Đối với cuộc CMCN 4.0 lần này, Việt Nam phải nhanh chóng nắm bắt cơ hội vàng, kiên trì vượt qua các thách thức để phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.
Thủ tướng Chính phủ thăm các gian hàng công nghệ tại hội thảo - triển lãm
Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc, chúng ta không thể bỏ lỡ và cần chủ động nắm bắt. Đây là quan điểm được người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra trong phát biểu khai mạc Hội thảo - Triển lãm quốc tế “Phát triển công nghiệp thông minh - Smart Industry World 2017” ngày 5/12/2017, một hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 1.500 đại biểu trong nước và quốc tế.
Cơ hội mở ra là không thể bỏ lỡ
Với quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là tập trung xây dựng, phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, vào ngày 4/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN lần thứ 4 với nhiều giải pháp quan trọng.
Các bộ, ngành và địa phương đã vào cuộc thông qua tập trung xây dựng và triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin. Đến nay, đa số (88%) các dịch vụ công đã chuyển sang trực tuyến, trong đó hơn 10% đã ở mức độ 3 và 4. Việt Nam đã cơ bản phủ sóng 4G với trên 4 nghìn trạm phát sóng; khoảng 52 triệu người (chiếm 54% dân số) đã dùng internet, đứng thứ 5 ở châu Á - Thái Bình Dương và khoảng 55% người Việt sử dụng điện thoại thông minh. Đây là những nền tảng quan trọng giúp Việt Nam nắm bắt nhanh chóng những thành tựu công nghệ mới.
Cùng với đó, số DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã tăng gần gấp đôi, từ 1.800 DN năm 2016 lên trên 3.000 DN năm 2017. Hiện có khoảng 40 Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế đã hoạt động tại Việt Nam trong khi các tập đoàn, ngân hàng và nhà đầu tư đang tích cực tham gia huy động, sử dụng nguồn lực tài chính lớn cho lĩnh vực này.
Tuy nhiên, những con số ấn tượng đó dường như vẫn quá nhỏ bé và khiêm nhường để nói Việt Nam chắc chắn sẽ tận dụng thành công ở cuộc CMCN 4.0. Bởi đang và sẽ còn nhiều thách thức rất lớn cần vượt qua trong thời gian tới. Do hoàn cảnh lịch sử và điều kiện chiến tranh nên với 3 cuộc CMCN trước đây, Việt Nam đã bỏ lỡ sự tham gia một cách chủ động và dường như chỉ tận dụng được các tiến bộ của công nghiệp, công nghệ của thế giới trong vai trò “người tiêu dùng vĩ đại”.
Còn với CMCN 4.0, mục tiêu đặt ra là Việt Nam cần phải đóng vai trò một nhà cung ứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. “Đối với cuộc CMCN 4.0 lần này, Việt Nam phải nhanh chóng nắm bắt cơ hội vàng, kiên trì vượt qua các thách thức để phát triển nhanh và bền vững trong tương lai. Tuy vậy, chúng ta cũng cần lưu ý rằng, nếu chỉ quá kỳ vọng mà không phân tích kỹ lưỡng thời cơ và thách thức sẽ rất nguy hiểm và phải trả giá đắt”, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết.
Theo đó, song hành cùng với tìm kiếm và không bỏ lỡ các cơ hội thì Việt Nam cũng cần giải quyết được những thách thức mà CMCN 4.0 đặt ra. Trong bối cảnh trình độ công nghệ của nền kinh tế có xuất phát điểm khiêm tốn, chưa đồng đều, Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu ngày càng xa, dư thừa lao động trình độ thấp… Mặt khác, DN Việt Nam phần lớn là nhỏ và vừa, chưa đủ năng lực cạnh tranh, chưa sẵn sàng tiếp cận công nghệ mới, nhiều DN còn bị động với các xu thế phát triển mới trong khi áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Mục tiêu 1 triệu nhân lực công nghệ số trình độ cao
Tại hội thảo lần này, Thủ tướng nhấn mạnh: Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là tập trung xây dựng, phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin phải trở thành yêu cầu bắt buộc trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của cả nước cũng như từng bộ, ngành và địa phương.
Về giải pháp, bên cạnh việc tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật cho phát triển nền kinh tế số, công nghiệp thông minh thì việc phát triển nhanh nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế số, biến lợi thế dân số vàng thành lợi thế về năng lực số trong hội nhập và phân công lao động quốc tế cũng là một ưu tiên. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam sẽ có đội ngũ trên 1 triệu nhân lực công nghệ số trình độ cao.
