Tín dụng đen đang là vấn đề gây nhức nhối và trở thành vấn nạn kinh tế - xã hội hiện nay. Chính phủ đã xác định đẩy lùi tín dụng đen là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2019 và kể cả sau này...
LTS: Đã có nhiều bài viết, bình luận và đề xuất giải pháp để thực hiện mục tiêu này. Tuy nhiên, thực tế là việc hiểu, nhận dạng tín dụng đen vẫn còn khá chung chung, giải pháp chưa căn cơ, chưa đồng bộ, dẫn đến kết quả triển khai chưa thực sự hiệu quả trong khi tệ nạn tín dụng đen đang hoành hành, nhất là ở những vùng nông thôn, miền núi, xa xôi, dân tộc thiểu số.
Mới đây, TS. Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu thuộc Ngân hàng BIDV cũng đã công bố những nghiên cứu rõ thêm về tín dụng đen, bản chất và nguyên nhân của nó; đối chiếu kinh nghiệm quốc tế; và từ đó đề xuất 6 giải pháp căn cơ nhằm giảm trừ tín dụng đen.
Chúng tôi xin được đăng nguyên văn bài nghiên cứu của nhóm tác giả để quý độc giả cùng theo dõi.
-------
1. Hiểu đúng và đủ hơn về tín dụng đen
Trong nền kinh tế, khi có nhu cầu tín dụng, người dân hoặc doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp siêu nhỏ) có thể vay tiền từ khu vực tín dụng chính thức, thường là các ngân hàng (kể cả Ngân hàng Chính sách xã hội), công ty tài chính tiêu dùng, công ty cho thuê tài chính, công ty công nghệ tài chính (Fintech), tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân, hụi, họ, biêu, phường…(gọi chung là các tổ chức tài chính). Đây là các tổ chức được quản lý, giám sát và hoạt động theo qui định của pháp luật.
Trong trường hợp không thể hoặc không muốn tiếp cận nguồn tín dụng chính thức; người dân hoặc doanh nghiệp siêu nhỏ thường tìm đến khu vực tín dụng phi chính thức, tức là vay tiền từ các cá nhân, tổ chức, công ty, hội, nhóm, bạn bè, người thân…; mà hoạt động của những cá nhân/tổ chức này không được giám sát, quản lý chặt chẽ như khu vực chính thức. Trong khu vực tín dụng phi chính thức có một phần là tín dụng đen. Đến nay, chưa có một định nghĩa chính thống nào về "tín dụng đen"; mà theo văn hóa lâu nay tại Việt Nam, chữ "đen" ở đây không chỉ mang nghĩa "phi chính thức"mà còn mang nghĩa xấu, nghĩa"vi phạm pháp luật"(thường là lãi suất cắt cổ, thỏa thuận vay mượn và hành vi đòi nợ không theo bất kể qui định nào của pháp luật).
Với cách hiểu như vậy, có thể thấy ba đặc điểm quan trọng của tín dụng đen là: (i) nằm ngoài hệ thống các tổ chức tài chính, (ii) lãi suất cắt cổ, và (iii) gắn với các hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này khá tương đồng với thuật ngữ "Predatory lending", tạm dịch là cho vay trấn lột (cho vay tà tâm - ác ý); theo đó, bên cho vay áp đặt các điều kiện tín dụng không công bằng và lạm dụng đối với bên vay (thường thông qua các thủ thuật chào bán không trung thực, khoản vay chứa nhiều điều kiện bất lợi cho người vay, có thể hăm dọa để đòi nợ…).
