Việc áp dụng hóa đơn đối với các khoản doanh thu phát sinh trong hoạt động kinh doanh của Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) được quy định tại Thông tư số 20/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 12/02/2018 hướng dẫn một số điều về chế độ tài chính đối với QTDND chi tiết tại Điều 5 – Chương II về các khoản doanh thu như sau: “Các khoản thu của quỹ tín dụng nhân dân phải được xác định phù hợp với các chuẩn mực kế toán Việt Nam và các quy định của pháp luật có liên quan, có hóa đơn hoặc chứng từ hợp lệ và phải được hạch toán đầy đủ vào doanh thu”. Các khoản doanh thu bao gồm thu lãi tiền vay, thu phí từ các hoạt động tín dụng, dịch vụ chuyển tiền,… Theo quy định của Chính phủ, chậm nhất đến ngày 01/11/2020 đối với tất cả các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế phải chuyển đổi hết từ việc sử dụng hóa đơn giấy sang sử dụng hóa đơn điện tử.
Giải pháp công nghệ mới mà Hiệp hội QTDND Việt Nam (Hiệp hội) và Công ty TNHH Phát triển và ứng dụng tin học VAPCF (Công ty tin học trực thuộc Hiệp hội) muốn cung cấp để hỗ trợ các QTDND hội viên trong giai đoạn chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử là việc xuất và in hóa đơn điện tử trên phần mềm ITD-VAPCF. Cụ thể, việc xuất và in hóa đơn điện tử sẽ trở thành một tiện ích trên phần mềm ITD-VAPCF, kế toán sau khi hạch toán xong nghiệp vụ ghi nhận doanh thu sẽ click vào ứng dụng in hóa đơn điện tử trên phần mềm ITD-VAPCF do dữ liệu đã được phần mềm xử lý, tích hợp sang ứng dụng in hóa đơn điện tử mà không cần thêm thao tác nhập lại thông tin để xuất hóa đơn. Điều này giúp kế toán giảm bớt được thao tác, tiết kiệm được thời gian trong giao dịch. Hiện giải pháp này đã được Công ty tin học hoàn thành và thử nghiệm thành công.
Trước sự ràng buộc về mặt pháp lý để trở thành nhà cung cấp dịch vụ in hóa đơn điện tử theo Thông tư số 68/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính, chi tiết tại điểm b – mục 1 – Điều 23 – chương IV quy định “Về tài chính: Có cam kết bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam với giá trị trên 5 tỷ đồng để giải quyết các rủi ro và bồi thường thiệt hại có thể xảy ra trong quá trình cung cấp dịch vụ”, Công ty tin học chưa đủ điều kiện để trở thành nhà cung cấp cấp dịch vụ mà phải thông qua nhà cung cấp dịch vụ trung gian. Công ty tin học đã lựa chọn Công ty TNHH hoá đơn điện tử M-Invoice làm đối tác ký kết dựa trên các ưu việt riêng biệt của ứng dụng, dễ dàng tích hợp với phần mềm ITD-VAPCF. Công ty M-Invoice đã có nhiều năm kinh nghiệm và triển khai ứng dụng in hóa đơn điện tử cho rất nhiều khách hàng, làm đối tác liên kết với các Công ty chuyên cung cấp phần mềm kế toán. Về mặt công nghệ, ứng dụng hóa đơn điện tử của Công ty M-Invoice đã được Công ty tin học xử lý và thiết lập trở thành một phân hệ của phần mềm ITD-VAPCF, hóa đơn điện tử chiết xuất trực tiếp từ phần mềm ITD-VAPCF được đảm bảo pháp lý.
Qua khảo sát đã có một số QTDND đăng ký áp dụng hình thức in hóa đơn điện tử với các nhà cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử khác nhau nhưng đều cho thấy những nhược điểm của hình thức sử dụng này. Rõ ràng nhất là làm cho khối lượng công việc của kế toán trở nên nhiều hơn, quy trình khai thác phức tạp. Bởi khi thực hiện một bút toán giao dịch phát sinh doanh thu, kế toán vừa phải hạch toán xong trên phần mềm kế toán về khoản thu đó rồi mới đăng nhập trên một ứng dụng khác (bắt đầu nhập lại thông tin tên, địa chỉ khách hàng, số tiền…) để xuất hóa đơn điện tử trả lại cho khách hàng. Điều này vừa làm tốn thời gian giao dịch của kế toán đối với một khách hàng và kéo theo không đảm bảo chất lượng, thời gian đủ để phục vụ số lượng khách hàng nếu có phát sinh nhiều cùng một lúc.
Hiệp hội QTDND Việt Nam rất mong nhận được sự ủng hộ và hợp tác của các QTDND đối với ứng dụng mới này của Công ty tin học. Mọi chi tiết liên hệ để cài đặt ứng dụng này, QTDND liên lạc về Công ty tin học theo thông tin sau:
Ông Lê Văn Học - Giám đốc Công ty tin học (ĐT: 0942 501 258)
hoặc Tổng đài hỗ trợ: 0243 856 9718 (hoặc 0243 856 9719)
Email: itdco.vapcf@gmail.com
Xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm của QTDND hội viên./.
Để xem toàn bộ nội dung công văn số 122/CV-HHQTD, click vào đây.
Hiệp hội13.11.2024
30.10.2024