Vượt qua năm 2010 với nhiều khó khăn, QTDND Trung ương đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với các mục tiêu cơ bản; đặc biệt đã phát huy tốt vai trò đầu mối của hệ thống, hỗ trợ tích cực cho các QTDND cơ sở trong việc đảm bảo khả năng thanh toán, chi trả và đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, giữ vững an toàn hệ thống.
Với định hướng bám sát nhiệm vụ chính trị, kiên trì mục tiêu an toàn bền vững của hệ thống, lấy đầu mối QTDND làm trung tâm phục vụ, liên tục từ năm 2008 đến nay, mặc dù hoạt động của hệ thống ngân hàng chịu tác động mạnh của các chính sách kinh tế, chính sách điều hành tiền tệ, nhiều tổ chức tín dụng gặp khó khăn về nguồn vốn, đặt biệt là vốn huy động. Hệ thống QTDND là một định chế tài chính nhỏ, tiềm lực tài chính nhỏ lại càng khó khăn hơn. Với tổng nguồn vốn của các QTDND cơ sở đến 31/12/2010 gần 28.000 tỷ đồng, trong khi đó nguồn vốn của QTDND Trung ương mới đạt 11.347 tỷ đồng, thì việc thực hiện vai trò đầu mối về vốn của QTDND Trung ương là một bất cập. Tuy nhiên, với phương châm phát huy vai trò nội lực toàn hệ thống, cùng với sự điều hành nhanh nhạy, chủ động, bám sát định hướng chỉ đạo điều hành chính sách tiền tệ của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, toàn bộ hệ thống đã từng bước vượt qua khó khăn thách thức, duy trì tốc độ tăng trưởng tốt; tổng nguồn vốn toàn hệ thống QTDND Trung ương tăng 37,1% với cùng kỳ năm ngoái, vốn huy động tăng 32,7%, tổng dư nợ tăng 26,4%. Qua những khó khăn thử thách, sự liên kết phối hợp hành động của QTDND Trung ương với các QTDND cơ sở ngày càng bộc lộ rõ nét sự gắn kết và hiệu quả hơn.
Điều đáng quan ngại là hoạt động của toàn hệ thống hiện nay còn đơn điệu, chưa khai thác hết tiềm năng, các hoạt động của QTDND cơ sở chủ yếu là huy động và cho vay. Riêng đối với QTDND Trung ương tuy có triển khai nhiều sản phẩm, dịch vụ tiện ích hơn; song so với yêu cầu phát triển hội nhập còn hạn chế, chưa hỗ trợ được nhiều cho các QTDND trong mở rộng, khai thác tiềm năng nội lực nhất là các tiện ích ngân hàng hiện đại.
Đáp ứng yêu cầu phát triển và chuẩn bị cho việc chuyển đổi QTDND Trung ương thành Ngân hàng Hợp tác trong giai đoạn 2011-2015, cần phải có sự đột phá mạnh mẽ, tạo ra các giá trị gia tăng phong phú từ các hoạt động nghiệp vụ, từng bước tiếp cận nhiều dịch vụ, phục vụ nhiều đối tượng theo đúng mục tiêu, định hướng, nâng cao vị thế, vai trò của một Ngân hàng hợp tác, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự nghiệp phát triển nông nghiệp - nông thôn.