Về bản chất, tín dụng đen khá giống với cho vay trấn lột này vì đều là hình thức kiếm siêu lợi nhuận, gian lận và lừa đảo. Trong đó, bên cho vay đã lợi dụng điểm yếu của bên vay là thiếu hiểu biết về dịch vụ tài chính, không cả khả năng tiếp cận tín dụng chính thức (do chủ quan và cả khách quan) trong khi đang rất cần tiền. Theo đó, bên cho vay tính lãi suất và phí rất cao, muốn cho vay ngay cả khi biết bên vay sẽ không trả được nợ; bên cho vay còn đưa thông tin sai, không minh bạch, thay đổi các điều khoản tín dụng mà không hề báo trước dẫn đến những rủi ro, thiệt hại nghiêm trọng đối với bên vay như nguy cơ phá sản, nghèo đói, tan cửa, nát nhà, mất tài sản...v.v. Rõ ràng là ở đây, bên cho vay đã thực hiện những hành vi phi đạo đức và trái luật nhằm mục đích tư lợi cá nhân và thường gây ra hậu quả nghiêm trọng cho bên vay...v.v. Người vay đa số là người nghèo, dân tộc thiểu số, thiếu hiểu biết, dễ bị tổn thương, mất việc, cần tiền gấp để trả nợ, lo sự kiện như đám hiếu, chữa bệnh hay mua gấp một vật dụng nào đó (ngoại trừ một số người vay dạng lừa đảo, cờ bạc, buôn lậu, nghiện ngập …- đối tượng này không nhiều và bên cho vay cũng khá thận trọng).
Tại một số quốc gia, hành vi này đều bị ngăn chặn bởi quy định pháp luật. Chẳng hạn, tại Mỹ, bên vay được bảo vệ bởi đạo luật bảo vệ người tiêu dùng tài chính, đạo luật công bằng cơ hội tiếp cận tín dụng, đạo luật tín dụng nhà ở. Cơ quan chịu trách nhiệm chính là Cục Bảo vệ người tiêu dùng tài chính, được thành lập từ năm 2011.
2. Tín dụng đen tại Việt Nam và hệ lụy
Về quy mô, theo ước tính của chúng tôi, quy mô tín dụng phi chính thức tại Việt Nam hiện nay tương đương khoảng 15-20% tổng tín dụng của nền kinh tế; trong đó, quy mô tín dụng đen chiếm khoảng 30-35% tổng tín dụng phi chính thức, tương đương 6-8% tổng dư nợ nền kinh tế, khoảng 450-550 ngàn tỷ đồng (cuối năm 2018). Đây không phải con số lớn, nhưng hệ lụy xã hội thì rất lớn, rất phức tạp và cần lưu tâm xử lý.
Về hình thức, tín dụng đen có thể do cá nhân, tổ chức cung cấp, nhưng thường núp bóng dướicác cơ sở kinh doanh, hội, nhóm như tiệm cầm đồ, cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, công ty tư vấn tài chính, hay hụi, họ, phường….Bên vay chủ yếu là cá nhân, một số doanh nghiệp siêu nhỏ. Về mục đích, cá nhân vay tiền chủ yếu để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cấp bách, trả nợ, xây nhà, mua nhà, sản xuất, kinh doanh, đóng học phí, chữa bệnh…v.v. Cũng có những cá nhân vay để thực hiện những mục đích xấu như làm ăn không chính đáng, buôn lậu, chơi đề, cờ bạc, nghiện hút…v.v. Doanh nghiệp nhỏ đi vay tín dụng đen chủ yếu để trả nợ, đảo nợ, trả lương nhân viên hoặc giải quyết tình huống cấp bách. Trong khi đó, mục đích chính của bên cho vay là kiếm lời nhanh, giàu nhanh mà bỏ qua nguy cơ nợ xấu cũng như vi phạm pháp luật.
Về phương thức hoạt động, tín dụng đen được quảng bá thông qua việc phát, dán tờ rơi, lập các website, sử dụng mạng xã hội, đăng tin, gửi tin nhắn quảng cáo vay tiền không cần gặp mặt, không cần thế chấp, thủ tục đơn giản, cấp tiền ngay, với số tiền vay có thể từ 1 triệu đồng đến vài chục hay hàng trăm triệu đồng.
Về loại hình cho vay, tín dụng đen thường có 2 loại chính. Một là cho vay gộp, nghĩa là ngắn hạn, yêu cầu trả gốc và lãi hàng ngày. Hai là vay nóng, trả lãi theo ngày, trả nợ gốc vào một thời điểm ấn định, loại này cực kỳ rủi ro, nên lãi suất cao hơn. Lãi suất dạng vay gộp hiện nay khoảng 60-70%/năm, trong khi vay nóng có thể trên 100%, thậm chí gần 400%/năm. Tuy nhiên, cần lưu ý là Điều 468 Luật dân sự 2015 có qui định trần lãi suất là 20%/năm,nhưng có mở ngoặc là trừ khi luật chuyên ngành có quy định khác. Theo đó, nếu Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) cho phép thỏa thuận lãi suất thì trần lãi suất nói trên không bị vi phạm. Thí dụ, cho vay tiêu dùng hiện nay có mức lãi suất 20-50%/năm nhưng không vi phạm luật.
Về địa bàn, tín dụng đen thường hoạt động tại các vùng nông thôn, đồng bào thiểu số ở cả 63 tỉnh, thành trong cả nước, nhưng tập trung nhiều tại các tỉnh miền Trung, Đồng bằng sông Cửu long, Tây Nguyên…v.v. Đây là những khu vực nghèo, còn nhiều khó khăn, khả năng tiếp cận tín dụng chính thức chưa nhiều, trong khi nhận thức, trình độ, hiểu biết của người dân, doanh nghiệp về các kênh vay tiền chính thống còn hạn chế.
Ở đây cần lưu ý 2 loại hình đầu tư hay tín dụng thường bị nhầm với tín dụng đen. Thứ nhất là cho vay ngang hàng (P2P lending) - là phương thức cho vay trực tiếp giữa người có vốn và người cần vốn thông qua nền tảng công nghệ; trong đó tổ chức cung cấp dịch vụ cho vay P2P chỉ kết nối 2 bên, cung cấp thông tin, đánh giá tín nhiệm về khoản vay, tư vấn, không phải người quyết định cho vay cuối cùng và chỉ hưởng phí (không hưởng lãi). Trong khi đó, tín dụng đen sử dụng các trang web, ứng dụng phần mềm như một kênh để tiếp cận con mồi, vẫn sử dụng vốn của mình để quyết định cho vay và hưởng lãi. Thứ hai là hình thức chơi họ, hụi, biêu, phường..; thuộc khu vực tín dụng phi chính thức, được pháp luật công nhận và có quy định điều chỉnh. Gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 19/2019/NĐ-CP ngày 19/2/2019 điều chỉnh việc thành lập và hoạt động của họ, hụi, biểu, phường. Tuy nhiên, các dạng biến tướng của cho vay ngang hàng hay chơi hụi, họ đều có thể dẫn đến hình thành tín dụng đen.
Hệ lụy kinh tế - xã hội của tín dụng đen là rất rõ ràng, rất lớn và nhức nhối. Trên phương tiện thông tin đại chúng, mỗi tuần có hàng chục vụ việc được phanh phui mà đối tượng chịu ảnh hưởng lại chính là dân nghèo, dân tộc thiểu số, nông dân, phụ nữ…v.v. Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công an được công bố mới đây, trong khoảng 4 năm qua, trên toàn quốc xảy ra khoảng 7.624 vụ phạm tội liên quan đến "tín dụng đen"; trong đó có 56 vụ giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.809 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ hủy hoại tài sản...v.v. Như vậy, tín dụng đen có quy mô không phải quá lớn nhưng hệ lụy kinh tế - xã hội là rất nghiêm trọng. Đặc biệt, tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen" có chiều hướng diễn biến phức tạp, gây bất ổn trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự; và nhất là giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp nhỏ.
