Sau 30 năm, từng sống và đi qua gần 30 quốc gia, lãnh thổ để tìm đường cứu nước, ngày 28-1-1941, Bác trở về, dừng chân bên cột mốc biên giới 108 của Tổ quốc thân yêu.
Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nơi Bác chọn dừng chân đầu tiên khi trở về Tổ quốc là Pác Bó - nơi đầu nguồn một dòng suối thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, sát biên giới Việt - Trung, cách thị xã Cao Bằng hơn 40 km.
Pác Bó theo tiếng địa phương có nghĩa là "đầu nguồn". Pác Bó từ đây cũng là đầu nguồn của cách mạng Việt Nam. Hang sâu, dốc đá lởm chởm, ẩm ướt. Chiếc phản Bác nằm chỉ là mấy tấm ván đơn sơ ghép lại, đêm nằm vừa đau lưng, vừa lạnh, phải đốt lửa để bớt đi buốt giá.
Những ngày Bác làm việc trong hang nhờ ánh sáng yếu ớt chiếu từ khoảng trống nhỏ trên đỉnh hang. Hằng ngày, sau giờ làm việc, Bác dọn dẹp ngoài hang sạch sẽ, gọn gàng. Bác chọn một phiến đá có độ bằng để làm việc. Lúc rảnh rỗi, Bác ngồi câu cá bên gốc si già bên bờ suối. Ðể bảo đảm bí mật, an toàn, Người cho làm thêm một lán nhỏ ở Khuổi Nậm, cách đó không xa, nơi có mái núi đá để có thể phòng tránh khi có động. Trong bộ đồ chàm, quần xắn cao, Bác cùng mấy anh em phục vụ kiếm củi, hái rau rừng, trồng rau, trồng hoa bên bờ suối.
Trong hang có khối thạch nhũ cao quá đầu người, Bác dùng dao đẽo gọt tạo dáng hình người. Bác bảo đây là tượng Các Mác. Suối Giàng được Bác đổi tên thành suối Lê-nin. Ở hang Pác Bó hay lán Khuổi Nậm, ở khu rừng Lam Sơn, Nguyên Bình hay về Pác Tẻng, ở đâu Bác cũng tạo nên cuộc sống ung dung, bình thản, vượt qua mọi gian nan, thiếu thốn. Vừa làm việc, vừa dịch sách, viết báo, làm thơ. Tại lán Khuổi Nậm, Bác đã triệu tập Hội nghị Trung ương Tám thành lập Mặt trận Việt Minh, ra báo Việt Nam độc lập, huấn luyện cán bộ...
Cách mạng phát triển, thời cơ đã đến Bác chuyển về lán Nà Lừa, lấy Tân Trào làm căn cứ triệu tập Quốc dân Ðại hội, phát lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền cả nước. Cách mạng Tháng Tám thành công Bác về ngôi nhà số 48, Hàng Ngang, Hà Nội viết bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lúc này đất nước khó khăn trăm bề, thù trong, giặc ngoài, thế nước "ngàn cân treo sợi tóc". Bác luôn phải di chuyển chỗ ở để tránh nguy hiểm. Khi Bác ở số 8 Lê Thái Tổ, khi ở Bắc Bộ phủ, lúc ở Quần Ngựa, lúc về Bưởi...
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Bác về Vạn Phúc, Hà Ðông, với ngọn đèn dầu leo lét, cái bút sắt, cái bàn gỗ cũ, đêm 18-12-1946 Bác Hồ đã viết "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến". 18 giờ 45 phút ngày 19-12-1946, Bác Hồ và anh em giúp việc rời làng Vạn Phúc, mang ba-lô lên Xuyên Dương, Cần Kiệm, Sài Sơn, rồi từ Sài Sơn, Hà Tây lên chiến khu Việt Bắc để cùng toàn dân, toàn quân tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong thời gian này Bác đã di chuyển nơi ở và làm việc hơn 30 địa điểm trên địa bàn các tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn... Ðến những địa điểm mới, anh em lại làm cho Bác một cái lán tranh xinh xinh dưới tán cây cao, gần sông hoặc gần suối như nguyện vọng của Bác.
Kháng chiến thắng lợi, Bác về thủ đô Hà Nội. Lúc này Trung ương định bố trí cho Bác về ở ngôi nhà Phủ Toàn quyền Ðông Dương cũ. Bác không đồng ý, Bác bảo, Bác chứ không phải là viên toàn quyền, không phải vua, Chủ tịch một nước nghèo, chưa có quyền hưởng thụ quá mức trung bình của người dân.
Bác quyết định chọn cho mình ngôi nhà của người thợ điện ngày trước, một ngôi nhà bình dị như bao ngôi nhà khác, mái ngói, nền đất, rộng chừng 12m2, Bác chỉ ở một phòng trong bốn phòng, nhưng lại được gần với anh em phục vụ, trong không khí ấm cúng gia đình. Trong phòng Bác chỉ có một giường, một bàn, một ghế, một tủ nhỏ đựng quần áo. Mùa nắng ngôi nhà rất nóng. Mùa đông thường thiếu ánh sáng phải dùng đèn. Bác ở trong ngôi nhà này bốn năm cho đến ngày 17-5-1958.
Ngày 18-5-1958, Bác chuyển sang ở ngôi Nhà sàn - ngôi nhà sau này trở thành huyền thoại trong lịch sử và truyền thống văn hóa của dân tộc ta. Ngôi nhà do kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh, Viện trưởng Viện Thiết kế kiến trúc thiết kế, Cục doanh trại, Tổng cục Hậu cần Quân đội thi công. Ngày hoàn thành Bác xem và bảo, nhà làm thoáng, đẹp, hợp lý. Bác nói: "Nước ta còn nghèo, dân ta còn khổ, nhiều người chưa đủ chỗ ở. Bác ở thế này là tốt lắm rồi".
Ngôi nhà vừa là nơi Bác ở, làm việc, tiếp khách. Ðồ dùng trong phòng rất giản dị, tiện lợi. Bác không muốn sống xa cách cuộc sống của nhân dân. Ðúng như lời ông Sarasimha Rao, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Ðộ: "Ngôi Nhà sàn giản dị này là biểu tượng của sự đồng nhất của Cụ Hồ với đồng bào mình".
Những nơi ở của Bác từ Pác Bó đến Phủ Chủ tịch là một phần trong cuộc sống đời thường vô cùng giản dị, trong sáng của Bác Hồ kính yêu.