QTDND xã Cẩm Nhượng đã luôn ưu tiên cho các thành viên và khách hàng đầu tư đánh bắt hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá (chiếm khoảng 30%) theo định hướng phát triển kinh tế của xã.
Trên một địa bàn vùng ven biển, với sự vận động không ngừng của người dân trong phát triển kinh tế từ nuôi trồng thủy sản, đánh bắt gần bờ đến xa bờ, hay kinh doanh thu mua nông sản, thì vốn luôn là trăn trở của người dân xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Trong bối cảnh đó, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) Nhượng Lĩnh, với sự đồng hành của Ngân hàng Hợp tác chi nhánh Hà Tĩnh, “bám rễ” trong lòng các thành viên để phát triển.
Trước tiên, phải khẳng định, việc tạo lập, xây dựng một QTDND để hỗ trợ vốn cho người dân trong xã đã trở thành nguyện vọng và tâm huyết của chính quyền xã.
Vì thế, từ việc hỗ trợ, vận động thành viên, đến địa điểm xây dựng Trụ sở quỹ cũng đã được Chính quyền xã tạo điều kiện ở vị trí thuận lợi, ở gần sát ngay UBND xã để giúp cán bộ quỹ yên tâm công tác và có thể trao đổi cùng xử lý những vấn đề có liên quan nhằm hỗ trợ thành viên một cách tốt nhất. Không những vậy, chính quyền xã còn hỗ trợ cho quỹ 2 bộ máy tính, tuyên truyền các hoạt động của quỹ qua các hội nghị, các cuộc họp từ cấp xã đến thôn qua phát thanh của xã…
Ông Nguyễn Tiến Tâm - Giám đốc QTDND Nhượng Lĩnh cho biết, thời gian đầu, việc huy động tiền gửi tại địa phương gặp rất nhiều khó khăn nhưng với sự ủng hộ và tuyên truyền của chính quyền địa phương, sự tạo điều kiện của NHNN chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh cùng sự hỗ trợ của Ngân hàng Hợp tác đã giúp QTDND Nhượng Lĩnh tạo dựng niềm tin và thương hiệu với người dân và thành viên. Nhờ trợ lực vốn từ Ngân hàng Hợp tác chi nhánh Hà Tĩnh, những khó khăn về nguồn vốn của quỹ được giải quyết.
“7 năm hoạt động, thành viên của QTDND Nhượng Lĩnh chưa khi nào phải chờ đợi trong thanh toán. Kể cả rút 1 tỷ đồng tiền mặt, 5 phút là có ngay. Những bước khởi đầu thuận lợi với sự trợ lực về vốn từ Ngân hàng Hợp tác đã giúp QTDND Nhượng Lĩnh sau 7 năm hoạt động đã tăng trưởng dư nợ gấp 10 lần so với năm đầu tiên, đạt 91 tỷ đồng cùng với địa bàn hoạt động ở 2 xã Cẩm Nhượng và Cẩm Lĩnh và chưa có nợ xấu”, ông Nguyễn Tiến Tâm chia sẻ.
Việc được tiếp nhận điều hòa vốn từ Ngân hàng Hợp tác chi nhánh Hà Tĩnh giúp quỹ chủ động hơn về hạn mức cho vay, nhất là vào giai đoạn cao điểm sản xuất kinh doanh của thành viên, giúp quỹ phát huy lợi thế, trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả cho thành viên và người dân.
Năm 2016, với việc tham gia dịch vụ chuyển tiền Ngân hàng điện tử CF-eBank của Ngân hàng Hợp tác, QTDND Nhượng Lĩnh vừa có thêm sản phẩm hỗ trợ thành viên, nâng cao uy tín, vừa có thêm nguồn thu để từ đó có điều kiện tiết giảm chi phí hoạt động hỗ trợ thành viên qua lãi suất cho vay. Hiện mức chuyển tiền bình quân của quỹ vào khoảng 10 tỷ đồng/tháng.
Theo ông Tôn Đức Vinh, thôn Tân Hải, xã Cẩm Nhượng, nguồn vốn vay từ QTDND Nhượng Lĩnh là 300 triệu đồng đã giúp gia đình ông có điều kiện tu bổ tàu sắt, lưới chài và ngư cụ để vươn khơi. Cứ vay rồi trả, ông miệt mài vươn khơi đánh bắt. Cho đến nay, ông đã xây được cho mình căn nhà mới hơn 1 tỷ đồng từ việc bán tàu cũ và thu nhập từ việc vận hành con tàu mới. Hiện QTDND xã Cẩm Nhượng đã luôn ưu tiên cho các thành viên và khách hàng đầu tư đánh bắt hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá (chiếm khoảng 30%) theo định hướng phát triển kinh tế của xã.
Nguồn vốn của QTDND Nhượng Lĩnh cũng đã góp phần đẩy mạnh ngành du lịch với việc đầu tư cho thành viên kinh doanh nhà hàng, khách sạn, tàu dịch vụ… Từ một xã nghèo của huyện Cẩm Xuyên, xã Cẩm Nhượng, Cẩm Lĩnh đang đổi thay từng ngày với những khối nhà tầng san sát được phủ sơn đủ màu sắc, hai bên đường nhựa là những ki-ốt bán hàng, rồi chợ, rồi công sở. Nguồn vốn cho vay đầu tư phát triển sản xuất kịp thời từ QTDND Nhượng Lĩnh đã và đang góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước đẩy lùi cho vay nặng lãi trên địa bàn, từng bước nâng cao đời sống, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bên cạnh đó, QTDND Nhượng Lĩnh còn cho vay xuất khẩu lao động (dư nợ vay xuất khẩu lao động chiếm 50%). Nhờ những đồng vốn này, nhiều con em tại địa phương đã được đi xuất khẩu lao động. Theo đó, dòng tiền gửi tín dụng của lao động xuất khẩu lao động ngày một tăng, từ những hộ nông dân chân đất nay đã có nhiều gia đình vươn lên giàu có…
Nhìn về tương lai, Giám đốc QTDND Nhượng Lĩnh dự báo, nhu cầu vốn về phát triển sản xuất kinh doanh của người dân trong vùng Cẩm Nhượng và Cẩm Lĩnh sẽ còn tiếp tục tăng trưởng. Đây cũng là lý do quỹ sẽ tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn, dần tự chủ nguồn vốn trợ giúp các thành viên để phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi trên địa bàn nông thôn như những kỳ vọng mà chính quyền đã trao cho quỹ từ thuở ban đầu thành lập.
Theo Thời báo Ngân hàng13.11.2024
30.10.2024