3. Nguyên nhân tín dụng đen tại Việt Nam
Đã có nhiều phân tích về nguyên nhân khiến tín dụng đen tại Việt nam tồn tại và thậm chí đang hoành hành; tựu chung lại có 5 nguyên nhân cơ bản sau:
Thứ nhất, một phần nhu cầu tín dụng, đầu tư nhỏ lẻ chưa được đáp ứng đầy đủ, kịp thời bởi khu vực chính thức. Có 4 nguyên nhân của thực trạng này: i) Thị trường vốn chưa phát triển. Qui mô tín dụng ngân hàng của Việt Nam hiện nay tương đối lớn (7,2 triệu tỷ đồng, tương đương 131% GDP tính đến cuối năm 2018, tương đương Singapore, Malaysia, cao hơn so với tỷ lệ bình quân 83% GDP của ASEAN hay mức 44% GDP của khối các nước thu nhập trung bình thấp...). Tuy nhiên, thị trường cổ phiếu và trái phiếu còn chưa phát triển với qui mô nhỏ (vốn hóa cả 2 thị trường này của Việt Nam hiện nay tương đương khoảng 94% GDP, so với mức 143,5% GDP của Trung Quốc hay 190% GDP của ASEAN-5), nên huy động vốn qua kênh thị trường vốn chưa nhiều, mà vẫn chủ yếu qua kênh tín dụng ngân hàng. (ii) Qui trình, thủ tục vay vốn từ các tổ chức tài chính vẫn còn khá phức tạp (chủ yếu theo yêu cầu của pháp luật liên quan); tài sản thế chấp vẫn là một rào cản và cho vay tín chấp còn hạn chế (chủ yếu do thông tin về bên vay thiếu minh bạch, thiếu độ tin cậy) trong khi vấn đề hình sự hóa quan hệ tín dụng vẫn phổ biến;
(iii) Sản phẩm – dịch vụ của các tổ chức tài chính chưa hoàn toàn phù hợp (thí dụ, việc vay tiền để chữa bệnh, lo đám hiếu, vay nóng, vay nhỏ lẻ …từ kênh tín dụng chính thức chưa dễ dàng). (iv) Mức độ bao phủ của kênh tín dụng chính thức của Việt Nam vẫn còn thấp, phân bổ chưa hợp lý.
Theo thống kê của WB, tỷ lệ người lớn có tài khoản ngân hàng tại Việt Nam cuối năm 2017 mới là 40%, so với mức 80% của Trung Quốc, 70% của ASEAN-5 hay 58% của khối các nước thu nhập trung bình thấp. Tương tự, tại Việt Nam mới có 27% người lớn sở hữu thẻ ghi nợ so với mức 67% của Trung Quốc, 55% của ASEAN-5 hay 60% của khu vực Đông Á – TBD; số chi nhánh ngân hàng tính trên 100.000 người lớn tại Việt Nam mới chỉ đạt mức 3,9 so với con số 8,8 của Trung Quốc, 11,8 của ASEAN-5 hay 12,6 của thế giới…v.v. Đây là các con số khá thấp cho thấy còn nhiều nhu cầu tín dụng, đầu tư có thể được đáp ứng bởi khu vực tín dụng chính thức nhưng chưa tiếp cận được. Không những vậy, mạng lưới của các tổ chức tài chính phân bổ chưa đồng đều, chủ yếu tập trung tại khu vực thành thị, ven đô, trong khi tại các khu vực nông thôn, dân tộc thiểu số, miền núi còn khá thưa thớt và mức độ ứng dụng công nghệ (như tài chính số, vay tiền di động…) còn hạn chế.
- Thứ hai, kiến thức, trình độ hiểu biết về các sản phẩm – dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp nhỏ còn hạn chế. Theo báo cáo của một nghiên cứu năm 2018 của Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), chỉ số phổ cập tài chính của Việt Nam chỉ đạt 21,28 điểm, xếp thứ 112/176 trên thế giới và đứng ở vị trí 22/37 quốc gia đang phát triển tại châu Á. Những hạn chế về hiểu biết tài chính của phần lớn người dân, doanh nghiệp nhỏ đã trực tiếp ảnh hưởng tới việc tiếp cận các sản phẩm - dịch vụ tài chính của họ. Đồng thời, nhiều người có thói quen ngại tìm hiểu, ngại đến các tổ chức tài chính để được tư vấn, trong khi một số nhân viên của các tổ chức này chưa có kỹ năng tư vấn khách hàng tốt…v.v. Trong khi đó, phương thức hoạt động của tín dụng đen ngày càng tinh vi và đa dạng; nên nhiều người dân, chủ doanh nghiệp nhỏ bị mắc bẫy tín dụng đen thời gian qua.
