Những rủi ro về thu hồi vốn cho vay từ các QTDND bị khủng hoảng này luôn là bất khả kháng, nhưng NHHT vẫn không thể dừng trong dòng chảy và phát triển của các QTDND.
Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) Kiến Quốc (xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng) Nguyễn Sỹ Tiến từng quá thấm nỗi lo mất thanh khoản. Cuối năm 2007, thay thế vị trí người thủ trưởng cũ lâm trọng bệnh, Nguyễn Sỹ Tiến trải qua những ngày tháng khó khăn. Không chỉ lo chèo lái hoạt động của Quỹ mà quan trọng hơn là các thành viên chưa có niềm tin với vị giám đốc trẻ, khiến cho vào đại hội thành viên năm đó, khách hàng đến rút tiền ào ào.
Đằng sau hoạt động của QTDND luôn có hỗ trợ của NHHT
Anh Tiến vẫn còn nhớ mãi hôm ấy vào ngày rằm. “Dù nói nhân viên cần bình tĩnh và cho khách hàng rút tiền bình thường, nhưng tôi sợ vô cùng”, anh Tiến kể. Khi quỹ chỉ còn vẻn vẹn 200 triệu đồng, cánh cửa thoát hiểm cuối cùng đã được mở ra khi anh gọi lên QTDND Trung ương chi nhánh Hải Phòng, nay là Ngân hàng Hợp tác (NHHT) chi nhánh Hải Phòng, và được Giám đốc chi nhánh đồng ý cho vay thêm 300 triệu đồng hỗ trợ thanh khoản.
Bên cạnh đó, anh xin chủ trương tăng lãi suất, quảng cáo, vận động bà con trên địa bàn, chính quyền tuyên truyền hộ... Kết quả là chỉ trong vòng một tuần, tiền đã lại chảy về và Quỹ chính thức thoát khỏi khó khăn thanh khoản. Không chỉ trả được khoản vay “cấp cứu” khi trước, Quỹ còn có 1 tỷ đồng gửi vào của QTDND Trung ương chi nhánh Hải Phòng.
Thường trực trách nhiệm hỗ trợ
Cho vay “cấp cứu” đối với các QTDND rơi vào tình trạng rủi ro, mất thanh khoản là việc không thể không làm của NHHT. Việc này không chỉ vì sự sinh tồn của các quỹ mà còn vì chính sự an toàn của hệ thống. Nhưng về tổng thể, nhiều điểm yếu của hệ thống còn cần phải điều chỉnh, siết chặt để vận hành theo chuẩn và đảm bảo an toàn. Chính vì vậy, năm 2020, Chỉ thị 57/CT-TW của NHNN, của Bộ Chính trị về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống QTDND giai đoạn 2000-2013 đã ra đời.
Tổng kết 12 năm thực hiện Chỉ thị 57 đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến rủi ro bất khả kháng của QTDND thời gian qua, khi việc chấp hành các quy định của pháp luật, nhất là các quy định về đảm bảo an toàn trong hoạt động của một bộ phận QTDND cơ sở chưa nghiêm túc. Ví như tận dụng tối đa nguồn vốn huy động được để cho vay, không quan tâm đến dự phòng đảm bảo khả năng chi trả; không tuân thủ các quy định, quy trình thẩm định tín dụng trước khi cho vay, kiểm tra giám sát trong quá trình cho vay và sau khi cho vay, đôn đốc thu hồi nợ và xử lý nợ khi đến hạn. Thậm chí, nhiều trường hợp xảy ra vi phạm vay ké, vay khống gây thiệt hại, tổn thất cho QTDND.
Bên cạnh đó, một bộ phận QTDND chưa chấp hành nghiêm túc các quy định về an toàn kho quỹ dẫn đến tình trạng cán bộ QTDND lợi dụng tham ô gây thất thoát vốn của QTDND. Những tồn tại yếu kém nói trên cùng với công tác quản lý, điều hành, kiểm soát nội bộ yếu, xảy ra tình trạng rủi ro đạo đức, vi phạm pháp luật gây tổn thất về tài chính và an toàn trong hoạt động của một số QTDND cơ sở, gây mất uy tín, người dân lo ngại rút tiền, làm mất khả năng chi trả, khả năng thanh toán.
“Nhiều quỹ nếu không có sự hỗ trợ từ NHNN và NHHT thì phá sản ngay lập tức”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình - người nhiều năm chỉ đạo, điều hành hoạt động QTDND đã thẳng thắn chỉ ra tại Đại hội thành viên QTDND năm 2014. Thậm chí, trong bối cảnh đó nếu không có những ngăn chặn kịp thời còn có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của các quỹ khác trên cùng địa bàn, nhất là ở một số địa phương có nhiều QTDND.