Một là, quán triệt mục tiêu, nâng cao nhận thức, xây dựng mô hình Ngân hàng Hợp tác. Xây dựng, chuyển đổi QTDND Trung ương thành Ngân hàng Hợp tác là một nhiệm vụ mới, do vậy cần : Xác định rõ mục tiêu, định hướng và chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Hợp tác. Đây là một nội dung cần được khẳng định, xác lập trong Điều lệ và định hướng hoạt động. Từ trước đến nay, hoạt động của QTDND Trung ương được xác định theo hai nội dung chính, đó là: tổ chức điều hòa vốn, hỗ trợ phục vụ các QTDND cơ sở trong hệ thống và tổ chức các hoạt động kinh doanh ngoài hệ thống như một Ngân hàng thương mại; trong đó mục tiêu chủ yếu là phục vụ, cung ứng các dịch vụ Ngân hàng, thực hiện vai trò tổ chức liên kết hệ thống. Việc xây dựng và chuyển đổi QTDND Trung ương thành Ngân hàng Hợp tác không chỉ đơn thuần là chuyển đổi một mô hình tổ chức và tên gọi mà trước hết cần xác định rõ nội hàm của mục tiêu, tính chất, nhiệm vụ Ngân hàng Hợp tác không chỉ phục vụ riêng hệ thống QTDND, mà phải mở rộng đối tượng phạm vi bao gồm cả khối kinh tế hợp tác xã. Hiện nay theo số liệu cả nước có gần 18.000 Hợp tác xã hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phân phối… trong đó chiếm phần lớn là các Hợp tác xã phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Mục tiêu của Ngân hàng Hợp tác là phải mở rộng phạm vi hoạt động, phục vụ cho cả khối kinh tế hợp tác. Hoạt động của Ngân hàng Hợp tác và khối kinh tế hợp tác là quan hệ kinh tế xã hội nhằm hỗ trợ và thúc đẩy các Hợp tác xã phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tăng giá trị sản xuất hàng hóa và phục vụ xã viên. Trước mắt, trong giai đoạn chuẩn bị chuyển đổi QTDND Trung ương sẽ từng bước tiếp cận một số dự án tín dụng với các Hợp tác xã có đủ điều kiện để hình thành cơ sở cho những hoạt động lâu dài sau khi chuyển đổi.
Hai là, nâng cao năng lực tài chính, tạo bước đột phá về nguồn vốn, đảm bảo là đầu mối về vốn vững mạnh. Việc nâng cao nguồn vốn không chỉ có ý nghĩa đảm bảo điều kiện tốt phục vụ thanh toán, chi trả cho hệ thống, mở rộng cho vay thành viên và nâng cao khả năng phục vụ khối kinh tế hợp tác, phát triển Ngân hàng Hợp tác theo tầm cao mới phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao.
Trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn của QTDND Trung ương hàng năm đều tăng trên 30% nhưng do xuất phát nhỏ nên số tăng tuyệt đối thấp; việc tăng trưởng của từng vùng, miền, từng đơn vị chưa đều. Hạn chế này có nhiều nguyên nhân trong đó có một phần quan trọng là một số đơn vị chưa tích cực chủ động và quan tâm đúng mức, chưa có giải pháp năng động để huy động nguồn vốn cả trong dân cư và điều hòa nội bộ. Vì vậy, năm 2011 và giai đoạn tới từng đơn vị phải có kế hoạch, giải pháp và chỉ tiêu cụ thể để thúc đẩy mạnh hơn, tạo bước tăng trưởng đột phá trong huy động vốn thông qua các kênh: điều hòa từ các QTDND cơ sở và Hợp tác xã, huy động từ dân cư, các tổ chức kinh tế; đặc biệt chú trọng phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ trong việc huy động tăng trưởng nguồn vốn tại đơn vị. Tăng cường đầy mạnh huy động vốn, không chỉ là một hoạt động thường xuyên mà còn có ý nghĩa quyết định để QTDND Trung ương tăng trưởng bền vững, ổn định. Từng cá nhân, đơn vị phải có quyết tâm cao, chủ động, tích cực để thực hiện nhiệm vụ này theo định kỳ, đề án.
Ba là, hướng tới xây dựng chuẩn mực Ngân hàng Hợp tác đa năng, hiện đại. Phát triển nhanh hơn nữa các sản phẩm dịch vụ tiện ích ngân hàng hiện đại nhằm phục vụ nhiều đối tượng, nhiều nhóm khách hàng. Ngân hàng Hợp tác xã là một định chế tài chính hoàn thiện, không chỉ nhằm phục vụ, liên kết với các QTDND trong hệ thống mà còn phải tổ chức nhiều hoạt động liên kết kinh tế, hỗ trợ vốn cho khối kinh tế Hợp tác xã; tính liên kết, phục vụ không giới hạn ở Ngân hàng Hợp tác cấp trung ương mà còn có sự tham gia nhiều hơn của các QTDND cơ sở vào mục tiêu, chiến lược này. Nếu như trước đây, việc tổ chức điều hòa vốn, liên kết với các QTDND cơ sở mang phạm vi hẹp trong hệ thống, các sản phẩm dịch vụ mang tính nghiệp vụ ngân hàng thuần túy; thì nay, với việc mở rộng phạm vi, đối tượng phục vụ hoạt động của Ngân hàng Hợp tác phải thực sự đa năng hơn, sự liên kết mang tính chuyên nghiệp và toàn diện, năng lực quản trị điều hành chuyên sâu, tổ chức mạng lưới, thiết lập chiến lược và tiếp cận khách hàng , phân bổ nguồn lực, khai thác tiềm năng… phải hướng tới chuẩn mực cao và chuyên nghiệp hơn. Trong đó các tiện ích ngân hàng được đa dạng hóa như : thanh toán, chuyển tiền, kiều hối, bảo lãnh, thu chi hộ, tư vấn tài chính, ký gửi … cần được đa dạng và tập trung đầu tư phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu của kinh tế hợp tác và hội nhập.