- Thứ ba, đó là vấn đề đạo đức và lòng tham. Về phía bên cho vay, như trên đã phân tích, vì mục tiêu lợi nhuận, chủ hội tín dụng đen luôn gạ gẫm, dùng các chiêu thức khác nhau để lôi kéo người dân vay vốn, dù biết rằng với lãi suất cao như vậy khả năng trả nợ rất khó. Về phía người vay, tồn tại 2 loại chính là người vay làm ăn chính đáng, có nhu cầu thực và người vay làm ăn bất chính. Có những cá nhân không có nhu cầu vay nhưng tìm đến tín dụng đen để có nguồn vốn thực hiện đầu tư mạo hiểm, buôn lậu, đầu cơ, hoặc đầu tư vào các lĩnh vực không được pháp luật khuyến khích. Thậm chí, có người vay tín dụng đen rồi bỏ trốn, quỵt nợ, gây tranh chấp kéo dài và xử lý lẫn nhau rất dã man, theo luật rừng…v.v. Ngoài ra, không loại trừ trường hợp có thông đồng giữa nhân viên của các tổ chức tài chính với hội tín dụng đen hay bên vay để rút tiền, chiếm đoạt hay đảo nợ…v.v.
- Thứ tư, hệ thống pháp luật chưa thực sự rõ ràng và chưa nhất quán, khiến việc xử lý, áp dụng chế tài rất khó khăn. Cụ thể, theo Điều 468 của Luật Dân sự (2015), lãi suất vay vốn do các bên thỏa thuận; lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Như vậy, Luật các TCTD cho phép thỏa thuận lãi suất, thì quan hệ tín dụng sẽ áp dụng theo qui định đó (và hiện nay là như vậy). Tuy nhiên, Điều 201 Bộ luật hình sự (2015) qui định trần lãi suất cho vay trong giao dịch dân sự gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất (được hiểu là trên 100%/năm) theo quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng sẽ bị coi là cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Việc Bộ luật hình sự viện dẫn Luật dân sự mà không viện dẫn đến luật chuyên ngành dẫn đến chưa đầy đủ, chưa nhất quán và rất khó xử lý khi cho vay nặng lãi xảy ra.
- Cuối cùng, khu vực kinh tế chưa được quan sát khá lớn và mặt trái sự phát triển nhanh của công nghệ. Khu vực kinh tế chưa được quan sát tồn tại như một tất yếu khách quan, trở thành bộ phận cấu thành của nền kinh tế của tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Qui mô nó như thế nào đang được Chính phủ yêu cầu Tổng cục Thống kê đánh giá, nhưng chắc chắn rằng nó không hề nhỏ đối với Việt Nam. Trong 5 thành tố của khu vực kinh tế chưa được quan sát này, có 2 thành tố (kinh tế ngầm và kinh tế phi pháp) không hề dễ thu thập thông tin và tính toán. Những hoạt động ngầm và phi pháp này là mảnh đất để các hoạt động như tín dụng đen phát triển.
Ngoài ra, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số mang lại nhiều cơ hội to lớn nhưng cũng không ít rủi ro, thách thức. Theo đó, nhiều sản phẩm tài chính mới gắn với công nghệ số đã ra đời và phát triển nhanh chóng như hoạt động cho vay của các Fintech, cho vay ngang hàng, huy động vốn cộng đồng…v.v. Về cơ bản, những hoạt động này là tích cực; nhưng nếu không kịp thời có khuôn khổ pháp lý, có tổ chức bộ máy và công cụ để quản lý, giám sát, nắn chỉnh kịp thời thì rất dễ bị biến tướng và đi theo hướng tiêu cực.
4. Một số kinh nghiệm quốc tế về giảm trừ tín dụng đen
Như đã phân tích ở trên, một số quốc gia đang triển khai nhiều biện pháp để kiểm soát khu vực tài chính phi chính thức và ngăn chặn tín dụng "trấn lột". Năm 2012, Trung Quốc triển khai chương trình cho phép những tổ chức, cá nhân hoạt động trong khu vực tài chính không chính thức ở một số hoạt động nhất định được phép đăng ký kinh doanh để hoạt động chính thức từ đó kiểm soát tốt hơn. Trung Quốc cũng ban hành các quy định quản lý chặt chẽ các sản phẩm quản lý tài sản và giới hạn quy mô đầu tư vào sản phẩm ngân hàng ngầm (shadow banking). Đồng thời, Trung Quốc cũng từng bước thực hiện chính sách tự do hóa lãi suất để hướng các nhu cầu đầu tư, tín dụng từ khu vực phi chính thức vào khu vực chính thức; thường xuyên truy quét các hoạt động tài chính phi chính thức trong danh mục cấm và hình thành các "tường lửa" giữa khu vực tài chính chính thức và phi chính thức.
