20.08.2010 08:11

Củng cố và nâng cao vị thế của hệ thống QTDND, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn

Với mục tiêu đa dạng hoá các loại hình TCTD hoạt động trên địa bàn nông thôn, từng bước làm thay đổi nhận thức của một bộ phận nhân dân sau những đổ vỡ của mô hình hợp tác xã tín dụng kiểu cũ vào những năm 1990, hệ thống QTDND đã được thành lập và phát triển với vị thế ngày càng được củng cố và nâng cao, hình thành nên một mô hình kinh tế hợp tác xã kiểu mới hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, đóng góp ngày càng nhiều cho công cuộc xoá đói giảm nghèo, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.

Những điển hình tiên tiến trong phong trào phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã:

Được thành lập theo Quyết định số 390/QĐ-TTg ngày 27/7/1993 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu thay thế và xoá bỏ nhận thức của một bộ phận nhân dân về hoạt động của các hợp tác xã tín dụng kiểu cũ đã bị đổ vỡ hàng loạt từ những năm 1990, hệ thống QTDND được xem là một mô hình kinh tế hợp tác xã kiểu mới, hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ - tín dụng với địa bàn hoạt động chủ yếu trong khu vực nông nghiệp, nông thôn; do các thành viên là pháp nhân và cá nhân tự nguyện thành lập theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhằm mục tiêu hợp tác, tương trợ cộng đồng, không vì mục tiêu lợi nhuận.

