnh là: phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hiện đại; đảm bảo an sinh xã hội; phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Nhìn vào 3 nội dung trên thì hoạt động của các QTDND góp phần tích cực vào xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc NHNN Chi nhánh Vĩnh Phúc phát biểu tại hội nghị
Cũng tại hội nghi, lãnh đạo một số QTDND đã có ý kiến tham luận và những đề xuất từ thực tế cơ sở. Những ý kiến xoay quanh việc tăng cường công tác đào tạo cho những cán bộ quản lý của quỹ, xây dựng một hệ thống quản trị, báo cáo, thống nhất các biểu mẫu và quan trọng nhất là hệ thống kết nối thông tin, tin học cho hoạt động và quản lý của toàn hệ thống QTDND trên địa bàn.
Từ phía cơ quan giám sát, quản lý chuyên ngành, ông Lê Quang Huy, Cục trưởng Cục 3, Cơ quan Thanh tra, giám sát (NHNN) đã cho biết, trong xu thế ứng dụng công nghệ với công tác kinh doanh, quản lý của toàn bộ hệ thống tín dụng, ngân hàng thì NHNN sẽ sớm có lộ trình phối hợp với NHNN chi nhánh các tỉnh, các QTDND để đầu tư chuẩn hóa hệ thống công nghệ thông tin.
Về công tác đào tạo cán bộ cho hệ thống QTDND và bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý chuyên ngành, ông Huy cho biết đã phối hợp với Học viện Ngân hàng mở các lớp đào tạo chuyên đề cho cán bộ QTDND. Trong thới gian tới, Cục cũng đã có kế hoạch tập huấn cho cán bộ lãnh đạo và Thanh tra, giám sát của các Chi nhánh NHNN các tỉnh thành về công tác quản lý QTDND.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Lê Duy Thành đề nghị NHNN Chi nhánh Vĩnh Phúc tiếp tục nâng cao vai trò quản lý Nhà nước đối với hệ thống QTDND trên địa bàn; thường xuyên tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh, NHNN Việt Nam về cơ chế chính sách, những khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động của QTDND trên địa bàn; Đề xuất giải pháp phù hợp với tình hình thực tế để thực hiện tốt Chỉ thị số 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 10/CT-CT của Chủ tịch UBND tỉnh; Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát hoạt động, kịp thời phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng xử lý các QTDND yếu kém, cán bộ QTDND vi phạm pháp luật và các vấn đề nảy sinh trong quá trình củng cố, chấn chỉnh, giúp các QTDND khắc phục khó khăn, tồn tại, hoạt động phát triển an toàn, bền vững.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng chỉ đạo chính quyền các cấp và các ban, ngành của tỉnh phối hợp thực hiện, tạo điều kiện về cơ chế chính sách phù hợp cũng như các chế tài về luật pháp trong các hoạt động huy động, cho vay và thu hồi nợ của hệ thống QTDND.
Với các QTDND cần nâng cao năng lực, trình độ, đặc biệt là ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ cán bộ quản trị, điều hành QTDND, phát huy vai trò kiểm soát, kiểm toán nội bộ, đảm bảo hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động và nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên.
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định: Việc tổ chức triển khai nghiêm túc, thực chất Chỉ thị số 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 10/CT-CT của Chủ tịch UBND tỉnh, trong thời gian tới hệ thống QTDND trên địa bàn sẽ có những bước phát triển bền vững, an toàn trở thành một trong động lực phát triên kinh tế - xã hội của địa phương và là một đối trọng để đầu tranh, phòng ngừa tín dụng đen.
Toàn cảnh hội nghị
Theo Thời báo Ngân hàng13.11.2024
30.10.2024