Tại Mỹ, đối với hành vi cho vay trấn lột,Chính phủ Mỹ ban hành luật định chuyên biệt ở cả cấp liên bang và cấp bang. Theo đó, các hành vi được coi là tín dụng trấn lột được định nghĩa gồm: (i) thay đổi điều kiện tín dụng theo hướng gây tổn hại cho bên vay; (ii) che giấu, trình bày sai gây hiểu nhầm cho bên vay về các điều kiện vay; (iii) phạt trả trước với phí cao; và (iv) cho vay nặng lãi, chiếm đoạt vốn…v.v. Đồng thời, luật cũng qui định cấm các tổ chức tín dụng, tổ chức trong phạm vi điều chỉnh thực hiện các hành vi trên.
5. Giải pháp căn cơ giảm trừ tín dụng đen tại Việt Nam
Tại Việt Nam hiện nay, Chính phủ và các bộ, ngành đã đề ra hàng loạt các biện pháp để đẩy lùi tín dụng đen như Chính phủ ban hành Nghị định 116/2018/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 119/2019/NĐ-CP ngày 19/2/2019 về hụi, họ, biêu, phường; Chỉ thị 06/CT-TTg về củng cố hoạt động của Quỹ tín dụng Nhân dân; sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Công An trong việc truy quét, đưa ra ánh sang nhiều vụ tín dụng đen; hay Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng cung cấp các gói tín dụng, tăng hạn mức tín dụng, đẩy mạnh cho vay tín chấp, giảm thiểu thủ tục hành chính, mở rộng màng lưới….để góp phần đẩy lùi tín dụng đen. Tuy nhiên, cần có giải pháp căn cơ và bền vững hơn. Tác giả xin gợi ý 6 giải pháp căn cơ sau đây.
- Một là, tăng khả năng tiếp cận tín dụng, vốn chính thức cho người dân và doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tập trung vào: (i) cơ chế, chính sách (Chính phủ sớm ban hành chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, có chính sách rõ ràng và nhất quán thực thi khuyến khích cho vay đối tượng dễ bị tổn thương, khẩn trương hoàn thành việc ban hành hướng dẫn triển khai Luật hỗ trợ DNNVV, hướng dẫn nhất quán thực hiện 3 bộ luật liên quan nêu trên – Luật các TCTD, Luật dân sự và Luật hình sự theo hướng có thể qui định trần lãi suất cho vay nặng lãi – có thể là 100%/năm; (ii) ưu tiên phát triển thị trường cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư nhằm tăng khả năng cung ứng vốn trung – dài hạn cho doanh nghiệp cũng như cơ hội đầu tư của người dân;
(iii) chú trọng củng cố, lành mạnh hóa và phát triển hệ thống tài chính vi mô (gồm quỹ tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp, các tổ chức tài chính vi mô, Fintech, hụi, họ, phường…); (iv) Phát triển, lành mạnh hóa thị trường tín dụng tiêu dùng, trong đó cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho các công ty tài chính hoạt động bài bản, lành mạnh hơn; (v) rà soát tổng thể và định vị lại các kênh phân phối dịch vụ tài chính phù hợp hơn, qua đó vừa tăng độ bao phủ vừa nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tài chính; (vi) Các tổ chức tài chính cần tiếp tục cải tiến qui trình cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thiết kế sản phẩm – dịch vụ phù hợp hơn, minh bạch thông tin về các điều kiện tín dụng (lãi suất, phí, trả nợ, nhắc nợ, phạt…).
