19.07.2007 00:00

Củng cố, chấn chỉnh Hệ thống QTDND Thái Bình: Thành công từ những đột phá

Đến nay, công tác củng cố, chấn chỉnh hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã căn bản hoàn thành. Hệ thống QTDND ở Thái Bình đã có một bước phát triển mới góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là khu vực tập thể ở nông thôn Thái Bình... Có được kết quả đó một phần nhờ sự nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Thái Bình... - đó là đánh giá của Phó Thống đốc trực NHNN Việt Nam Trần Minh Tuấn tại Hội nghị sơ kết 6 năm thực hiện Chỉ thị 57/CT - TW của Bộ Chính trị và tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX) của tỉnh Thái Bình tổ chức ngày 13/7 vừa qua.

Từ những quyết sách đột phá...

Sau một thời gian thí điểm, hệ thống QTDND đã khẳng định được vai trò quan trọng trong công cuộc xoá đói giảm nghèo và đẩy lùi tệ cho vay nặng lãi trên địa bàn nông thôn đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, cũng sau thời gian thí điểm, hệ thống QTDND đã bộc lộ một số vấn đề cần phải chấn chỉnh. Chính vì vậy, ngày 10/10/2000, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 57/CT - TW (Chỉ thị 57) chỉ đạo các cấp uỷ đảng, chính quyền tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện hệ thống QTDND. Tiếp đó, ngày 28/11/2000, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 135/2000/QĐ phê duyệt Đề án củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống QTDND.

Nhận thức rõ vấn đề, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thái Bình đã quán triệt Chỉ thị 57 tới từng đơn vị đồng thời với sự tham mưu của NHNN chi nhánh tỉnh Thái Bình - cơ quan quản lý hoạt động tiền tệ - tín dụng trên địa bàn - đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc cấp uỷ, chính quyền các huyện, thị xã thường xuyên kiểm tra, uốn nắn hoạt động của các QTDND trên địa bàn; chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh phối hợp với NHNN Thái Bình để giám sát, giúp đỡ các QTDND khắc phục, chỉnh sửa những yếu kém, xử lý nợ tồn đọng. Đặc biệt, tháng 12/2002, UBND tỉnh đã cấp ưu đãi đầu tư cho các quỹ hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là 15%/năm trong 2 năm, riêng đối với các QTDND huyện Thái Thuỵ là 3 năm và đến năm 2004, UBND tỉnh tiếp tục cấp ưu đãi đầu tư cho các quỹ với mức thuế TNDN là 10%/năm, riêng địa bàn huyện Thái Thuỵ là 7,5%/năm. Đây phải nói là bước đột phá của Thái Bình nhằm giảm bớt khó khăn về tài chính cho các QTDND mà nhiều địa phương khác chưa làm được.

Với việc sáp nhập QTDND khu vực tỉnh vào QTDND Trung ương để cho ra đời QTDND Trung ương chi nhánh Thái Bình vào ngày 1/9/2001, công tác củng cố, chấn chỉnh các QTDND trên địa bàn đã đi vào chiều sâu.

Một đột phá nữa của Thái Bình là việc thí điểm thành lập Quỹ an toàn hệ thống QTDND vào năm 2002. Quỹ an toàn hệ thống ra đời đã giúp cho hệ thống QTDND trên địa bàn liên kết, gắn bó chặt chẽ hơn trong hệ thống đồng thời có điều kiện xử lý, tháo gỡ khó khăn nhanh. Đến nay, Quỹ an toàn hệ thống đã đi vào hoạt động có hiệu quả, được Trung ương, tỉnh và các tổ chức quốc tế đánh giá cao và sẽ được nhân rộng ra cả nước.

Về phần mình, bản thân các quỹ cũng đã thẳng thắn chỉ ra những thiếu sót, khuyết điểm từ đó đề ra các biện pháp khắc phục. Nhờ đó, sau 6 năm thực hiện Chỉ thị 57, về cơ bản, đến nay có thể nói rằng hệ thống QTDND tỉnh Thái Bình đã hoạt động ổn định và tăng trưởng.
...đến bước phát triển về chất

Mặc dù chỉ tăng thêm có 2 quỹ so với thời điểm năm 2000, nhưng hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã có một bước phát triển mạnh mẽ về chất. Tính đến 30/6/2007, toàn tỉnh Thái Bình có 1 chi nhánh QTDND Trung ương và 80 QTDND cơ sở hoạt động trên địa bàn 103 xã, phường, thị trấn (có 16 quỹ mở rộng địa bàn sang các xã liền kề) với tổng số 83.948 thành viên tham gia, tăng 22.849 thành viên so với thời điểm cuối năm 2000. Đặc biệt, nếu như tại thời điểm năm 2000, trong 78 QTDND cơ sở chỉ có 39 quỹ hoạt động bình thường, 37 quỹ hoạt động yếu kém còn 2 quỹ phải giải thể bắt buộc thì trong số 80 quỹ hiện nay, chỉ có 2 quỹ yếu kém nhưng đã có phương án khắc phục. Không những vậy, quy mô của các quỹ cũng tăng trưởng khá mạnh. Tính đến 30/6/2007, tổng nguồn vốn hoạt động của các quỹ đạt 557,147 tỷ đồng, tăng 418,584 tỷ đồng so với 31/12/2000. Trong đó, tổng vốn điều lệ của các quỹ đạt 20,672 tỷ đồng, tăng 11,940 tỷ đồng so với 31/12/2000, đạt bình quân 258,4 triệu đồng/quỹ; vốn huy động đạt 458,346 tỷ đồng, tăng 373,849 tỷ đồng với tốc độ tăng bình quân 26,8%/năm, bình quân 1 quỹ đạt 5,729 tỷ đồng; còn lại là vốn vay QTDND Trung ương.

