Năm 2014, mặc dù hoạt động ngân hàng toàn quốc nói chung, tỉnh Thái Bình nói riêng gặp nhiều khó khăn do kinh tế phục hồi chậm, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp... song bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, của Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh, ngành Ngân hàng Thái Bình đã phấn đấu đạt được kết quả khá cao và toàn diện, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội.
Với phương châm đa dạng hóa các loại hình hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ nền kinh tế và nhân dân, đến nay trên địa bàn tỉnh ngoài Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng còn có 18 ngân hàng hoạt động (Ngân hàng Phát triển, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Hợp tác xã cùng 15 ngân hàng thương mại) và 85 quỹ tín dụng nhân dân; các tổ chức tín dụng thành lập 9 chi nhánh loại 3, 79 phòng giao dịch, 9 quỹ tiết kiệm, 48 quỹ tín dụng nhân dân mở rộng địa bàn sang 72 xã liền kề và 285 điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tại các xã, phường, thị trấn.
Với mạng lưới rộng khắp, hệ thống ngân hàng Thái Bình cơ bản đáp ứng nhu cầu dịch vụ, tiện ích, phục vụ sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Nguồn vốn hoạt động toàn ngành cuối năm 2014 đạt gần 27.000 tỷ đồng, tăng 23,4% so với cuối năm 2013. Dư nợ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đạt trên 37.000 tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2013; trong đó dư nợ cho vay đầu tư phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới đạt trên 12.000 tỷ đồng, giúp 220.000 doanh nghiệp, cá nhân, hộ sản xuất vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh và xây dựng nông thôn mới, cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên 2.000 tỷ đồng, chiếm 7,2% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn.
Thực hiện Nghị quyết số 01 của Chính phủ, Chỉ thị số 01 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngay từ đầu năm, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã tập trung mở rộng đầu tư đi đôi với tăng cường quản lý chất lượng tín dụng, tích cực triển khai các chương trình tín dụng như cho vay thí điểm sản xuất nông nghiệp, cho vay hỗ trợ nhà ở, ưu tiên vốn cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên, cho vay xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Toàn ngành tiếp tục giảm lãi suất cho vay với mức giảm khoảng 2,5%/năm so với cuối năm 2013; điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho khoảng 315 khách hàng, gia hạn nợ cho trên 5.000 khách hàng với tổng dư nợ được điều chỉnh, gia hạn nợ 190 tỷ đồng; miễn giảm 32 tỷ đồng lãi tiền vay, từ đó giúp khách hàng vay vốn tháo gỡ khó khăn về tài chính, duy trì sản xuất, kinh doanh. Công tác thanh toán trong toàn ngành tiếp tục phát triển, thường xuyên đổi mới cơ sở vật chất, áp dụng công nghệ, phát triển dịch vụ ngân hàng hiện đại.
Năm 2014, doanh số thanh toán qua ngân hàng đạt khoảng 372.000 tỷ đồng, tăng 8,8% so với năm 2013, trong đó thanh toán không dùng tiền mặt chiếm 73,5% tổng doanh số thanh toán; các ngân hàng đã mở trên 490.000 tài khoản thanh toán cho các tổ chức, cá nhân, phát hành gần 530.000 thẻ thanh toán các loại, lắp đặt 125 máy ATM, 160 thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ phục vụ các nhu cầu gửi tiền, rút tiền và thanh toán của nhân dân, thực hiện trả lương qua tài khoản cho gần 1.420 cơ quan hành chính, sự nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với trên 102.000 người nhận lương qua tài khoản. Doanh số thanh toán xuất nhập khẩu qua ngân hàng đạt trên 470 triệu USD; doanh số mua, bán ngoại tệ đạt 875 triệu USD; chi trả kiều hối đạt 75,8 triệu USD. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã thực hiện xác nhận đăng ký vay trả nợ nước ngoài trung, dài hạn cho 4 doanh nghiệp, giá trị vay vốn khoảng 108 tỷ đồng.
Công tác tiền tệ kho quỹ, thanh tra, kiểm tra, giám sát cũng được toàn ngành chú trọng. Năm 2014 đã thực hiện 44 cuộc thanh tra, đưa ra gần 1.000 kiến nghị yêu cầu các tổ chức tín dụng chỉnh sửa, khắc phục. Ngoài ra, ngành Ngân hàng Thái Bình còn tổ chức nhiều hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho khách hàng vay vốn, đồng thời kiến nghị các cấp, các ngành tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả; chủ động cung cấp kịp thời thông tin, tài liệu về cơ chế, chính sách và tình hình hoạt động ngân hàng cho Ðoàn đại biểu Quốc hội và HÐND tỉnh, thường xuyên tham gia hoạt động tiếp xúc cử tri của Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh để nắm bắt trực tiếp, báo cáo, giải trình các nội dung đang được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm; tổ chức ký kết chương trình phối hợp công tác với Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ tỉnh theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chủ động thông tin cơ chế, chính sách mới tới các tổ chức và nhân dân, tạo sự đồng thuận cao của xã hội đối với hoạt động ngân hàng.
Không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, công tác an sinh xã hội cũng được ngành Ngân hàng Thái Bình đặc biệt quan tâm. Năm 2014, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã vận động tài trợ khoảng 59,7 tỷ đồng ủng hộ xây dựng trường học, trạm y tế, nhà tình nghĩa, các công trình, thiết bị phúc lợi công cộng trong tỉnh... Những hỗ trợ tích cực của ngành Ngân hàng đã góp phần quan trọng vào quá trình thực hiện các chương trình giảm nghèo, giúp đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn: kinh tế phục hồi chậm, hầu hết các doanh nghiệp trong tỉnh quy mô nhỏ, năng lực tài chính chưa cao, một số dự án triển khai chậm, chưa hội đủ các điều kiện vay vốn ngân hàng, kết quả xử lý nợ xấu, nợ tồn đọng có tiến triển nhưng còn chậm, việc đầu tư lắp đặt hệ thống máy ATM về khu vực nông thôn còn ít...
Bước sang năm 2015, ngành Ngân hàng đề ra mục tiêu phấn đấu: nguồn vốn tăng từ 18 - 20%, dư nợ tăng từ 13% - 15%, nợ xấu dưới 3% tổng dư nợ; doanh số thanh toán tăng 20% trở lên so năm 2014. Ðể đạt được mục tiêu trên, ngành Ngân hàng Thái Bình tiếp tục bám sát định hướng và chỉ đạo của ngành, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để triển khai thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, đồng thời đơn giản hóa các thủ tục, đổi mới tác phong, lề lối làm việc..., tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng đến giao dịch, góp phần nâng cao uy tín ngân hàng trên địa bàn; động viên cán bộ, công chức, viên chức thi đua hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Đinh Ngọc Thạch - Giám đốc
NHNN - Chi nhánh Thái Bình