1. Cho vay khẩn cấp là gì?
Một trong những đặc điểm của những người thu nhập thấp là tính dễ bị tổn thương. Những biến cố, những sự kiện bất ngờ xảy ra có thể tạo ra những áp lực kinh tế khiến đời sống của họ trở nên khó khăn hơn. Các sự kiện này có thể được dự đoán trước (đám cưới, đám tang, sinh con, cho con đi học, thuê nhà,…) hoặc không đoán trước được (chết chóc, bệnh tật, tai nạn, mất tài sản, kinh doanh thất bại,…) hoặc các rủi ro tương quan (lũ lụt, hạn hán,…). Đây là những rủi ro mà một khoản cho vay sản xuất không thể đáp ứng được, bởi vì khoản vay sản xuất đáp ứng cho nhu cầu tạo thu nhập, còn các biến cố này cần đến một khoản vay có thể giảm tác động của rủi ro. Những sự kiện đoán trước được có thể được đáp ứng bằng một khoản vay tiêu dùng, nhưng các sự kiện không lường trước được thì cần phải có một sự hỗ trợ khác điều hòa dòng tiền mặt trong ngắn hạn, vượt qua những khó khăn trước mắt: cho vay khẩn cấp.
Cho vay khẩn cấp (emergency loan) là các khoản cho vay dành cho người thu nhập thấp để giúp họ đương đầu với những rủi ro phi hệ thống nhằm điều hòa dòng tiền mặt của khách hàng, làm cho việc tiêu dùng ít phụ thuộc hơn vào thu nhập trong một thời gian ngắn. Cho vay khẩn cấp có ba đặc điểm chính: (1) số tiền nhỏ; (2) phải được cung ứng ngay lập tức; (3) được hoàn trả trong một thời gian ngắn.
2. Tại sao cho vay khẩn cấp chưa được phổ biến tại các QTDND?
Hoạt động ở khu vực nông thôn là chủ yếu, thực hiện huy động và cho vay tại chỗ, quỹ tín dụng nhân dân (gọi tắt là QTDND) là tổ chức tài chính có lợi thế trong việc tiếp cận đến những người nghèo,là cơ sở để triển khai các sản phẩm cho vay khẩn cấp. Tuy nhiên, trên thực tế, sản phẩm cho vay khẩn cấp tại QTDND chưa thực sự phát triển. Điều này đến từ một số lý do sau:
- Thứ nhất, theo quan niệm truyền thống, cho vay khẩn cấp không phải là khoản vay tạo thu nhập, do đó không làm cải thiện năng lực sản xuất của người nghèo, trong khi đó khoản thu từ hoạt động tạo thu nhập của họ cũng lại bấp bênh. Theo logic này, trừ phi sử dụng tiền vào mục đích tạo thu nhập, người nghèo không có khả năng tạo ra tiền để trả nợ. Một khoản cho vay tiêu dùng rủi ro vốn đã cao, nhưng khoản cho vay khẩn cấp lại rủi ro cao hơn nữa, bởi vì việc xét duyệt cho vay dựa trên năng lực trả nợ thì ít mà dựa trên lịch sử trả nợ là nhiều.
- Thứ hai, mặc dù các QTDND đã nhìn ra nhu cầu vay khẩn cấp ở khách hàng thu nhập thấp, nhưng việc triển khai sản phẩm này là hết sức khó khăn. Nguyên nhân là do: (1) Các QTDND hiện nay đa số đều yêu cầu khách hàng phải có tài sản bảo đảm mới cho vay. Việc áp dụng tài sản bảo đảm (đặc biệt là bất động sản) khiến cho thời gian xét duyệt cho vay dài hơn do phải tuân thủ những yêu cầu về mặt pháp lý để đảm bảo quyền lợi cho người cho vay, do đó không đúng với tiêu chí “khẩn cấp”; (2) Một số QTDND có cho vay người thu nhập thấp mà không có tài sản bảo đảm, thông qua nhóm cho vay (áp dụng bảo lãnh nhóm). Tuy nhiên, một khoản vay khẩn cấp lại cần được thiết kế cho từng cá nhân cụ thể. Điều này khiến các QTDND cảm thấy khó chấp nhận yêu cầu của khách hàng.