Bốn là, phát triển mạng lưới, mở rộng khả năng tiếp cận cơ sở. Việc mở rộng mạng lưới một mặt để tiếp cận phục vụ thành viên, một mặt để tăng cường huy động vốn, đem các sản phẩm dịch vụ đến khách hàng. Hiện nay, mạng lưới chi nhánh của QTDND Trung ương còn mỏng trong khi đó số lượng QTDND thành viên lại trải rộng tại 56 tỉnh, thành phố. Tới đây, khi đã chuyển thành Ngân hàng Hợp tác, mạng lưới các thành viên còn được mở rộng hơn. Trong khi đó nhiều đơn vị chưa thực sự quan tâm đến việc mở rộng địa bàn hoạt động, mạng lưới chưa có. Đây là một hạn chế rất đáng quan tâm, các chi nhánh cần có mục tiêu rõ ràng cụ thể trong năm 2011 và các năm tiếp theo để có giải pháp mạnh hơn, tích cực hơn nữa để phát triển không chỉ cả chiều sâu mà còn cả chiều rộng. Không có mạng lưới chúng ta sẽ rất hạn chế trong phát triển nguồn vốn, mở rộng sản phẩm sịch vụ và quảng bá thương hiệu, cạnh tranh… Vì vậy cần chú ý lựa chọn địa bàn, môi trường và các yếu tố khác để xây dựng mạng lưới ổn định, lâu dài và vững chắc.
Năm là, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực từng bước chuyên nghiệp không chỉ nắm vững chuyên môn nghiệp vụ mà còn cần phải có sự hiểu biết sâu rộng về nhiều lĩnh vực để đáp ứng yêu cầu công việc. Đào tạo phải gắn với giáo dục, đạo đức nghề nghiệp, ngoài những kiến thức cơ bản, cần phải kết hợp với khả năng sử dụng thành thạo công nghệ, ngoại ngữ. Đây là những điều kiện cơ bản để nguồn nhân lực có thể tiếp cận được với hoạt động của một ngân hàng hiện đại, đa năng.
Sáu là, hoàn thiện các cơ chế, quy chế, chính sách chuyển từ mô hình QTDND Trung ương sang Ngân hàng Hợp tác là một nội dung mới, phạm vi, chức năng, nhiệm vụ và đối tượng phục vụ sẽ có điều chỉnh, vì vậy trong năm 2011 cần tập trung xây dựng, chuẩn bị cơ sở pháp lý để phục vụ chuyển đổi. Đây là nội dung của toàn hệ thống từ Hội sở đến Chi nhánh để đảm bảo tính đồng bộ trong hoạt động, quản lý điều hành.
Việc chuyển đổi QTDND Trung ương thành Ngân hàng Hợp tác theo Luật các tổ chức tín dụng là một yêu cầu tất yếu. Vì vậy, toàn hệ thống cần phải quyết tâm và kiên định với định hướng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, tranh thủ sự ủng hộ, đồng thuận từ Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương các cấp. Cần phải khẳng định rõ vị thế của QTDND Trung ương sau khi chuyển đổi thành Ngân hàng Hợp tác là sự cần thiết và cần có sự ủng hộ của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương để Ngân hàng Hợp tác có thể thực hiện được mục tiêu chính trị của mình, phục vụ tốt hơn cho kinh tế hợp tác xã và hệ thống QTDND, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Theo Website QTDND Phước Hòa