Qua gần 17 năm hình thành và phát triển, đến nay hệ thống QTDND đã cơ bản hình thành 2 cấp bao gồm QTDNDTW với hơn 25 chi nhánh hoạt động tại 53 tỉnh, thành và hơn 1000 QTDND cơ sở, thu hút gần 1 triệu thành viên tham gia là những hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm, tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ và buôn bán nhỏ trong khu vực nông nghiệp, nông thôn. Tốc độ tăng trưởng bình quân các chỉ tiêu cơ bản của QTDND luôn có xu hướng tăng cao hơn các năm trước, phần lớn các QTDND tiếp tục hoạt động ổn định, an toàn, hiệu quả; công tác quản trị và điều hành của các QTDND ngày càng có nhiều tiến bộ; đội ngũ cán bộ, nhân viên ngày một vững vàng, có phẩm chất đạo đức và uy tín đối với thành viên và đang được tiếp tục đào tạo cơ bản, từng bước nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Các QTDND luôn chủ động nguồn vốn bằng nhiều hình thức huy động linh hoạt, vì vậy đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu về vốn cho thành viên, chất lượng tín dụng được nâng lên; kết quả kinh doanh được cải thiện, tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đồng thời đảm bảo đáp ứng được nhu cầu thanh toán, chi trả. Cơ cấu nguồn vốn của các QTDND tiếp tục được cải thiện theo hướng hợp lý, nguồn vốn huy động tiền gửi trong nước tăng mạnh và chiếm tỷ lệ cao trong tổng nguồn vốn. Tốc độ tăng của nguồn vốn trung, dài hạn nhanh hơn nguồn vốn ngắn hạn, phù hợp với cơ cấu sử dụng vốn và đảm bảo an toàn về khả năng thanh khoản. Cơ cấu sử dụng vốn của QTDND được phân bổ phù hợp, chủ yếu dành cho đầu tư tín dụng, hoạt động QTDND tăng trưởng tương đối tốt, dựa trên nguyên tắc an toàn và hiệu quả. Công tác phân loại nợ và trích lập dư phòng rủi ro đầy đủ, đúng thời gian quy định đã giúp các QTDND có đánh giá đúng về chất lượng tín dụng để có kế hoạch và biện pháp xử lý kịp thời. Việc sử dụng quỹ dự phòng để xử lý rủi ro được các QTDND thực hiện chặt chẽ, đúng quy định.
Bộ máy của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Ban điều hành của các QTDND đã được bổ sung tương đối đầy đủ. Các QTDND đã xây dựng quy chế điều hành và hoạt động bám sát vào Điều lệ và Nghị quyết đại hội thành viên. Công tác kiểm soát nội bộ của các QTDND luôn được NHNN quan tâm và chấn chỉnh thường xuyên nhằm nâng cao chất lượng, do đó đã kịp thời phát hiện những sai sót trong quản trị, điều hành cũng như trong xử lý các nghiệp vụ cụ thể. Tuyệt đại bộ phận các QTDND đều quan tâm đến công tác chăm sóc thành viên, tích cực cho vay thành viên để đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống, luôn có các hình thức khen thưởng cho các thành viên có nhiều đóng góp cho hoạt động của QTDND.
Phần lớn các QTDND đã tổ chức Đại hội thành viên, kiện toàn đội ngũ cán bộ đủ tiêu chuẩn và đáp ứng được yêu cầu công việc. Nhiều địa phương, NHNN đã chỉ đạo các QTDND xây dựng quy hoạch cán bộ trình cấp uỷ, chính quyền địa phương, nhất là những Quỹ có cán bộ kiêm nhiệm; tạo điều kiện cho cán bộ đang làm việc tại QTDND được học tập, bồi dưỡng, cũng như cho các QTDND chuẩn bị thành lập đáp ứng đủ tiêu chuẩn chuyên môn theo quy định.
QTDNDTW cũng thường xuyên bám sát chỉ đạo, điều hành của NHNN đồng thời theo dõi, nắm bắt diễn biến thị trường để hoạch định chính sách cũng như điều chỉnh công tác tín dụng phù hợp với khả năng quản lý và nguồn vốn huy động, bám sát mục tiêu tăng cường huy động vốn, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, kiểm soát tăng trưởng tín dụng, tăng cường, củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng, dự phòng vốn khả dụng để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu rút tiền gửi của khách hàng, tổ chức tốt công tác điều hòa vốn trong hệ thống và luôn mở rộng các hình thức huy động vốn tại chỗ, áp dụng cơ chế lãi suất linh hoạt, thu hút tiền gửi của dân cư và tổ chức kinh tế, tích cực mở rộng quan hệ với các TCTD trên thị trường liên ngân hàng, tham gia thị trường mở nhằm thu hút nguồn vốn, hỗ trợ chi trả tiền gửi của QTDND cơ sở kịp thời, đặc biệt vào giai đoạn thời vụ, giữ ổn định hoạt động cho toàn hệ thống QTDND và nâng cao lòng tin đối với dân chúng.
Hiệp hội Quỹ tín dụng nhân dân Việt Nam cũng được thành lập nhằm liên kết, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các QTDND hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động hiệu quả, góp phần đảm bảo cho hệ thống QTDND hoạt động an toàn và phát triển bền vững. Quỹ an toàn hệ thống QTDND được thí điểm triển khai tại một số tỉnh đã khẳng định được vai trò và vị thế của mình với tư cách là định chế hỗ trợ cho các QTDND trên địa bàn, góp phần tạo tâm lý tin cậy cho các Quỹ tín dụng thành viên trong quá trình hoạt động, thúc đẩy sự phát triển của từng Quỹ cũng như của toàn hệ thống. Các QTDND đã yên tâm mở rộng tín dụng, tăng quy mô hoạt động, cải thiện chất lượng hoạt động nghiệp vụ, giảm nợ xấu. Vốn vay hỗ trợ từ Quỹ an toàn đều được các Quỹ sử dụng đúng mục đích và trả nợ đúng hạn. Quỹ an toàn đã tạo được mối liên kết hệ thống giúp cho các Quỹ thành viên vượt qua khó khăn về mặt tài chính, tạo sự tin cậy và tín nhiệm đối với nhân dân và thành viên.

