Trả lời phóng vấn với phóng viên Cổng Thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: “Mới đây, NHNN đã có chương trình làm việc với các tổ chức tài chính quốc tế cũng như các tố chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam, các đại biểu cũng chung nhận định, đánh giá cao về điều hành kinh tế vĩ mô và điều hành chính sách tiền tệ. Các đại biểu đánh giá cao, trước hết là sự ổn định của thị trường tiền tệ tại Việt Nam. Thứ hai, các tổ chức quốc tế đã đánh giá tích cực về chính sách lãi suất, đặc biệt gần đây lãi suất có xu hướng giảm tạo điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; bên cạnh đó có đánh giá cao về điều hành tỷ giá cũng như hoạt động ngoại hối.”
“Trong bối cảnh áp lực lạm phát ở mức vừa phải, chính sách tiền tệ (CSTT) và tín dụng tiếp tục cân đối giữa ổn định vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng”, đó là nhận định được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra trong Báo cáo mới nhất Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam (tháng 12/2017). Theo WB, chỉ số giá tiêu dùng chung của Việt Nam tăng 3% (so với cùng kỳ năm trước) trên cơ sở lạm phát cơ bản ổn định ở mức 1,3% trong tháng 10/2017. Với áp lực lạm phát ở mức vừa phải, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã quyết định cắt giảm lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn 25 điểm phần trăm xuống còn 4,25% và 6,25% vào tháng 7.
Nhận định của WB cũng là quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính cả trong và ngoài nước đối với sức tăng trưởng tương đối tích cực của nền kinh tế Việt Nam, trong đó có đóng góp không nhỏ của NHNN về điều hành CSTT.
Ông Eric Sigwick - Giám đốc Quốc giaADB tại Việt Nam đánh giá cao sự ổn định của hệ thống NH Việt Nam năm 2017
Mới đây, trao đổi với phóng viên, ông Eric Sigwick - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cũng cho rằng: “Năm 2017 là một năm thành công của kinh tế Việt Nam nói chung và của NHNN nói riêng. Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho cả năm - mục tiêu mà nhiều năm trước không thể đạt được. Lạm phát đã được kiểm soát ở mức thấp dưới 4%. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18-20% dự kiến sẽ có thể đạt được trong năm 2017. Thị trường ngoại tệ, tỷ giá được duy trì ổn định. Đặc biệt, NHNN đã rất thành công trong việc dự trữ ngoại hối năm 2017 đạt mức kỷ lục 46 tỷ USD. Đây sẽ là dự trữ an toàn cho Việt Nam trước nhiều biến động trong tương lai.”
Tham vấn một số tổ chức quốc tế, hầu hết các tổ chức quốc tế đều đánh giá cao sự ổn định về tỷ giá, lãi suất, đặc biệt trong những tháng cuối năm lãi suất có xu hướng giảm tạo điều kiện cho các DN. NHNN tiếp tục duy trì tỷ giá USD/VND trong một biên độ hẹp, cho phép tỷ giá trung tâm mất giá 1,4% trong 10 đến 11 tháng đầu năm. Cách làm đó giúp duy trì tỷ giá thực đa phương (REER) ở mức cao đối với đồng nội tệ và tạo điều kiện tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối thêm khoảng 5 tỷ USD trong ba quý đầu năm. Ổn định tỷ giá cộng với mức tăng trưởng của dự trữ ngoại hối hiện nay có thể nói đã tạo một an tâm lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, kể cả với các nhà đầu tư gián tiếp cũng như đầu tư trực tiếp.
Ngày 31/10/2017, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”; đây là lần thứ hai nâng hạng cho hệ thống ngân hàng Việt Nam trong vòng 6 năm trở lại đây. Việc Moody’s tiếp tục nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam là một tín hiệu tích cực phản ánh hiệu quả của việc Chính phủ thực hiện đồng bộ các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cùng với công tác điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động của NHNN; đặc biệt là việc quyết liệt triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đã đem lại hiệu quả rõ rệt, giữ vững an toàn hệ thống và được các tổ chức quốc tế ghi nhận.
Không chỉ dừng ở đó, trong một đánh giá mới đây của hãng tin Bloomberg về mức độ ổn định tiền tệ của một số đồng tiền thuộc khu vực châu Á, Việt Nam đồng (VNĐ) được nhận định là đồng tiền thuộc nhóm ổn định nhất ở châu Á.Có thể thấy, những hoạt động điều hành CSTT trong thời gian qua của NHNN đã được các tổ chức tài chính quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Mặt khác, dù có những tác động của thế giới nhưng chính sách của NHNN vẫn thể hiện sự rõ ràng, linh hoạt và phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay.
