20.07.2010 08:21

Cần coi trọng phát triển QTDND hơn nữa

“Đánh trống bỏ dùi” có lẽ là cái cách mà người ta đối xử với Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND). Bởi ngẫm đến thân phận QTDND xuyên suốt lịch sử hơn 20 năm ra đời và phát triển đến nay, người ta không khỏi ngậm ngùi.
Một ghi nhận từ Đồng Tháp: 6 tháng đầu năm nay, 17 QTDND ở tỉnh này có tổng nguồn vốn hoạt động 290,499 tỷ đồng, trong đó vốn huy động tiền gửi là 146,731 tỷ đồng, vốn điều lệ 13,298 tỷ đồng, vốn vay 113,903 tỷ đồng, các nguồn vốn khác 16,515 tỷ đồng. Dư nợ cho vay thành viên đạt 270,412 tỷ đồng. Nếu so sánh với tổng dư nợ tín dụng của các TCTD trên địa bàn cùng thời điểm hết tháng 06 vừa qua là khoảng 16.500 tỷ đồng, thì dư nợ đã cho vay thành viên, với tổng nguồn vốn mà các QTDND có để hoạt động thì tỷ trọng chỉ tiêu nguồn vốn thực đưa vào kinh doanh đạt mức 93%, sẽ thấy hiệu quả hoạt động của hệ thống QTDND ở đây là không thể xem nhẹ được. Đặc biệt, QTDND len lách đến những nhu cầu vay cho những khoản chi thiết yếu như thiếu ăn đứt bữa, ốm đau đột xuất, hiếu hỷ cấp kỳ, hay đến những khoảnh ruộng cần tăng thêm vài tạ phân bón vượt dự trù của kế hoạch, mái nhà dột cần vài triệu đồng mua ít lá dừa nước dọi lại… Tất thảy những nhu cầu đời thường ấy đều chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ của QTDND. Nếu không có QTDND thì nông dân thì nông dân chỉ còn nước phải giơ cổ ra cho tín dụng đen “chém chặt”. Các NHTM đều không với tới những nhu cầu tín dụng cho đời sống thường nhật tưởng như không đáng kể (về số lượng tiền vay), nhưng lại có giá trị vô cùng lớn (về ý nghĩa đời sống) như những khoản vay loại này.
Nhìn chung, các vùng thôn quê càng sâu xa phố thị, càng lạc hậu đói nghèo, càng cần được tín dụng nhỏ như QTDND giúp đỡ. Hiệu quả sử dụng vốn của QTDND đã được cuộc sống khẳng định từ lâu. Hiềm nỗi QTDND huy động vốn thành viên để cho thành viên vay nên nguồn vốn quá nhỏ yếu, quá thiếu hụt so với nhu cầy vay. Hơn nữa, cũng không biết từ bao giờ, QTDND bị khuất lấp sau hệ thống tín dụng NHTM đang ngày một tăng trưởng và phát triển hùng mạnh. Đã đành, đã có cả hệ thống Ngân hàng chính sách Xã hội để làm tín dụng chính sách, nhưng một loại hình tín dụng nhỏ ở nông thôn như QTDND vẫn rất hữu dụng, không thể thay thế. Nói vậy để khẳng định rằng QTDND hiện vẫn cần phải được chú trọng củng cố và phát triển tương xứng với vị trí và vai trò tín dụng nhỏ ở nông thôn, mà vì đó nó đã được sinh ra. Điểm cần được quan tâm nhất, thiết thực nhất hiện nay là cần có cơ chế chính sách bổ sung thêm vốn vào nguồn tự huy động, thường rất hạn hẹp, nhỏ nhoi , để cho QTDND hoạt động tốt hơn…
Theo Xuân Lê - Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan