Các tổ chức tài chính, ngân hàng nước ngoài đều đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) trong vài năm qua, đặc biệt là năm 2017.
Những thành tựu mà NHNN đạt được trong 2 năm qua là rất lớn
Liệt kê ra một số chỉ số vĩ mô năm 2017 như GDP tăng 6,81% cao hơn mục tiêu đề ra, tỷ lệ lạm phát kiểm soát tốt ở mức 3,53%, lãi suất giảm, tỷ giá ổn định và tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 3%, ông Nirukt Sapru - Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho rằng, những kết quả đó là nhờ sự chỉ đạo của Chính phủ cùng sự quản lý hiệu quả của NHNN đối với CSTT và thanh khoản hệ thống.
“Chúng tôi rất vui mừng thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc xử lý nợ xấu (XLNX) qua việc Quốc hội thông qua Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD và Quyết định 1058 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với XLNX giai đoạn 2016-2020” - ông Nirukt Sapru cho biết.
Đặc biệt, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cũng đánh giá cao nỗ lực của NHNN trong công tác truyền thông và phản hồi của NHNN đối với các ý kiến doanh nghiệp và các NHTM. Điều này góp phần củng cố niềm tin thị trường, bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và các nhà đầu tư. Giúp tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn và hiệu quả hơn.
Ông Nirukt Sapru cho rằng, thời gian tới Chính phủ và NHNN cần đẩy nhanh việc hoàn thiện dữ liệu căn cước công dân, sử dụng kỹ thuật sinh trắc vân tay, nhằm tạo cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc hỗ trợ phát triển nền kinh tế thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
“Việc phát triển sử dụng căn cước công dân, sinh trắc vân tay có thể thực hiện thông qua việc xem xét xây dựng các quy định pháp luật cần thiết. Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ Ban Chỉ đạo Fintech của NHNN để chia sẻ kinh nghiệm và ứng dụng tốt nhất các thị trường khác đã sử dụng công nghệ này”, ông Nirukt Sapru chia sẻ.
Cũng đánh giá điều hành CSTT thời gian qua rất thành công, ông Jonathan Dunn - Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam (IMF) cho rằng, CSTT và tài khóa trong năm 2017 đều hướng tới hỗ trợ tăng trưởng và ổn định vĩ mô. Điều này giúp lãi suất thị trường liên ngân hàng thấp, thanh khoản hệ thống dồi dào, tăng trưởng tín dụng ở mức gần 19%.
Tuy nhiên, IMF khuyến nghị trong tương lai, CSTT và tài khóa cần chuyển sang hướng thận trọng hơn để đảm bảo tăng trưởng bền vững. Năm 2018, Chính phủ và NHNN cần giảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng, hướng vào chất lượng. Tăng cường XLNX theo Nghị quyết 42 của Quốc hội và tận dụng cơ hội để tích lũy thêm dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Trong khi đó, ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, thành công về kinh tế năm 2017 của Việt Nam là nhờ kết hợp CSTT phù hợp và nâng cao thanh khoản của hệ thống ngân hàng, cũng như thu hút đầu tư FDI đạt mức kỷ lục.
Năm 2018 này, Chính phủ và NHNN cần tiếp tục triển khai cơ cấu lại hệ thống ngân hàng và XLXN theo hướng Nghị quyết 42 và Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi mới được ban hành.
Đặc biệt, theo ông Ousmane Dione, với vấn đề nợ xấu cần tiếp tục được xử lý và cần tăng cường dự phòng tài chính trong một số trường hợp. Đây là yêu cầu quan trọng và rất cần thiết để tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng phân bổ nguồn vốn một cách hiệu quả trong nền kinh tế.
Là một năm kinh doanh khá thành công tại Việt Nam, ông Koji Fujiwara - Tổng giám đốc Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản) cho biết, năm 2017 hoạt động kinh doanh của Mizuho đều hoàn thành kế hoạch và vượt mục tiêu đề ra, duy trì và bảo đảm chất lượng tín dụng và đảm bảo an toàn vốn.
Ông Koji Fujiwara cho rằng thành công này đến từ sự điều CSTT hiệu quả và ông trân trọng cảm ơn sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc đã áp dụng nhiều cải cách nhằm phát triển thị trường kinh doanh theo hướng tích cực.
“Tôi đặc biệt đánh giá cao vai trò rõ rệt của NHNN trong việc giữ ổn định thị trường Việt Nam và kiểm soát lạm phát rất tốt, cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn nhiều yếu tố bất ngờ và bất ổn về địa chính trị, thì những thành tựu mà NHNN đạt được trong 2 năm qua là rất to lớn” – ông Koji Fujiwara nhấn mạnh.
Đề cao chính sách của ngành Ngân hàng trong việc hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đại diện của Ngân hàng Mizuho cho rằng, CSTT linh hoạt và năng động do NHNN vận dụng để làm tăng giá trị của đồng Việt Nam, việc hạ lãi suất cho vay tại các ngân hàng cũng đã góp phần thúc đẩy doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh một cách đáng kể.
Về năm 2018, ông Koji Fujiwara mong muốn NHNN xem xét, quản lý linh hoạt về tăng trưởng tín dụng toàn Ngành để hỗ trợ phát triển cho nền kinh tế; Tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực ngân hàng để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; Nghiên cứu xây dựng cơ chế phù hợp với tốc độ phát triển của công nghệ Fintech và tập quán thương mại quốc tế.
“NHNN luôn thể hiện một năng lực điều hành thị trường tốt nên chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng tốc độ phát triển kinh tế sẽ được duy trì trong năm 2018 và các năm tiếp theo” - ông Koji Fujiwara lạc quan.
12.11.2024