03.06.2011 09:14

Chương trình đào tạo dành cho Lãnh đạo QTDND

Hệ thống QTDND được thành lập theo Quyết định số 390/QĐ-TTg ngày 27/7/1993 của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến ngày 31/12/2010, hệ thống QTDND gồm 1.058 QTDND cơ sở, 01 QTDND Trung ương với 25 chi nhánh và 01 tổ chức liên kết hệ thống là Hiệp hội QTDND Việt Nam (Hiệp hội).
Sau gần 18 năm hoạt động, hệ thống QTDND đã góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nông thôn. Những kết quả đạt được đã khẳng định QTDND là một mô hình kinh tế hợp tác thành công, đặc biệt là trong một nền kinh tế chuyển đổi theo cơ chế thị trường như Việt Nam.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của hệ thống QTDND, Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách ưu đãi đặc biệt như: ưu đãi về thuế, hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ về vốn, không áp dụng quỹ dự trữ bắt buộc,.. Có thể nói những ưu đãi này không chỉ khích lệ mà còn góp phần thiết thực vào việc thúc đẩy hệ thống QTDND phát triển tăng năng lực tài chính cho bản thân từng QTDND và cả hệ thống.
Tuy nhiên, hiện nay hệ thống QTDND đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng lớn, đặc biệt là từ khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO và thực hiện mở cửa thị trường dịch vụ tài chính. Là một TCTD hợp tác quy mô hoạt động nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, sản phẩm dịch vụ đơn điệu kém về lợi thế cạnh tranh và khả năng quản trị, điều hành còn yếu so với các NHTM khiến các QTDND gặp khó khăn trong hoạt động, đặc biệt là trong bối cảnh lạm phát tăng cao.
 Hiệp hội với vai trò là tổ chức đầu mối của hệ thống QTDND luôn xác định công tác đào tạo, nâng cao trình độ năng lực cho cán bộ QTDND hội viên là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt quá trình hoạt động của Hiệp hội.
“Trong những năm tới, khi nhu cầu về dịch vụ ngân hàng trở nên bão hòa ở khu vực thành thị, các tổ chức tín dụng có xu hướng mở rộng hoạt động tại thị trường nông thôn. Điều đó đồng nghĩa với việc các QTDND sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các tổ chức tín dụng khác. Để có thể tăng cường năng lực cạnh tranh, hệ thống QTDND cần phải có những bước đột phá từ việc hoàn thiện cơ cấu tổ chức, cải thiện năng lực quản trị điều hành, nâng cao khả năng tài chính và đầu tư công nghệ…”. Nhận thức được vấn đề trên, Hiệp hội nhận thấy cần phải có một giải pháp khoa học hơn giúp nâng cao năng lực lãnh đạo của các QTDND hội viên qua việc truyền tải kiến thức lãnh đạo và quản lý dựa trên những chương trình đào tạo chất lượng cao theo cách thức phù hợp với điều kiện của các QTDND. Với sự hỗ trợ của World Bank, Hiệp hội đã phối hợp với các chuyên gia hàng đầu xây dựng chương trình đào tạo “Lãnh đạo Quỹ tín dụng nhân dân Việt Nam” nhằm nâng cao kiến thức nghiệp vụ, hoàn hiện kỹ năng lãnh đạo, quản lý, nâng cao kỹ năng vận động, chăm sóc khách hàng, thu hút thành viên đồng thời thắt chặt hơn nữa tính liên kết trong hệ thống.
Khóa học đầu tiên dự kiến tổ chức vào cuối tháng 6/2011 tại Đầm Long, Ba Vì, Hà Nội với thời gian học là 6 ngày, khóa học sẽ ưu tiên lựa chọn các QTDND hội viên thuộc đia bàn thành phố Hà Nội, tỉnh Hải Dương và một số Quỹ khu vực phía Nam. Kinh phí tổ chức khóa học phần lớn do Ngân hàng thế giới hỗ trợ, một phần do các Hội viên tham gia đóng góp.
Tiêu chuẩn lựa chọn: Các học viên tham gia khóa học là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc QTDND còn thời gian đóng góp lâu dài cho sự phát triển của QTDND (ưu tiên cán bộ trẻ).
Hy vọng khóa đào tạo sẽ giúp cho lãnh đạo QTDND nâng cao kỹ năng quản lý điều hành cùng với việc giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm của đội ngũ lãnh đạo QTDND để sau khóa học, các QTDND có thể tự liên hệ, trao đổi  kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau nhằm nâng cao tính liên kết hệ thống.

Để tải mẫu đăng ký tham dự. Xin click vào đây
Ban Đối ngoại & thông tin

Các tin liên quan