 Đến nay, hệ thống QTDND đã thực sự khẳng định được đây là mô hình kinh tế hợp tác xã kiểu mới, hoạt động có hiệu quả kinh tế xã hội, phù hợp với đặc điểm và hoạt động cho vay phục vụ nông nghiệp nông thôn, là một trong những điển hình tiên tiến của phong trào phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã. Hệ thống QTDND đã trở thành một định chế tài chính quan trọng, khẳng định được vị thế của mình trong số các tổ chức tín dụng hoạt động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn. Nguồn vốn của các QTDND đã giúp các thành viên có vốn kịp thời phục vụ sản xuất - kinh doanh, phát triển chăn nuôi, giải quyết được công ăn việc làm, góp phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Tiếp tục được củng cố và nâng cao vị thế, đóng góp ngày càng quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn Việt Nam:

Đứng trước những diễn biến phức tạp của diễn biến kinh tế và thị trường tiền tệ trong nước cũng như những khó khăn về nguồn vốn, quy mô hoạt động và đặc thù hoạt động  chủ yếu phục vụ khu vực nông nghiệp, nông thôn nên chứa đựng nhiều rủi ro do nguyên nhân bất khả kháng, mục tiêu hoạt động chủ yếu tương hỗ giữa các thành viên và không vì mục tiêu lợi nhuận, tiềm lực tài chính hạn chế, khả năng tự bảo vệ khi gặp rủi ro của các QTDND nhìn chung còn yếu, khả năng lây lan rủi ro sang các Quỹ khác trong hệ thống tương đối cao. Để tiếp tục củng cố và nâng cao vị thế hệ thống QTDND, góp phần thúc đẩy hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong thời gian tới, hoạt động hỗ trợ của cơ quan chủ quản, các cấp chính quyền, Hiệp hội và bản thân các QTDND cần tập trung giải quyết tốt các nội dung sau:

NHNN cần tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của mình trong việc tạo điều kiện, định hướng và hỗ trợ hoạt động cho các QTDND, hỗ trợ QTDNDTW thông qua hình thức tái cấp vốn với thời hạn phù hợp để Quỹ trung ương hỗ trợ thanh khoản cho Quỹ cơ sở. Để tạo điều kiện cho các Quỹ Tín dụng trung ương thực hiện tốt vai trò của mình, đồng thời cần Nghiên cứu, dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho hệ thống QTDND theo kế hoạch, Tham mưu cho Lãnh đạo NHNN phối hợp với các Bộ, Ngành có liên quan đề nghị Thu tướng Chính phủ và Quốc hội xem xét xử lý đề nghị miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hệ thống QTDND và tiếp tục theo dõi, chỉ đạo việc triển khai thí điểm thành lập Quỹ an toàn hệ thống QTDND, tổng kết rút kinh nghiệm đồng thời tiếp tục hoàn thiện Đề án thành lập Quỹ an toàn hệ thống QTDND trên pham vi toàn quốc.
Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện công tác củng cố, sắp xếp và chấn chỉnh hoạt động QTDND theo tinh thần Chỉ thị số 57-CT/TW của Bộ chính trị và Quyết định số 135/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; trong đó tập trung chỉ đạo NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố xư lý dứt điểm các tồn tại, sai phạm của các QTDND và thu hồi giấy phép hoạt động các QTDND yếu kém.
Chỉ đạo các QTDND triển khai thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động người gửi tiền ổn định tâm lý, yên tâm gửi tiền tại QTDND; chủ động điều chỉnh lãi suất tiền gửi cho phù hợp; huy động các nguồn tiền để cân đối các khoản phải thu, phải trả đến hạn; dự trữ chi trả các khoản rút tiền đột xuất. . . đồng thời yêu cầu chi nhánh QTDTW thực hiện tốt chức năng điều hoà vốn cho các QTDND cơ sở trên địa bàn, chuẩn bị nguồn vốn kịp thời cho vay thanh toán, hỗ trợ đối với các QTDND khó khăn.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các QTDND để kịp thời phát hiện và xử lý các tồn tại, giúp các QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả. Chỉ đạo các QTDND trên địa bàn tăng cường, phát huy vai trò công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa sai sót trong hoạt động. Đối với các QTDND mới thành lập cần thường xuyên chỉ đạo các quỹ nhanh chóng ổn định tổ chức và đội ngũ cán bộ, chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động.