Bên cạnh đó, việc phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia cũng được Chính phủ đặc biệt quan tâm, trong đó các DN vừa là trung tâm, vừa là động lực phát triển của công nghệ mới, công nghiệp thông minh cũng như trong thương mại hóa, ứng dụng thành công các thành tựu khoa học - công nghệ vào thực tiễn đời sống. Các DN cần có tầm nhìn, mơ ước lớn vượt ra biên giới quốc gia, đưa sản phẩm và dịch vụ sản xuất tại Việt Nam chinh phục thị trường trong nước, thế giới qua đó góp phần làm thay đổi, nâng tầm thị hiếu của người tiêu dùng và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước, quốc tế.
“Chúng ta hãy cùng nỗ lực, biến khát vọng thịnh vượng của quốc gia, dân tộc thành những việc làm và hành động cụ thể; chuyển hóa được công nghệ và ý tưởng sáng tạo thành giá trị gia tăng, giải quyết được vấn đề của thực tiễn đặt ra, tạo được việc làm và sản phẩm, dịch vụ mới. Tập trung nắm bắt xu hướng công nghệ mới, trang bị đủ năng lực, sẵn sàng tiếp nhận các mô hình kinh doanh mới, dũng cảm từ bỏ, cải cách mô hình cũ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, người tiêu dùng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Hệ thống NH sẵn sàng cho kinh tế số
Trong vài năm trở lại đây, các tiến bộ nhanh chóng của công nghệ cũng làm thay đổi diện mạo ngành NH trên toàn cầu bằng cách thay đổi để phù hợp với hành vi và kỳ vọng của khách hàng. Tại Việt Nam, để thích ứng với bối cảnh kỷ nguyên số, nhiều NH truyền thống đã bắt đầu hành trình chuyển đổi số để hướng tới xây dựng NH số bền vững trong tương lai. Theo ông Trần Phương, Phó Tổng giám đốc BIDV, kỳ vọng của khách hàng với dịch vụ số của NH ngày càng cao. Không chỉ dừng ở chất lượng, tốc độ và sự an toàn tin cậy, khách hàng còn mong muốn có sự trải nghiệm một cách thú vị và hài lòng nhất, dịch vụ mang tính cá nhân hóa cao.
Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đến nay, bức tranh lĩnh vực thanh toán, đặc biệt là thanh toán số đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Theo đó, bên cạnh xu hướng công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng thì sự gia nhập thị trường của các tổ chức phi NH, nhất là các công ty công nghệ tài chính (Fintech) tại thị trường Việt Nam cũng ngày càng đông đảo. Tuy chưa thể cạnh tranh trực diện trên diện rộng với các NH nhưng một số hãng công nghệ/công ty Fintech đã có được sự thành công đáng nể ở một số phân khúc thanh toán đặc thù như thanh toán tầm gần, thanh toán qua ứng dụng di động, chuyển tiền ngang hàng P2P...
Tại phiên chuyên đề 2 về thúc đẩy phát triển thương mại và dịch vụ trong kỷ nguyên số của hội thảo này, PGS.TS. Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ ngành NH cho biết: "Quan điểm của NHNN muốn các NHTM không coi các Fintech là đối thủ mà coi Fintech như là các đối tác và hợp tác giữa NH với Fintech, làm sao để Fintech trở thành những đơn vị, những cánh tay nối dài cung ứng sản phẩm dịch vụ, đặc biệt là để đáp ứng các nhu cầu của các khách hàng chưa có điều kiện tiếp cận với sản phẩm dịch vụ NH".
Trong thời gian qua, thực tế các NH cũng đã rất nỗ lực theo quan điểm đó. Theo ông Nguyễn Đức Huy, Phó giám đốc Khối NH số của MB, mặc dù các NH đối diện với thách thức mới đến từ các công ty Fintech trên hầu hết các sản phẩm dịch vụ vốn thuộc về lĩnh vực ngân hàng - tài chính, nhưng thách thức này vừa có tính cạnh tranh thúc đẩy cùng phát triển, vừa có tính gợi ý cho sự cộng tác “đôi bên cùng thắng” để mang lại trải nghiệm mới mẻ, độc đáo và hài lòng hơn cho khách hàng.
Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, mặc dù lĩnh vực thanh toán trong kỷ nguyên số đặt ra không ít thách thức về mặt quản lý như vấn đề an ninh mạng, đảm bảo tính riêng tư dữ liệu; việc cân bằng giữa quản lý phát triển với thúc đẩy đổi mới nhưng khi nhận diện đầy đủ các xu hướng, những thách thức và triển khai đồng bộ các giải pháp, NH số nói chung và thanh toán số nói riêng sẽ có sự phát triển vượt bậc trong thời gian tới trên cơ sở đảm bảo sự cân đối giữa quản lý hiệu lực, hiệu quả với thúc đẩy đổi mới, sáng tạo gắn với bảo vệ người tiêu dùng, đảm bảo giao dịch thanh toán an toàn, bảo vệ quyền riêng tư của khách hàng.
Theo Thời báo Ngân hàng13.11.2024
30.10.2024