26.12.2007 16:29

Chỉ số giá tiêu dùng năm 2007 tăng mức kỷ lục

 
Thực phẩm-mặt hàng tăng giá cao nhất trong năm.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12.2007 đã vượt xa dự báo với mức tăng lên tới 2,91% so với tháng 11, điều này đã làm cho CPI cả năm 2007 tăng cao kỷ lục với mức tăng 12,63% so với thời điểm cuối năm 2006.

Trước đó, theo dự báo của Tổ điều hành thị trường trong nước, CPI của tháng 12 sẽ tăng khoảng trên 1,5%, nâng mức tăng CPI cả năm lên khoảng 11%.

"Vỡ trận"" mặt bằng giá?

Với mức tăng CPI cả năm 2007 lên tới 12,63%, so với chỉ tiêu được Quốc hội giao cho Chính phủ hồi đầu năm (chỉ tăng CPI không quá 8,5%) thì mức tăng giá năm nay đã vượt quá xa so với mức tăng trưởng GDP, tăng gần 48,59% so với chỉ tiêu kế hoạch được giao.
 
Đây là mức tăng CPI được coi là kỷ lục, bởi năm 2006 CPI chỉ tăng 6,6%; năm 2005 tăng 8,4%... so với năm 2006, nhóm hàng lương thực của năm 2007 đã tăng giá tới 15,02%; nhóm hàng thực phẩm tăng 10,06%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 11,01%... và chỉ có riêng nhóm hàng bưu chính viễn thông giảm được 2,91%.

Nếu như tháng 11.2007, việc tăng giá đã được các cơ quan chức năng điều hành thị trường "đổ lỗi" tại ảnh hưởng của mưa bão và những trận lũ lớn xảy ra liên tiếp tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên gây thiệt hại nặng nề; do dịch bệnh gia súc gia cầm; do giá vật tư, hàng hoá trên thị trường thế giới tăng cao; do tăng giá xăng dầu... thì trong tháng 12, nhiều yếu tố này không còn. Vậy mà CPI trong tháng vẫn tăng tới 2,91% là mức tăng cao nhất trong năm(?).

Vẫn theo nhận định của Tổ điều hành thị trường trong nước, tình hình thời tiết trong tháng khá thuận lợi cho rau màu vụ đông ở miền Bắc và vụ lúa đông xuân ở các tỉnh ĐBSCL, dịch bệnh gia súc gia cầm tiếp tục được khống chế... các địa phương tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát thị trường chống hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Các bộ, ngành chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thực hiện quyết liệt các giải pháp bình ổn thị trường.

Nguồn hàng trên thị trường dồi dào, đặc biệt là nguồn thực phẩm đã ổn định dần, giá nhiều mặt hàng (nhất là thực phẩm) đã bắt đầu chững lại và giảm vào những ngày cuối tháng... vậy mà CPI của tháng 12 lại vẫn tăng cao kỷ lục (?), trong đó nhóm thực phẩm vẫn chiếm vị trí tăng giá cao nhất với mức tăng 4,69%; nhóm phương tiện đi lại tăng 4,38%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 3,28%; nhóm lương thực tăng 2,29%...

Hàng tết không thiếu, giá sẽ tăng

Đó là nhận định của một vị lãnh đạo Bộ Công thương khi trả lời báo chí (ngày 24.12) về tình hình thị trường phục vụ Tết Nguyên đán 2008. Điều này cho thấy, việc điều hành thị trường và quản lý giám sát giá cả trong dịp Tết Nguyên đán đang có vấn đề.

Được biết, ngay từ tháng 10.2007, Bộ Công thương đã có chỉ thị và nhiều văn bản gửi sở thương mại các tỉnh, TP và các DN trực thuộc yêu cầu chuẩn bị hàng hoá phục vụ Tết.

Để bình ổn giá hàng hoá tiêu dùng trong dịp Tết, Bộ Công thương đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính có giải pháp thích hợp về tài chính để các địa phương cho DN vay vốn và hỗ trợ lãi suất khoảng từ 5-6 tháng để dự trữ hàng hoá thực phẩm phục vụ Tết.

Được sự hỗ trợ của Nhà nước, và với dự báo nhu cầu tiêu thụ trong Tết sẽ tăng khoảng 20 - 30% so với Tết năm 2007, các DN đã tích cực chuẩn bị dự trữ nguồn hàng phục vụ Tết.

Các trung tâm thương mại, siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội đã dự trữ lượng hàng phục vụ Tết với số tiền hàng lên tới 400 tỉ đồng. Theo Sở Thương mại TP.Hà Nội cho biết, TP đã quyết định hỗ trợ các DN 200 tỉ đồng với lãi suất "ưu đãi" để dự trữ hàng hoá thực phẩm phục vụ Tết.

Tại TPHCM, TCty Thương mại Sài Gòn cũng đã dự trữ lượng hàng bán ra trong dịp Tết với doanh số 428 tỉ đồng; Liên hiệp HTX Thương mại TP cũng dự kiến doanh số tháng Tết 2008 lên tới khoảng 740 tỉ đồng.

Việc gom mua dự trữ hàng Tết đã được chuẩn bị từ lâu, và với sự hỗ trợ vốn mua gom hàng hoá của Nhà nước, lẽ ra giá cả sẽ được bình ổn. Nhưng thông tin từ các DN đã cho biết, khả năng hàng hoá trong dịp Tết sẽ tăng giá khoảng từ 10 - 15% so với hiện nay. Điều này liệu có tương xứng với khoản vốn hỗ trợ của nhà nước cho các DN mua gom hàng hoá từ bây giờ để phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán (?).

Cũng theo Tổ điều hành thị trường trong nước, Bộ Công thương đã tổ chức nhiều cuộc họp với các hiệp hội, các DN sản xuất kinh doanh, các nhà phân phối lớn và các sở thương mại để tìm giải pháp kiềm chế tăng giá, bình ổn thị trường Tết, đồng thời đã tổ chức nhiều đoàn công tác để kiểm tra việc thực hiện. Nhưng với việc thực hiện kế hoạch chuẩn bị hàng tết như đã nêu trên mà vẫn để cho hàng tết tăng giá thì cả Nhà nước và người tiêu dùng đều phải chịu thiệt.

Những nhân tố chủ yếu làm giá cả thị trường tăng cao:

* Giá nhiều loại vật tư, hàng hoá trên thế giới luôn trong chiều hướng tăng (trong đó có những mặt hàng tỉ trọng nhập khẩu lớn: Xăng dầu 100%, phôi thép 65 - 70%,…) tác động tới chi phí đầu vào tạo sức ép tăng giá lên nhiều mặt hàng trong nước.

* Một số vật tư quan trọng trong nước cũng được điều hành tăng giá: Giá điện tăng 7,6%, than tăng 10 - 20%, xăng tăng 23,8%, diezel tăng 18,6%, madut tăng 41,6%,…

* Thời tiết có những diễn biến bất thường cộng với chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp tăng, nhất là giá thức ăn chăn nuôi tăng 25 - 30% làm cho giá nhóm lương thực, thực phẩm tăng cao.

* Nhu cầu có khả năng thanh toán tăng cao: Tiền lương, tiền thưởng, lượng kiều hối tăng, thu nhập của người nông dân tăng do giá cả nông sản - thực phẩm tăng, nguồn vốn đầu tư nước ngoài và đầu tư phát triển trong nước tăng, tổng phương tiện thanh toán tăng 39,62% và tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế ước tăng 37,79% so với cuối năm 2006 đã tác động mạnh đến giá cả hàng hoá trong nước.
Theo Báo Lao Động

Các tin liên quan