Chương trình 135 giai đoạn II: Kỳ vọng rượt đuổi thực tế
Bên cạnh những thành tích trong việc xóa đói, giảm nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, Báo cáo tác động của chương trình 135 giai đoạn II (CT 135-II) qua lăng kính hai cuộc điều tra đầu kỳ và cuối kỳ của Công ty nghiên cứu và tư vấn Đông Dương vừa chỉ ra những khiếm khuyết trong quá trình thực hiện. Kết quả là vẫn tồn tại một khoảng cách rất lớn giữa hiện trạng của các hộ gia đình ở thời điểm bắt đầu chương trình và mục tiêu của chương trình.
Nhóm nghiên cứu chỉ ra một ma trận trong chuyển đổi nguồn vốn từ các xã giữa nhóm hưởng lợi từ chương trình và các xã thuộc nhóm đối chứng từ năm 2006 – 2012. Việc chuyển đổi qua lại ấy khiến cho nhận biết tình trạng hưởng lợi trở nên phức tạp. Điều đáng nói là không có sự khác biệt trong phân bổ vốn giữa các xã thuộc nhóm đối chứng với xã thuộc CT 135-II. Nhóm hưởng lợi tuy được nhận nhiều hơn sự hỗ trợ từ CT 135-II, nhưng ít hơn từ các chương trình khác so với nhóm đối chứng. Điều này khẳng định, nguồn vốn ở các chương trình, dự án khác mà các xã trong CT 135-II đáng lẽ cũng được hưởng nhưng đã phải “nhường” để phân bổ vào các xã nhóm đối chứng. Kết quả là tổng số vốn nhận được giữa các xã nhóm hưởng lợi và nhóm đối chứng đối với các dự án phát triển cơ sở hạ tầng là không khác biệt lớn. Hay nói cách khác, các xã nghèo nhất không nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn so với các xã khác, dẫn đến việc đạt được mục tiêu của Chương trình là khó khả thi. Tỷ lệ đói nghèo giảm xuống, nhưng khoảng cách giàu nghèo và các chỉ số về mức độ nghiêm trọng của người nghèo ở các vùng thuộc CT 135-II vẫn không giảm trong khoảng thời gian 2007 – 2012. Đặc biệt, đời sống các hộ nghèo không được cải thiện nhiều, khoảng cách giữa các hộ nghèo và không nghèo ở các xã ngày một nới rộng, nhất là ở các hộ dân tộc Thái, Mường mức độ đói nghèo tăng lên. Theo khu vực, khoảng cách và mức độ nghèo giảm ở miền Bắc, nhưng trầm trọng hơn ở miền Trung. H’Mông là nhóm dân tộc duy nhất có 3 chỉ số nghèo đều giảm. Thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo thuộc CT 135-II tăng khoảng 20% trong giai đoạn 2007- 2012, từ 6.039 nghìn đến 7.295 nghìn đồng/người/năm/. Tỷ lệ này thấp hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng thu nhập quốc gia. Theo số liệu khảo sát mức sống dân cư (VHLSS) năm 2006 – 2010, thu nhập thực tế bình quân đầu người của hộ gia đình tăng khoảng 50% đạt 16.644 ngàn đồng/người/năm trong năm 2010. Chưa kể các hộ có thu nhập thấp tăng thấp hơn các hộ có thu nhập cao. Như vậy, bất bình đẳng về thu nhập ngay giữa các hộ trong xã 135-II ngày một tăng lên. Đáng quan ngại là tỷ lệ các hộ nghèo tạm thời khá lớn. Có đến 22,1% hộ thoát khỏi nghèo đói, nhưng lại có đến 14,3% số hộ tái nghèo giữa hai năm. Các hộ dân tộc Kinh dễ có khuynh hướng trở thành hộ nghèo tạm thời, trong khi các hộ đồng bào thiểu số lại có nhiều khả năng là hộ nghèo kinh niên. Điều này chứng tỏ công tác xóa đói giảm nghèo ở các xã này chưa bền vững, một phần do sự phụ thuộc quá lớn của các hộ gia đình vào nông nghiệp, ít có sự chuyển đổi các hoạt động sang phi nông nghiệp (thu nhập từ phi nông nghiệp chỉ chiếm 5% tổng thu) mới chỉ có 46% các công trình phát triển cơ sở hạ tầng có xã làm chủ đầu tư; 54,2% các công trình được đấu thầu công khai, 39,1% các công trình có tài khoản tại kho bạc, 54,4% công trình có kế hoạch vận hành, và duy tu bảo dưỡng. Ngay cả các đối tượng thụ hưởng là người dân vẫn còn hạn chế trong việc nhận thức và tham gia vào dự án, khi chỉ có 31% đóng góp ý kiến khi lựa chọn dự án, 8% các hộ tham gia ban giám sát nhân dân. Mức độ tham gia cũng có sự khác biệt giữa các nhóm thụ hưởng, đặc biệt là nhóm thiệt thòi đồng bào dân tộc thiểu số và phụ nữ.