Nhờ làm tốt việc thẩm định, kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay, hồ sơ cho vay đảm bảo chặt chẽ đồng thời tích cực xử lý, thu hồi nợ quá hạn, quy mô tín dụng của các quỹ ngày càng mở rộng, chất lượng tín dụng được nâng lên rõ rệt. Tính đến 30/6/2007, tổng dư nợ tín dụng của các quỹ đạt 483,935 tỷ đồng, tăng 375,506 tỷ đồng so với cuối năm 2000, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 17%, chiếm 9% thị phần tín dụng toàn tỉnh trong khi nợ quá hạn chỉ chiếm 0,3% tổng dư nợ và cũng chỉ có chỉ 56/80 quỹ có nợ quá hạn. Hàng năm, các QTDND đều kinh doanh có lãi, 6 tháng đầu năm 2007, chênh lệch thu nhập trừ chi phí của các quỹ đạt 4,422 tỷ đồng.

Quan trọng hơn là bằng việc đầu tư vốn phát triển các làng nghề, cho vay chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và xây dựng "cánh đồng 50 triệu đồng/ha", cho các đối tượng đi lao động có thời hạn ở nước ngoài vay vốn..., bằng những món vay nhỏ và siêu nhỏ với lãi suất thấp, hệ thống QTDND Thái Bình đã góp phần tích cực vào công cuộc xoá đói giảm nghèo của tỉnh, đẩy lùi tệ cho vay nặng lãi, qua đó góp phần ổn định an ninh, chính trị tại các địa bàn nông thôn, làm cho người dân ngày càng tin tưởng hơn vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo vươn lên làm giàu, đây nghĩa tình của QTDND. Đó cũng là những bằng chứng khẳng định vai trò quan trọng của hệ thống QTDND tại Thái Bình nói riêng và cả nước nói chung.

Cần sự hỗ trợ từ nhiều phía

Mặc dù đã gặt hái được nhiều kết quả khả quan, nhưng nhìn chung, đến nay hoạt động của hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh Thái Bình vẫn còn bộc lộ một số yếu kém cần phải chấn chỉnh, khắc phục như quy mô của các quỹ còn nhỏ, một số quỹ có biểu hiện xa rời mục tiêu hoạt động; việc chấp hành cơ chế, quy chế, điều lệ ở một số quỹ còn hạn chế; một số quỹ chưa khắc phục triệt để tồn tại, thậm chí có quỹ còn tái phạm làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động. Trong khi đó, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về mô hình QTDND còn nhiều hạn chế dẫn đến thiếu chủ động trong việc chỉ đạo, phối hợp giúp các quỹ khắc phục khó khăn. Tại một số địa phương, cấp uỷ, chính quyền chưa quan tâm tới việc chỉ đạo, quản lý quỹ tín dụng, chưa phối hợp, thậm chí còn phó mặc cho NHNN tỉnh.

Chính vì vậy, để có thể đạt được mục tiêu phát triển trong giai đoạn 2007 - 2015 là trên địa bàn toàn tỉnh có từ 90 - 95 QTDND cơ sở hoạt động trên địa bàn của 50% số xã trong tỉnh với mức tăng trưởng nguồn vốn huy động trên địa bàn bình quân hàng năm khoảng 20%, dư nợ cho vay tăng bình quân 18 - 20%/năm, thị phần tín dụng chiếm 15 - 20% so với thị phần tín dụng ngân hàng trên địa bàn tỉnh, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp uỷ Đảng, các cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương.

Theo ông Nguyễn Văn Đoán - Giám đốc QTDND Thống Nhất, Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương cần phải tạo ra cơ chế ưu đãi lâu dài về thuế cho các QTDND, có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo nguồn nhân lực, tạo điều kiện về mặt bằng xây dựng trụ sở, tăng cường hỗ trợ về pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các QTDND cho vay và thu nợ, cho phép QTDND được thực hiện một số dịch vụ ngân hàng như chuyển tiền, dịch vụ thanh toán...

Ý kiến của ông Đoán đã nhận được sự đồng tình của hầu hết các đại biểu tham dự hội nghị đặc biệt là vấn đề thuế TNDN. Quả thật, là mô hình kinh tế hợp tác hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận tại địa bàn nông nghiệp nông thôn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, việc áp dụng mức thuế TNDN đối với các QTDND hiện nay là 20% như những loại hình doanh nghiệp kinh doanh vì lợi nhuận khác là quá cao, ảnh hưởng không tốt việc mở rộng quy mô, đặc biệt là mục tiêu hoạt động không vì lợi nhuận của các QTDND.
Theo Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan