11.07.2018 07:00

Bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ với các địa phương và phiên họp thường kỳ tháng 6/2018, Chính phủ yêu cầu các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp chặt chẽ, điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách, bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế

Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình sản xuất kinh doanh, tăng trưởng của ngành, lĩnh vực, sản phẩm thuộc phạm vi quản lý, chủ động điều hành, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng theo kịch bản đề ra; đồng thời rà soát, xác định động lực tăng trưởng mới trong thời gian tới.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả tăng trưởng của ngành, lĩnh vực, địa phương phụ trách theo kế hoạch; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và cơ cấu lại từng ngành, từng lĩnh vực, bảo đảm phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật các kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm 2018 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, có tính đến các diễn biến mới trên thị trường quốc tế về giá cả hàng hóa, chu chuyển thương mại, đầu tư, tài chính. Tổ chức thanh tra, kiểm tra thực tế, làm rõ nguyên nhân giải ngân chậm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh, thu hồi kế hoạch đầu tư công đã giao cho bộ, ngành trung ương và địa phương nhưng không giải ngân. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tiến độ hoàn thiện các thủ tục đầu tư, đấu thầu, xây dựng, thanh quyết toán các dự án đầu tư công.

Nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được coi là nhiệm vụ chính trị quan trọng của bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu. Bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành khẩn trương ban hành theo thẩm quyền hoặc trình ban hành các văn bản về cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và thủ tục kiểm tra chuyên ngành; 50% điều kiện đầu tư kinh doanh trước ngày 15/8/2018. Kiên quyết không làm phát sinh những điều kiện kinh doanh mới trong thể chế chính sách, pháp luật mới ban hành. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành, công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, giảm tối đa chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Triển khai đồng bộ các giải pháp ổn định thị trường ngoại tệ

Tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác; triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý ngoại hối, ổn định thị trường ngoại tệ; xây dựng kịch bản điều hành tỷ giá hạn chế tác động tiêu cực của những biến động kinh tế, tài chính thế giới; chủ động công tác truyền thông để không gây tâm lý kỳ vọng lạm phát, bất ổn trên thị trường ngoại hối.

Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống.

Đối với Bộ Tài chính, Chính phủ yêu cầu kiểm soát chặt chẽ nợ công; phấn đấu tăng thu nội địa và xuất nhập khẩu, quyết tâm hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách nhà nước; điều hành chi chặt chẽ, triệt để tiết kiệm; chấn chỉnh việc chi ngân sách lãng phí, nhất là chi đi công tác nước ngoài của các địa phương. Tiếp tục cắt giảm thời gian và chi phí trong thực hiện các thủ tục hành chính về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội.

Chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển ổn định, hiệu quả thị trường chứng khoán. Theo dõi sát diễn biến thị trường, rà soát lại kế hoạch điều chỉnh giá hàng hóa cơ bản và dịch vụ công trên cơ sở các kịch bản mới về lạm phát, đề xuất kịch bản điều hành giá chung phù hợp.

Các bộ quản lý chuyên ngành tiếp tục chủ động tăng cường công tác dự báo, bám sát diễn biến giá cả thị trường, đề xuất kịch bản điều hành giá chi tiết đối với từng mặt hàng cụ thể, điều hành giá theo kịch bản đã đề ra, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng.

Bộ Công Thương chỉ đạo cơ cấu lại sản xuất công nghiệp theo hướng tăng hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng và nội địa hóa trong sản phẩm; kiểm tra, đôn đốc kế hoạch sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty; quy hoạch dự trữ khoáng sản, làm cơ sở huy động nguồn lực phát triển; khẩn trương rà soát quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, trong đó có điều chỉnh các dự án điện tái tạo phù hợp với tình hình thực tế; chuẩn bị phương án xây dựng Quy hoạch điện VIII. Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá toàn diện tác động của chính sách bảo hộ thương mại của các nước để chủ động giải pháp ứng phó.

 

Thời Báo Ngân Hàng

Các tin liên quan