Chỉ đạo các QTDND yếu kém đẩy nhanh tiến độ xử lý các tồn tại trong hoạt động để sớm hoàn thành công tác củng cố chấn chỉnh đồng thời khẩn trương thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của các QTDND hoạt động quá yếu kém không thể củng cố. Đẩy nhanh tiến độ tiến độ thu hồi nợ của các QTDND đang thanh lý, tranh thủ sự hỗ trợ của Cấp ủy, chính quyền và các Sở, Ban, Ngành có liên quan trong công tác thu hồi nợ của các QTDND đang thanh lý, triển khai các giải pháp hữu hiệu nhằm đẩy nhanh tiến độ tiến tới sớm kết thúc công tác thanh lý QTDND.
Các QTDND cần làm tốt công tác huy động vốn với nhiều giải pháp phù hợp, đảm bảo nguồn vốn huy động tiền gửi ổn định, từ đó giúp các QTDND chủ động được nguồn vốn để cho vay phục vụ sản xuất của các thành viên, đảm bảo nguồn tiền chi trả, thanh toán cho khách hàng và nâng cao chất lượng tín dụng, tăng trưởng tín dụng phù hợp với việc xử lý nợ xấu để nâng cao chất lượng tín dụng và kiểm soát rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống TCTD, chấp hành nghiêm túc các quy định bảo đảm an toàn hoạt động.
Quỹ TDNDTW phải nghiêm chỉnh thực hiện các quy định của NHNN đối với cho vay ngoài hệ thống trong phạm vi giới hạn dư nợ tín dụng, thực hiện tốt hơn nữa vai trò liên kết hệ thống và hỗ trợ Quỹ Tín dụng cơ sở, đặc biệt trong điều kiện thị trường tiền tệ biến động phức tạp, đảm bảo khả năng thanh toán và nâng cao khả năng cạnh tranh mở rộng thị phần tín dụng khu vực nông nghiệp, nông thôn, đồng thời mở rộng cho vay khách hàng ngoài hệ thống, cho vay cán bộ công nhân viên chức, nâng cao chất lượng tín dụng, tích cực thu hồi nợ, giảm tỷ lệ nợ xấu xuống mức thấp nhất đồng thời cần phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tính liên kết tương trợ trong hệ thống góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, duy trì sự phát triển an toàn và bền vững của từng Quỹ cũng như toàn hệ thống, ngăn ngừa nguy cơ đổ vỡ, phá sản dây chuyền.
Tổng kết thí điểm thành lập Quỹ an toàn hệ thống QTDND, đánh giá cao hiệu quả bước đầu của Quỹ an toàn, tạo một cơ chế hoạt động thuận lợi cho Quỹ an toàn hệ thống về cơ chế hỗ trợ mức vốn hoạt động ban đầu, mức phí đóng góp của Quỹ tín dụng thành viên, về cơ chế thanh tra, giám sát để phù hợp với yêu cầu thực tế và đặc thù hoạt động.
Các QTDND bám sát sự chỉ đạo của NHNN và tận dụng các lợi thế của mình đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng và phong cách phục vụ, áp dụng nhiều hình thức huy động, sử dụng linh hoạt công cụ lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường và điều kiện thực tế trên địa bàn nhằm tiếp tục phát triển an toàn, ổn định.
Tiếp tục củng cố, nâng cao vai trò và vị thế của Hệ thống QTDND, hình thành nên mô hình kinh tế hợp tác xã kiểu mới trong lĩnh vực tiền tệ - tín dụng là một trong những ưu tiên của ngành ngân hàng nhằm đa dạng hoá các loại hình TCTD hoạt động trên địa bàn nông thôn, đóng góp ngày càng quan trọng cho công cuộc xoá đói giảm nghèo, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn Việt Nam. Với sự hỗ trợ và tạo điều kiện, chỉ đạo sát sao của NHNN và các cơ quan quản lý; sự đồng tình, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, chắc chắn hệ thống QTDND sẽ có được tiền đề vững chắc để phát triển trong giai đoạn mới.
Theo Website NHNN

Các tin liên quan