Ngày 01/01/2021, Trung tâm Thẻ và dịch vụ Ngân hàng số Ngân hàng Hợp tác chính thức ra mắt, đánh dấu bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển công nghệ và ngân hàng số của Ngân hàng Hợp tác. Trung tâm Thẻ và dịch vụ Ngân hàng số ra đời với mục tiêu phát triển các sản phẩm, dịch vụ hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, tích hợp dịch vụ ngân hàng lên ứng dụng Mobile Banking hướng tới khách hàng đặc biệt là các Quỹ tín dụng Nhân dân (QTDND), thành viên của các QTDND nhằm giữ vững vai trò là Ngân hàng của các Quỹ tín dụng nhân dân.
Nhiệm vụ chuyển đổi thẻ từ công nghệ từ sang công nghệ chip
Sự phát triển bùng nổ của khoa học công nghệ với các thành tựu điển hình của cuộc cách mạng 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (Blockchain)... và sự phổ biến của thiết bị di động thông minh đang là cơ sở nền tảng cho việc phát triển những phương thức thanh toán phi tiền mặt mới, hiện đại. Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật thì tội phạm công nghệ cũng không ngừng gia tăng, vì vậy việc chuyển đổi thẻ từ công nghệ từ sang công nghệ chip là yêu cầu đặt ra cho các Ngân hàng thương mại Việt Nam trong giai đoạn 2020-2021.
Năm 2020, Ngân hàng Hợp tác đã tập trung xây dựng kế hoạch kiện toàn công nghệ ứng dụng vào thẻ chip và dự kiến sẽ hoàn thiện việc chuyển đổi thẻ ghi nợ nội địa công nghệ từ sang công nghệ chip và nâng cấp hệ thống thiết bị chấp nhận thẻ POS cũng như ATM trên toàn hệ thống đáp ứng yêu cầu của lộ trình chuyển đổi theo Thông tư số 41/2018/TT-NHNN ngày 28/12/2018 của Ngân hàng Nhà nước. Trung tâm thẻ và dịch vụ Ngân hàng số cam kết đảm bảo hoạt động thẻ từ vẫn ổn định, liên tục và an toàn trong suốt thời gian chuyển đổi.
Mục tiêu tham gia thị trường ngân hàng điện tử
Các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam ngày càng đa dạng, từ thanh toán bằng thẻ ngân hàng đến các hình thức thanh toán trực tuyến qua các kênh điện tử như Internet Banking, Mobile Banking, SMS Banking, ví điện tử... đặc biệt kênh Mobile Banking đang trở thành kênh tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong số các kênh giao dịch phổ biến của ngân hàng. Tiềm năng phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử của Ngân hàng Hợp tác là khá lớn với đối tượng khách hàng chính là các QTDND trên 56 tỉnh thành trong cả nước, gần 2 triệu thành viên chủ yếu ở khu vực nông thôn chưa hoặc không có điều kiện tiếp xúc với các dịch vụ ngân hàng hiện đại.
Với kết quả đã đạt được trong việc phát triển dịch vụ thẻ, đặc biệt là sản phẩm cho vay theo hạn mức thấu chi trên thẻ ghi nợ, Ngân hàng Hợp tác đặt mục tiêu đa dạng hóa kênh phân phối giúp người dân ở các địa bàn xa trung tâm, khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn và các dịch vụ của ngân hàng, thay đổi dần thói quen sử dụng tiền mặt, góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử.
Ngày 03/11/2020 vừa qua, Ngân hàng Hợp tác đã ký kết hợp đồng hợp tác triển khai giải pháp Mobile Banking với Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPAY). Ngoài những tính năng tài chính quen thuộc như truy vấn thông tin tài khoản; chuyển khoản, thanh toán hóa đơn (cước di động, điện, nước, cước truyền hình cáp, kỹ thuật số); Ngân hàng Hợp tác cũng sẽ phát triển thêm nhiều tiện ích mở rộng như: thanh toán QR, thanh toán vé máy bay, truy vấn các thông tin từ ngân hàng như: địa điểm mạng lưới Ngân hàng, điểm đặt máy ATM, thông tin về các dịch vụ mới của Ngân hàng…
Dựa trên nền tảng công nghệ số của VNPAY, Ngân hàng Hợp tác đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực và cơ sở vật chất để phối hợp cùng xây dựng hệ thống Mobile Banking và dự kiến sẽ ra mắt dịch vụ Mobile Banking vào tháng 8 năm 2021 mang tới những trải nghiệm liền mạch và tuyệt vời cho khách hàng.
Một số hình ảnh tại buổi lễ:
Theo Website NHHT
13.11.2024
30.10.2024