- Thứ ba, một số người không ủng hộ các khoản cho vay phi sản xuất. Họ cho rằng các khoản vay tiêu dùng góp phần đẩy mạnh tình trạng nợ nần quá mức, do người vay vay nhiều hơn mức họ có thể trả được. Mà khoản vay khẩn cấp có nhiều đặc tính tương tự cho vay tiêu dùng, nếu áp dụng đối với người nghèo thì lại càng khó có thể được chấp nhận.
3. Vì sao khoản vay khẩn cấp là cần thiết?
3.1. Nhu cầu về khoản vay khẩn cấp
Mặc dù có nhiều lý do khiến cho vay khẩn cấp không được chú ý đến, nhưng thực tế nhu cầu của người dân là rất lớn. Chẳng hạn, tại BRI (Indonesia), 50% các khoản vay là dành cho hoạt động phi sản xuất. Trong khi đó, tại SEWA bank (Ấn Độ), chỉ có 23% người vay sử dụng khoản vay để tạo ra thu nhập. Tại Việt Nam, không có số liệu thống kê chính xác về vấn đề này, tuy nhiên, có thể nhận ra nhu cầu này thông qua hai khía cạnh:
(1) Sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống các công ty tài chính tiêu dùng về các vùng nông thôn và các mô hình cho vay trực tuyến: song song với các ngân hàng thương mại (NHTM), sự hiện diện của những công ty tài chính tiêu dùng và các tổ chức tiến hành cho vay trực tuyến thông qua mạng internet cho thấy một nhu cầu rất lớn về tài chính tiêu dùng. Các khoản vay của các tổ chức này có lãi suất cao hơn rất nhiều so với lãi suất cho vay của các NHTM cũng như quỹ tín dụng nhân dân. Số liệu báo cáo của StoxPlus cho biết quy mô cho vay tiêu dùng tăng từ 7,3 tỷ USD năm 2012 lên đến 26,55 tỷ USD vào năm 2016. Rõ ràng là bên cạnh những thuận lợi như thủ tục vay đơn giản, thời gian xét duyệt nhanh, không cần tài sản bảo đảm, thì để có thể chấp nhận một mức lãi suất cao của các tổ chức này, nhu cầu người vay ắt hẳn là cấp bách và cần thiết.
(2) Ngân hàng chính sách xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc cung ứng vốn cho người nghèo, tuy nhiên, hiệu quả trong việc xóa đói giảm nghèo vẫn chưa thực sự tốt. Tình trạng sử dụng vốn sai mục đích không phải là hiếm gặp và trong số các lý do thì có lý do xuất phát từ việc hộ gia đình gặp phải những nhu cầu cấp bách mà không có nguồn tài chính để trang trải. Bên cạnh đó, tỷ lệ tái nghèo ở Việt Nam vẫn còn rất cao, cứ 3 hộ thoát nghèo thì có 1 hộ tái nghèo. Một trong các nguyên nhân được xác định là do không có chính sách phù hợp để giúp các hộ sau khi thoát nghèo (trở thành hộ cận nghèo) có thể đối phó với những cú sốc từ bên ngoài (chẳng hạn bão, lụt, hạn hán).[1]Trong trường hợp này, việc triển khai một khoản vay khẩn cấp vừa giúp điều hòa dòng tiền mặt của khách hàng, vừa có thể tránh được việc sử dụng vốn sai mục đích, đồng thời có thể hỗ trợ thoát nghèo bền vững.
3.2. Lợi ích của cho vay khẩn cấp
Thứ nhất, trên phương diện là khách hàng, khoản vay tạo thu nhập không phải là một phương tiện hiệu quả để quản trị rủi ro, mặc dù nó có thể giảm bớt tính dễ bị tổn thương của các hộ gia đình thu nhập thấp nhờ gia tăng thu nhập từ việc sử dụng các khoản vay này. Các hộ gia đình thu nhập thấp đã tiếp cận được khoản vay tạo thu nhập thì vẫn phải đối diện với hàng loạt các rủi ro có thể gây ra áp lực về tài chính. Trong số đó, một vài rủi ro khiến chi phí của hộ gia đình tăng lên ngoài ý muốn, như nhà cửa hư hại phải sửa lại, tang chế, người thân bệnh,… Một vài rủi ro khác lại có thể dẫn tới nguy cơ giảm sút thu nhập, ví dụ vật nuôi chết, thất nghiệp, trộm cắp, mất mát tài sản,… Một số rủi ro khác có thể vừa gây ra gia tăng chi phí, vừa giảm sút thu nhập, chẳng hạn người lao động chính trong gia đình qua đời. Vì vậy, với những trường hợp như thế, một khoản vay khẩn cấp là cần thiết và đáng giá, như là một tấm lưới an toàn giúp hộ gia đình thu nhập thấp chống lại những tác động về mặt kinh tế của các sự kiện rủi ro.