Tái cơ cấu các TCTD: Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền là mục tiêu cao nhất
Mục tiêu giữ ổn định các TCTD là kết quả đáng ghi nhận trong nỗ lực của ngành NH ở giai đoạn 1 của Đề án tái cơ cấu các TCTD (2011-2015), kể cả ở những thời điểm có một số TCTD khó khăn. Đến thời điểm này, theo chia sẻ của Phó Thống đốc Đào Minh Tú, các ngân hàng đang hoạt động rất tích cực và đang có nhiều biện pháp triển khai quyết liệt tiếp theo.
NHNN đã và đang triển khai giai đoạn 2 tái cơ cấu các TCTD theo Quyết định 1058 của Chính phủ. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Khi triển khai đề án này, trên nền tảng những kết quả của giai đoạn 1, NHNN đã và đang tích cực xây dựng các đề án phê duyệt cho từng ngân hàng, kể cả các ngân hàng lành mạnh cũng như các ngân hàng còn đang có những khó khăn.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú trả lời phỏng vấn với phóng viên
“Với đề án này, đặc biệt khi Nghị quyết 42 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD vừa được thông qua sẽ là điều kiện pháp lý quan trọng cho các giải pháp, biện pháp thực hiện đề án tái cơ cấu giai đoạn 2 có được những kết quả tích cực trong năm 2018 cũng như những năm tiếp theo”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu là một trong những dấu mốc quan trọng trong quá trình tái cơ cấu các TCTD giai đoạn 2016-2020. WB cũng nhận định, Nghị quyết 42 đã giải quyết được một số trở ngại để xử lý nợ xấu hiệu quả, bao gồm cả các biện pháp cải thiện để bên cho vay có khả năng thực thi hiệu lực đối với tài sản đảm bảo nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng thu hồi tài sản thế chấp và giải chấp nợ xấu. Nghị quyết 42 cũng tạo điều kiện tăng cường giao dịch nợ xấu trên thị trường thứ cấp. Bên cạnh đó, văn bản pháp quy hướng dẫn triển khai các nguyên tắc Basel II cũng đang được xây dựng và dự kiến sẽ cải thiện về quản lý rủi ro ở các ngân hàng và xử lý được những rủi ro trong các hoạt động ở khu vực ngân hàng.
Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cũng cho rằng Nghị quyết 42 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD là các văn bản pháp lý quan trọng để tạo ra một cơ chế đồng bộ - nối tiếp bởi các biện pháp triển khai giúp xử lý nhanh chóng các khoản nợ xấu, khơi thông dòng vốn đang bị đóng băng tại VAMC. Đại diện cơ quan này chia sẻ tuy tiến trình tái cơ cấu TCTD vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, song khi nhìn tổng quan chung, triển vọng phát triển của ngành NH Việt Nam đã được đẩy mạnh bởi những bứt phá này. Vấn đề tiếp theo cần quan tâm đó là làm thế nào để triển khai hiệu quả chúng.
Trong quá trình tái cơ cấu các TCTD suốt thời gian qua, NHNN đặt ra nhiều nguyên tắc và mục tiêu. Tuy nhiên, theo chia sẻ của Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, có hai nguyên tắc quan trọng và xuyên suốt trong cả tiến trình tái cơ cấu các TCTD. Thứ nhất, phải “đảm bảo cho sự ổn định hoạt động của mỗi TCTD, kể cả các TCTD yếu kém hiện nay. Và nguyên tắc đó cũng đã và đang được triển khai bằng nhiều giải pháp. Thứ hai, là đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền”.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định “Tất cả người gửi tiền tại các TCTD, kể cả TCTD nhà nước cũng như TCTD cổ phần, Quỹ Tín dụng nhân dân cũng đều được đảm bảo quyền lợi chính đáng. Đây cũng là chỉ đạo, chủ trương của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ để đảm bảo cho quyền lợi chính đáng của người dân gửi tiền tại các TCTD.”
Tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD là một quá trình thường xuyên, liên tục. Với những kết quả, nỗ lực mà ngành Ngân hàng đã đạt được trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt trong năm 2017 sẽ tạo nền tảng vững chắc cho bước phát triển, đổi mới của ngành trong thời gian tiếp theo. Năm 2018 sẽ là năm quan trọng với ngành ngân hàng khi NHNN triển khai các quy định về xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng. Việc thực thi Nghị quyết 42 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng một cách hiệu quả sẽ tạo ra một cơ chế đồng bộ giúp xử lý nhanh chóng, dứt điểm các khoản nợ xấu, khơi thông dòng vốn cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
13.11.2024
30.10.2024