Trong việc này, cần dần loại bỏ quan điểm bao cấp lãi suất, mà thay vào đó, tiến tới áp dụng cơ chế thị trường trong quan hệ tín dụng, như thế mới đảm bảo động lực cho vay đối với các tổ chức tài chính, cũng như trách nhiệm trả nợ của bên vay (trong mọi trường hợp, lãi suất cho vay theo thị trường vẫn thấp hơn nhiều so với tín dụng đen).
- Hai là, chú trọng phát triển công nghệ thông tin trong bối cảnh xu thế kinh tế số phát triển mạnh mẽ. Theo đó, Chính phủ chỉ đạo sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho phép chữ ký số, nhận dạng số; ban hành qui định (có thể dạng thí điểm – sandbox) đối với các sản phẩm tài chính gắn với công nghệ như Fintech, cho vay ngang hàng, huy động vốn cộng đồng, ví điện tử…v.v. nhằm tận dụng tốt hơn thành quả công nghệ, song vẫn kiểm soát được rủi ro và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, cơ quan quản lý Nhà nước cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia - điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế số nói chung và tài chính số nói riêng.
- Ba là, nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân và doanh nghiệp về dịch vụ tài chính – ngân hàng; theo đó, Chính phủ sớm ban hành chiến lược quốc gia về giáo dục tài chính (như là một cấu phần quan trọng trong chiến lược tài chính toàn diện), trong đó cần sớm qui định giáo dục tài chính cá nhân như là môn học bắt buộc từ bậc phổ thông trung học và truyền thông hiệu quả cần được lưu tâm. Đồng thời, các tổ chức tài chính cần tăng cường đào tạo nhân viên về tính tuân thủ, đạo đức nghề nghiệp, hạn chế tối đa tư tưởng trục lợi, thông đồng.
- Bốn là, hết sức chú trọng khâu thực thi cơ chế, chính sách; trong đó tập trung xóa điểm nghẽn phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng, các tổ chức tài chính, các hiệp hội ngành nghề và dân sự (Hội nông dân, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Mặt trận tổ quốc…); kiện toàn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng; thực thi tốt nhất có thể các cơ chế, chính sách nêu trên, nhất là Luật hỗ trợ DNNVV, Nghị định 116, Nghị định 119 nêu trên, Quyết định 986 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến 2025 và tầm nhìn đến 2030…v.v.
- Năm là, triển khai đồng bộ các biện pháp mạnh đối với hành vi tín dụng đen gồm: (i) Xem xét ban hành qui định về tín dụng đen (có thể áp trần lãi suất cụ thể như gợi ý nêu trên); (ii) Đẩy mạnh truyền thông một cách thực chất, hiệu quả, mang tính chất cảnh báo, răn đe về hậu quả của việc tham gia hoạt động cho vay nặng lãi, cũng như các biểu hiện, hành vi của hoạt động tín dụng đen. Ở đây cần nhấn mạnh vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, của cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội; (iii) Xử lý nghiêm minh kết hợp tuyên truyền răn đe đối với các băng, hội, hành vi tín dụng đen; và (iv) Khen thưởng, nêu gương kịp thời, xứng đáng, có hình thức bảo vệ an toàn đối với các tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tranh phòng, chống và tố cáo hành vi tín dụng đen. Đồng thời, cần xác định việc giảm trừ tín dụng đen là liên tục, lâu dài và luôn cần quan tâm, chú trọng.
Cuối cùng, quan trọng hơn cả vẫn là ý thức của người dân, cộng đồng trong phòng, chống tín dụng đen. Người dân, doanh nghiệp cần tránh xa những quảng cáo, kêu gọi hỗ trợ vay vốn, không cần chứng minh thu nhập ….tại các tờ quảng cáo, tờ rơi, tin nhắn…v.v. Mỗi khi có nhu cầu tín dụng thực sự, người dân hay doanh nghiệp nên tìm kiếm các nguồn thông tin chính thức từ các tổ chức tài chính, từ các website tin cậy, tham khảo ý kiến tư vấn chính thống trước khi quyết định. Cuối cùng là người dân không nên để lòng tham dẫn dắt.
TS. Cấn Văn Lực và Trung tâm Nghiên cứu BIDV
Theo Trí thức trẻ
13.11.2024
30.10.2024