Thứ hai, đối với QTDND, một khoản vay khẩn cấp có thể mang lại các lợi ích sau:
- Mở rộng được thị trường và nâng cao uy tín của QTDND đối với cộng đồng. Trong những điều kiện khách hàng khó khăn, QTDND cung ứng một khoản vay khẩn cấp như một minh chứng rằng QTDND luôn đồng hành cùng khách hàng để vượt qua các cú sốc. Điều này góp phần giúp QTDND hoàn thành được mục tiêu xã hội “tương trợ cộng đồng” một cách rõ nét nhất, thông qua đó gia tăng vị thế và uy tín của mình. Hơn nữa, bằng cách này, MFI đã giúp đỡ được khách hàng, gia tăng lòng trung thành của khách hàng.
- Tận dụng được nguồn vốn nhàn rỗi, đa dạng hóa danh mục sản phẩm, gia tăng thu nhập trong phạm vi khách hàng bị giới hạn bởi địa bàn hoạt động. Báo cáo hoạt động 6 tháng đầu năm 2017 của Hiệp hội QTDND Việt Nam cho biết, đến tháng 6/2017, cả nước có gần 1.200 QTDND với hơn 1,8 triệu thành viên, số dư huy động đạt 84.419 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 72.414 tỷ đồng. Với sự dư thừa vốn này, số tiền gửi tại các TCTD khác là gần 5.000 tỷ đồng, mặc dù QTDND không được phép gửi tiền tại các TCTD khác. Nguyên nhân là do lãi suất tiền gửi tại NHHT thấp, không đủ để chi trả lãi cho khách hàng gửi tiền, vì vậy các QTDND chấp nhận làm trái quy định để đảm bảo lợi nhuận cho mình. Việc bán chéo sản phẩm cho vay khẩn cấp đối với những khách hàng hiện tại giúp QTDND tăng thêm dư nợ đối với một khách hàng, có đầu ra cho nguồn vốn huy động dư thừa, đồng thời cũng là cơ sở để từ đó tăng lợi nhuận trên mỗi khách hàng.
- Không tốn nhiều chi phí: Mặc dù không phải là cách thức duy nhất cho các hộ gia đình thu nhập thấp chống đỡ rủi ro (tiết kiệm và bảo hiểm có thể chống đỡ rủi ro cho hộ đình, rủi ro trong kinh doanh) cho vay khẩn cấp không phải là quá khó để triển khai đối với các QTDND. Cách thức thực hiện một khoản cho vay khẩn cấp về cốt lõi khá tương đồng với một khoản cho vay sản xuất, và vì vậy cũng không đòi hỏi những sự thay đổi căn bản cũng như tốn thêm quá nhiều nguồn lực trong tổ chức.
4. Một số vấn đề QTDND cần lưu ý khi triển khai sản phẩm cho vay khẩn cấp
Một khoản vay khẩn cấp cần phải chống đỡ được những khủng hoảng về mặt kinh tế đối với hộ gia đình mà không làm xuất hiện tình trạng nợ quá mức, đồng thời cũng không làm giảm sút chất lượng danh mục tín dụng của tổ chức cho vay. Vì vậy, để khoản vay khẩn cấp thực sự hiệu quả, QTDND cần chú ý những điểm sau:
- QTDND cần định giá khoản vay khẩn cấp cao hơn các khoản cho vay tiêu dùng khác: Nhiều người cho rằng thật khó để định một mức lãi suất cao bởi vì khách hàng là người thu nhập thấp, đồng thời lại đang gặp khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, một mức lãi suất thấp dễ làm gia tăng các nhu cầu ảo (tức là nhu cầu không trung thực, không khẩn cấp). Do đó, lãi suất cao có thể giúp người vay không sử dụng vốn vào các mục đích tiêu dùng thông thường khác, chỉ dành cho những người thực sự cần. Đây thực sự là một biện pháp để có thể kiểm soát rủi ro đạo đức của khách hàng.