Như với QTDND Khánh Hoà, Ninh Bình cũng có lúc lao đao, khi năm 2011 bà Phó giám đốc lợi dụng chức vụ quyền hạn để tạm ứng tiền qua kho quỹ, mượn tên anh em họ hàng trong gia đình và khách hàng để vay tiền của quỹ. Chưa hết, bà Phó giám đốc này chuyển đến làm việc tại QTDND khác và tiếp tục chiếm dụng sổ tiết kiệm trắng lừa đảo khách hàng và bỏ trốn khỏi địa phương gây dư luận xấu. Quỹ rơi vào tình cảnh khách hàng đến rút tiền liên tục với số lượng lớn, vượt quá khả năng chi trả.
Lúc đó, NHNN và NHHT đã phối hợp tìm các giải pháp hỗ trợ quỹ vượt qua thời khắc khó khăn. Với NHHT chi nhánh Ninh Bình không chỉ hỗ trợ thanh khoản mà còn gia hạn nợ, cho quỹ có thời gian xử lý khủng hoảng, phát triển ổn định trở lại và trả nợ dần. Cũng vì thế chỉ một thời gian ngắn, hoạt động của quỹ đã trở lại bình thường.
Cần cơ chế phòng rủi ro cả hệ thống
Dù hiện tại QTDND Khánh Hoà đã đi vào hoạt động ổn định, nhưng khó khăn trong kinh doanh hiện tại là nguyên nhân quỹ muốn tiếp tục lùi thời hạn trả nợ cho NHHT một thời gian nữa. Khoản nợ này tuy không lớn, NHHT cũng ở thế rất khó vì quy định nếu quỹ không trả sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro khi nợ này đưa vào nhóm nợ xấu, lãnh đạo NHHT chi nhánh Ninh Bình cho biết.
Chưa kể dù là TCTD hoạt động nhằm hỗ trợ hệ thống, song trong thực tế hoạt động NHHT vẫn bị áp lực phải đảm bảo chỉ tiêu lợi nhuận, nên nhiều khi cũng bị hạn chế việc hỗ trợ thành viên. Cũng bởi, việc hỗ trợ thanh khoản và xử lý rủi ro hệ thống cũng mang lại cho hoạt động NHHT những rủi ro mất vốn bất khả kháng.
Ví như tại QTDND Phương Tú (Ứng Hòa, Hà Nội), năm 2009 đã xảy ra vụ việc tiêu cực dẫn đến thất thoát vốn gây tâm lý hoang mang cho các thành viên. Đó là thời điểm rất nhạy cảm. Nếu không có sự ủng hộ của chính quyền địa phương, sự chỉ đạo quyết liệt của NHNN và sự tiếp ứng vốn kịp thời hỗ trợ khả năng chi trả tiền gửi của QTDND Trung ương thì giận dữ và lo lắng của người gửi tiền có thể không chỉ ảnh hưởng lan truyền đến 5 QTDND còn lại trên địa bàn huyện Ứng Hòa mà còn có thể xảy ra hậu quả khó lường đối với gần 100 QTDND trên địa bàn Hà Nội.
Thế nhưng, sau vụ việc ấy, hiện NHHT đang ôm một món nợ với QTDND Phương Tú, bởi mắc một câu chuyện mà toà không thể xử được. Trong hơn 20 tỷ đồng dư nợ thì các khoản có số hồ sơ bị mất đã là 14 tỷ đồng với hơn 6 tỷ đồng bị cáo chiếm đoạt cũng khó có khả năng thu hồi.
Sự trợ lực của NHHT đối với hệ thống đã có thể nhìn thấy rất rõ trong hành trình phát triển của các QTDND, không chỉ là điều hoà vốn để phát triển thông thường mà còn cả những lúc lâm bệnh trọng. Những rủi ro về thu hồi vốn cho vay từ các QTDND bị khủng hoảng này luôn là bất khả kháng, nhưng NHHT vẫn không thể dừng trong dòng chảy và phát triển của các QTDND.
Nếu như các khoản nợ xấu cho vay khách hàng doanh nghiệp và cá nhân đều có khả năng thu hồi cao hơn do có tài sản thế chấp, thì đối với các khoản nợ xấu cho vay các QTDND thành viên nếu xảy ra tình trạng bị thu hồi giấy phép hoạt động thì hầu như là mất vốn do không có tài sản thế chấp, đặc biệt là những khoản cho vay mang tính tình thế khi QTDND lâm vào tình trạng mất khả năng thanh khoản.
Chính vì vậy, NHHT rất cần có cơ chế xử lý rủi ro trong việc hỗ trợ QTDND lâm vào tình trạng khó khăn, có nguy cơ đổ vỡ. Đây sẽ là một điều kiện giúp NHHT thực hiện tốt vai trò trách nhiệm mới nhằm hỗ trợ tốt hơn cho hệ thống QTDND.
13.11.2024
30.10.2024