- Kiểm soát rủi ro tín dụng thông qua xét duyệt lịch sử trả nợ của khách hàng:Để có thể làm được điều này, lịch sử tín dụng là một yếu tố quan trọng cần xem xét. Chẳng hạn, Financiera Calpia ở El Salvador đã xây dựng một hệ thống đánh giá khách hàng dựa trên lịch sử trả nợ (dựa trên số ngày trung bình trả nợ chậm) từ đó chỉ đồng ý cấp tín dụng khẩn cấp cho những khách hàng đã hoàn trả được 3 khoản vay với tiêu chuẩn xếp hạng loại 1 hoặc duy trì mức xếp hạng 1 trong 12 tháng. Điều này cũng có nghĩa là chỉ có những khách hàng đã từng phát sinh các khoản vay sản xuất kinh doanh tại QTDND thì mới được chấp nhận để cho vay khẩn cấp. Đây cũng là một cách hiệu quả để tạo dựng lòng trung thành của khách hàng.
- Xác định số tiền cho vay dựa trên năng lực trả nợ của khách hàng: Cần lưu ý rằng lịch sử tín dụng là điều kiện để chấp thuận cho vay, nhưng khả năng trả nợ mới là nhân tố chính quyết định số tiền cho vay. Do địa bàn hoạt động gần gũi với khách hàng, việc xác định năng lực trả nợ của khách hàng đối với QTDND dễ dàng hơn nhiều so với các NHTM. Đây chính là một lợi thế rất lớn đối với QTDND khi cung ứng một khoản vay khẩn cấp. Trong trường hợp việc xác định năng lực trả nợ là khó khăn, QTDND có thể xem xét phương pháp xác định số tiền cho vay tối đa dựa trên một tỷ lệ nhất định so với quy mô của khoản vay sản xuất nhỏ. Phương pháp này có thể gây ra một nhược điểm là số tiền cho vay có khi nhỏ hơn so với nhu cầu của khách hàng, tuy nhiên, đó cũng là cần thiết bởi QTDND cũng phải cân nhắc với rủi ro mà họ phải đối diện.
- Tuy nhiên, lưu ý rằng không phải mọi cú sốc gây ra những tổn thương kinh tế lên người thu nhập thấp đều được đáp ứng bằng một khoản vay khẩn cấp. QTDND cần hiểu rằng cho vay khẩn cấp chỉ nên được áp dụng đối với các cú sốc làm gia tăng chi phí của khách hàng nhưng không tạo ra ảnh hưởng xấu đến tổng thu nhập, hoặc các cú cốc không tạo ra căng thẳng kinh tế trong một khoản thời gian dài, bởi vì tổ chức cho vay cần đảm bảo rằng khách hàng có đủ thu nhập để trả nợ trong tương lai.
Cho vay khẩn cấp là một sự bổ sung giá trị cho một khoản vay tạo thu nhập vì nó giúp điều hòa dòng tiền mặt kém ổn định, làm giảm tác động của các cú sốc kinh tế đối với các hộ gia đình, đặc biệt là người thu nhập thấp. Vì vậy, cho vay khẩn cấp có ý nghĩa trong việc hỗ trợ người nghèo ổn định cuộc sống, yên tâm tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó đóng góp vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, thoát nghèo bền vững.
Tài liệu tham khảo:
1. Hiệp hội QTDND Việt Nam, Báo cáo hoạt động 6 tháng đầu năm 2017.
2. Cheryl Frankiewicz and Craig Churchill, Making microfinance work -Managing Product diversification, ILO (2011).
3. Lan Hương (2017), Nghèo, tái nghèo bao giờ hết luẩn quẩn? Kỳ 1: Giảm nghèo bền vững, Báo Đại Đoàn kết, đăng ngày 04/03/2017.
[1] Lan Hương (2017), Nghèo, tái nghèo bao giờ hết luẩn quẩn?, Báo Đại Đoàn kết, đăng ngày 04/03/2017.
Th.s Trịnh Thị Lạc
13.11.2024
30.10.2024